Việc dạy học ngữ pháp cho học sinh tiểu học - nhìn từ SGK In
Thứ năm, 24 Tháng 2 2011 13:20

TS. Nguyễn Thị Ly Kha, ĐHSP TP HCM [Bài đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 6-2009, tr.54-65]

Chương trình là cốt lõi của nền giáo dục còn sách giáo khoa là tài liệu pháp lí hiện thực hoá chương trình. Có thể nói rằng sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV) tham gia trực tiếp vào quá trình, hình thức tổ chức dạy học của giáo viên (GV). Qua SGK và SGV, ta có thể thấy được nội dung, chương trình; đồng thời ta cũng có thể hình dung được logic hình thức tổ chức dạy học các đơn vị kiến thức... Ở bài viết này, chúng tôi bàn về việc hình thành khái niệm ngữ pháp, cung cấp và rèn luyện quy tắc ngữ pháp cho học sinh (HS) tiểu học, việc xây dựng một mô thức cho SGK Tiếng Việt bậc tiểu học, từ góc nhìn về SGK Tiếng Việt các lớp 2, 3, 4, 5( ) hiện hành, dưới bình diện quan hệ giữa nội dung kiến thức ngữ pháp cung cấp cho HS với logic trình bày và mục đích yêu cầu HS cần đạt, bằng phương pháp quan sát, phân tích, so sánh.( )

1. SGK TIẾNG VIỆT HIỆN HÀNH VỚI VIỆC DẠY HỌC NGỮ PHÁP CHO HS TIỂU HỌC
1.1. NỘI DUNG KIẾN THỨC NGỮ PHÁP VÀ LOGIC TRÌNH BÀY
Theo chương trình và SGK Tiếng Việt bậc tiểu học( ), HS được học về danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ; câu, chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ; câu đơn, câu ghép; câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm; đoạn văn, văn bản, liên kết câu, đoạn. Có thể thấy đấy là những kiến thức ngữ pháp cơ bản, tinh giản, cần yếu nhất. Khảo sát nội dung chương trình và SGK Tiếng Việt 2, 3, 4, 5, ta có thể khái quát nội dung, thứ tự các đơn vị kiến thức ngữ pháp ở từng lớp và cả cấp học như sau: 
1.1.1. Về các khái niệm ngữ pháp
Đọc chương trình và SGK, ta dễ nhận thấy chương trình và SGK chỉ dừng lại ở việc cung cấp những khái niệm cơ bản nhất với cách biểu đạt đơn giản nhất, như từ chỉ người, vật; từ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất; câu kể, câu hỏi,...
1.1.1.1. Phần từ loại. Đó là nội dung và trình tự từ các bài học về từ chỉ người, đồ vật, con vật, cây cối  từ chỉ hoạt động, trạng thái  từ chỉ tính chất,... ở lớp 2, lớp 3 (xin xem các bài trong TV2, t.1( ), tr.26, 52, 67, 91...); đến các bài dạy khái niệm danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ ở lớp 4, 5 (xin xem các bài trong TV4, t.1, tr.52, 57, 93, 106, 110,...; TV5, t.1, tr.92, 104, 109, 121,...). Đơn cử việc dạy học khái niệm danh từ, bắt đầu là bài tập tìm và sử dụng từ chỉ sự vật (ở lớp 2) đến bài dạy khái niệm danh từ (ở lớp 4). Ví dụ:
(1) Bài học đầu tiên về danh từ (ở lớp 2):
“1.  Tìm những từ chỉ sự vật (người, đồ vật, con vật, cây cối,...) được vẽ dưới đây: [...]( ). 
2. Tìm các từ chỉ sự vật có trong bảng sau:  [...]
3. Đặt câu theo mẫu dưới đây:
Ai (hoặc cái gì, con gì) là gì ?
Bạn Vân Anh là học sinh lớp 2 A.
