Bàn về vấn đề "Phân loại câu theo mục đích phát ngôn" In
Thứ năm, 06 Tháng 1 2011 09:11

Bàn về vấn đề "Phân loại câu theo mục đích phát ngôn"

PGS.TS.Bùi Mạnh Hùng

 

1. Để thực hiện một mục đích phát ngôn, người ta thường dùng một cấu trúc cú pháp đặc trưng với những phương tiện ngôn ngữ riêng biệt như: tiểu từ, phụ từ, phụ tố, trật tự từ, ngữ điệu, hiện tượng tỉnh lược, v.v. Nghĩa là có một mối tương quan khá đều đặn giữa hình thức của câu và mục đích sử dụng nó. Từ đó hình thành nên khái niệm kiểu câu (sentence type) và những kiểu câu thông dụng nhất thường được nhắc đến là: câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán (x. J. Sadock & A. Zwicky 1990: 155-156).

Tuy nhiên, cũng như mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của kí hiệu ngôn ngữ nói chung, mối quan hệ giữa hình thức của câu với ý nghĩa và mục đích sử dụng của nó không phải là quan hệ một đối một. Trong ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng một hình thức câu được sử dụng nhằm thực hiện nhiều mục đích phát ngôn khác nhau và một mục đích phát ngôn có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức câu khác nhau. Có những trường hợp việc sử dụng một hình thức câu nào đó lại nhằm thực hiện một mục đích phát ngôn vốn thường được thực hiện thông qua một hình thức câu khác. Vì vậy nảy sinh vấn đề: Căn cứ vào đâu để phân loại các kiểu câu? Có 2 cách tiếp cận thường gặp.

Cách 1: Nêu rõ “phân loại câu theo mục đích phát ngôn”, giải thích khái niệm các kiểu câu bằng cách nêu mục đích phát ngôn (công dụng) của câu, rồi sau đó nêu những phương tiện ngôn ngữ cấu tạo các kiểu câu.

Cách 2: Tuyệt nhiên không nói đến “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” và nói rõ là căn cứ vào hình thức của câu để phân loại câu. Còn mục đích phát ngôn (công dụng) của câu chỉ được xét đến sau khi các kiểu câu đã được xác định.

Cách tiếp cận thứ nhất không mấy phổ biến trong các tài liệu ngôn ngữ học châu Âu.(1) Sở dĩ như vậy vì trong nhiều ngôn ngữ biến hình, sự phân biệt các kiểu câu vốn dựa trên cơ sở những phương tiện thuộc phạm trù ngữ pháp “thức” (mood). Tuy nhiên cách xử lí này rất thường gặp trong các tài liệu Việt ngữ học, đến nỗi gần như công trình ngữ pháp nào viết về phần câu tiếng Việt cũng đều có chương/mục “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” (Nguyễn Kim Thản 1963; Hoàng Trọng Phiến 1980; Lê Cận et al 1983; Diệp Quang Ban 1984, 1996; Nguyễn Minh Thuyết 1994; v.v.) (2).

Nếu “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” thì sẽ gặp nhiều vướng mắc về lý thuyết và thực tiễn, thể hiện cụ thể qua những điểm sau đây:

1/. Không giải thích được tại sao chỉ có 3-4 kiểu câu trong khi, như lý thuyết hành động ngôn từ đã nêu rõ, số lượng các mục đích phát ngôn lên đến cỡ trăm (J. Austin 1962).

2/. Kiểu câu không phải khi nào cũng tương ứng với một mục đích phát ngôn nào đó. Tại sao vô số câu thực hiện nhiều mục đích phát ngôn rất khác nhau lại được gọi chung là câu trần thuật? Có phải chỉ có câu cảm thán mới biểu lộ tình cảm, cảm xúc hay không? Có vô số câu nghi vấn như  Mày nói cho cha mày nghe đấy à?; Con có muốn ăn đòn không?; Muốn chết hả?; Ai mà biết được?; Ai ngờ như thế?; Thấy chưa? (Đã bảo rồi mà không chịu nghe); v.v. không bao giờ được dùng để hỏi.

Những cách phân biệt như “câu nghi vấn dùng để hỏi” với “câu nghi vấn dùng để khẳng định”, “câu nghi vấn dùng để phủ định”, v.v. cho thấy cái gọi là “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” mâu thuẫn như thế nào. Một nhận định như  “câu nghi vấn là câu thường dùng để hỏi” có thể coi là hoàn toàn chính xác, nhưng đó không phải là một định nghĩa (vả lại cũng không thể nói rằng mục đích phát ngôn có thể được coi là một tiêu chí xác đáng để phân loại kiểu câu). Một đặc trưng có tính định nghĩa phải là một đặc trưng mà tất cả các đối tượng ứng với định nghĩa đó đều chia sẻ, trừ những ngoại lệ có phạm vi rất xác định và có thể giải thích được.

3/. Trong rất nhiều trường hợp, mục đích phát ngôn chỉ có thể xác định rõ khi đặt câu vào ngữ cảnh. Phân loại các kiểu câu, một vấn đề ngữ pháp, mà dựa vào một tiêu chí có tính dụng học như vậy rõ ràng có một sự lẫn lộn về bình diện phân tích.

