JOHN DEWEY (1859 –1952) In
Thứ năm, 14 Tháng 4 2016 09:50

Bust portrait of John Dewey, facing slightly left

Ảnh từ Internet

JOHN DEWEV (20/10/1859 – 1/6/1952), triết gia, nhà tâm lý học, nhà giáo dục người Mỹ. Ra đời tại Burlington, Vermont. Dewey lấy bằng cử nhân của đại học Vermont năm 1879 và bằng tiến sĩ của đại học Hopkins năm 1884. Sự nghiệp và ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục của Dewey bắt đầu tại đại học Michigan, nơi ông giảng dạy từ năm 1884 đến 1888. Năm 1888 - 1889, Dewey giảng dạy tại đại học Minnesota, rồi quay về lại đại học Michigan từ 1889 đến 1894. Ông tiếp tục sự nghiệp tại đại học Chicago từ 1894 đến 1904 và tại đại học Columbia từ 1904 cho đến khi về hưu với tư cách giáo sư danh dự năm 1931.

Ban đầu, ông là một người theo triết học Hegel nhưng sớm chuyển sang chủ nghĩa thực dụng. Phù hợp với các lý thuyết thực dụng, ông thường có quan hệ tới một loạt những hoạt động thực tiễn chẳng hạn với các nhóm khoa học, các nhóm chính trị và tham gia vào việc thành lập các nhà trường kiểu mới. Ông thường tìm cách truyền bá ý tưởng của mình tới một cử tọa rộng lớn hơn và đã viết hàng loạt bài báo và nhiều cuốn sách đặc sắc. Sự quan tâm đến giáo dục của Dewey bắt đầu vào những năm ông giảng dạy tại Michigan. Ông nhận thấy hầu hết các trường học đều đi theo những đường hướng được thiết định bởi những truyền thống cũ kỹ và không biết điều chỉnh theo những khám phá mới nhất của tâm lý học trẻ em và theo những nhu cầu của một trật tự xã hội dân chủ đang thay đổi. Việc tìm kiếm một triết lý giáo dục để có thể sửa chữa những khiếm khuyết ấy trở thành mối bận tâm chính đối với Dewey và là một chiều kích mới thêm vào tư duy của ông.

Khi cuốn Lịch sử triết học Tây phương của Bertrand Russell được xuất bản vào năm 1946, chỉ có một triết gia còn sống được dành cho một chương, đó là John Dewey. Lượng sách ông viết ra quá lớn đến nỗi việc chọn lựa trở nên khó khăn. Tuy nhiên, có thể cuốn biểu hiện tập trung nhất những ý tưởng trung tâm của ông là Lôgic học: Lý thuyết thẩm tra (1938), cuốn sách được nhiều người ưa chuộng nhất của ông là Tái xây dựng trong triết học (1920) và cuốn gây được ảnh hưởng nhất của ông là Học đường và xã hột (1899).

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Có thể thấy trong tác phẩm Dân chủ và giáo dục (1916), Dewey muốn ngay lập tức tổng hợp chỉ trích và triển khai các triết thuyết giáo dục dân chủ và dân chủ nguyên thủy của Rousseau và Plato. Ông nhận thấy, triết học Rousseau quá chú trọng đến cá nhân và triết học Plato quá chú trọng xã hội trong đó cá nhân sinh hoạt. Theo Dewey, có thể nói sự phân biệt này là giả mạo; giống như Vygotsky, ông quan niệm trí tuệ và sự hình thành của nó là một tiến trình chung. Vì thế cá nhân chỉ là một khái niệm có ý nghĩa khi được xem như một phần không thể tách rời của xã hội của anh ta, và xã hội không có ý nghĩa gì ngoài sự hiện thực hóa của nó trong cuộc sống của các thành viên. Tuy nhiên, sau này Dewey thừa nhận tầm quan trọng của kinh nghiệm chủ quan của con người cá thể trong việc giới thiệu những ý tưởng mới lạ.

Đối với Dewey, điều quan trọng sống còn là giáo dục không phải là truyền dạy những sự kiện đã chết, mà là những kỹ năng và kiến thức mà sinh viên tiếp nhận được hòa trộn hoàn toàn vào đời sống của họ với tư cách một công dân và một con người. Tại Trường Sư phạm Thực hành do Deweỵ và Alice vợ ông quản lý, trẻ em được học nhiều về hóa học, vật lý và sinh vật học cơ bản bằng cách xem xét những tiến trình tự nhiên xảy ra trong khi nấu bữa điểm tâm - một hoạt động mà bọn trẻ tiến hành trong lớp học của chúng. Yếu tố thực hành này - học bằng cách làm - bắt nguồn từ sự tán thành trường phái triết học thực dụng.

