CUỘC DÂN BIẾN Ở QUẢNG NAM NĂM MẬU THÂN (1908) QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ CỦA PHÁP In
Thứ tư, 12 Tháng 1 2011 14:16
Trung tâm lưu trữ của Pháp ở Aix-en-Provence (C.A.O.M) còn giữ nhiều tư liệu về cuộc dân biến năm Mậu Thân (1908). Nhờ những tư liệu gốc, trực tiếp và vô cùng quý giá này, chúng ta biết tường tận hơn biến cố làm rung động cả guồng máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Cũng nhờ nguồn tư liệu này mà chúng ta hiểu tại sao Pháp đàn áp mạnh tay với các nhà cách mạng nước ta đầu thế kỷ.

Trước hết hãy đề cập đến các nguồn tư liệu chúng ta có hiện nay:

1. Mậu thân dân ký biến của Huỳnh Thúc Kháng (tù chung thân số 7455)
2. Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký của Phan Châu Trinh

3. Phong trào kháng thuế miền trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân (Nguyễn Thế Anh sưu tầm, phiên dịch)

Cuốn đầu tiên, Huỳnh Thúc Kháng viết trong nhà ngục Côn Đảo. Trong hoàn cảnh bị giam cầm như thế, người tù chung thân, thẻ bài số 7455, không thể viết thẳng sự thật. Nhưng mục đích muốn lưu lại một tài liệu lịch sử, Mính Viên phải chọn cách viết gián tiếp, một loạt thông tin bậc hai mà người đọc phải đọc giữa hai hàng chữ, phải nắm bắt được thông tin thật sự của người viết qua cách viết, cách dùng chữ (ý tại ngôn ngoại). Cuốn Mậu thân dân biến ký không mang về được mà đành ném xuống biển. Về sau, sau ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính, Huỳnh Thúc Kháng viết lại với nhan đề mới là Trung Kỳ cự sưu ký rồi tự dịch ra quốc ngữ.

Phan Châu Trinh thì chỉ muốn kêu oan (tụng oan)! Viết Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký, năm 1911, khi vừa đặt chân lên đất Pháp. Hy Mã muốn "kêu oan" với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Messimy và Toàn quyền Đông Dương sắp qua nhậm chức là Albert Sarraut để xét lại bản án của các thân sĩ Trung Kỳ, đặc biệt là bốn người bạn của ông đang thụ án tù ở Côn Đảo là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Tiểu La Nguyễn Thành và Hàn Hải Lê Bá Trinh. Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký vừa là biện minh trạng nhằm bào chữa cho các thân sĩ Trung Kỳ vừa là một cáo trạng đối với chính sách đàn áp thẳng tay của chính quyền thực dân với phong trào dân biến. Cả trong hai tính chất - biện minh trạng và cáo trạng - những gì Phan Hy Mã trình bày không thể phản ánh đúng sự thật hoàn toàn.

Về nguồn tài liệu qua châu bản, đây phần lớn là các bản án do phủ Phụ chính triều Duy Tân phúc án và được Khâm sứ Trung Kỳ xét duyệt, phản ánh cái nhìn từ bộ máy cai trị đối với vụ dân biến. Đặc biệt khi xét xử vụ dân biến này, các quan lại Việt Nam đã sử dụng "Hoàng Việt luật lệ", vốn có xuất xứ từ bộ luật Gia Long, nên án phạt rất nghiêm khắc và nặng nề.

Điều đáng chú ý là cả ba nguồn tài liệu trên đều thống nhất gọi các cuộc biểu tình ở các tỉnh miền Trung năm 1908 (Mậu thân) là dân biến chứ không phải phong trào chống thuế nhu chúng ta quen gọi. Dân biến là dân nổi dậy (như binh biến là quân lính nổi dậy). Các bản án của Phủ Phụ Chính đều khép những người tham gia lãnh đạo các cuộc biểu tình là  "Khích biến lương dân" (xúi dục dân chúng nổi dậy) như:

Bản án ngày 22.4.1908 xử Lê Tựu Khiết, Nguyễn Bá Loan
Bản án ngày 29.4.1908 xử Lê Tuấn, Nguyễn Văn Bành

Bản án ngày 13.6.1908 xử Đoàn Thuần, Trương Hữu Hoàn

Bản án ngày 4.11. 1908 xử Nguyễn Văn Khoa.