Vì vậy, mặc dù gọi “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” và giải thích khái niệm các kiểu câu bằng cách nêu mục đích phát ngôn mà câu thực hiện, trên thực tế các tác giả lại áp dụng một cách mặc ẩn dấu hiệu hình thức để phân loại câu. Cách xử lí đó làm cho việc miêu tả các kiểu câu tiếng Việt rất thiếu sự nhất quán. Điều đáng tiếc hơn là nó khiến cho nhiều người quen nghĩ rằng trong trường hợp này công dụng là một tiêu chí để phân loại câu, một đặc trưng có tính định nghĩa của các kiểu câu. Từ đó hình thành những cách hiểu thường gặp như “câu trần thuật là câu dùng để kể, miêu tả, thông báo”; “câu nghi vấn là câu dùng để hỏi”; “câu cầu khiến là câu dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị”; “câu cảm thán là câu dùng để biểu lộ tình cảm, cảm xúc”.

Trong số các tác giả theo hướng tiếp cận thứ nhất, có một số người trong khi gọi “các kiểu câu phân loại theo mục đích phát ngôn”, cũng có nói rõ đó không phải là một sự phân loại chỉ đơn thuần dựa vào mục đích giao tiếp, mà là sự phân loại kết hợp cả hai mặt mục đích giao tiếp/công dụng và đặc điểm cấu trúc/ngữ pháp (Nguyễn Minh Thuyết 1994: 275; Diệp Quang Ban 1996: 224). Tuy nhiên quan niệm phân loại câu kết hợp cả hai mặt này chỉ thể hiện dưới dạng những nhận định có tính chất khái quát, không áp dụng được trên thực tế, vì không thể vận dụng nhất quán để phân loại một cách hệ thống các kiểu câu khi gặp những câu mà giữa hình thức và công dụng của nó không có sự thống nhất. Có lẽ vì thế mà các tác giả hoặc không đề cập đến những trường hợp này (Nguyễn Minh Thuyết 1994), hoặc xử lí theo tinh thần căn cứ vào các dấu hiệu hình thức một cách mặc ẩn (Diệp Quang Ban 1996).(3)

Cách tiếp cận thứ hai thường gặp trong các công trình nghiên cứu dựa trên cứ liệu các ngôn ngữ châu Âu, nhất là những tài liệu được xuất bản gần đây (J. Lyons 1968; J. Sadock & A. Zwicky 1990; A. Downing & Ph. Locke 1995; D. Biber  et al 1999). Những công trình này đều căn cứ vào hình thức ngữ pháp “thức” để xác định các kiểu câu, rồi sau đó mới đề cập đến mối tương quan giữa các kiểu câu câu với công dụng của nó. Trong việc nghiên cứu tiếng Hán, một ngôn ngữ đơn lập, không biến hình như tiếng Việt, cách tiếp cận này có thể thấy rõ trong công trình của Ch. Li & S. Thompson (1981).

Trong Việt ngữ học, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê không gọi “phân loại câu theo mục đích phát ngôn”, mà là “phân loại câu theo ngữ điệu” (1963: 639 – 640). Có thể coi cách xử lí của hai ông thuộc nhóm thứ hai và trong Việt ngữ học thì đó là một trong số những trường hợp hiếm hoi. Tuy nhiên những phân tích về vấn đề hữu quan của hai tác giả này còn sơ sài và có chỗ thiếu chính xác. Cao Xuân Hạo mặc dù gọi là “phân loại câu theo lực ngôn trung”, nghĩa là không khác “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” là mấy, nhưng tác giả phát biểu một cách hiển ngôn là căn cứ triệt để vào hình thức, chứ không phải vào công dụng, của câu để phân loại câu và cách xử lí thực tế hoàn toàn theo đúng tinh thần của hướng tiếp cận thứ hai (1991: 210 – 230).

Bài viết này thử vận dụng hướng tiếp cận thứ hai. Chúng tôi chọn cách tiếp cận này xuất phát từ chỗ thấy rõ những bất cập trong cách tiếp cận thứ nhất đã nêu ở trên  và từ một giả thiết sẽ được chứng minh trong bài viết này là: mặc dù tiếng Việt không có phạm trù ngữ pháp “thức” và những dấu hiệu hình thức đánh dấu các phạm trù ngữ pháp rất nghèo nàn, nhưng trong cấu trúc cú pháp của câu bao giờ cũng phải có những phương tiện ngôn ngữ (chẳng hạn như một số từ ngữ nào đó) giúp ta quy câu về một kiểu nhất định gắn với một mục đích phát ngôn (lực ngôn trung) điển hình. Đối với một ngôn ngữ đơn lập, không biến hình như tiếng Việt thì việc tìm ra dấu hiệu hình thức trong nhiều phạm trù ngôn ngữ là vấn đề không đơn giản. Nhưng đó là yêu cầu có tính nguyên tắc của ngôn ngữ học. Vấn đề các kiểu câu cũng vậy. Trên tinh thần đó, thay vì gọi đây là các kiểu câu “phân loại theo mục đích phát ngôn”, chúng tôi gọi là các kiểu câu “phân loại theo dấu hiệu hình thức gắn với mục đích phát ngôn điển hình”. Và như vậy, về thực chất, chỉ có tên gọi của các kiểu câu (câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và câu trần thuật) là căn cứ vào mục đích phát ngôn, nói chính xác hơn là mục đích phát ngôn điển hình của câu, mà thôi. (4)

Khi xác định các kiểu câu,  chúng tôi tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau.