Những ý tưởng của ông chưa được nhiều người biết, chưa bao giờ hoà nhập sâu rộng vào sự thực hành của các trường công ở Mỹ. Nền giáo dục tiến bộ (vừa được Dewey tán thành, vừa ở trong những hình thái thường tình và lạc hậu hơn bị Dewey chỉ trích) chủ yếu bị loại bỏ trong Chiến tranh lạnh, khi sự quan tâm mạnh hơn trong giáo dục đang tạo ra và duy trì một tầng lớp ưu tuyển về khoa học và công nghệ cho những mục đích quân sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh, nền giáo dục tiến bộ đã trở lại trong nhiều nhóm cải cách học đường và lý thuyết giáo dục với tư cách một lĩnh vực tìm kiếm triển vọng.

DEWEY VÀ NỀN GIÁO DỤC TIẾN BỘ

Ý tưởng cơ bản nhất của Dewey về giáo dục là cần phải chú trọng hơn nữa việc mở rộng tri thức và phát triển những kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phê phán, thay vì chỉ tập trung cho việc học thuộc lòng. Mặc dù các lý thuyết giáo dục của Dewey nhận được sự hưởng ứng rộng rãi lúc ông đang còn sống và sau khi ông qua đời, nhưng quá trình thực hiện của chúng cũng gặp rất nhiều trở ngại. Các trước tác của Dewey có thể khó đọc và khuynh hướng sử dụng nhưng từ ngữ cổ để diễn đạt những lý giải mới cực kỳ phức tạp về chúng khiến ông rất hay bị hiểu lầm. Vì thế, mặc dù ông vẫn là một trong những trí thức bình dân vĩ đại của nước Mỹ, giới bình dân hoàn toàn không theo kịp đường hướng tư tưởng của ông, ngay cả khi tưởng là theo kịp. Nhiều người hăng hái tán thành nhưng gì họ nghĩ là giáo huấn của Dewey, nhưng kỳ thực không phải thư thế. Thỉnh thoảng, Dewey tìm cách hiệu chỉnh kiểu hăng hái lầm lạc này, nhưng rất ít thành công. Đồng thời, những lý thuyết giáo dục tiên tiến khác, thường chịu ảnh hưởng của Dewey nhưng không trực tiếp xuất phát từ ông, cũng trở nên ngày càng phổ biến và nền giáo dục tiến bộ ngày càng bao hàm nhiều lý thuyết và thực hành tương phản như, như sử gia Herbert Kliebard ghi nhận.

Mọi người thường nghĩ rằng, nền giáo dục tiến bộ ''không khả thi''; dù cái nhận này có được biện minh hay không còn tùy thuộc vào định nghĩa của họ về ''tiến bộ'' và ''không khả thi''. Nhiều phiên bản của những nền giáo dục tiến bộ thành công trong việc chuyển bối cảnh giáo dục; đâu đâu cũng vang lên những lời khuyên bảo, dạy dỗ là nhờ giai đoạn tiến bộ này. Tuy nhiên, những phiên bản cực đoan về thuyết tiến bộ giáo dục hầu như không được thử nghiệm, thường lộn xộn và chỉ tồn tại một thời gian ngắn.

CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG CỦA DEWEY

Dewey là nhà thực dụng thế hệ thứ hai, sau Charles Sanders Peirce và William James. Ông gần như không chủ trương đa nguyên hay tương đối luận như James. Ông cho rằng, giá trị là một hoạt động không phải của ý muốn bất thường cũng không phải thuần túy của cấu trúc xã hội, mà là một phẩm tính vốn có trong các biến cố: “bản thân tự nhiên là nuối tiếc và cảm động, là hỗn loạn và đam mê'' (Kinh nghiệm và tự nhiên).

Khác với James, ông còn cho rằng, sự thực nghiệm (về mặt xã hội, công nghệ, triết học) có thể được sử dụng như người phán xét chân lý khó lay chuyển. Ví dụ, James cảm thấy rằng, đối với nhiều người thiếu ''niềm tin lớn'' vào các ý niệm tôn giáo, cuộc sống của họ nông cạn và chẳng thú vị gì, và rằng, mặc dù không một niềm tin tôn giáo nào có thể tự chứng minh là niềm tin đúng đắn, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về bước nhảy tín ngưỡng và mạo hiểm vào thuyết hữu thần, thuyết vô thần, nhất nguyên luận, v.v. Dewey, trái lại, mặc dù coi trọng vai trò của các thiết chế và sự hành trì tôn giáo trong đời sống con người, vẫn phản bác niềm tin dưới bất kỳ lý tưởng tĩnh tại nào, như một Thượng Đế thần linh. Đối với Dewey, Thượng Đế là phương pháp của trí thông minh trong đời sống con người: tức là khoa học truy tìm triệt để.

