Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) In
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 14:47


Hơn ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam kết thúc bằng thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhưng những cuộc thảo luận về giai đoạn lịch sử quan trọng này vẫn tiếp diễn. Một trong những nội dung của các cuộc thảo luận đó là mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước đồng minh, đặc biệt là với Liên Xô.
Theo đánh giá của một số học giả nước ngoài, nhìn chung sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ thể hiện một số khía cạnh chủ yếu sau đây. Thứ nhất, mặc dù giúp đỡ Việt Nam, Liên Xô vẫn không muốn “hy sinh” chiến lược hoà dịu của họ trong quan hệ với Hoa Kỳ. Thứ hai, Liên Xô sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu cần thiết của Việt Nam nhằm chống lại sự tấn công ngày một mở rộng và ác liệt của đế quốc Mỹ. Thứ ba, Liên Xô mong muốn thực hiện đàm phán để chấm dứt cuộc chiến hơn là ngày một dấn sâu vào cuộc chiến tranh đó. (1) Nói một cách khác, với tư cách là thành trì của phe XHCN và một cực đối trọng với Mỹ, Liên Xô mong muốn thông qua cuộc chiến tranh này thực hiện những mục đích đối ngoại có tính toàn cầu, chiến lược của mình.
Thông qua việc khai thác một số tài liệu trong nước và nước ngoài, bài viết này cố gắng phác hoạ mối quan hệ Việt Nam-Liên Xô trong giai đoạn từ năm 1954, tức là từ sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, cho đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào năm 1975. Trong giai đoạn này, quan hệ Việt-Xô có thể được chia làm 4 giai đoạn chính: 1954- cuối những năm 1950; cuối những năm 1950 – mùa thu 1964; mùa thu 1964-1/1973; 1/1973-4/1975.
2. Quan hệ Việt-Xô giai đoạn 1954-cuối những năm 1950
Trong giai đoạn đầu, Liên Xô đã hình thành quan hệ chính trị toàn diện với Việt Nam, ủng hộ chủ trương và đường lối khôi phục và xây dựng miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ này lại không đậm đà bằng quan hệ với các nước khác. Ví dụ ngày 3/2/1950, Liên Xô mới đặt quan hệ ngoại giao với Inđônêxia (sau Việt Nam 3 ngày), song tháng 1/1953 Liên Xô đã cử đại sứ đi Giacacta, trong khi đó mãi đến gần 2 năm sau tức là ngày 4/11/1954, Liên Xô mới cử Lavraschev - đại sứ đầu tiên của Liên Xô đến Hà Nội. ch Tổng bí thư Khrushev và Boulganin đã đi thăm Ấn Độ, Miến Điện và Apganistan vào tháng12/1955 và đã 2 lần đi thăm Trung Quốc (vào tháng 8/1958 và tháng 10/1959), song không hề đi thăm Việt Nam. Đoàn đại biểu xô viết tối cao Liên Xô do chủ tịch Vôrôsilốp dẫn đầu đi thăm Inđônêxia trước rồi mới đến Việt Nam (tháng 5/1957). Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô cũng đã đi thăm Ấn Độ và Miến Điện (2/1957), song vẫn không đi thăm Việt Nam. Hội hữu nghị Việt Xô được thành lập từ tháng 3/1950, nhưng hội hữu nghị Xô Việt mãi đến ngày 31/7/1958 mới được thành lập. (2)
Về kinh tế, biểu hiện cụ thể là Liên Xô đã giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế 1955-1957 và kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế và văn hoá 1958-1960. Theo Hiệp định ký ngày 18/7/1955, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 40 triệu rúp để xây dựng và khôi phục 146 xí nghiệp công trình công nghiệp và cơ quan thuộc các ngành cơ khí, than, điện lực và công nghiệp nhẹ. Tháng 3/1959, Liên Xô cho Việt Nam vay 100 triệu giúp để thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế nói trên. Ngoài ra, Liên Xô còn giúp Việt Nam xây dựng 21 đài khí tượng thuỷ văn, 156 trạm thuỷ văn các cấp, cho Việt Nam vay 350 triệu rúp để mua trang thiết bị máy móc và xây dựng một số nông trường, trông cây nhiệt đới theo hiệp định 14/6/1960. Trong thời gian từ 1955-1960, Liên Xô đã cử 1547 chuyên gia các ngành sang công tác tại Việt Nam và nhận 420 thực tập sinh và 1267 sinh viên Vịêt Nam sang học tập tại Liên Xô. Tuy nhiên sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam so với các nước không phải XHCN ở châu Á là khá khiêm tốn. (3)