(TV2, t.1, tr.26-27)”
(2) Bài học đầu tiên để hình thành khái niệm danh từ (ở lớp 4):
“Danh từ
I- Nhận xét 
1. Tìm các từ chỉ sự vật trong đoạn thơ sau: 
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.
LÂM THỊ MỸ DẠ
2. Xếp các từ em mới tìm được vào nhóm thích hợp.
– Từ chỉ người: ông cha,...
– Từ chỉ vật: sông,...
– Từ chỉ hiện tượng: mưa,...
– Từ chỉ khái niệm: cuộc sống,...
– Từ chỉ đơn vị: cơn,...
II- Ghi nhớ
Danh từ là những từ chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị).
III- Luyện tập
1. Tìm danh từ chỉ khái niệm trong số các danh từ được in đậm dưới đây:
Một điểm nổi bật trong đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lòng thương người... Chính vì thấy nước mất, nhà tan... mà Người đã ra đi học tập kinh nghiệm cách mạng để về giúp đồng bào.
Theo TRƯỜNG CHINH
2. Đặt câu với một danh từ chỉ khái niệm em vừa tìm được.
(TV4, t.1, tr.52-53)” ( )
Trong SGK Tiếng Việt 2 chưa xuất hiện khái niệm danh từ, đến SGK Tiếng Việt 4, khái niệm danh từ mới xuất hiện. Và mặc dù ở lớp 2, 3, HS đã được luyện tập nhiều lần với các nội dung như  “tìm từ chỉ sự vật”; “dùng từ chỉ sự vật để viết câu”,... nhưng việc dạy - học danh từ ở lớp 4 cũng không trình bày theo kiểu diễn dịch mà theo kiểu quy nạp có phối hợp với diễn dịch. Cụ thể là: phần hình thành khái niệm được trình bày theo lối quy nạp; còn phần luyện tập được thực hiện sau khi hình thành khái niệm lại là biểu hiện của con đường diễn dịch (từ khái niệm danh từ được cung cấp, HS tìm danh từ, đặt câu có dùng danh từ).
Nội dung dạy học được trình bày từ đơn giản đến phức tạp (so sánh bài tập 1, 2, 3 của lớp 2: dựa vào tranh gọi tên người, đồ vật, con vật, cây cối (bài tập 1)  dựa vào danh sách cho sẵn tìm từ chỉ sự vật (bài tập 2)  đặt câu có từ chỉ sự vật (bài tập 3); hoặc so sánh bài tập 1 với bài tập 2 trong mục nhận xét hay mục luyện tập của lớp 4, ta đều thấy ngay điều vừa nêu. Thông thường mục Luyện tập được sắp xếp theo trình tự: bài tập nhận diện  bài tập biến đổi  bài tập sử dụng (còn gọi là bài tập sáng tạo).
1.1.1.2. Phần câu và thành phần câu. Đó là nội dung và trình tự từ các bài học về bộ phận câu trả lời câu hỏi ai, cái gì, con gì, là gì, làm gì, thế nào (vd các bài trong TV2, t.1, tr.45, 52, 67, 90,...)( ); trả lời câu hỏi khi nào, ở đâu, như thế nào, vì sao, để làm gì, bằng gì (vd các bài TV3, t.2, tr.8, 26, 44, 53,...) đến bài học về bộ phận chủ ngữ, vị ngữ (vd TV4, t.1, tr.171; TV4, t.2, tr.6, 16, 29, 36,...), bài học về trạng ngữ (xin xem TV4, t.2, tr.126, 129, 134,...)( ).
Mặt khác, các đơn vị kiến thức về từ loại và câu được lồng ghép ngay trong từng lớp học, không bố trí theo kiểu hết từ loại sang cụm từ rồi tới câu (như chương trình và SGK trước đây, xin xem SGK Tiếng Việt 2, 3, 4, 5 giai đoạn 1981 – 2000)( ). Điều này cũng được bộc lộ ngay trong một bài học. Đó là nội dung dạy học về từ loại, thành phần câu được gắn liền với việc dạy học viết câu. Ví dụ:
(4) “3. Hãy viết một câu có dùng tính từ:
a) Nói về một người thân của em.
b) Nói về một sự vật quen thuộc với em (cây cối, con vật, nhà cửa, đồ vật, sông núi,...).”
(TV4, t.1, tr.112)
(5)  “3. Dùng đại từ ở những chỗ thích hợp để thay thế cho danh từ bị lặp lại nhiều lần trong mẩu chuyện sau: [...].”  (TV5, t.1, tr.93).
(6)  “3. Đặt câu với mỗi quan hệ từ: và, nhưng, của.” (TV5, t.1, tr.111).
Các kiến thức về câu cũng từ bài tập tìm bộ phận câu trả lời câu hỏi ai, cái gì, con gì, là gì, làm gì, thế nào ở lớp 2 đến bài học hình thành khái niệm chủ ngữ, vị ngữ ở lớp 4. Cách trình bày các đơn vị kiến thức về câu trong một bài cũng tương tự cách trình bày của các bài về từ loại.
Ở những bài hình thành khái niệm ngữ pháp (thường được gọi là kiểu bài lí thuyết, chỉ có ở lớp 4, 5; còn lớp 2, 3 chưa có kiểu bài này( )), SGK đều trình bày theo hướng quy nạp có phối hợp với hướng diễn dịch ở mục Luyện tập (tương tự phần từ loại). Đó là đưa ngữ liệu có chứa hiện tượng ngữ pháp cần dạy  yêu cầu HS tìm hiện tượng ngữ pháp cần cung cấp của bài học (mục “Nhận xét”)  nêu định nghĩa khái niệm (mục “Ghi nhớ”)  đưa các bài tập có chứa khái niệm ngữ pháp vừa được trình bày để học sinh luyện tập (mục “Luyện tập”) (xin xem bài “Danh từ” đã dẫn).
1.1.1.3. Về đoạn văn, văn bản. Đó là các kiến thức về đoạn văn, liên kết câu, liên kết đoạn, nhận diện và viết văn bản ba phần,... Những kiến thức này đều hướng tới việc sử dụng và gắn bó mật thiết với phân môn Tập làm văn. Vd:
(7) “2. Chọn từ ngữ trong ngoặc đơn thích hợp với mỗi ô trống để các câu, các đoạn được liên kết với nhau: [...].”  (TV5, t.2, tr.72).
(8)  “I- Nhận xét
1. Đọc lại bài Cây gạo của nhà văn Vũ Tú Nam (sách Tiếng Việt 4, tập hai, trang 32).
2. Tìm các đoạn trong bài văn nói trên.
3. Cho biết nội dung chính của mỗi đoạn văn là gì.
II. Ghi nhớ  [...]
III. Luyện tập
1. Xác định các đoạn văn và nội dung chính [...]
2. Hãy viết một đoạn văn nói về lợi ích của một loài cây mà em biết.”
(TV4, t.2, tr.52-53)
Không chỉ những cứ liệu vừa dẫn ở trên mà tất cả các bài học cung cấp khái niệm ngữ pháp nói riêng và khái niệm Việt ngữ nói chung cho HS tiểu học đều được SGK Tiếng Việt hiện hành trình bày theo hướng quy nạp có phối hợp với hướng diễn dịch (sau khi hình thành khái niệm). Đồng thời, SGK cũng thể hiện ý đồ của các tác giả: trình bày các đơn vị kiến thức ngữ pháp theo hướng kết hợp chức năng - nghĩa - cấu trúc, không dạy cấu trúc tách rời nghĩa và chức năng và càng không phải là chỉ dạy cấu trúc mà thôi.
1.1.2. Về các quy tắc ngữ pháp
Những quy tắc ngữ pháp HS tiểu học được học gồm quy tắc đặt một số kiểu câu, dùng dấu câu, liên kết câu, liên kết đoạn,... Chẳng hạn, xét một vài bài sau:
(9)  “3. Em chọn dấu chấm hay dấu chấm hỏi để điền vào ô trống ?
Bé nói với mẹ:
– Con xin mẹ tờ giấy để viết thư cho bạn Hà  
Mẹ ngạc nhiên:
– Nhưng con đã biết viết đâu 
Bé đáp:
– Không sao, mẹ ạ ! Bạn Hà cũng chưa biết đọc 
(TV2, t.1, tr.116)
(10) “1. Tìm dấu hai chấm trong đoạn văn sau. Cho biết mỗi dấu hai chấm được dùng làm gì.  [...].
2. Trong mẩu chuyện sau có một số ô trống được đánh số thứ tự. Theo em, ở ô nào cần điền dấu chấm, ô nào cần điền dấu hai chấm?  [...].
3. Tìm bộ phận câu trả lời câu hỏi “Bằng gì?” 
(TV3, t.2, tr.117)
(11)  “Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ ( )
I- Nhận xét
1. Trong câu in nghiêng dưới đây, từ nào lặp lại từ đã dùng ở câu trước? [...]
2. Nếu ta thay từ được dùng lặp lại bằng một trong các từ nhà, chùa, trường, lớp thì hai câu trên có còn gắn bó với nhau không?
3. Việc lặp lại từ trong trường hợp này có tác dụng gì?
II. Ghi nhớ 
1. Trong bài văn, đoạn văn, các câu phải liên kết chặt chẽ với nhau.
2. Để liên kết với câu đứng trước nó, ta có thể lặp lại trong câu ấy những từ ngữ đã xuất hiện ở câu đứng trước.
III. Luyện tập
1. Tìm những từ ngữ được lặp lại để liên kết câu:    [...]
2. Chọn từ ngữ trong ngoặc đơn thích hợp với mỗi ô trống để các câu, các đoạn được liên kết với nhau:     [...].”  
(TV5, t.2, tr.71-72)
Như ba bài trong ba ví dụ vừa lược nêu để làm dẫn chứng, ở tất cả bài học cung cấp quy tắc ngữ pháp, SGK đều trình bày theo hướng quy nạp có kết hợp với diễn dịch (trong đó quy nạp là chính) và bằng hệ thống bài tập, theo trình tự: nêu ngữ liệu có chứa quy tắc ngữ pháp cần dạy  hướng dẫn HS phân tích ngữ liệu để rút ra quy tắc  HS vận dụng quy tắc qua hệ thống bài tập cụ thể. Mà không theo lối diễn dịch hoặc quy nạp thuần tuý, không bằng hình thức và trình tự: nêu quy tắc  yêu cầu HS học thuộc quy tắc  sử dụng quy tắc để nói viết đúng quy tắc.
1.2. NỘI DUNG KIẾN THỨC NGỮ PHÁP VÀ YÊU CẦU CẦN ĐẠT
Qua chương trình, SGK, SGV Tiếng Việt 2, 3, 4, 5, có thể thấy các nội dung kiến thức ngữ pháp được sắp xếp và gắn liền với các yêu cầu sử dụng như sau:
– Lớp 2 yêu cầu HS: “nhận biết từ chỉ người, vật, hành động, tính chất; nắm được cách đặt một số kiểu câu, một số nghi thức lời nói trong giao tiếp; bước đầu biết cách dùng các dấu chấm, phẩy, chấm hỏi, chấm than” ( ).
– Lớp 3, yêu cầu HS nắm được cách đặt một số kiểu câu, một số nghi thức lời nói trong giao tiếp; biết cách đặt câu có bộ phận trả lời câu hỏi khi nào, ở đâu, như thế nào, vì sao, để làm gì, bằng gì; và cách dùng dấu hai chấm, dấu gạch ngang.
– Lớp 4, yêu cầu HS: “nắm được các khái niệm danh từ, động từ, tính từ; các kiểu câu đơn và thành phần của câu đơn (chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ); các kiểu câu phục vụ những mục đích nói chuyên biệt: câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu khiến; nắm được kết cấu 3 phần của văn bản” ( ).
– Lớp 5, yêu cầu HS: “nắm được các đặc điểm và bước đầu biết cách sử dụng đại từ, quan hệ từ; nắm được cấu tạo của câu ghép và biết cách đặt câu ghép; biết cách đặt đầu đề cho văn bản; biết cách liên kết các câu và đoạn trong văn bản” ( ).
Các nội dung và yêu cầu cần đạt về kiến thức như vừa trình bày được thể hiện bằng nhiều hình thức bài tập trắc nghiệm, tự luận; với nhiều kiểu dạng bài tập tìm từ, tìm bộ phận câu, viết câu, biến đổi câu, viết đoạn, biên tập (chữa lỗi ngữ pháp, dấu câu,...), dùng bảng biểu để phân loại, hệ thống hoá...; bằng nhiều hình thức tổ chức hoạt động (cá nhân, nhóm đôi, nhóm ba, nhóm bốn,...); với nhiều phương tiện hỗ trợ kèm theo kênh chữ (âm thanh, hình vẽ, bảng biểu,...); được sắp xếp theo các mức độ: nhận biết  hiểu  vận dụng (xin xem các vd và các bài đã dẫn ở trên). Sự phối hợp nhiều hình thức, nhiều kiểu dạng bài tập, nhiều phương tiện hỗ trợ và việc sắp xếp các bài tập theo thang nhận thức không chỉ tránh nhàm chán mà quan trọng hơn là tác dụng và hiệu quả của nó đối với việc rèn luyện các thao tác tư duy, củng cố và khắc sâu kiến thức, vận dụng kiến thức cho HS. Mặt khác, hệ thống bài tập cùng trật tự sắp xếp theo mức độ nhận thức của SGK cũng là cơ sở để GV kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS, xem xét phương pháp, biện pháp hình thức tổ chức dạy học của mình để có những điều chỉnh và bổ sung nếu cần.
Quan điểm dạy thực hành tiếng Việt, dạy sử dụng tiếng Việt còn được thể hiện ở điểm: chương trình và SGK Tiếng Việt tiểu học hiện hành không tách kiến thức về từ và câu thành hai phân môn riêng mà gộp chung thành một phân môn. Đồng thời với việc nhập làm một phân môn là việc thay tên gọi “Từ ngữ” và “Ngữ pháp” thành “Luyện từ và câu”. Thay cho các bài học – bài tập nhận diện khái niệm ngữ pháp; phân tích cấu trúc cụm danh từ, cụm động từ; phân loại danh từ, động từ; phân loại các kiểu trạng ngữ, phân loại các kiểu câu đơn, câu ghép, v.v. một cách hàn lâm (như SGK trước đây) là dạng bài tập sử dụng danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ để đặt câu (xin xem TV2, t.1, tr.27, 52, 67; TV5, t.1, tr.131, 142, v.v.); bài tập thêm trạng ngữ cho câu (xin xem TV4, t.2, tr.126, 129, 134,...), bài tập nối các vế trong câu ghép bằng quan hệ từ, bằng từ ngữ hô ứng, v.v.. (xin xem TV5, t.2, tr.12, 21, 32, 38, 54, 64); v.v..
Như vừa trình bày ở trên, qua bộ SGK Tiếng Việt tiểu học hiện hành, người tìm hiểu về nó cũng có thể nhận thấy chương trình và SGK không chỉ chú trọng việc hình thành và rèn luyện kĩ năng đọc - viết, mà còn chú trọng rèn luyện kĩ năng nghe - nói. Có thể nói đây bộ sách Tiếng Việt tiểu học đầu tiên chú trọng tới cả 4 kĩ năng đọc, viết, nghe, nói.
Tính hành dụng là một nguyên tắc được quán triệt trong từng đơn vị kiến thức, từng bài học và suốt cả bộ sách. Ngay cách đặt tên gọi cho mỗi bài học cũng thể hiện thuộc tính này. Chẳng hạn, thay cho tên gọi Trạng ngữ chỉ nguyên nhân / mục đích/ phương tiện... là tên gọi Thêm trạng ngữ chỉ nguyên nhân / mục đích/ phương tiện... cho câu (xin xem TV4, t2, tr.140, 150, 160); thay cho Phép lặp, phép thế, phép nối... là Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ / bằng cách thay thế từ ngữ / bằng từ ngữ nối  (xin xem TV5, t.2, tr.71, 76, 86, 97); v.v..
Đến đây, ta có thể nói rằng quan điểm giao tiếp và tính hành dụng được thể hiện nhất quán trong việc sắp xếp hệ thống tri thức ngữ pháp (cả quy tắc ngữ pháp lẫn khái niệm ngữ pháp), qua hệ thống bài học - bài tập, qua các kiểu bài thực hành lẫn kiểu bài lí thuyết của SGK Tiếng Việt 2, 3, 4, 5. Và những đặc điểm này cũng được thể hiện một cách tường minh lẫn hàm ẩn trong SGK Ngữ văn 6, 7, 8, 9 hiện hành.
2. NHỮNG CON ĐƯỜNG DẠY HỌC KHÁI NIỆM & QUY TẮC NGỮ PHÁP
Hình thành khái niệm ngữ pháp và dạy học quy tắc ngữ pháp là một nội dung trọng yếu của hoạt động giáo dục ngôn ngữ. Nhìn một cách khái quát, hiện nay, các nhà giáo dục ngôn ngữ thường đề cập tới hai con đường hình thành khái niệm ngữ pháp và dạy học quy tắc ngữ pháp như sau:
– Một là theo con đường diễn dịch: người dạy nêu khái niệm hoặc nêu quy tắc, người học tiếp nhận khái niệm, quy tắc  người dạy trình bày hệ thống ngữ liệu minh hoạ, người học quan sát hệ thống ngữ liệu minh hoạ  người học luyện tập để nắm khái niệm, quy tắc dưới sự hướng dẫn của người dạy  người học vận dụng khái niệm, quy tắc vào thực tiễn nói, viết.
– Hai là theo con đường quy nạp: người dạy nêu hệ thống ngữ liệu có chứa đựng các hiện tượng ngữ pháp cần cung cấp cho người học, người học quan sát hệ thống ngữ liệu  người học phân tích ngữ liệu để rút ra khái niệm, quy tắc ngữ pháp dưới sự hướng dẫn của người dạy  người dạy phân tích khái niệm, quy tắc ngữ pháp  người học vận dụng khái niệm, quy tắc vào thực tiễn nói viết.
Dạy học theo con đường diễn dịch tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Cách dạy này phản ánh mô hình dạy học Trình bày (GV giảng các khái niệm, quy tắc ngữ pháp)  Luyện tập (người học luyện tập dưới sự kiểm soát và dẫn dắt của GV)  Sản sinh (người học luyện tập giao tiếp). Theo con đường này, hình thức ngữ pháp được đặc biệt coi trọng, khái niệm và quy tắc ngữ pháp được giải thích cặn kẽ, việc phân tích ngữ pháp được tập trung chú ý. Phương pháp dạy học theo con đường diễn dịch có những ưu thế không thể phủ nhận trong việc hình thành các khái niệm ngữ pháp, củng cố các thao tác phân tích cấu trúc các đơn vị ngữ pháp.