1/. Không bao giờ xếp một câu nào đó vào hai kiểu câu khác nhau. Nguyên tắc này không cho phép coi câu phủ định là một kiểu câu cùng cấp độ phân loại với câu trần thuật, câu nghi vấn, v.v.(5)

2/. Mỗi kiểu câu có một hình thức riêng mà những kiểu câu khác không có được. Hình thức riêng này có thể biểu hiện chỉ qua một phương tiện ngôn ngữ mà cũng có thể biểu hiện qua nhiều phương tiện ngôn ngữ cùng một lúc. Nếu một từ ngữ nào đó có thể xuất hiện trong nhiều kiểu câu khác nhau thì đó chắc chắn không phải là căn cứ duy nhất để xác định kiểu câu.(6)

3/. Không coi ngữ điệu là dấu hiệu hình thức đánh dấu các kiểu câu. (7)

4/. Nói phân loại câu dựa vào dấu hiệu hình thức với nghĩa là không căn cứ vào công dụng/chức năng/mục đích phát ngôn của toàn câu, chứ không phải là không xét đến mặt ý nghĩa của những phương tiện được lấy làm căn cứ để phân loại.

Thông thường câu trần thuật được trình bày đầu tiên, sau đó là câu nghi vấn, câu cầu khiến và câu cảm thán. Do đi theo cách tiếp cận từ hình thức, chúng tôi đưa câu nghi vấn lên đầu tiên vì trong tiếng Việt đây là kiểu câu được đánh dấu về hình thức rõ nhất, tiếp theo là câu cầu khiến, câu cảm thán và cuối cùng là câu trần thuật, được hiểu là kiểu câu không đánh dấu (unmarked sentence) (J. Lyons 1968: 307). Có thể hình dung sự phân biệt đó như sau:

câu  đánh   dấu

(marked sentence)

câu không đánh dấu

(unmarked sentence)

 

câu

nghi vấn

câu

cầu khiến

câu

cảm thán

 

câu trần thuật

Xét một cách chặt chẽ thì có thể nói đến một số kiểu câu khác, chẳng hạn như câu gọi đáp (Ê thằng kia!; Này chị!), câu từ-tượng thanh (Keng, keng!; Ùng oàng!), câu chửi tục (Tiên sư nhà mày!). Những câu này phải được tách thành các kiểu riêng vì có dấu hiệu hình thức và công dụng riêng. Song chúng có thể coi là không thuộc vào những kiểu câu cơ bản và sẽ được xét riêng trong một bài viết khác. Sau đây chúng tôi chỉ xét 4 kiểu câu cơ bản và thông dụng nói trên.

2.1. Câu nghi vấn là câu có từ nghi vấn như ai, gì, nào, đâu, mấy, sao, bao giờ, bao lâu, bao nhiêu; à, ư, hả, chăng, chứ, (có)… không, (đã)…chưa, v.v. hoặc từ hay nối các vế có mối quan hệ lựa chọn. (8)

Dĩ nhiên sẽ nảy sinh vấn đề: Có phải câu nào có những từ như trên cũng đều là câu nghi vấn không?

Để giải quyết vấn đề này cần chú ý những phân biệt quan trọng sau đây: (9)

1/. Phân biệt từ nghi vấn và từ phiếm định. Trong tiếng Việt những từ  như ai, gì, nào, đâu, mấy, sao, v.v. có hai chức năng chính: hoạt động vừa với tư cách là từ nghi vấn, vừa với tư cách là từ phiếm định. Sự phân biệt hai chức năng này của nhóm từ trên nhiều khi rất tinh tế. Có lẽ vì vậy mà Cao Xuân Hạo gọi đó là những từ “nghi vấn - bất định” (1999: 1). Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, những dấu hiệu về cấu trúc cú pháp mà các từ này tham gia, những “từ chứng” mà các từ này có thể kết hợp giúp ta phân biệt khá rõ khi nào thì chúng hoạt động như từ nghi vấn và khi nào thì chúng hoạt động như từ phiếm định (Lê Văn Lý 1972: 179; H. Dyvik 1982: 22 – 32; Cao Xuân Hạo 1999: 1 – 8). Về cơ bản, có thể thấy sự phân biệt này được xác lập như sau.

a. Khi ai, gì, nào, đâu, v.v. kết hợp/có khả năng kết hợp với cũng (đứng trước cũng, như: ai cũng, gì cũng, nào cũng, đâu cũng, v.v.) và/hoặc kết hợp/có khả năng kết hợp với bất kỳ/bất cứ (đứng sau bất kỳ/bất cứ, như: bất kỳ ai, bất kỳ cái gì, bất kỳ cái nào, bất kỳ đâu, v.v.) thì chúng được xác định là từ phiếm định.

So sánh:

(Bất kỳ) Ai cũng đọc sách. với Ai đọc sách?

(Bất kỳ) Điều cô ấy cũng biết. với Cô ấy biết điều ?

(Bất kỳ) Nhà nàocũng thích. với Nó thích nhà nào?

(Bất kỳ) Lúc nàocũng cười. với Lúc nào nó cười?

(Bất kỳ) Ai cũng đồng y .                         với         Ai đồng ý?

Anh ấy đi (bất kỳ) đâu cũng được. với        Anh ấy có thể đi đâu?

Nó đến thì (bất kỳ) ai cũng tiếp đón. với        Nó đến thì ai tiếp đón?

Bài này dễ (bất kỳ) ai cũng làm được. với Bài này khó thế ai mà làm được?

Nó có thể làm bất kỳ việc . với        Nó có thể làm việc ?

b. Khi ai, gì, nào, đâu, v.v. kết hợp với từ phủ định như không, chẳng (đứng sau không, chẳng, như: không/chẳng ai, không/chẳng gì, không/chẳng việc/cái nào, không/chẳng đâu, v.v.) và có thể có thêm ca (đứng trước ca, như không/chẳng ai ca, không/chẳng gì cả, không/chẳng việc/cái nào ca, không/chẳng đâu ca, v.v) thì chúng được xác định là từ phiếm định, còn khi những từ này kết hợp với từ phủ định như chẳng, không, chưa, nhưng đứng trước những từ này (như: ai chẳng/không, gì chẳng/không, việc/cái nào chẳng/không, đâu chẳng/không, v.v.) thì chúng được xác định là từ nghi vấn.