Tuy nhiên, trong thái độ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ có một số biểu hiện sau đây: Thứ nhất, Liên Xô chủ trương giữ nguyên trạng ở miền Nam và chủ trương hoà bình để thi hành hiệp định Geneve. Liên Xô muốn Việt Nam phấn đấu giành thắng lợi trong xây dựng miền Bắc để động viên và thúc đẩy đấu tranh chính trị ở miền Nam, giải quyết vấn đề miền Nam bằng thương lượng, bằng con đường hoà bình. Do vậy Liên Xô ít đề cập đến đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị ở miền Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng của Liên Xô rất ít đưa tin về thắng lợi quân sự của nhân dân miền Nam và cũng không lên án thẳng chính quyền Mỹ trong các hoạt động ở miền Nam.
Lý do Liên Xô có thái độ trên đây theo Đảng Lao động Việt Nam là sau khi Stalin mất, Khrushev lên thay đã đi vào con đường xét lại. Năm 1956, tại Đại hội lần thứ XX, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra đường lối “cùng tồn tại hoà bình”, “quá độ hoà bình”, “thi đua hoà bình” và chương trình đầy tham vọng “đuổi kịp và vượt Mỹ” về sản xuất sản phẩm tính theo đầu người trong thưòi gian ngắn nhất”. Vì mục tiêu và lợi ích của mình, Liên Xô chủ trương hoà hoãn với chủ nghĩa đế quốc nhất là đế quốc Mỹ, coi đó là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu, nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật của Mỹ và Tây phương và giữ nguyên trạng của châu Âu để tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi cho xây dựng CNXH ở Liên Xô. Liên Xô e ngại phong trào giải phóng dân tộc sẽ như “đốm lửa cháy rừng”, cản trở hoà hoãn, ảnh hưởng đến mục tiêu chiến lược của Liên Xô. Thứ hai, do trọng tâm chiến lược mới của Liên Xô là nhằm củng cố khối XHCN ở Đông Âu, mà biểu hiện rõ nhất là vịec thành lập khối SEV năm 1949 và tổ chức Hiệp ước Varsava 1955, đòi các nước đế quốc giữ nguyên trạng châu Âu, thực hiện hoà hoãn Đông-Tây, đẩy lùi chiến tranh lạnh, nên Liên Xô tránh những đối đầu căng thẳng với Mỹ và các nước phương Tây.
Cần nói thêm là yếu tố Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô. Sau Hội nghị Geneve, uy tín của Trung Quốc tăng cao trên trường quốc tế. Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng ảnh hưởng, tập hợp lực lượng ở châu Á và châu Phi, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Nam Á. Điều đó thể hiện trong vai trò của Trung Quốc ở Hội nghị Băngdung (Inđônêxia 1955), gạt bỏ ảnh hưởng của Liên Xô. Trung Quốc cũng tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực thông qua vấn đề Việt Nam, tránh gây căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mâu thuẫn Xô-Trung chưa bộc lộ công khai, nên quan hệ Việt-Xô vẫn giữ được ở mức độ bình thường.
3. Quan hệ Việt-Xô giai đoạn cuối những năm 1950-10/1964
Trong giai đoạn tiếp theo từ cuối những năm 1950 đến tháng 10/1964, quan hệ Việt-Xô diễn ra trong bối cảnh mới. Đây là giai đoạn đường lối cách mạng Việt Nam có sự thay đổi. Trong thời gian này, Việt Nam chủ trương “tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe XHCN và bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.” (4)
Thái độ và sự giúp đỡ của Liên Xô được biểu hiện trên một số khía cạnh sau. Để giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Liên Xô đã cho Việt Nam vay 430 triệu rúp theo hiệp định 23/12/1960 với những điều kiện ưu đãi. Ngoài ra, Liên Xô cũng cho Việt Nam vay 350 triệu rúp để phát triển các nông trường trồng cây nhiệt đới theo hiệp định 14/6/1960. Ngoài ra, Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam 20 triệu rúp để chống sốt rét trong những năm 1961-1965.
Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam đã hoàn thành cải tạo và xây dựng 90 xí nghiệp và công trình các loại trong đó có 43 công trình công nghiệp, đáng kể là một số nhà máy điện có tổng công suất là 71.300 kw, các công trình khai khoáng như mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ apatit Lào Cai, nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy chè Phú Thọ, nhà máy cá hộp Hải Phòng, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội.
Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn này, Liên Xô không cử bất cứ đoàn cán bộ cao cấp nào sang thăm Việt Nam. Đoàn lớn nhất cũng chỉ do Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng Mukhidinop dẫn đầu sang dự Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1960, Hồ Chủ Tịch đã mời Khrushop sang thăm Việt Nam, nhưng Khrushop đã không sang, trong khi đó lại đi thăm Inđônêxia, Ấn Độ, Miến Điện và Apganixtan vào tháng 2 và 3/1960. Liên Xô chỉ cử đoàn quan sự cấp thấp do Đại tướng Patov, Phó Tổng tham mưu trưởng, dẫn đầu sang thăm Việt Nam, trong khi đó cả bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh không quân lẫn tư lệnh hải quân đã lần lượt đi thăm Inđônêxia vào tháng 3/1963. (5)
Thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam xấu hẳn đi kể từ giữa năm 1963, sau khi Việt Nam công khai phát biểu một số quan điểm về các vấn đề quốc tế và sau khi Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ thăm Việt Nam vào tháng 5/1963. Thái độ đó được biểu hiện rõ nét trong các bức thư của Trung ương Đảng Cộng sản liên Xô gửi Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam ngày 28/11/1963 và nhất là lá thư ngày 6/7/1964. Bức thư đó viết:
“Trong thời gian gần đây, một số hoạt động của các đồng chí trong trung ương đảng lao động Việt Nam đã làm cho chúng tôi nghi ngại và phiền lòng vì những hành động đó rõ ràng đi ngược lại những lời tuyên bố của các đại biểu Việt Nam về tình hữu nghị Xô Việt...một chiến dịch không thân thiện chống Liên Xô gần đây được tiến hành ngày càng rộng rãi và tích cực tại nước VNDCCH...trong các hội nghị bí mật của Đảng và trong nhân dân đã phổ biến rộng rãi đủ điều bịa đặt nhằm reo rắc sự hoài nghi đối với đất nước của Lênin, khêu lên tình cảm không tốt đẹp đối với đất nước của Lênin...phải chăng những sự kiện kể trên...đang gây thiệt hại lớn lao cho mối tình hữu nghị Xô-Việt...chúng tôi mong muốn một cách chính đáng rằng hữu nghị thì phải được đáp lại bằng hữu nghị.” (6)
Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam Việt Nam, thái độ của Liên Xô cũng có những biểu hiện tiêu cực. Cũng như giai đoạn trước, Liên Xô chủ trương giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam bằng phương pháp hoà bình, không muốn Việt Nam phát động cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam, chỉ muốn Việt Nam tập trung sức lực xây dựng CNXH ở miền Bắc và bằng cách đó tác động vào diễn biến của tình hình miền Nam. Vì vậy, ngày 25/2/1963, Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô đã khuyên Việt Nam nên lợi dụng đề nghị của chính quyền Kennedy về thương lượng nhằm “trung lập hoá” Việt Nam để phục vụ cho việc củng cố vị trí của nước VNDCCH, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của các lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam, đồng thời giúp thủ tiêu lò lửa căng thẳng ở Đong Nam Á. Vì thế, Liên Xô viện trợ rất ít vũ khí cho cuộc đấu tranh quân sự ở miền Nam. Tháng 9/1962, khi đồng chí Văn Tiến Dũng sang Liên Xô đề nghị tăng cường viện trợ quân sự, Liên Xô