Trình bày theo lối diễn dịch là một hướng thường gặp trong các giáo trình, các chuyên luận – loại văn bản khoa học chuyên sâu – và trong các giờ giảng ở bậc đại học. Theo kiểu dạy học này, các cấu trúc ngữ pháp sẽ được dạy theo cấp bậc từ dễ đến khó. Song cách sắp xếp này cũng bị không ít tác giả phản bác với lí do: việc xác định một cấu trúc ngữ pháp nào đó khó hay dễ do các nhà ngữ học xác định, vì vậy, khó có thể loại bỏ tính chủ quan – một thuộc tính gây ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình thụ đắc ngôn ngữ. Dạy học theo con đường diễn dịch vì vậy bị không ít người xem là kiểu dạy học ấn định, bắt người học chấp nhận trước một chân lí, không rèn luyện được lối suy nghĩ phản biện và sáng tạo, trong khi mục tiêu của dạy học là dạy cách tư duy, cách tìm ra chân lí. Thực ra, dạy học theo con đường diễn dịch vẫn tạo điều kiện để người học có cơ hội sáng tạo. Chẳng hạn, từ những định đề, những giả thiết khoa học đã được cung cấp hoặc đã được giả định, người học, người nghiên cứu chứng minh, biện luận cho tiền đề hoặc giả thiết đó thì đấy cũng là một quá trình sáng tạo.
Dạy học theo con đường quy nạp tốn kém nhiều thời gian hơn nhưng khái niệm, quy tắc được hình thành bền vững hơn. Gọi dạy học theo con đường quy nạp thực ra chỉ là một cách gọi. Vì ở đây không phải là sự quy nạp một cách thuần tuý, xuyên suốt quá trình dạy học và thụ đắc khái niệm, quy tắc ngữ pháp. Phần theo hướng quy nạp chỉ là phần hình thành khái niệm, quy tắc ngữ pháp. Còn  phần luyện tập thì theo hướng diễn dịch: từ khái niệm, quy tắc đã được cung cấp đến giải các bài tập. Thành thử, nếu gọi đầy đủ thì đây là con đường quy nạp phối hợp với diễn dịch.
Một hướng dạy học ngữ pháp của con đường quy nạp thường được bàn đến và được nhiều người sử dụng là con đường quy nạp thực hiện bằng mô thức: chức năng  nghĩa  cấu trúc (chứ không phải quy nạp nhưng lại bỏ qua ngữ nghĩa và hoặc chức năng, chỉ chú ý tới cấu trúc, tới hình thức ngữ pháp). Dạy ngữ pháp theo hướng chú trọng cả nghĩa lẫn cấu trúc và chức năng không chủ trương ấn định trước các hiện tượng ngữ pháp được dạy mà chỉ hướng người học chú ý tới các hiện tượng ngữ pháp xuất hiện trong hoạt động giao tiếp. Khi người học có nhu cầu học do tình huống giao tiếp mang lại, họ sẽ tự giác “chú ý” đến khía cạnh ngữ pháp cần thiết cho giao tiếp. Ngoài ra, theo hướng dạy học này, các hiện tượng ngữ pháp được học để phục vụ cho cầu giao tiếp cụ thể nên người học sẽ nhận ra được mối quan hệ giữa một hiện tượng ngữ pháp với chức năng mà nó thể hiện. Đây cũng chính là con đường thể hiện quan điểm giao tiếp trong dạy học tiếng – một quan điểm được nhiều nhà giáo dục ngôn ngữ sử dụng khi biên soạn tài liệu dạy học và khi dạy học ngôn ngữ thứ nhất cũng như khi dạy học ngôn ngữ thứ hai. ( )
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định việc dạy học không thể đảo ngược quá trình thụ đắc ngôn ngữ, nó chỉ có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình này mà thôi.
Lấy những điều vừa trình bày trên soi vào SGK Tiếng Việt tiểu học hiện hành, ta có thể nói rằng SGK đã trình bày khái niệm, quy tắc ngữ pháp theo quan điểm giao tiếp, theo hướng quy nạp là chủ yếu trong sự kết hợp hài hoà với hướng diễn dịch và thực hiện bằng mô thức: chức năng  nghĩa  cấu trúc.