Về sự tái xuất hiện của triết lý tiến bộ về giáo dục, những đóng góp của Dewey cho triết học (suy cho cùng, ông là triết gia chuyên nghiệp nhiều hơn là nhà tư tưởng về giáo dục) cũng tái xuất hiện bằng sự đánh giá lại chủ nghĩa thực dụng thời hậu Chiến tranh lạnh của các nhà tư tưởng như W. V. Quyne và Richard Rorty. Vì thế giới quan và tri thức hướng về tiến trình và mang nặng tính xã hội của ông mà đôi khi ông được coi là sẵn sàng chọn lựa giữa hai phương pháp tư tưởng hiện đại và hậu hiện đại. Gần đây, những người ủng hộ mạnh mẽ Dewey (như Rorty) không phải lúc nào cũng trung thành với cái nhìn ban đầu của Dewey, nhưng bản thân điều này cũng hoàn toàn phù hợp với cách nhìn nhận của các triết gia khác và theo Dewey với triết học của riêng ông, những học thuyết của quá khứ phải được tái cấu trúc để hữu ích trong thời hiện tại.

TRIẾT HỌC CỦA DEWEY

Dewey rời Michigan năm 1984 để trở thành giáo sư triết học và chủ nhiệm phân khoa triết học, tâm lý học và giáo dục học tại đại học Chicago. Những thành tựu của Dewey ở đây đem đến cho ông danh tiếng quốc tế. Ảnh hưởng ngày càng tăng của sinh học và tâm lý học tiến hóa lên tư duy của ông khiến ông từ bỏ triết học Hegel - triết học xem ý tưởng phần nào đó phản chiếu trật tự hợp lý của vũ trụ. Thay vào đó, ông tiếp nhận thuyết công cụ về tri thức - thuyết coi cái ý tưởng như những công cụ hay dụng cụ trong việc giải quyết các vấn đề trong thế giới tự nhiên. Tự nhiên, như được khám phá trong thực nghiệm khoa học và kinh nghiệm thông thường, là thực tại tối hậu và con người là sản phẩm của tự nhiên tìm thấy ý nghĩa và cứu cánh của nó trong cuộc sống ở đây và bây giờ.

Từ những lý thuyết này, ông và các đồng nghiệp trong phân khoa triết tiến hành các chương trình nghiên cứu và một trường phái triết học riêng biệt đã đi vào hoạt động. Năm 1903, Wiiliam James nồng nhiệt chào mừng sự kiện này khi ông được đọc tập khảo luận của Dewey và các trợ giảng của Dewey, Các khảo cứu trong lý thuyết lôgic, bằng lời tuyên bố ''một trường phái triết học mới – trong phái Chicago - đã chính thức ra đời”.

Định hướng triết học của Dewey được coi là một hình thức chủ nghĩa thực dụng; mặc dù bản thân Dewey dường như thích thuật ngữ ''chủ nghĩa công cụ'' hoặc ''chủ nghĩa thực nghiệm'' hơn. Tác phẩm Những nguyên lý của tâm lý học của William James đã sớm buộc Dewey phải suy nghĩ lại về lôgic học và đạo đức học bằng cách hướng ông đến với chức năng thực hành của các y tướng và khái niệm. Nhưng Dewey và trường phái Chicago của các nhà thực dụng còn đi xa hơn James ở chỗ, họ coi các ý tưởng như những dụng cụ để biến sự băn khoăn vì những vấn đề thành sự thỏa mãn vì tìm ra biện pháp hay làm sáng tỏ vấn đề.

Phương thức tìm kiếm ưa thích của Dewey là nghiên cứu khoa học; ông nghĩ những phương pháp thực nghiệm của khoa học hiện đại tiếp cận tốt nhất với những vấn đề xã hội, đạo đức, hay khoa học. Ông bác bỏ ý tưởng về một quy luật đạo đức bất biến xuất phát từ sự chú tâm đến yếu tính con người, bởi vì một phương pháp triết lý truyền thống như vậy phủ định triển vọng tiềm tàng của những phương pháp thực nghiệm và khoa học mới mẻ hơn.

Dewey triển khai từ những quan niệm này một cơ sở triết học cho dân chủ và tự do. Ông quan niệm, dân chủ không chỉ là một hình thái chính quyền, mà đúng hơn là một phương thức liên kết đem tới cho các thành viên trong xã hội cơ hội thực nghiệm và tăng tiến cá nhân tối đa. Theo Dewey, xã hội lý tưởng là một xã hội cung ứng những điều kiện để mở rộng không ngừng kinh nghiệm của mọi thành viên của nó. Những đóng góp của Dewey cho tâm lý học cũng rất xứng đáng. Nhiều bài viết của ông đến nay vẫn được coi là kinh điển trong văn chương tâm lý học và bảo đảm cho ông một vị trí trong lịch sử của ngành tâm lý học. Quan trọng nhất là khảo luận Khái niệm hình cung phản xạ trong tâm lý học, thường được ghi nhận như là sự khởi đầu của ngành tâm lý học chức năng.