So sánh:

Không ai đồng ý (cả) với     Ai không đồng ý?

chẳng thích  cái (cả). với   Cái gì mà nó chẳng thích?

Hắn chẳng đọc cuốn nào (cả). với      Cuốn nào mà hắn chẳng đọc?

Chẳng bao giờ nó làm như vậy (cả). với Bao giờchẳng làm như vậy?

Từ sáng đến giờ, anh chưa ăn (cả). với      Từ sáng đến giờ, anh ăn gì chưa?

c. Khi ai, gì, nào, đâu, v.v nằm trong kết cấu đối ứng như: ai…(người) nấy; gì…(cái) nấy; nào…nấy; đâu…đấy; v.v; chẳng hạn: Ai làm (người) nấy chịu; Gieo thì gặt nấy; Cha nào con nấy; Ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh; v.v. thì chúng được xác định là từ phiếm định.

d. Những hình thức lặp như đâu đâu, gì gì, v.v. không bao giờ là phương tiện đánh dấu câu nghi vấn, ví dụ: Anh ấy chỉ đâu đâu!; Nó nói gì gì đâu!; v.v.

2/. Phân biệt trường hợp từ nghi vấn thuộc về kết cấu làm bổ ngữ trong câu, khi đó câu chứa nó không phải là câu nghi vấn.

So sánh:

Tôi không biết nó ở đâu. với              Nó ở đâu?

Bây giờ khoan hỏi làm thì được cái . với            Làm thì được cái gì?

Anh đoán thử đây là cái. với            Đây là cái gì?

Đếm xem có bao nhiêu cuốn sách. với bao nhiêu cuốn sách?

3/. Từ nghi vấn không, chưa, bao giờ cũng đặt sau vị từ trung tâm, trong khi từ phủ định không, chưa bao giờ cũng đặt trước.

So sánh:

chưa/ không đi. với     đi chưa/không?

Anh ấy chưa / không làm. với   Anh ấy làm chưa / không?

4/. Phân biệt từ hay trong câu nghi vấn và từ hay trong những kiểu câu khác. Như chúng ta đều biết, từ hay không chỉ xuất hiện trong câu nghi vấn mà còn xuất hiện trong các kiểu câu khác, đặc biệt là câu trần thuật. Nhưng từ hay trong câu nghi vấn không thể thay thế bằng từ hoặc.

So sánh:

Nó đi Hà Nội hay/hoặc Hải Phòng. với  Nó đi Hà Nội hay (* hoặc) Hải Phòng?

Anh có thể đi hay/hoặc ở lại (tùy anh). với   Anh có thể đi hay (* hoặc) ở lại?

Do ảnh hưởng của các ngôn ngữ châu Âu, đôi khi trong các văn bản tiếng Việt  xuất hiện kiểu câu nghi vấn như  Tôi có thể trở thành bác sĩ?. Vậy dấu hiệu hình thức của câu nghi vấn này là gì? Kiểu câu này chỉ có hình thức nghi vấn khi được dùng trong văn bản viết (dấu chấm hỏi ở cuối câu) vì người Việt không thể phát âm câu này với một ngữ điệu nào đó riêng để người nghe hiểu đó là câu hỏi. Câu trên có thể viết lại là: Tôi có thể trở thành bác sĩ được không?.

Có tác giả cho từ “còn” ở đầu câu kết hợp với ngữ điệu nghi vấn là dấu hiệu của câu nghi vấn, ví dụ: Còn nguy cơ thứ ba? (Diệp Quang Ban 1996: 234). Chúng tôi cho rằng đây là dạng tỉnh lược của một câu nghi vấn đầy đủ: Còn nguy cơ thứ ba là gì?. Do ngữ cảnh (cuộc đối thoại) mà người nghe hiểu đó là câu nghi vấn (dù phát âm với ngữ điệu nào đi nữa). Nếu đặt trong một ngữ cảnh khác thì nó không còn là câu nghi vấn nữa, ví dụ:

–  Còn nguy cơ nào nữa không?

–  Còn nguy cơ thứ ba.

Ví dụ này cũng cho thấy còn (đứng đầu câu) cũng không phải là dấu hiệu đặc thù của câu nghi vấn.

Có những cấu trúc mà ta chỉ có thể xác định là nghi vấn hay trần thuật khi vận dụng những phép cải biến, thay thế để biết được một từ nào đó trong cấu trúc hoạt động như là từ nghi vấn hay phiếm định, chẳng hạn như: Ông ấy mua mấy con cá. / Ông ấy mua mấy con cá?. Nếu có thể thay mấy bằng một từ chỉ lượng như vài, dăm, v.v., thì câu trên là câu trần thuật, v.v. Tuy nhiên những trường hợp mơ hồ như vậy rất ít khi gặp và dường như ngôn ngữ nào cũng có.

2.2. Câu cầu khiến. Trên nguyên tắc thì câu cầu khiến không nhất thiết phải được xác lập thành một kiểu câu riêng. Mục đích sử dụng cầu khiến có thể đạt được bằng những kiểu câu khác như câu trần thuật hay câu nghi vấn.(10) Tuy nhiên có lẽ do hành động yêu cầu, đề nghị, ra lệnh là hành động thường xuyên và quan trọng đến mức mà dường như  không có ngôn ngữ nào trên thế giới thiếu kiểu câu này (J. Sadock & A. Zwicky 1990). Các ngôn ngữ chỉ khác nhau ở dấu hiệu hình thức thể hiện câu cầu khiến và mức độ rõ rệt của dấu hiệu hình thức đó.

Khác với nhiều ngôn ngữ châu Âu, trong tiếng Việt, dấu hiệu hình thức của câu cầu khiến không được thể hiện rõ. Trong nhiều trường hợp, kiểu câu này dễ lẫn với kiểu câu trần thuật. Đó là lí do mà có tác giả không coi câu cầu khiến là một kiểu câu riêng trong tiếng Việt mà chỉ là một dạng của câu trần thuật (Cao Xuân Hạo 1991:    224). (11)

Câu cầu khiến là câu:

a. Có từ cầu khiến như  hãy / đừng / chớ và chủ thể của hãy / đừng / chớ bao giờ cũng ở ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ nhất số nhiều dạng ngôi gộp (tức là dạng ngôi thứ nhất có gộp cả ngôi thứ hai, chỉ người nghe như: chúng ta, chúng mình, hoặc một tổ hợp từ tương đương như: mẹ con mình, bố con ta, lớp mình, v.v.);

b. Có khả năng thêm từ hãy / đừng / chớ ở những ngôi đã nêu trên.

Nhiều công trình ngữ pháp hiện hành có nêu thêm đặc điểm: có từ cầu khiến như đi / thôi / nào; hoặc ngữ điệu cầu khiến. Theo cách xử lí của chúng tôi thì những dấu hiệu này không cần thiết, vì đặc điểm nêu ở (b) có khả năng giải thích khái quát hơn, áp dụng cho nhiều dạng cấu trúc hơn, trong đó có cấu trúc thường được giải thích dựa vào những dấu hiệu trên. Như vậy những câu sau đây là câu cầu khiến:

Hãy sống lương thiện;

Đừng/ chớ phóng nhanh, vượt ẩu;

Xin đừng đổ rác;

Xin hãy im lặng;

Cho biết châu Mỹ được phát hiện từ bao giờ (® Hãy cho biết châu Mỹ được phát hiện từ bao giờ);

Giải thích tại sao ngữ điệu không có vai trò quan trọng trong việc nhận diện các kiểu câu trong tiếng Việt Hãy giải thích tại sao ngữ điệu không có vai trò quan trọng trong việc nhận diện các kiểu câu trong tiếng Việt);

Đóng cửa (đi/thôi/nào) (® Hãy đóng cửa (đi/thôi/nào);

Nếu chỉ dựa vào những dấu hiệu như thường được nêu trong các sách vở hiện hành thì khó giải quyết được việc phân loại những câu như: Cho biết châu Mỹ được phát hiện từ bao giờ; Giải thích tại sao ngữ điệu không có vai trò quan trọng trong việc nhận diện các kiểu câu trong tiếng Việt. Trong những câu này không hề có bất kì từ nào chỉ xuất hiện riêng trong câu cầu khiến để có thể cho đó là dấu hiệu để nhận diện loại câu này và khó có thể cho rằng  có một ngữ điệu nào đó đặc trưng cho kiểu câu này.(12)

2.3. Câu cảm thán. Cũng như câu cầu khiến, câu cảm thán trong tiếng Việt là kiểu câu không có những dấu hiệu hình thức thật rõ để phân biệt với câu trần thuật. Vì vậy mà nhiều tác giả không tách câu cảm thán thành một kiểu câu riêng (Cao Xuân Hạo 1991: 211).

Trong tiếng Việt có thể coi câu cảm thán là câu có những từ ngữ như ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi; thay, biết bao, xiết bao. Những từ ngữ cảm thán ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, v.v. có thể tự tạo thành một câu đặc biệt mà cũng có thể là một bộ phận biệt lập trong câu và thường đứng ở đầu câu. Còn thay, xiết bao, biết bao, v.v. thì đứng sau những từ ngữ mà nó bổ nghĩa (làm trạng ngữ).

Cần phân biệt biết bao trong câu cảm thán (đứng sau vị từ) và biết bao trong những câu trần thuật bình thường (đứng trước danh từ). Trong trường hợp thứ hai, biết bao có thể thay thế bằng những từ ngữ chỉ lượng như nhiều, rất nhiều.

So sánh:

Đẹp biết bao! với

biết bao người con đã ra trận và mãi mãi không trở về.

2.4. Câu trần thuật. Như đã xác định ở trên, câu trần thuật được coi là kiểu câu không đánh dấu (unmarked sentence). Có thể giải thích một cách đơn giản đó là kiểu câu không có dấu hiệu hình thức của những kiểu câu khác (câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán).(13)

Trong các ngôn ngữ biến đổi hình thái như tiếng Anh, câu trần thuật có động từ ở hình thái thức trần thuật và chủ ngữ đứng trước động từ làm vị ngữ. Những dấu hiệu này đều không áp dụng được cho tiếng Việt, một ngôn ngữ không biến hình và vị trí của hai thành phần chính trong câu là cố định (ngoại trừ một số trường hợp cá biệt,  thành phần thứ hai có thể đảo lên trước, thường có đánh dấu về tu từ). Vì vậy cách xử lí trên đây là cách khả dĩ giúp ta nhận diện câu trần thuật, nếu muốn tiếp cận kiểu câu này bằng con đường hình thức.

3. Từ những trình bày trên đây, có thể thấy rằng việc thay đổi cách gọi tên và quan niệm về tiêu chí phân loại các kiểu câu là cực kỳ cần thiết. Sự thay đổi đó có thể giúp  miêu tả chặt chẽ hơn hệ thống các kiểu câu trong tiếng Việt và đem lại những hiệu quả thiết thực cho việc dạy tiếng và học tiếng.

