Các đời tổng thống Mỹ ngoại giao âm nhạc bên trong Nhà Trắng In
Chủ nhật, 20 Tháng 5 2012 03:19
10:10, 11/10/2011

Vợ chồng tổng thống Richard Nixon.

Thế giới âm nhạc bên trong Nhà Trắng không chỉ là giải trí thuần túy, mà còn là yếu tố quan trọng để "bôi trơn" quan hệ ngoại giao, theo giải thích của Maria Downs, người phụ trách các tổ chức xã hội cho Tổng thống Gerald Ford (người kế nhiệm Tổng thống Richard Nixon sau vụ bê bối Watergate) không để lại dấu ấn gì đặc biệt như một số tổng thống Mỹ khác của thế kỷ XX, nhưng vợ chồng ông nổi tiếng về sự sắp xếp tổ chức những chương trình âm nhạc giải trí hiệu quả cao.

Tháng 10/1975, như là một phần trong chương trình sáng kiến hòa bình cho Trung Đông, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat được mời đến Nhà Trắng dự tiệc và đệ nhất phu nhân Mỹ lúc đó Betty Ford chọn nữ diễn viên và ca sĩ Pearl Bailey có tiếng của sân khấu Broadway đến hát phục vụ. Trước đó Betty Ford từng hát cho Tổng thống Sadat ở Ai Cập.

Tuy nhiên, trong sự kiện này đã xảy ra sự cố nhỏ. Trước khi Pearl Bailey bước lên sân khấu, Maria Downs nhắc nhở nữ ca sĩ rằng Bộ Ngoại giao Mỹ có chỉ thị không được khiêu vũ với vợ chồng Tổng thống Ai Cập. Nhưng sau khi hát xong, Bailey liền chộp lấy Sadat lôi ra sàn khiêu vũ. Tình huống bất ngờ khiến Maria Downs lo lắng sẽ có sự cố ảnh hưởng đến nghi thức ngoại giao. Tổng thống Ford phản ứng nhanh bằng cách dìu phu nhân Tổng thống Ai Cập ra sàn nhảy. May mắn là cuối cùng đã không xảy ra chuyện rắc rối.

Tổng thống Ford và phu nhân tất nhiên không là cặp vợ chồng tổng thống đầu tiên thết đãi tiệc âm nhạc bên trong Nhà Trắng, mà truyền thống này đã có từ thời của Tổng thống Theodore Roosevelt. Nhận thức được vị thế nước Mỹ là quyền lực thế giới mới, Roosevelt quyết định cải tổ triệt để Nhà Trắng, biến nơi đây thành biểu tượng của sức mạnh. Ông bắt đầu cho tổ chức những chương trình âm nhạc giải trí trong Nhà Trắng và mời những ngôi sao lớn nhất của thời đại đến phục vụ - họ biểu diễn tại phòng phía đông (East Room) mới xây dựng trong Nhà Trắng, cũng là nơi được dùng vào chương trình giải trí của tổng thống Mỹ ngày nay.

 

Tổng thống Kennedy tiếp đón nghệ sĩ Pablo Casals của Tây Ban Nha, năm 1962.

Năm 1902, công ty sản xuất đàn piano nổi tiếng Steinway & Sons tặng cây đàn piano hiện đại đầu tiên cho Nhà Trắng và nó được sử dụng đến thập niên 30. Nhà sử học âm nhạc Elise Kirk cho biết sau đó nhiều nghệ sĩ piano có tên tuổi được mời đến hòa nhạc trong Nhà Trắng - bao gồm Paderewski, Rachmaninov, Vladimir Horowitz và Isaac Stern. Khi trở thành bà chủ Nhà Trắng, phu nhân Jackie nổi tiếng giao thiệp rộng của Tổng thống John F. Kennedy thích thú với vai trò lãnh đạo quan hệ xã hội của mình và còn cho mời thêm người bên giới truyền thông đại chúng đến tham dự những buổi tiệc âm nhạc.

Năm 1961, Jackie làm nên chuyện bất ngờ khi mời được nghệ sĩ  đàn violoncello Tây Ban Nha nổi tiếng thế giới Pablo Casals đến chơi nhạc tại Nhà Trắng. Được biết trong suốt 23 năm Casals luôn từ chối biểu diễn ở  Mỹ để chống đối việc nước này đã công nhận chính quyền độc tài Franco ở Tây Ban Nha. Buổi biểu diễn của Pablo Casals trở thành sự kiện quan trọng được truyền hình trực tiếp ở Mỹ. Nhưng dòng nhạc jazz - một trong những phong trào văn hóa có ảnh hưởng nhất ở Mỹ trong thế kỷ XX - hoàn toàn không được biết đến ở Nhà Trắng mãi cho đến khi Richard Nixon đưa nó vào chương trình âm nhạc giải trí của mình.

Năm 1969, nhân sinh nhật lần thứ 70 của nghệ sĩ nhạc jazz vĩ đại Duke Ellington, Tổng thống Nixon cho mời ông đến Nhà Trắng biểu diễn đồng thời trao tặng cho nghệ sĩ lão thành này giải thưởng dân sự cao quý nhất nước Mỹ - Huy chương Tự do của tổng thống (Presidential Medal of Freedom). Sau sự kiện này, Richard Nixon và phu nhân Pat được coi là cặp vợ chồng tổng thống Mỹ đầu tiên "du nhập" nhạc jazz vào Nhà Trắng.

 

Tổng thống Obama tổ chức sự kiện âm nhạc Motown, năm 2011.

Ngoài nhạc jazz, Nixon còn là vị tổng thống đầu tiên tôn vinh văn hóa nhạc pop Mỹ thông qua âm nhạc. Ông mời những tên tuổi nhạc pop của thập niên 60 như Turtles, The Temptations và Beach Boys biểu diễn phục vụ buổi party của cô con gái Tricia vào năm 1969.

Ca sĩ nhạc pop Johnny Mathis là người có nhiều cơ hội chơi nhạc trong Nhà Trắng. Ông hát phục vụ cho 6 đời Tổng thống Mỹ - Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carte, Ronald Reagan, George Bush cha và Bill Clinton. Năm 2009, đệ nhất phu nhân Michelle Obama đứng ra tổ chức một loạt những sự kiện tôn vinh âm nhạc Mỹ - bao gồm jazz, country, cổ điển, Latin và Motown (công ty nhạc đặt trụ sở ở Detroit). Những nghệ sĩ phục vụ cho vợ chồng Tổng thống Obama bao gồm Smokey Robinson, Jamie Foxx, Seal, Stevie Wonder, Bob Dylan, Joan Baez, Sheryl Crow… Tổng thống Obama cũng cho mời những nghệ sĩ lớn  tới phục vụ cho các nguyên thủ, khách mời của Nhà Trắng.

Do East Room không đủ lớn (24 x 10m) nên Tổng thống Bill Clinton thường cho dựng lều để đủ sức chứa vài trăm khách mời (khoảng 200 đến 300). Alan Milburn một cựu Bộ trưởng thuộc nội các Anh khen ngợi Bill Clinton là người biết cách tổ chức tiệc âm nhạc có hiệu quả. Ngoài ra, Bill Clinton còn có biệt tài biến những buổi tiệc âm nhạc thành cơ hội cho những thương lượng về thương mại với lãnh đạo các nước khác, đặc biệt là với Trung Quốc. Như cựu Tham mưu trưởng Thomas "Mack" McLarty của Tổng thống Clinton nhận xét, văn hóa giải trí là cơ hội để mọi người cảm thấy thoải mái bàn luận với nhau về mọi vấn đề


Di An (tổng hợp)

http://antg.cand.com.vn