Hoạt động của Dewey trong triết học và tâm lý học tập trung phân lớn vào mối quan tâm chính của ông, cải cách giáo dục. Trong khi diễn giải những tiêu chí và mục tiêu giáo dục, ông dựa chủ yếu vào những hiểu biết sâu sắc về học tập do tâm lý học hiện đại đề nghị áp dụng cho trẻ em. Ông xem tư duy và học tập là tiến trình tìm kiếm bắt đầu từ sự hoài nghi hay bất xác và được khích lệ bởi khát vọng muốn giải quyết những va chạm trong thực tế hay để giảm bớt băn khoăn, căng thẳng.

Các trước tác của Dewey, đáng chú ý là Học đường và xã hội (1899) và Trẻ em và Chương trình học (1902), trình bày và biện hộ cho những cái sẽ vẫn còn là những nguyên lý chủ yếu của triết lý giáo dục do ông khởi phát. Theo những nguyên lý này, tiến trình giáo dục phải bắt đầu bằng và xây dựng trên những lợi ích của trẻ em; rằng, nó phải cung cấp cơ hội cho sự tương tác về tư duy và hành vi thực tiễn trong lớp học của trẻ em; rằng, thầy giáo phải là người hướng dẫn và người cộng tác với học sinh, thay vì là người đốc công thường xuyên đưa ra một đống bài học và bài đọc thuộc lòng có sẵn; và rằng, mục tiêu của trường học là sự trưởng thành của trẻ em trên mọi phương diện.

Một trong những kết quả của những nỗ lực hành chính của Dewey là sự hình thành phân khoa giáo dục học độc lập của Trường Sư phạm Thực hành thuộc đại học Chicago, nơi các lý thuyết và thực nghiệm giáo dục do tâm lý học và triết học đề xuất có thể được thử thách. Trường Sư phạm Thực hành thu hút sự chú ý rộng rãi và nâng cao danh tiếng cho đại học Chicago như một trung tâm đầu tiên của tư tưởng giáo dục tiến bộ. Dewey làm hiệu trưởng trường này từ răm 1896 đến năm 1904. Những ý tưởng và đề xuất của Dewey tác động mạnh mẽ đến lý thuyết và thực hành giáo dục ở Hoa Kỳ. Mọi khía cạnh trong những quan điểm của ông đều dược ''phong trào tiến bộ'' trong ngành giáo dục hưởng ứng, theo đó nhà trường lấy học sinh làm trung tâm thay vì lấy môn học làm trung tâm; giáo dục thông qua hoạt động thay vì thông qua tri thức giáo khoa (formal leaming); phòng thí nghiệm, hội thảo, hay giáo dục hướng nghiệp (occupational education) thay vì thông thạo các môn học truyền thống. Nhưng mặc dù niềm tin của Dewey vào giáo dục tiến bộ không bao giờ dao động, ông cũng đã đi đến chỗ nhận thức rằng, nhiệt tâm của các môn đệ ông đã đưa một số sai lầm và thái quá vào chủ trương giáo dục tiến bộ. Thật vậy, trong Kinh nghiệm và giáo dục (1938), ông chỉ trích gay gắt những nhà giáo dục chỉ tìm cách lôi cuốn và làm vui lòng học sinh, coi thường tư tưởng Phổ quát, ủng hộ hoạt động đơn thuần của học sinh, bằng lòng với việc dạy nghề đơn thuần.

Trong hai thập kỷ cuối cùng của đời mình, triết học giáo dục của Dewey là mục tiêu công kích của nhiều người. Những thực nghiệm giáo dục tiến bộ ba lên án vì làm sụp đổ một số hệ thống học đường ở Hoa Kỳ (nơi dạy học sinh đầy đủ về các môn học khai phóng) và vì sự thờ ơ của học sinh với các môn cơ bản như toán học và khoa học. Hơn nữa, các nhà phê bình còn đổ lỗi cho Dewey và những tư tưởng tiến bộ của ông vì điều mà họ cho là không coi trọng vấn đề kỷ luật trong học đường.

NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH

Psychologgy (1887; Tâm lý học)

The School and Society (1899; Học đường và xã hội)

Reconstruction (1916; Dân chủ và giáo dục)

Reconstruction in Philosophy (1920; Tái xây dựng trong triết học)

Human Nature and Conduct (1922; Nhân tính và hạnh kiểm)

The Quest for Certainty (1922; Tìm kiếm sự chắc chắn)

Lôgic: The Theory of Inquiry (1938; Lôgic học: Lý thuyết thẩm tra)

Theo trithucbachkhoa.vn