Bản dịch tiếng Pháp cuốn Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký của Phan Châu Trinh cũng lấy nhan đề là Manifestations de 1908 en Annam (Các cuộc biểu tình phản kháng năm 1908 ở Trung Kỳ)

Còn các tài liệu lưu trữ của Pháp gồm những gì? Và các tài liệu đó đã cung cấp cho chúng ta những thông tin như thế nào về vụ dân biến ở Quảng Nam.

Chúng ta có thể liệt kê như sau:

1. Về tình hình chính trị ở Trung Kỳ:
Báo cáo của Dufrenil, thanh tra dân sự vụ Đông Dương, ngày 22 tháng 9 năm 1908 tại Huế. ( Note sur la situation politique en Annam Rapport du Dufrenil, le 22 Septembre 1908, Inspecteur des Services civils de l' Indo - Chine, 18 pages)

2. Báo Cáo gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của các Toàn quyền Đông Dương Beau, Klobukowski cùng Picanon Tổng giám đốc Thuế quan và Công quản Đông Dương ngày 3.7.1908. 3 trang. ( Rapport au Ministre des Colonies. MM Beau, Klobukowski, Gouverneur Général de l' Indo - Chine, Picanon, Directeur Général des Douanes et Régies de l' Indo - Chine, le 3 Juillet 1908) 3. Công văn của Toàn quyền Đông Dương gửi Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế, đề ngày 8 tháng 5 năm 1908 tại Hà Nội ( Le Gouverneur Général de l' Indo - Chine p.i à Monsieur le Résident Supérieur en Annam à Hue. Hanoi, le 8 Mai 1908, No 902, objet : A.S des Affaires d' Annam) 4. Công điện của Toàn quyền Đông Dương Bonhoure gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Hà nội ngày 2 tháng 4 năm 1908. Đóng dấu đến cùng ngày của văn phòng Bộ Thuộc địa, số điện tín 143. ( Dépêche télégraphique, No 143. Gouveneur Général de l' Indo - Chine à Colonies Paris, Hanoi, le 2 Avril 1908) 5. Báo cáo của Công sứ Vinh Destenay gửi Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế, ngày 23 tháng 4 năm 1908. ( Rapport à M. Le Résident Supérieur du Résident de Vinh, le 23 Avril 1908) 6. Đơn của bà Huỳnh Thị Lý, vợ của tú tài Mai Luyện và mẹ của cử nhân Mai Dị gửi Toàn quyền Đông Dương khiếu nại về việc bắt giữ Mai Luyện và Mai Dị cùng việc tịch thu tiền bạc của Thương hội Quảng Nam, đề ngày tháng 11.1908

7. Công văn của Công sứ Pháp Charles ở Hội An trả lời Khâm sứ Trung Kỳ về việc Huỳnh Thị Lý khiếu nại, đề ngày 13 tháng 1.1909

8. Những thông tin cung cấp cho Thanh tra Dufrenil, phụ tá Khâm sứ Trung Kỳ ( Thanh Hoá, ngày 16.5.1908)

( Renseigments fournis à Monsieur l� Inspecteur Dufrenil, adjoint au Résident Supérieur de l� Annam. ThanhHoa, le 16 Mai 1908)

....

Trên đây là một số tư liệu chính và quan trọng,chưa phải là đầy đủ, song cũng xung cấp cho ta một số thông tin rất xác tín để hiểu hơn cuộc dân biến ở Quảng Nam. 1. Về nguyên nhân của cuộc dân biến Ngay khi cuộc dân biến đang phát triển, chính quyền thuộc địa các cấp, tiøm hiểu ngay tình hình thuế, xâu vì những người biểu tình thỉnh nguyện giảm xâu, thuế và phong trào công khai tự nhận là " xin xâu, xin thuế "

Thanh tra Dufrenil, trong báo cáo "Về tình hình chính trị ở Trung Kỳ " viết ngày 22.9.1908, ngay sau khi cuộc dân biến bị đàn áp và lắng lắng dịu, cho rằng nguyên nhân vụ dân biến là thuộc về chính trị và cuộc dân biến đã được tổ chức cẩn thận và chỉ là màn dạo đầu :