 

Tài liệu tham khảo

Austin J. L. 1962. How to Do Things with Words. Cambridge: Harvard University Press.

Akademija Nauk  SSSR 1982. Russkaija grammatika (phần viết của I. Kovtunova). Moskva: Nauka.

Bulgarska Akademuija na Haukite 1994. Gramtika na sovremennija Bulgarski knizhoven ezik. Toma 3 (phần viết của R. Nicolova). Sophija: Bulgarskata akademija na naukite.

Biber D. – Johansson St. – Leech G. – Conrad S. – Finegan Ed. 1999. Grammar of  Spoken and Written English. London: Longman.

Bùi Đức Tịnh 1995 (in lần thứ nhất: 1954). Văn phạm Việt Nam. Tp. Hồ Chí Minh: Văn hóa.

Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Cao Xuân Hạo 1999. Nhận định tổng quát, phủ định tổng quát, phủ nhận tính tổng quát của nhận định tổng quát và phủ định tổng quát. Ngôn ngữ, số 8 / 1999.

Diệp Quang Ban 1984. Cấu tạo của câu đơn tiếng Việt. Hà Nội: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Diệp Quang Ban 1996. Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục.

Downing A. – Locke Ph. 1995. A University Course in English Grammar. New York – London – Toronto – Sydney – Tokyo – Singapore: Phoenix ELT.

Dyvik  H. 1982. Interrogatives, Indefinites, and Natural Language Variables – The Syntax and Semantics of “ X – Word” Constructions in Vietnamese. Bergen: University of Bergen.

Gak V. 1986. Teoreticheskaija grammatika franxuzskovo jazyka. Moskva: Vysshaja shkola.

Hoàng Cao Cương 1985. Bước đầu nhận xét về đặc điểm ngữ điệu tiếng Việt (trên cứ liệu thực nghiệm). Ngôn ngữ, số 3/1985.

Hoàng Trọng Phiến 1980. Ngữ pháp tiếng Việt – Câu. Hà Nội: Đại học & Trung học chuyên nghiệp.

Lê Văn Lý 1972 (in lần thứ nhất: 1968). Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục.

Lê Cận – Phan Thiều – Diệp Quang Ban – Hoàng Văn Thung 1983. Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, tập 2 – Cú pháp tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục.

Li Ch. & Thompson S. 1981. Mandarin Chinese – A Functional Reference Grammar. Berkeley – Los Angeles – London: University of  California Press.

Lyons J. 1968. Introduction to Theoretical Linguistics. Cambridge: Cambridge University Press.

Nguyễn Kim Thản 1997 (in lần thứ nhất: 1963). Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Giáo dục.

Nguyễn Minh Thuyết 1996. Ngữ pháp. In: Nguyễn Thiện Giáp (ed.). Dẫn luận ngôn ngữ học. Hà Nội: Giáo dục.

Sadock J. – Zwicky A. 1990. Speech Act Dinstinctions in Syntax. In: Shopen T. (ed.). Language Typology and Syntactic Description. Cambridge - New York: University of Cambridge.

Trương Văn Chình – Nguyễn Hiến Lê 1963. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam. Huế: Đại học Huế.

Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam 1983. Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Vaxil’eva N. 1983. Sintaksis prostogo predlozhenija v sovremennom franxuzskom jazyke. Moskva: Prosveshchenie.

Chú thích

1. Có thể gặp cách xử lí này trong một số tài liệu như của R. Nicolova (1994: 43-78); N. Vaxil’eva (1983: 11-12, 13-19). Trong N. Vaxil’eva (1983), mặc dù có một phần về “các kiểu câu phân loại theo mục đích thông báo”, nhưng tác giả này có những đoạn viết như: hiện nay một số tác giả không chia câu thành 3 kiểu, mà chỉ chia thành 2 kiểu câu theo mục đích thông báo – câu trần thuật và câu nghi vấn, còn câu cầu khiến được coi như là một hình thức cú pháp của kiểu thứ nhất hoặc của kiểu thứ hai (1983: 12). Ta có thể thấy rõ cách xử lí chia câu thành 2 kiểu (câu trần thuật và câu nghi vấn) không còn coi các kiểu câu này được “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” nữa. Một cách xử lí như vậy có thể thấy trong “Ngữ pháp tiếng Nga” của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Trong công trình này, I.  Kovtunova đã chia câu thành 2 kiểu: câu nghi vấn và câu không phải là câu nghi vấn, và căn cứ để phân biệt là những dấu hiệu hình thức (1982: 386 – 402).

2. Dĩ nhiên cách gọi cụ thể có thể khác chút ít, chẳng hạn “câu phân loại theo mục đích nói”, “phân loại câu theo mục đích”, v.v. Lê Văn Lí (1972)  không hề nói “phân loại câu theo mục đích phát ngôn”, còn Bùi Đức Tịnh (1995) thì coi đó là “các thể câu”, nhưng lôgic trình bày của hai tác giả này thể hiện cách tiếp cận không khác mấy so với các tác giả thuộc hướng thứ nhất. Ngữ pháp tiếng Việt (1983) cũng vậy.

3. Diệp Quang Ban  gọi những câu không có sự thống nhất giữa hình thức của kiểu câu với mục đích nói như thế là “câu giả”, “câu lâm thời”. Những thuật ngữ này không được thỏa đáng cho lắm, dễ gây hiểu lầm. Có lẽ tác giả định gọi là “câu nghi vấn giả”, “câu nghi vấn lâm thời”, v.v. Dù gọi như thế nào thì những thuật ngữ này cũng cho thấy cái mà tác giả căn cứ (một cách mặc ẩn) để xác định kiểu câu là hình thức, chứ không phải cả hai phương diện hình thức và công dụng, càng không phải là căn cứ vào “mục đích nói” như tác giả nêu ngay từ tiêu đề của chương hữu quan (Diệp Quang Ban 1996: 224).