chỉ nhận giúp với số lượng rất ít. Ngày 28/1/1963, Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội Tovmasyan đã được Trung ương đảng cộng sản Liên Xô uỷ nhiệm đến gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh chỉ viện trợ kinh tế cho miền Nam thôi. (7) Liên Xô cũng đón tiếp một cách lạnh nhạt các đại diện của Mặt trận DTGPMNVN. Liên Xô cũng phản ửng yếu ớt trước việc Mỹ dùng không quân tấn công miền Bắc ngày 5/8 và 18/9/1964. Đặc biệt, Liên Xô đã tìm cách thoái thác nghĩa vụ đồng chủ tịch cả hai Hội nghị Geneve về Lào và Đông Dương thể hiện trong thư của Bộ ngoại giao Liên Xô ngày 27/7 và 17/8/1964. Đặc biệt, Liên Xô đã thoả hiệp với Mỹ về vấn đề Lào trên cơ sở ngừng bắn, lập chính phủ liên hiệp đứng đầu là Phouma. Sở dĩ liên Xô muốn hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề Lào là để đánh đổi lấy việc Mỹ chấp nhận sự kiện “bức tường Berlin” được dựng lên vào ngày 13/8/1961.
Chính trong giai đoạn này, mâu thuẫn Xô-Trung và nhân tố Trung Quốc đã trở thành trở ngại lớn cho sự phát triển quan hệ Việt-Xô. Điều này được biểu hiện rõ rệt qua những hành động và thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam. Trong thời gian từ 1960-1964, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhận được khoảng 13 lá thư và các thông báo của Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị Đảng cộng sản Liên Xô. Phần lớn những bức thư và thông báo này đều đề cập đến sự bất đồng Xô-Trung, đề nghị hội đàm hai đảng Xô-Việt, phàn nàn lãnh đạo đảng và báo chí Việt Nam phê phán lập trường của Đảng cộng sản Liên Xô, phê phán Việt Nam có thái độ không thân thiện với chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam. Các chuyến viếng thăm của Liên Xô tới Việt Nam do Pônômarinốp, Bí thư trung ương Đảng dẫn đầu vào tháng 2/1962 và đoàn do Andrôpốp, Bí thư trung ương Đảng dẫn đầu vào tháng 1/1963, đều nhằm lôi kéo tranh thủ Việt Nam. (8) Trong lá thư gửi Trung ương đảng Lao động Việt Nam ngày 6/7/1964, Trung ương đảng cộng sản Liên Xô đã đề nghị Trung ương đảng Lao động Việt Nam phải “thay đổi lập trường”.
Trong bối cảnh bất đồng Xô-Trung bộc lộ công khai, Liên Xô quan tâm nhiều hơn đến việc tranh thủ các nước lớn khác trong khu vực như Inđônêxia, Ấn Độ, nhằm tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Liên Xô đã không cắt quan hệ với Việt Nam như đã làm với Albani và Trung Quốc vì vị thế của Việt Nam trong ván bài với Mỹ. Đây là giai đoạn xấu nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

4. Quan hệ Việt - Xô giai đoạn 11/1964-1/1973

Sự quan tâm của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu vào cuối năm 1964, sau khi Mỹ leo thang mở cuộc tấn công bằng không quân ra miền Bắc và sau khi Khrushev bị hạ bệ. Cuối tháng 12 năm 1964, Liên Xô đã cho phép đại diện thường trú của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được hoạt động tại Matxcơva. Tiếp theo đó, sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam được đánh dấu bằng chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô do chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Kossygin dẫn đầu tới Hà Nội vào tháng 2 năm 1965. Chuyến thăm này có ý nghĩa nhiều mặt. Thứ nhất, Liên Xô cam kết cung cấp vũ khí chống lại sự tấn công bằng không lực của Hoa Kỳ. Thứ hai, Liên Xô muốn nhấn mạnh vai trò và vị trí của mình ở Đông Nam Á. Thứ ba, Liên Xô muốn cảnh báo Việt Nam không được coi thường âm mưu của Mỹ đối với CNCS ở châu Á. Cuối cùng, Liên Xô cũng dự định thoả thuận với Trung Quốc về kế hoạch phối hợp giúp đỡ Việt Nam. (9) Tuyên bố chung được hai bên đưa ra ngày 10/2/1965 khẳng định VNDCCH là tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á, vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và đóng góp của Việt Nam vào nền hoà bình của thế giới. Tuyên bố cũng khẳng định Liên Xô không thể thờ ơ với an ninh của một nước XHCN anh em và sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam. (10)