" Những tin tức thu lượm được dọc hành trình, những chỉ dẫn do chính những kẻ cầm đầu [dân biến] cung cấp, những lời trách cứ và đe doạ trên các bích chương...những thứ tịch thu được từ những phần tử nòng cốt cho thấy có một tổ chức nghiêm túc... tất cả chứng tỏ một cách chắc chắn rằng chúng ta đang đứng trước một kế hoạch đã được nghiên cứu từ lâu và những cuộc biểu tình mới đây chỉ là dấu hiệu báo trước cho một tình trạng trầm trọng hơn ". Theo viện thanh tra dân sự vụ này, nguyên nhân bắt nguồn từ việc Phan Bội Châu và Cường Để xuất dương sang Nhật. Cường Để thuộc dòng trưởng của vua Gia Long nhiều lần được đề nghị lên ngôi báu. Quanh Cường Để là các sĩ phú " bất mãn " Đào Nguyên Phổ, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu,...Dufrenil, cho biết trước tháng 3-1908, khi cuộc dân biến phát khởi thì :
" Người ta có thể khẳng định rằng những người của Phan Châu Trinh [Phong trào Duy Tân và Duy Tân Hội] đã đi khắp các tỉnh Trung Kỳ "
Người Pháp nghĩ rằng Cường Để là người đứng đầu một chương triønh quang phục trong vòng mười năm với sự ủng hộ tinh thần của Nhật Bản, Phan Bội Châu là người phụ tá đắc lực cho vị hoàng thân này. Phan Châu Trinh là người đại diện cho Cường Để ở trong nước. Điều này không đúng.Cường Để chỉ đóng vai trò Hội chủ danh nghĩa và Phan Bội Châu mới là người sáng lập Duy Tân Hội cùng với Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1911) Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển, Đặng Thái Thân... Còn Phan Châu Trinh là người cực lực chỉ trích Cường Để. Nhưng về tổng quan, người Pháp đúng khi cho rằng cuộc dân biến là kết quả tuyên truyền vận động " Khai dân trí, chấn dân khí " của Duy Tân hội và Phong trào Duy Tân. Sự kiện phế truất vua Thành Thái (1907) là ảnh hưởng gần nhất khiến dân chúng đông đảo tham dự cuộc dân biến.

2. Cuộc dân biến ở Quảng Nam đã được chuẩn bị từ lúc nào ?

" Ngay từ năm 1906, những sứ giả bí mật [của phong trào Duy Tân] đã lui tới các tỉnh miền Trung, vào lúc đó người ta nhận biết những hoạt động của họ ở Biønh Định và vào tháng 10 � 1907 ở Quảng Nam " Tài liệu cho biết viên Công sứ ở Hội An đã cho theo dõi chặt chẽ một số cuộc họp khả nghi ở Tam Kỳ (1907)

Một nhân vật Quảng Nam, nhưng hoạt động ở Biønh Định, cũng được canh chừng là Trần Cao Vân mà người Pháp cho rằng đã tham gia vận động, tuyên truyền tích cực và đồng thời là một trong những người lãnh đạo cuộc dân biến ở Bình Định.

Tài liệu cũng ghi nhận những người lãnh đạo ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã đến ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi để phát động phong trào ở đây.

Tài liệu cũng chỉ rõ một số những người lãnh đạo Phong trào Duy Tân [ và Duy Tân hội] " nguy hiểm nhất " không phải là những người trực tiếp tham dự cuộc dân biến. Ngoài họ, các thân hào, nhân sĩ cũng không cắt tóc để dễ dàng giúp đỡ cuộc dân biến bằng cách quyên góp, bằng uy tín của mình mà không " lộ diện " là đồng loã với " bọn duy tân " !

3. Ghi nhận diễn biến, đánh giá và ban hành những chỉ thị cần thiết để đối đầu với cuộc dân biến ở Quảng Nam

Ngay ngày 2 tháng 4 năm 1908, Toàn quyền Đông Dương Bonhoure đã báo cáo với Bộ Thuộc địa ở chính quốc :

" Khâm sứ Trung Kỳ đã báo cho tôi rằng từ hai hôm nay, dân Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tụ họp đông hai, ba ngàn người tại các tỉnh lỵ để biểu tình và yêu cầu miễn thuế. Những người biểu tình không vũ trang và hình như chỉ đơn giản dùng áp lực số đông để đạt yêu cầu.

Phong trào có thể do một số sĩ phu bất mãn và những kẻ tuyên truyền ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng Nhật Bản. Viên Khâm sứ đã khảo sát tại chỗ và theo dõi diễn biến. Tôi đã chỉ thị ông hãy yêu cầu Phủ Phụ Chính giải quyết nhanh chóng và kín đáo. Một số kẻ xách động đã bị bắt và sẽ do Nam triều xét xử. Viên Khâm sứ hy vọng sẽ nhanh chóng ổn định tình hình. Tôi sẽ luôn theo dõi tình hình.

