HOẠT ĐỘNG KH-CN THÁNG 12-2010 & THÁNG 1-2011 In
Thứ tư, 30 Tháng 3 2011 15:41

TIN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

THÁNG 12-2010 & THÁNG 1-2011

A. Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ

1. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở thành lập theo Quyết định số 2137/QĐ-ĐHSP ngày 30-11-2010, đã họp ngày 28-12-2010 đánh giá đề tài “Xây dựng giáo trình điện tử môn Lịch sử văn minh thế giới”, mã số: CS2009.19.55, chủ nhiệm: ThS Nguyễn Minh Mẫn, Khoa Lịch sử Trường ĐHSP TPHCM. Đề tài đã số hóa giáo trình, tập hợp được nhiều phim, ảnh, nội dung phù hợp với chương trình môn Lịch sử văn minh thế giới, vì vậy, có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp giáo viên có thêm một phương tiện dạy học hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy và học theo mô hình lấy người học làm trung tâm. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Tốt.

2. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở thành lập theo Quyết định số 574/QĐ-ĐHSP ngày 04-5-2010, đã họp ngày 30-12-2010 đánh giá đề tài “Văn hóa, văn minh Nhật Bản và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản”, mã số: CS2009.19.57, chủ nhiệm: TS Trịnh Tiến Thuận, Khoa Lịch sử Trường ĐHSP TPHCM. Đề tài nghiên cứu các yếu tố cấu thành văn hóa và văn minh Nhật Bản cũng như những nét riêng biệt đặc sắc của văn hóa văn minh Nhật Bản, là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên, học viên cao học và những ai quan tâm đến văn hóa Nhật Bản. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

3. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở thành lập theo Quyết định số 2512/QĐ-ĐHSP ngày 27-12-2010, đã họp ngày 31-12-2010 đánh giá đề tài “Xây dựng các thí nghiệm đơn giản nhằm phát triển kỹ năng dự đoán cho trẻ 5-6 tuổi trong hoạt động khám phá khoa học”, mã số: CS2009.19.57, chủ nhiệm: ThS Đỗ Chiêu Hạnh, Khoa Giáo dục Mầm non Trường ĐHSP TPHCM. Đề tài mang tính ứng dụng cao, đã đưa ra 10 thí nghiệm nhằm phát triển khả năng dự đoán của trẻ 5-6 tuổi trong hoạt động khám phá khoa học. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Tốt.

4. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở thành lập theo Quyết định số 2471/QĐ-ĐHSP ngày 22-12-2010, đã họp ngày 06-01-2011 đánh giá đề tài “Xây dựng tài liệu hướng dẫn thí nghiệm thực hành Sinh học 11 (cơ bản) trung học phổ thông”, mã số: CS2009.19.61, chủ nhiệm: ThS Lê Phan Quốc, Khoa Sinh học Trường ĐHSP TPHCM. Đề tài đã đưa ra hướng dẫn cho việc thực hành 8 thí nghiệm trong sách giáo khoa Sinh học 11 (cơ bản), giúp giáo viên và sinh viên thực hiện thí nghiệm dễ dàng hơn. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Tốt.

5. Hội đồng KH&CN chuyên ngành tổng kết, nghiệm thu đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu về phông phóng xạ ở một số khu vực tại tỉnh Đồng Nai và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường” do Trường ĐHSP TPHCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai thực hiện, chủ nhiệm: TS Thái Khắc Định, Khoa Vật lý Trường ĐHSP TPHCM, thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-SKHCN ngày 13-12-2010, đã họp ngày 31-12-2010. Hội đồng nhận xét: “Đề tài đã sử dụng các phương pháp khoa học hạt nhân một cách có hệ thống và sử dụng các thiết bị hiện đại để thu thập, xử lý và phân tích mẫu, thu được 7025 chỉ tiêu khoa học (về liều xuất gamma, hoạt độ các đồng vị phóng xạ, thông số đặc trưng phóng xạ môi trường); 88 bộ bản đồ với 11 lớp bản đồ thành phần là cơ sở đáng tin cậy cho những nghiên cứu tiếp theo”. Đề tài đã được xếp loại Đạt (mức A).

6. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở “Nhánh liên tục trong tập nghiệm của bất đẳng thức biến phân”, mã số: CS2008.19.24, chủ nhiệm: PGS-TS Nguyễn Bích Huy, Khoa Toán – Tin học Trường ĐHSP TPHCM, thành lập theo Quyết định số 166/QĐ-ĐHSP ngày 18-01-2011, đã họp ngày 24-01-2011. Hội đồng nhận xét: “Đề tài đã sử dụng một số kết quả về bất phương trình biến phân vi phân và kết hợp với lý thuyết phương trình trong không gian có thứ tự để nghiên cứu cấu trúc tập nghiệm của bất đẳng thức phân mới như: sự phân nhánh nghiệm, tồn tại tập con liên thông không bị chặn trong tập nghiệm”. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

7. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở “Sự tồn tại và cấu trúc tập nghiệm của một số lớp phương trình vi phân phi tuyến”, mã số: CS2009.19.64, chủ nhiệm: PGS-TS Nguyễn Bích Huy, Khoa Toán – Tin học Trường ĐHSP TPHCM, thành lập theo Quyết định số 164/QĐ-ĐHSP ngày 18-01-2011, đã họp ngày 24-01-2011. Hội đồng nhận xét: “Đề tài đã áp dụng các kết quả tổng quát của lý thuyết phương trình trong không gian có thứ tự để nghiên cứu sự tồn tại nghiệm, cấu trúc tập nghiệm dương (có thể không bị chặn) của phương trình logistic chứa toán tử p – Laplace”. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Tốt.

8. Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở “Thử nghiệm chỉnh âm cho trẻ dị tật bộ máy phát âm do hội chứng Treacher Collin”, mã số: CS2010.19.119, chủ nhiệm: TS Nguyễn Thị Ly Kha, Khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐHSP TPHCM, thành lập theo Quyết định số 165/QĐ-ĐHSP ngày 18-01-2011, đã họp ngày 25-01-2011. Hội đồng nhận xét: “Kết quả đề tài là 6 sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao: phiếu test âm ngữ bằng hình ảnh, nội dung luyện tập chỉnh âm, bảng âm - tiếng - từ - câu - đoạn - bài luyện tập chỉnh âm (có kèm hình ảnh minh họa), một số giáo án chỉnh âm, bản giới thiệu tóm tắt công trình của sinh viên, 2 bài báo đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Sản phẩm của đề tài là đóng góp mới và to lớn cho lĩnh vực trị liệu ngữ âm và giáo dục ngôn ngữ cho trẻ khuyết tật vốn vẫn chưa tồn tại ở Việt Nam”. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Tốt.

B. Hội nghị và Hội thảo khoa học

1. Ngày 18-12-2010, Khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tổ chức “Hội thảo khoa học năm 2010". Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Giám hiệu, các Khoa, Phòng, Ban và đông đảo giảng viên, sinh viên trong Khoa. Hội thảo đã thảo luận về thực trạng đào tạo và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy theo học chế tín chỉ.

2. Ngày 23-12-2010, Khoa Giáo dục Tiểu học Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Ngành đào tạo giáo viên tiểu học với đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020”. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu giáo dục, các cán bộ giảng dạy của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc, các báo đài, đại diện Ban Giám hiệu và các Khoa, Phòng, Ban trong Trường. Đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận về các chủ đề: Vai trò và vị thế của các khoa đào tạo giáo viên tiểu học trong sứ mệnh tạo nguồn nhân lực giáo viên tiếng Anh ở tiểu học; định hướng, chuẩn và chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh ở tiểu học; giải pháp xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy tiểu học và dạy tiếng Anh ở tiểu học…