Thông cáo báo chí Hội thảo khoa học “ĐÔNG Á: NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÁO DỤC NGỮ VĂN” In
Thứ năm, 01 Tháng 8 2019 08:13

Thông cáo báo chí Hội thảo khoa học ĐÔNG Á: NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÁO DỤC NGỮ VĂN(Eastern Asia: Issues on Literary Research and Education)

Trong thời đại toàn cầu hóa, không ai có thể phủ nhận những lợi ích trước mắt và lâu dài của hoạt động giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục, nghiên cứu khoa học. Nhìn bạn bè để thấu suốt bản thân; vươn ra thế giới để gắn bó, trân quý hơn đất nước mình; trải nghiệm văn hóa nhân loại để càng thêm tự hào, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc,… đó chính là chủ trương và đường lối của nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội thảo Quốc tế “Đông Á: những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” được tiến hành cũng với mục đích và kì vọng như thế.

Hội thảo đã nhận được hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh... ở trong nước và nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Á. Đây có thể xem như là một nhịp cầu kết nối tâm huyết, trí tuệ của nhiều cá nhân, đơn vị cho vận hội mới của nền giáo dục nước nhà. Sự gặp gỡ, liên kết trong nỗ lực đổi mới, hiện đại, sánh vai với khu vực và quốc tế đã tạo được dư vang, sự cộng hưởng, sức lan tỏa lớn của Hội thảo.

Chủ đề của Hội thảo đã được tiếp cận, mô tả, phân tích và trao đổi theo nhiều góc độ. Về cơ bản, các báo cáo trong Hội thảo có thể chia làm hai nhóm chuyên đề sau:

1. Nghiên cứu Ngữ văn: Ngôn ngữ và văn học Đông Á trong tiến trình lịch sử; Ngôn ngữ và văn học Đông Á tại những điểm giao thoa; Bản sắc văn học Đông Á; Văn học Phật giáo trong khu vực Đông Á; Những nghiên cứu mới về văn học Việt Nam tại các nước Đông Á; Một số xu hướng nghiên cứu Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á;…

2. Giáo dục Ngữ văn ở nhà trường: Dạy học Ngữ văn ở Việt Nam; Dạy học Ngữ văn ở các nước Đông Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Kinh nghiệm xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa Ngữ văn ở Việt Nam và  các nước Đông Á; Kiểm tra đánh giá trong dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á;…

Những điều cần suy nghĩ, trao đổi tiếp sau Hội thảo liên quan đến hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học Đông Á còn rất nhiều. Trong những hội thảo tới, chúng tôi mong nhận được nhiều bài viết hơn nữa về những vấn đề chưa được đề cập thấu đạt tại Hội thảo lần này.

Hội thảo khoa học “Đông Á: những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” là một hội thảo khoa học, hẳn không chỉ trang trọng, đông vui về phần “hội” mà còn hứa hẹn sôi nổi, thiết thực về phần “thảo”. Hội thảo sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ 30, ngày 03 tháng 8 năm 2019, tại Hội trường B (dãy nhà B, lầu 5), 280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức trân trọng đón tiếp các giáo sư chuyên ngành, các nhà nghiên cứu văn học, giảng viên, giáo viên Ngữ văn ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, các nhà quản lí tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước và quốc tế,… đến tham dự Hội thảo.

BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO