Ấn Độ: Vươn lên từ thời cuộc In
Thứ năm, 13 Tháng 1 2011 14:20

Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2010, New Delhi đã không ngừng trải thảm đỏ để tiếp đón nguyên thủ 5 cường quốc trên thế giới tới thăm và thúc đẩy hợp tác. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ hôm 20/12/2010 của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược đã khép lại một năm đầy bận rộn của ngành ngoại giao Ấn Độ.

"Chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới 5 vị nguyên thủ của 5 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thăm Ấn Độ. Đây là điều chưa từng được ghi nhận tại một quốc gia nào khác" - Vishnu Prakash, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, vui mừng cho biết. Sự quan tâm của "câu lạc bộ 5 cường quốc" dành cho Ấn Độ là một bằng chứng cho thấy New Delhi giờ đây không chỉ là một thị trường rộng lớn cần chinh phục. Ấn Độ còn giữ một vai trò quan trọng trong khu vực và cần phải "chơi" với người Ấn. Đối với các quốc gia phương Tây, Ấn Độ còn là quốc gia châu Á duy nhất có thể tạo sự đối trọng với Trung Quốc.

Cuối tháng 7/2010, phái đoàn của Thủ tướng Anh David Cameron, bao gồm 5 bộ trưởng, hơn 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, đã tới thủ đô New Delhi. Chuyến thăm này đã đem về cho Anh các hợp đồng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng trị giá lên đến 2 tỉ bảng. Và chỉ riêng trong tháng 12/2010, các nguyên thủ của 4 cường quốc còn lại đã ghé thăm New Delhi.

Ngày 6/12, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh dự lễ ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, trị giá 9,3 tỉ USD. Ngay sau khi tiếp đón vị khách đến từ Paris, Thủ tướng Singh đã dành 3 ngày để chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama. Kết quả, Washington và New Delhi đã ký các hợp đồng thương mại trị giá 10 tỉ USD, bao gồm thương vụ mua 33 máy bay Boeing-737 cho Hãng Hàng không Ấn Độ SpiceJet Airlines, thương vụ mua động cơ máy bay của General Electric và mua 10 máy bay vận tải quân sự C17 của Boeing. Khi ông Obama vừa về nước, Ấn Độ lại tiếp đón người láng giềng Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, với phái đoàn hùng hậu gồm 400 doanh nhân tháp tùng, đã biến chuyến viếng thăm Ấn Độ lần đầu tiên kể từ 5 năm qua thành biểu tượng của nỗ lực phát triển thương mại giữa hai người khổng lồ châu Á. Hai nước đã thỏa thuận nhiều hợp đồng có giá trị gần 16 tỉ USD trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính cho đến năng lượng.

Rồi chưa đầy một tuần sau đó, nguyên thủ của cường quốc cuối cùng trong Hội đồng Bảo an LHQ - Nga - đã đặt chân xuống New Delhi. Quan hệ giữa New Delhi và Moskva rất tế nhị và có truyền thống lịch sử lâu đời. Trong Chiến tranh lạnh, phương Tây dùng Pakistan làm mặt trận của mình khi ký với Islamabad các thỏa thuận quân sự chống lại Liên bang Xôviết. Và họ cũng không muốn để Ấn Độ lọt vào tay Moskva.

Quan hệ giữa Nga và Ấn Độ có chút lạnh nhạt sau khi Liên bang Xôviết tan rã vào thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga cách đây 10 năm, mối quan hệ này đã được sưởi ấm lên đáng kể. Chuyến thăm Ấn Độ lần này của người kế nhiệm Dmitri Medvedev diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm hai nước ký thiết lập quan hệ chiến lược. "Nước Nga là một đối tác không thể thiếu của chúng tôi" - phát ngôn viên Vishnu Prakash khẳng định.

Trả lời phỏng vấn tờ Times of India trước chuyến thăm, Tổng thống Dmitri Medvedev khẳng định: "Ấn Độ và Nga có một mối quan hệ đặc biệt. Chúng tôi thường xuyên cùng nhau tham khảo những vấn đề quốc tế, hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ khoa học, công nghệ, kinh tế, nhân đạo...".

Ông M.Singh và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tình bạn giữa Ấn Độ và Nga được thể hiện qua bản hợp đồng Nga là đối tác cung cấp vũ khí số 1 cho New Delhi. Theo giới quan sát, đây là một lợi thế Nga cần giữ lấy và củng cố bởi lẽ cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trên thế giới trong việc giành quyền cung cấp vũ khí cho Ấn Độ hiện nay đang diễn ra vô cùng ác liệt. Hiện Anh đã ký các thỏa thuận bán cho Ấn Độ 57 máy bay phản lực Hawk hiện đại dùng trong huấn luyện trị giá 779 triệu USD.

Trong một hợp đồng khác, Công ty Rolls Royce của Anh cũng sẽ cung cấp cho Ấn Độ số động cơ máy bay trị giá 312 triệu USD. Với Pháp, từ năng lượng nguyên tử cho đến quốc phòng, hai bên đã ký thỏa thuận khung lên đến 15 tỉ euro. Hay với Mỹ, Ấn Độ cũng có các hợp đồng quốc phòng trị giá gần 5 tỉ USD.

Từ 5 năm trở lại đây, New Delhi là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới và trong 10 năm tới, Ấn Độ sẵn sàng dành ra 112 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội. Trong chuyến thăm vừa qua, Nga và Ấn Độ đã ký kết hợp đồng hợp tác thiết kế và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (FGFA). Hợp đồng trị giá 30 tỉ  USD, được thực hiện trong 10 năm, hai bên sẽ chế tạo khoảng 250-300 chiếc máy bay FGFA.

Ngoài ra, một hợp đồng trị giá 12 tỉ USD liên quan tới việc Nga bán máy bay MiG-35 cho Ấn Độ cũng đang được xem xét. Trong dự án này, MiG-35 của Nga đang phải cạnh tranh dữ dội với loại máy bay Rafale của Tập đoàn Dassault Aviation của châu Âu.

Ngoài ra, Moskva vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân với Ấn Độ. Trước đây Nga đã ký hợp đồng xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử với Ấn Độ tại tỉnh Tamil Nadu và nay lại ký xây thêm 2 nhà máy nữa. Nhưng cũng giống như người Pháp và Mỹ, Nga cũng mắc phải đạo luật mới của Ấn Độ có tên gọi "Nuclear liability bill". Đạo luật này quy định các nhà cung cấp và xây dựng phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân địa phương nếu để xảy ra tai nạn nguyên tử từ các nhà máy họ trúng thầu.

Điểm chung của tất cả những chuyến thăm Ấn Độ trên ngoài những hợp đồng kinh tế béo bở là cam kết của 5 cường quốc ủng hộ New Delhi trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Bảo an mở rộng. Theo giới quan sát, nếu nhìn vào những gì New Delhi nhận được trong thời gian qua, ai cũng có thể khẳng định rằng trong tương lai rất gần Ấn Độ sẽ trở thành một thế lực mới của thế giới, góp phần củng cố hòa bình cũng như gia tăng ảnh hưởng của châu Á

Nguyễn Bảo (tổng hợp)

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2011/1/74216.cand