Trong thời kỳ này, Liên Xô tập trung xây dựng kinh tế, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra là vượt Mỹ về tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người vào năm 1970 và xây dựng xong cơ sở vật chất kỹ thuật của CNCS vào năm 1980. (11) Nhằm đạt mục tiêu này, Liên Xô vẫn tiếp tục thi hành chính sách hoà hoãn với Mỹ, tranh thủ thời gian củng cố Đông Âu, bảo đảm an ninh, tranh thủ khoa học kỹ thuật của phương Tây. Cũng vào thời gian này, mâu thuẫn Xô-Trung đã bộc lộ công khai, sự bất đồng giữa hai đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu trở lên gay gắt.
Sự cam kết giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô một lần nữa được khẳng định bằng chuyến thăm Liên Xô từ ngày 10-17/4/1965 của đoàn đại biểu cao cấp Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu. Tuyên bố chung nhấn mạnh:
“Nếu Hoa Kỳ tăng cường xâm lược chống Việt Nam, trong trường hợp cần thiết và nếu Việt Nam yêu cầu, chính phủ Liên Xô sẵn sàng cho phép những công dân xô viết có nguyện vọng đến Việt Nam theo tinh thần quốc tế vô sản để chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, bảo vệ những thành quả xã hội chủ nghĩa của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.” (12)
Kết quả cụ thể của các chuyến thăm này là Liên Xô đã cung cấp giúp Việt Nam hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay, phi công và đội ngũ kỹ thuật viên nhằm bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố quan trọng khác. Ngay trong năm 1965, một số máy bay MIG 15/17 và IL-28 đã được chuyển đến Việt Nam. (13)
Sự giúp đỡ của Liên Xô tăng dần từ năm 1965 đến năm 1968. Tính đến năm 1967, tổng viện trợ của các nước XHCN cho Việt Nam là khoảng 1,5 tỷ Rúp (hơn 1,5 tỷ USD), trong đó sự trợ giúp của Liên Xô chiếm 36,8% (608 triệu USD). Đến cuối năm 1967, sự giúp đỡ Liên Xô đã tăng lên 50% tổng giá trị giúp đỡ của phe XHCN, trong đó sự giúp đỡ về quân sự chiếm 2/3 tổng giá trị giúp đỡ của Liên Xô và đạt con số là 396,7 triệu USD. Năm 1968, Liên Xô đã dẫn đầu danh sách các nước XHCN giúp đỡ cho Việt Nam, với tổng giá trị đạt 542 triệu Rúp (582,2 triệu USD). (14) Ngoài ra, có khoảng từ 1.500 đến 2.500 chuyên gia quân sự Liên Xô bao gồm kỹ sư, phi công, kỹ thuật viên phụ trách hệ thống rađa, tên lửa đã phục vụ ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. (15) Đến năm 1968, Liên Xô đã chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách các nước ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam.
Nguyên nhân của những điều chỉnh trong chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam trong giai đoạn này trước hết là do đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Liên Xô. Ngoài ra, Liên Xô cũng nhận thấy những sai lệch trong đường lối đối ngoại dưới thời Khrushev. Đại hội lần thứ XXIII Đảng cộng sản Liên Xô (cuối tháng 3-đầu tháng 4/1966) đã không xác định chung sống hoà bình là đường lối chung bao trùm của Liên Xô nữa và đã đưa nhiệm vụ ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc lên hàng thứ hai và nêu thêm nhiệm vụ chống trả các thế lực xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.
