CHUYỆN KHÔNG ĐÙA! In
Chủ nhật, 11 Tháng 3 2012 09:40

Cùng một môn học, một thầy dạy, với nội dung, thời lượng và phương pháp giống nhau; cơ sở vật chất phục vụ dạy học, rồi đề thi cũng tương đương nhau, thậm chí trong đề thi có khoảng một nửa số câu hỏi thuộc loại lí thuyết, chỉ cần học thuộc bài là đã có 5 điểm, vì cùng là học viên tại chức, cùng “vùng sâu vùng xa”, cùng được trường, khoa và thầy cô “biệt đãi” như nhau! Theo đó thì tất yếu là kết quả thi cử cũng phải giống nhau.

Vậy mà…

Hầu hết các lớp nếu có sinh viên phải thi lại lần 2 môn học này thì chỉ có một vài người là không qua khỏi, phải học trả nợ, và những người thi đậu thường điểm khá cao. Nhưng cái lớp này khá bất thường: có đến 43/47 người dưới 5 điểm, trong đó vô số bài 1-2 điểm!

Giả định việc gác thi ở các lớp nghiêm túc (hoặc không nghiêm túc) như nhau, thì nguyên nhân nằm ở đâu?!

Tôi đã được trưởng khoa ấy chính thức nêu câu hỏi vì sao lớp này lại có kết quả thi như vậy (?!)!

Vì sao ư? Chắc không phải vì tôi!

Cho nên, hoặc phải chấp nhận một kết quả (trung thực) như vậy để học viên nỗ lực học tập (nếu cuối cùng họ vẫn không có năng lực học tập thì đành phải cho nghỉ học theo quy chế, để làm một công việc khác phù hợp hơn), hoặc phải… chấm điểm xong, lại tự mình tìm cách “kéo” những bài dưới 4 lên 5 (để... rớt in ít thì vừa!).

Tuyển chặt!

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến thời đi học của chúng tôi. Hồi đó, việc học sinh, sinh viên đậu rớt là việc bình thường, tùy sức học mỗi người. Có người phải thi đi thi lại nhiều lần. Và ai đã đậu thì cũng đều có trình độ tương xứng.

Đi học, ai chẳng mong mình đỗ đạt? Đi dạy, ai chẳng mong học sinh thành đạt? Trường học nào chẳng mong lập được nhiều thành tích? Nhưng, đằng sau sự đỗ đạt, thành đạt và thành tích ấy là những khu vườn đầy hương sắc hay chỉ là những đống xà bần? Đấy mới là vấn đề!