Bonhoure. "

Toàn quyền Đông Dương Bonhoure, trong công văn gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 8 - 5- 1908 cũng nhấn mạnh đến vai trò của sĩ phu duy tân vào cuộc dân biến và sự kiện đông đảo quần chúng đã hưởng ứng tham gia cuộc biểu tình nhiều ngày khắp các phủ huyện ở Quảng Nam và ngay tại Toà Công sứ ở Hội An.

Toàn quyền Đông Dương cũng như viên Khâm sứ Trung Kỳ đều muốn Phủ Phụ Chính đảm đương vai trò xét xử và tuyên án các sĩ phu như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... để dân chúng không có cớ tiếp tục phản kháng chính quyền thuộc địa. Chúng ta cần thấy rõ mục tiêu các cuộc biểu tình phản kháng không phải là các quan lại người Việt mà họ luôn yêu cầu " các quan cùng dân đi xin xâu ", mà là các toà sứ các tỉnh và toà Khâm sứ ở Huế.

Còn ở các tỉnh, việc xét xử giao cho án sát, bố chánh và sau đó bản án được phúc thẩm ở Phủ Phụ Chính, Khâm sứ là kẻ phê duyệt cuối cùng. Bản án Trần Quý Cáp đáng lý phải được Phủ Phụ Chính hoặc Cơ Mật Viện xét xử như được quy định viø Trần Quý Cáp là tiến sĩ (hoặc phó bảng như trường hợp Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, không di lý về Quảng Nam mà về Huế để Cơ Mật Viện xét xử). Án sát Khánh Hoà hai lần yêu cầu di lý Trần Quý Cáp về Huế nhưng hai lần Toà Khâm sứ và Cơ Mật Viện đều yêu cầu xét xử tại Khánh Hoà theo điều 309 và 321 Hoàng Việt luật lệ.

*     *
*

Tóm lại :

Cần chính danh phong trào mà ta quen gọi là chống thuế Trung Kỳ 1908 là Phong trào dân biến,Cuộc dân biến năm Mậu Thân (1908) ở Trung Kỳ như Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng gọi

Cuộc dân biến này là kết quả vận động tuyên truyền của những sĩ phu và cán bộ Phong trào Duy Tân (công khai) và Duy Tân hội ( bí mật) từ những năm 1906, 1907.

Tại Quảng Nam các cuộc hội họp bí mật này đã bị theo dõi ( 1907 ở Tam Kỳ). Vậy không nên kết luận rằng cuộc dân biến này là tự phát và các sĩ phu nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp là vô can ! Toà Khâm sứ đã đề nghị xử tử hình Trần Quý Cáp và bắt Phan Châu Trinh từ Hà Nội là hai nơi không thuộc mười tỉnh Trung Kỳ có biểu tình " xin xâu "

Như trong thư công sứ Quảng Nam gửi Khâm sứ Trung Kỳ trả lời về vụ khiếu nại của Huỳnh Thị Lý, người Pháp biết rõ Thương hội Quảng Nam lập ra ở Hội An không có mục đích buôn bán mà nhằm mục đích " bất hợp pháp " và cho dù có cổ đông là quan lại Việt Nam và cả Công sứ Pháp, Thương hội Quảng Nam vẫn bị giải tán, và tiền bạc bị tịch thu ! Việc công sứ Quảng Nam tham gia Thương hội Quảng Nam có thể đã làm cho các sĩ phu mất cảnh giác và để người Pháp có thể theo dõi những hoạt động " bất hợp pháp " nấp đằng sau Thương hội Quảng Nam.

Người Pháp đã đàn áp các cuộc biểu tình một cách tàn bạo, chém giết thẳng tay những kẻ lãnh đạo trực tiếp và bắt giữ đầy ải các sĩ phu duy tân ra Côn Đảo, lên Lao Bảo... vì họ sợ những gì có thể tiếp diễn, mạnh hơn, không còn là bất bạo động... như họ đã theo dõi và nhận định. Chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn nếu ta theo dõi các tỉnh khác như Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá qua tài liệu lưu trữ Pháp. Nội dung đó chưa được đề cập trong bài này.

Có thể chúng ta mượn nhận định sau đây của Jean Ajalbert, một nhân chứng đã từng đi dọc Đường Cái Quan viết trong ký sự " Les destinées de l'Indochine-voyage-histoire-colonisation " rằng : Cuộc dân biến được tổ chức một cách thông thạo nhất, như là một cuộc diễn tập qua đó xứ Annam tổng ước các năng lực của miønh, kiểm điểm các lực luợng nổi dậy của họ "

Phan văn Hoàng _Trần viết Ngạc

http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns054.htm