TỪ ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG CÂU VĂN TRONG TIỂU THUYẾT SBC LÀ SĂN BẮT CHUỘT CỦA HỒ ANH THÁI, GÓP PHẦN XÁC ĐỊNH LÀN RANH TIỂU THUYẾT TRƯỚC VÀ SAU 1975 In
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 16:34

ĐỖ THỊ KIM LIÊN

1. Sau 1975, văn học Việt Nam thay đổi không chỉ về mặt nội dung mà cả hình thức thể hiện. Một trong số những nhà văn có những sự thay đổi trên cả hai phương diện, đó là Hồ Anh. Thái. Bài viết này đi sâu tìm hiểu: Đặc điểm sử dụng câu văn trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, qua đó góp phần xác định làn ranh tiểu thuyết trước và sau 1975.

2. Trong quá trình vận động và phát triển, tiểu thuyết không ngừng vận động và biến đổi, tuy vậy, có thể nhận diện tiểu thuyết so với truyện ngắn trên những đặc điểm chính: Truyện ngắn, theo Từ điển thuật ngữ văn học, là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu một mạch, đọc một hơi không nghỉ [2, 379], và theo Từ điển tiếng Việt thì truyện ngắn là chuyện bằng văn xuôi, có dung lượng nhỏ, số trang ít, miêu tả một khía cạnh, một mẫu trong cuộc đời nhân vật [5, 1054]. Còn tiểu thuyết, theo Từ điển tiếng Việt, là truyện dài bằng văn xuôi có dung lượng lớn, với nhiều nhân vật hoạt động trong phạm vi lịch sử, xã hội rộng lớn. Quyển tiểu thuyết gồm ba tập. [5, 958]. Như vậy, ngoài độ dài lớn hơn truyện ngắn và hệ thống sự kiện, biến cố, chi tiết tính cách, tiểu thuyết còn chú ý đến miêu tả suy tư, diễn biến tình cảm, mọi chi tiết về mối quan hệ giữa người với người.

3. Khảo sát tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, gồm 343 trang, chúng tôi nhận thấy:

3.1. Về số lượng câu và phân loại câu trong tiểu thuyết, chúng tôi thống kê được tổng số 7427 câu.

Xét theo mục đích phát ngôn: Tất cả 7427 câu trên đều thuộc nhóm câu trần thuật (câu tác giả), không có câu nào là câu nhân vật. Dấu hiệu hình thức của những câu nhân vật thường có dấu hai chấm (:), gạch ngang đầu dòng, hay dấu hai chấm, đứng trước dấu ngoặc kép. Đây là điểm khác biệt giữa tiểu thuyết của Hồ Anh Thái với tiểu thuyết của một số nhà văn khác. Trong tiểu thuyết SBC[1], khi thể hiện những câu của nhân vật, tác giả không sử dụng dấu câu theo hình thức truyền thống mà thể hiện dưới dạng câu trần thuật-lời tác giả thuật lại.

Ví dụ:

(1) Có vợ mới rồi mà tình cờ thấy bà ngoài đường, ông vẫn vòng xe lại, đuổi theo (1). Chèn được xe máy của bà vào sát lề đường, nhảy ra khỏi xe té tát, con cá rô đực kia, con đu đủ đực kia, không có việc đứng đắn để làm nữa hay sao mà đàn đúm với bọn nạ dòng (2). Ghê (3). Không còn vợ chồng nữa vẫn ghen hậm hực (4).

[7, 16]

Đoạn văn trên gồm 4 câu, câu (1) là câu trần thuật của tác giả - kể lại sự việc diễn ra; câu 2 gồm hai phần, phần đầu vẫn là lời trần thuật của tác giả - kể lại, nhưng phần hai (đánh nghiêng) là lời nhân vật-lão chồng- chứa nội dung mắng vợ cả; câu (3) là câu  trần thuật nhân vật, thể hiện đánh giá của lão chồng về hành động của vợ; và câu (4) là câu trần thuật tác giả-thể hiện thái độ đánh giá của tác giả đối với việc làm của lão chồng. Như vậy, kiểu câu trần thuật trong SCB của Hồ Anh Thái có cấu trúc phức tạp, đan xen giữa lời tác giả và lời nhân vật, trong đó lời tác giả cũng chứa những kiểu dạng khác nhau; không còn đơn giản, từng kiểu tách bạch như kiểu câu trần thuật truyền thống.

Ở các văn bản truyện ngắn hay tiểu thuyết của những tác giả khác, chúng tôi đều bắt gặp bốn kiểu câu phân loại theo mục đích phát ngôn (cách phân loại câu theo truyền thống): trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán. Sau đây là bảng thống kê các kiểu câu xét theo mục đích nói của ba tác giả: Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Lê Lựu:

 

Bảng 1: Thống kê các kiểu câu trong Nguyễn Minh Châu[2], Chu Lai, Lê Lựu

 

Kiểu câu

Tổng số câu

Câu

trần thuật

Tỷ lệ %

Câu

nghi vấn

Tỷ lệ %

Câu

cầu khiến

Tỷ lệ %

Câu

cảm thán

Tỷ lệ %

Nguyễn Minh Châu

 

2383

 

1073 (44,90)

 

497 (20,56%)

 

346 (14,19%)

 

470 (19,72%)

 

Chu Lai

 

2720

 

1150 (42,27%)

650 (23,89)

 

397 (14,59%)

 

523 (19,22%)

 

Lê Lựu

 

2521

 

1030 (40,85%)

 

503 (19,95%)

 

344 (13,64%)

 

644 (25,24%)

 

 

Bảng thống kê trên cho chúng ta thấy, ở ba tác giả đều sử dụng câu trần thuật với số lượng lớn hơn cả: Nguyễn Minh Châu là 1073 (44,90%) ; Chu Lai là 1150 (42,27%); Lê Lựu là 1030 (40,85%), nhưng ba kiểu câu còn lại: câu nghi vấn, câu cầu khiên, câu cảm thán đều được sử dụng (xem bảng 1).