Một nguyên nhân quan trọng khác là Liên Xô đã thay đổi cách nhìn về Việt Nam, coi Việt Nam là trung tâm trong nền chính trị quốc tế, có liên quan trực tiếp tới đối thủ chính của Liên Xô là Mỹ và đối thủ chính của Liên Xô trong phong trào cách mạng là Trung Quốc. Vì những lý do đó, Liên Xô đâ cố gắng kiểm soát từ nội dung, giải pháp đến cách tiến hành chiến tranh của Việt Nam. Liên Xô đề nghị lấy phi công, bộ đội điều khiển tên lửa của Liên Xô. Đặc biệt, ngày 19/3/1968, Chủ tịch Kossygin gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu cho lập hệ thống cố vấn từ Bộ tư lệnh phòng không đến các đơn vị sư, trung đoàn.
Nói tóm lại, từ vị trí "quan sát viên“ trong giai đoạn 1954-1964, đến giai đoạn này Liên Xô đã trở thành nước giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất. Sự giúp đỡ này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi tiếp theo của nhân dân Việt Nam. Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn và quý báu đó. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây của mình, các học giả Nga và Trung Quốc đã có những nhận định thiếu khách quan về đường lối của Việt Nam.(16)
5. Quan hệ Việt -Xô giai đoạn 1/1973-4/1975
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký kết. Việc ký hiệp định Paris là phù hợp với mong muốn làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng, giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế bằng thương lượng của Liên Xô. Vì thế, Liên Xô luôn gắn thắng lợi của Việt Nam với kết quả của việc thực hiện cương lĩnh hoà bình của Đại hội lần thứ XXIV ĐCSLX, lấy việc ký hiệp định Paris để chứng minh đường lối cùng tồn tại hoà bình là đúng, là mẫu mực cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế khác.
Sau khi Hiệp định được ký kết, Liên Xô vẫn tiếp tục giành sự ủng hộ to lớn về chính trị và vật chất cho Việt Nam. Cụ thể, trong thời gian này, Liên Xô đã đón nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam như đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu đi thăm Liên Xô vào tháng 7/1973 và tháng 10/1975, đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào 3/1974, đoàn của Lê Thanh Nghị vào tháng 8/1974, đoàn của Lê Đức Thọ vào tháng 11/1974, của Nguyễn Duy Trinh 12/1974, của Nguyễn Hữu Thọ 12/1973. Khác trước, từ cuối 1973, Liên Xô đã thừa nhận Chính phủ CMLTMNVN là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam.
Tuy nhiên, Liên Xô lại mong muốn tất cả các bên đều phải nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định, giữ vững hoà bình lâu dài, không để chiến tranh bùng nổ. Đối với nhiệm vụ hoàn thành nhiệm vụ độc lập và dân chủ ở miền Nam thì Liên Xô lại chủ trương thực hiện bằng con đường đấu tranh chính trị, thông qua việc lập chính phủ liên hiệp trên tinh thần hiệp định Paris. Tóm lại, Liên Xô muốn duy trì tình trạng nguyên trạng đã đạt được khi ký Hiệp định. Liên Xô luôn e ngại rằng Việt Nam sẽ mở các cuộc tấn công lớn bằng quân sự, dẫn đến việc Mỹ có thể quay lại, đe doạ những thành quả đã đạt được. Tháng 7/1973, trong khi tiếp Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng PhạmVăn Đồng, Tổng bí thư Brêgiơnhép nói: “Điều chủ yếu ngày nay là phải giữ vững Hiệp định Paris, đừng để cho tình hình phức tạp.” Tháng 11/1973, Chủ tịch Kossygin lại nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Vì lợi ích chung phải làm sao đừng để nổ ra chiến tranh, hơn nữa nhân dân VN đã mỏi mệt.” (17) Đặc biệt, bức thư ngày 20/12/1973 của Bộ chính trị BCHTW ĐCSLX thể hiện rõ ý muốn của Liên Xô giữ nguyên trạng khi ký Hiệp định, giữ nguyên hai vùng kiểm soát, chống lấn chiếm là cần thiết nhưng cũng khuyên Việt Nam không dùng vũ trang để thay đổi nguyên trạng.
Từ khi hiệp định Paris được ký kết, Liên Xô đã 5 lần chuyển đề nghị hoặc những lời đe doạ gây sức ép của Mỹ đối với Việt Nam như tố cáo Việt Nam vi phạm hiệp định, thông báo Mỹ sẽ đình chỉ gỡ mìn theo thoả thuận vì Việt Nam lấn chiếm ở miền Nam. Đặc biệt, ngày 16/8/1974, Liên Xô đã chuyển ý kiến của chính quyền Ford là Mỹ lo ngại về việc Việt Nam đang chuẩn bị tấn công lớn ở miền Nam Việt Nam và đe doạ sẽ can thiệp. Ngày 21/4/1975, khi Việt Nam đang thắng lớn ở miền Nam, Đại sứ Liên Xô tại việt Nam Chapline đã thông báo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng thông điệp miệng của Tổng thống Ford ngày 19/4/1974 gửi Tổng bí thư Brêgiơnhép đề nghị Việt Nam thực hiện một cuộc đình chỉ chiến sự tạm thời ở miền Nam Việt Nam nhằm bảo đảm cho việc di tản một cách liên tục những người Mỹ ra khỏi miền Nam và tỏ ý lo ngại không thể loại trừ việc chính quyền Mỹ có hành động phiêu lưu nhằm gỡ thể diện. (18)
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Liên Xô bộc lộ ý muốn tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam. Về chính trị, Liên Xô đưa ra cả một chương trình phối hợp hoạt động; về kinh tế, muốn Việt Nam hợp tác tham gia SEV. Về quân sự, Liên Xô muốn đặt hệ thống cố vấn trong quân đội Việt Nam, tích cực xây dựng cảng và hạm đội đánh cá, xây dựng trạm động đất. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ký ngày 3/11/1978 là bằng chứng cho quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô. Lý do chính là Đông dương và Đông Nam Á đang trở thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược của Liên Xô ở Châu Á-Thái Bình Dương, khi mà Mỹ đã thất bại trong chiến tranh Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động và câu kết với Mỹ. Ngày 12/7/1973, Tổng bí thư Brêgiơnhép bày tỏ mong muốn Việt Nam đóng vai trò kinh tế, chính trị trong khu vực. Ngày 16/7/1973, Chủ tịch Kossygin thậm chí còn cho rằng Việt Nam là chỗ dựa duy nhất của Liên Xô ở Đông Dương. (19)
Tuy nhiên, Liên Xô vẫn e ngại Việt Nam sẽ ngả theo Trung Quốc, nên đã thăm dò xem Việt Nam đánh giá, so sánh như thế nào về sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam. Liên Xô cũng rất quan tâm đến quan hệ của Việt Nam với các nước TBCN, nhắc nhở Việt Nam cần cảnh giác trong làm ăn kinh tế với Mỹ và các nước TBCN phát triển, nhất là với Nhật Bản. Liên Xô cũng chưa tin khả năng tiếp thu vốn và kỹ thuật của Việt Nam.
6. Kết luận
Với tư cách là một phần của cuộc chiến tranh lạnh, cuộc Kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam là thử thách lớn nhất đối với quan hệ song phương Việt Nam-Liên Xô. Trong suốt giai đoạn kéo dài hơn 20 năm đó, quan hệ Việt-Xô đã trải qua bốn giai đoạn thăng trầm khác nhau, tuỳ thuộc vào bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình của mỗi nước.
Với tư cách là thành trì của phe XHCN và là một cực trong trật tự thế giới lưỡng cực, Liên Xô đã phải theo đuổi cùng một lúc nhiều mục tiêu. Thứ nhất, Liên Xô không thể không ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam-thành viên của phe XHCN. Thứ hai, vì lợi ích chiến lược của mình và cũng vì lợi ích chung của cách mạng thế giới, Liên Xô đã tìm mọi cách để hạn chế quy mô chiến tranh, đưa vấn đề vào bàn thương lượng, để đi tới một giải pháp chính trị trên cơ sở nguyên trạng. Thứ ba, trên cơ sở đó Liên Xô hy vọng cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm giải quyết những vấn đề có tính chiến lược khác, đồng thời hạn chế vai trò của Trung Quốc.