3. THỬ BÀN TỚI MỘT MÔ THỨC SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC
Không chỉ chương trình và SGK không thể “nhất thành bất biến” mà ngay cả tuổi thọ của chúng cũng khó có thể kéo dài tới hàng thập kỉ. Trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, tuổi thọ của một bộ chương trình và SGK khó có thể kéo dài như những thời kì trước đây – thời kì đất nước đang trong cuộc kháng chiến cứu nước và thời kì cả nước vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm. Theo chủ quan của chúng tôi, như những bộ SGK khác, bộ sách Tiếng Việt tiểu học hiện hành dù đã được biên soạn theo quan điểm và mô thức hợp lí nhất trong điều kiện hiện nay và dăm bảy năm tới, cũng sẽ được thay thế bằng những bộ sách mới phù hợp với chương trình mới để đáp ứng yêu cầu ngày một phát triển của xã hội. Và một sự thay thế tích cực bao giờ cũng là sự thay thế trên cơ sở kế thừa một cách đúng đắn.
Như đã trình bày ở mục 2 – những con đường hình thành khái niệm ngữ pháp, dạy học quy tắc ngữ pháp – quan điểm giao tiếp cùng con đường quy nạp kết hợp một cách hài hoà với diễn dịch theo mô thức kết hợp nghĩa, chức năng, cấu trúc và trình tự từ chức năng đến nghĩa tới cấu trúc là quan điểm và con đường ngày càng được thực tiễn dạy học tiếng chứng minh ưu thế của nó trong việc dạy học ngữ pháp nói riêng và dạy học tiếng nói chung. Vì vậy, nội dung, cấu trúc SGK phải quán triệt quan điểm giao tiếp cùng con đường quy nạp kết hợp một cách hài hoà với diễn dịch theo mô thức kết hợp nghĩa, chức năng, cấu trúc và trình tự từ chức năng đến nghĩa tới cấu trúc.
Việc dạy học Tiếng Việt ở tiểu học cũng như ở phổ thông đều nhằm mục đích giúp HS sử dụng tiếng Việt có hiệu quả chứ không nhằm mục đích giúp HS nghiên cứu tiếng Việt. Ở bậc tiểu học, tính hành dụng lại càng cần được coi trọng. Vì vậy, quan điểm giao tiếp và tính hành dụng vẫn là những nguyên tắc mà SGK cần phải đảm bảo.
Và một bộ SGK Tiếng Việt tiểu học mới nếu đáp ứng được những điều kiện nêu trên sẽ là một bộ sách hữu ích cho việc dạy học Tiếng Việt ở bậc học này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng - Bùi Mạnh Hùng, Những tri thức và kĩ năng tiếng Việt cần được dạy học ở nhà trường phổ thông, Tiếng Việt -  Văn Việt - Người Việt. NXB Trẻ. TP. HCM., 2001.
2. Lê A - Nguyễn Quang Ninh - Bùi Minh Toán, Phương pháp dạy học tiếng Việt, NXB Giáo dục, H., 1996.
3. Lê Phương Nga, Lê Hữu Tỉnh, Nguyễn Trí, Giáo trình phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học. t.1 & t.2. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 1995. 
4. Lê Phương Nga - Nguyễn Trí, Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
5. Lý Toàn Thắng, Một số vấn đề về chiến lược dạy - học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông, Kỷ yếu hội thảo khoa học Dạy học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông đầu thế kỷ 21, Viện Khoa học Giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục. NXB Giáo dục, H., 2000.
6. Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Ngữ văn 6, 7, 8, 9. t.1 & t.2. SGK & SGV, NXB GD, H., 2006.
7. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), Tiếng Việt 2, 3, 4, 5, SGK, SGV, VBT, NXB GD, H., 2006.
8. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), Hỏi - đáp về dạy học Tiếng Việt 2, 3, 4, 5, NXB GD, H., 2006.
------------------------
Bài đã đăng TẠP CHÍ NGÔN NGỮ 6-2009