4. Ngôn ngữ là một hệ thống - cấu trúc chức năng, vì vậy công dụng/chức năng là một mặt không thể tách rời của câu nói riêng và của tất cả các đơn vị ngôn từ/ngôn ngữ nói chung. Tuy nhiên khi đi tìm những dấu hiệu hình thức của các kiểu câu, chúng tôi cố gắng không viện đến công dụng của nó. Làm như vậy không có nghĩa là chúng tôi gạt bỏ công dụng, chẳng qua chúng tôi chỉ mong làm cho cách tiếp cận được nhất quán, hơn nữa các kiểu câu nói trên có công dụng như thế nào là vấn đề đã được bàn khá kĩ và khá rõ ràng ở hầu hết các công trình ngữ pháp.

5. Lê Văn Lí (1972: 158) và Bùi Đức Tịnh (1995: 376 – 383) xếp câu khẳng định (Bùi Đức Tịnh gọi là câu xác định), câu phủ định cùng cấp độ phân loại với câu nghi vấn, câu cầu khiến (hai ông gọi là câu khuyến lệnh), câu cảm thán (Bùi Đức Tịnh không nói đến câu cảm thán mà chỉ nói đến câu tỏ sự mong ước hay hối tiếc) là do không tuân thủ nguyên tắc này.

6. Do không quán triệt nguyên tắc này nên có tác giả coi những từ như “nhé” là phương tiện cấu tạo câu cầu khiến. Một khi có thể tìm thấy những câu trần thuật như: Bây giờ mình hát cho các bạn nghe nhe! thì “nhé” chắc chắn không phải là dấu hiệu đánh dấu câu cầu khiến.

7. Ngữ điệu trong tiếng Việt không có vai trò rõ nét trong việc phân biệt các kiểu câu. Khi đọc (nói) ta khó nhận thấy rõ có sự khác biệt nào giữa cái gọi là ngữ điệu câu trần thuật và ngữ điệu câu cảm thán. Nếu chỉ lấy dấu hiệu “mang ngữ điệu cảm thán” để xác định câu cảm thán thì ranh giới giữa câu cảm thán và câu trần thuật không còn nữa: câu trần thuật chỉ cần đọc diễn cảm (một yêu cầu rất được chú ý trong việc dạy đọc) là có thể được coi là câu cảm thán. Đối với câu nghi vấn cũng vậy. Dù đôi khi có những câu nghi vấn dường như có đường nét ngữ điệu đi lên ở cuối câu, nhưng không rõ nét và điều quan trọng là không phải là phương tiện hình thức duy nhất để nhận diện kiểu câu, nghĩa là ngữ điệu không phải là dấu hiệu cần yếu. Phương tiện này chỉ còn có một vai trò rất mờ nhạt trong câu cầu khiến, nhưng theo cách xử lí của bài viết này thì ngữ điệu của kiểu câu này cũng không cần xét đến.

Cách xử lí của chúng tôi cũng rất phù hợp với kết quả của nhiều nhà nghiên cứu về hiện tượng ngữ điệu. Theo đó, trong tiếng Việt, “những hiện tượng “lên xuống giọng” đều được thực hiện trong một phạm vi rất eo hẹp mà nếu vượt ra ngoài thì câu nói không còn hiểu được nữa (vì các thanh điệu bị biến dạng) và chỉ có tác dụng biểu cảm” (Cao Xuân Hạo 1991: 13). Qua cứ liệu thực nghiệm thu được bằng máy glottograph, Hoàng Cao Cương cũng cho ta nhận xét đáng chú ý: “Do chỗ đường nét cao độ không phải là nét cần yếu của ngữ điệu tiếng Việt, cho nên ấn tượng về sự hành chức của ngữ điệu Việt trong phân loại câu, nói chung, là mờ nhạt hơn nhiều so với các ngôn ngữ không có thanh điệu, ví dụ các ngôn ngữ Ấn - Âu” (Hoàng Cao Cương 1985: 47).

Ngay trong tiếng Anh, một ngôn ngữ châu Âu có ngữ điệu được thể hiện rất rõ và có vai trò rất quan trọng trong việc phân biệt các kiểu câu, cũng có tác giả không cho ngữ điệu là phương tiện ngôn ngữ đánh dấu kiểu câu. Chẳng hạn D. Biber  et  al cho rằng câu trần thuật với một ngữ điệu thích hợp khi nói có thể dùng để hỏi, ví dụ: So he’s left her?; You felt alright when you left?; You weren’t happy together?; You have?; v.v. (1999: 203).

Hơn nữa, đối với tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ châu Âu khác, ngay khi dùng “ngữ điệu để phân biệt câu hỏi với câu khẳng định […] thì đó cũng là một nét phụ không tất yếu và không đặc thù. Chẳng hạn ngữ điệu đi lên trong tiếng Anh có thể đánh dấu câu hỏi, nhưng rất nhiều câu hỏi không có ngữ điệu đi lên và rất nhiều đoạn câu không phải là câu hỏi lại có ngữ điệu đi lên y hệt như câu hỏi (Cao Xuân Hạo 1991: 13).