Những nhân tố thường xuyên tác động đến quan hệ Việt Nam-Liên Xô trong giai đoạn này là (1) những lợi ích chiến lược toàn cầu của Liên Xô, (2) sự thay đổi chính sách Việt Nam của Mỹ và (3) sự cạnh tranh vị trí số một trong phong trào cách mạng với Trung Quốc. Do đó, khi nghiên cứu quan hệ Việt Nam-Liên Xô trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, không thể không giành sự chú ý thích đáng đến mối quan hệ tam giác Xô-Mỹ-Trung.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Ngoại giao CHXHCNVN và Bộ Ngoại giao Liên Xô, Việt Nam-Liên Xô: 30 năm quan hệ 1950-1980, Matxcơva: NXB Tiến Bộ 1982
2. Chen Jian, China and the First Indo-China War, 1950-1954, in: The China Quarterly, No 133 (March 1933) pp.85-110
3. Chen Jian, China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-1969, in: China Quarterly, No 142 (June 1995), pp. 356-387.
4. Douglas Pike, Vietnam and the Soviet Union: Anatomy of an Alliance, Boulder: Westview Press 1987
5. Gareth Porter (ed.), Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decision, Vol. II, New York 1979
6. Gary R. Hess, The Unending War: Historians and the Vietnam War, Diplomatic History, 18 (Spring 1994).
7. Ilya Gaidyk, Confronting Vietnam-Soviet Policy toward the Indochina Conflict, 1954-1963, Stanford University Press 2003
8. Ilya Gaidyk, The Soviet Union and the Vietnam War, Ivan R. Dee, Chicago 1996.
Min Chen, The Strategic Triangle and Regional Conflict-Lessons from the Indochina Wars, Lynne Rienner Publisher, Boulder and London 1992.
9. Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Hà Nội, 1985.


(1) Douglas Pike, Vietnam and the Soviet Union: Anatomy of an Alliance, Boulder: Westview Press 1987, tr. 61.
(2) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.3.
(3) Từ 1955-1959 Liên Xô đã cho Inđônêxia vay 247 triệu rúp. Tháng 7/1959, Liên Xô lại cho Inđônêxia vay thêm 17,5 triệu rúp. Tháng 2/1960, Liên Xô và Inđônêxia ký tổng hiệp định thứ 2 về hợp tác kinh tế và kỹ thuật theo đó Liên Xô cho Inđônêxia vay 250 triệu đôla.
(4) Nghị quyết đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960).
(5) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.11-12.
(6) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.12. Trước đó tháng 2/1964, khi đoàn đại biểu Việt Nam do đ/c Lê Duẩn dẫn đầu sang trao đổi ý kiến với Liên Xô về các vấn đề quốc tế, Krushev đã doạ cắt viện trợ quân sự cho Việt Nam.
(7) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.15.
(8) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.19.
(9) Gareth Porter (ed.), Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decision, Vol. II, New York 1979, tr. 346-347.
(10) Việt Nam-Liên Xô: 30 năm quan hệ 1950-1980, Matxcơva: NXB Tiến Bộ 1982, tr. 107-111.
(11) Cương lĩnh Đảng cộng sản Liên Xô 1961.
(12) Việt Nam-Liên Xô, sđd, tr. 117-118.
(13) Ilya V. Gaiduk, sđd, tr. 40.
(14) Ilya V. Gaiduk, sđd, tr. 58.
(15) Ilya V. Gaiduk, sđd, tr. 61.
(16) Chen Jian, 1995, tr. 380-385; Ilya V. Gaiduk, sđd, tr. 65-72.
(17) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.51.
(18) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.52-53.
(19) Vụ Liên Xô, Về quan hệ Việt Xô, 1985, tr.59-60.
TS. Phạm Quang Minh
http://www.bulletin.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C2088/2007/11/N19941/?35