Cần lưu ý thêm, dấu câu (thường được coi là phương tiện đánh dấu ngữ điệu trong văn bản viết) không phải là dấu hiệu hình thức cơ bản để nhận diện kiểu câu như nhiều tác giả quan niệm, bởi vì ngoại trừ trường hợp dấu chấm hỏi bao giờ cũng chỉ xuất hiện trong câu nghi vấn, các dấu kết thúc câu khác có thể xuất hiện trong bất kì kiểu câu nào. Dấu câu không hẳn gắn với kiểu câu mà chủ yếu gắn với mục đích phát ngôn. Chẳng hạn câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu chấm hỏi, nhưng khi không dùng để hỏi thì trong một số trường hợp, có thể dùng dấu chấm than. Câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm. Câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm, nhưng khi dùng để yêu cầu, đề nghị hay biểu lộ tình cảm, cảm xúc, v.v. thì có thể kết thúc bằng dấu chấm than.

8. Đôi khi có những câu nghi vấn kiểu như: To nhỏ?; Tốt xấu?; Nặng nhẹ?; Xa gần?; v.v. (Lê Văn Lý 1972: 173), trong đó có hai từ có ý nghĩa đối lập nhau và thông thường người nghe phải chọn một trong hai khả năng được nêu ra. Đây thực chất cũng là câu nghi vấn có “hay”, nhưng từ này bị tỉnh lược. Chúng có được hiểu là câu nghi vấn hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh.

9. Ngoài ra, còn có những sự phân biệt khác rõ ràng hơn, chẳng hạn giữa ai là từ nghi vấn với ai là từ đôi khi dùng để xưng hô (Ai ơi chua ngọt đã từng!); giữa bao nhiêu là từ nghi vấn với bao nhiêu là từ chỉ số lượng rất nhiều, không biết chính xác (Trong nhà ông ấy có bao nhiêu là sách); giữa chứ là từ nghi vấn với chứ là từ biểu thị ý nhấn mạnh…(Có thế chứ!); giữa mấy là từ nghi vấn với mấy là từ chỉ số lượng ít (Nhà chỉ có mấy người); giữa nào là từ nghi vấn với nào là từ có ý nghĩa cầu khiến (Ta đi nào!); v.v.

10. I want you to come here thường được xếp vào câu trần thuật, nhưng phát ngôn tương ứng, trong ngữ cảnh thích hợp, có thể được hiểu là một mệnh lệnh cương quyết và có uy lực không kém Come here (J. Lyons 1968: 307).

11. Ngay đối với tiếng Pháp, một ngôn ngữ châu Âu, cũng có một số tác giả nghi ngờ tính chất đúng đắn của việc tách mệnh lệnh như một “thức” độc lập, bởi lẽ: 1. thức mệnh lệnh không có hình thái riêng, hình thái của nó được vay mượn từ thức trần thuật (indicatif) (Parle!; Marchons!; Faites!), trong không ít trường hợp từ thức hạ thuộc (subjonctif) (Sois; Ayez la bonté); 2. thức mệnh lệnh chỉ khác thức trần thuật ở sự phân bố cú pháp, sự vắng mặt chủ ngữ (Vous parlez – parlez!), cũng như vị trí của các đại từ có tính chất tính từ  ở hình thức khẳng định (Donnez-le luiVous le lui donnez); 3. thức mệnh lệnh không có ý nghĩa chuyên biệt, bởi vì ý nghĩa cầu khiến có thể được biểu hiện bằng những thức khác: nguyên thể (Ne pas se pencher dehors), trần thuật (Tu viendras demain thay cho Viens demain), v.v. Từ đó một số tác giả coi mệnh lệnh như là một hình thức cú pháp đặc biệt của thức trần thuật được dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến. G. Guillaume là một trong số những tác giả đầu tiên có quan điểm như vậy và ông gọi mệnh lệnh thuộc về thức “lời nói” chứ không phải là thức “ngôn ngữ” (V. Gak 1986: 200 –201).

Trong tiếng Anh, câu cầu khiến được đặc trưng bằng dấu hiệu vắng chủ ngữ, động từ ở nguyên dạng và không có từ tình thái cũng như những phương tiện đánh dấu thời, thể đi kèm, ví dụ: Get off the table; Don’t forget about deposit.

Tuy nhiên, đôi khi sự phân biệt về hình thức giữa câu cầu khiến và câu trần thuật cũng không được thể hiện rõ. Chẳng hạn  trong đoạn đối thoại sau:

A: How do we get tickets for this show?

B: You go and stand in the queue. (câu trần thuật)

A: What shall we do then?

B: You go and stand in the queue while I park the car. (imperative)

câu thứ hai và câu thứ tư chỉ phân biệt nhau khi nói: trong câu cầu khiến you có trọng âm, còn trong câu trần thuật thì không (A. Downing & Ph. Locke 1995: 195).

12. Những câu như: hãy kiếm việc làm đi  đã rồi cưới vợ; Anh ấy có khuyên tôi hãy ở lại ít bữa xem công việc ra sao rồi về; v.v., mặc dù có hãy, nhưng không phải là câu cầu khiến, vì chủ thể của hãy không ở ngôi thứ hai.

Chúng tôi không phải là người duy nhất không coi những vị từ có ý nghĩa “cầu khiến” là dấu hiệu đặc trưng của câu cầu khiến (x. Diệp Quang Ban 1996: 236).

13. Dĩ nhiên câu trần thuật cũng không có dấu hiệu hình thức của những kiểu câu không cơ bản mà ta chưa phân tích trong bài này như câu hô - đáp, câu - từ tượng thanh, câu chửi tục.

 

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng

 

(Nguồn: nv.hcmup.edu.vn/value/index.php?mod=thread&id=9)