So với tác giả Tạ Duy Anh, ta thấy ông cũng có sử dụng kiểu câu khác nhau. Trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật, tác giả Tạ Duy Anh đã sử dụng đồng thời câu tác giả và câu nhân vật. Câu tác giả có 3320 đều thuộc nhóm câu trần thuật, còn trong nhóm câu nhân vật có thể có 3 kiểu: 1042 câu nghi vấn; 492 câu cầu khiến và 56 câu cảm thán.

 

Bảng 2: Bảng phân loại câu theo mục đích giao tiếp

(Đi tìm nhân vật)

 

Kiểu câu

Tổng số câu

Câu trần thuật

Câu nghi vấn

Câu cầu khiến

Câu cảm thán

Câu tác giả

3320

3320

0

0

0

Câu nhân vật

1548

0

1042

492

56

 

Trong tiểu thuyết SBC của Hồ Anh Thái có tới 7427 câu tác giả, không có các kiểu câu khác. Chính vì số lượng lớn như vậy, sau đây chúng tôi chỉ đi sâu phân tích đặc điểm câu văn tác giả.

3.2. Về hình thức, câu văn tác giả có hai đặc điểm nổi bật.

a. Trước hết là độ dài của câu. Có thể thấy, đa số câu văn tác giả đều ngắn gọn, chủ yếu từ 3 đến 27 âm tiết. Câu dài nhất là 48 âm tiết.

(2) Mắt u sầu.  [7, 109]

-->  (3 âm tiết)

(3) Thỉnh thoảng nó nhìn vào mắt chàng. [7, 109]

-->7 âm tiết

(4) Chị cũng tự trọng, sau đó không bao giờ mon men trở lại làm phiền người kia. [7, 13]

-->  (17 âm tiết).

(5) Ông đã có cả đàn con riêng ba đứa lộc ngộc, thằng con lớn nóng máy sớm, mười tám tuổi nó đã cho ông lên ông nội.

[7, 27]

--> (27 âm tiết)

Câu dài nhất là 48 âm tiết, thể hiện qua ví dụ dưới đây.

(6) Trước khi đưa hoa quả lên bàn thờ, tớ nhặt riêng mấy quả con quăn quắt, để riêng một góc nhà, mồm đánh tiếng: Phần của chuột đây này, dành riêng cho chuột đây này, đặc sản cho chuột đây này, chuột hay ăn chóng lớn nhé.

[7, 29 ]

Việc sử dụng một số lượng câu ngắn gọn được cắt nghĩa là do sự chi phối từ mặt nội dung thể hiện. Ông có ý thức viết câu ngắn để phản ánh cái khẩn trương, gấp gáp của sự việc, nặng thông tin, phù hợp với sự phát triển nhanh của xã hội.

b. Thứ hai, về cấu tạo, câu văn tác giả chủ yếu là câu đơn. Câu ghép chiếm số lượng không nhiều.

Bảng 3: Bảng thống kê câu đơn-câu ghép

 

Tổng số câu

Câu đơn

Câu ghép

7427

6607 (88,95%)

820 (11, 05%)

 

Qua bảng, ta thấy câu đơn chiếm số lượng lớn hơn nhiều so với câu ghép (câu đơn gồm 6607 câu, chiếm 88,95%, câu ghép là 820, chiếm 11,05 %). Câu đơn nhiều gấp tám lần câu ghép. Con số câu ghép này cũng góp phần nói lên, Hồ Anh Thái nặng về miêu tả sự việc ngắn gọn, không lan man kéo dài. Do câu ghép có số lượng hạn chế, sau đây, chúng tôi đi vào mô tả các kiểu câu đơn.

Xét tổ chức cấu tạo câu, chúng tôi chia đơn chia làm hai nhóm: câu đơn đầy đủ C -V và câu đơn đặc biệt.

* Kiểu câu đơn đầy đủ C-V thường miêu tả các sự kiện, sự việc diễn ra theo chiều thời gian, bắt đầu là một đợt trời mưa dẫn đến nạn lụt và kết thúc là một đợt hạn hán, trên địa bàn Hà Nội. Trong đoạn văn mở đầu có các câu trần thuật:

(6) Khó ai quên cái trận lụt biến các đường phố thành sông giữa lòng Hà Nội.../Hà Nội mùa này phố cũng như sông/ Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh.

[7, 6]

Và trong đoạn văn phần kết có các câu trần thuật:

(7) Bình thường thì chỗ này sông Hồng cuồn cuộn phù sa, năm nào cũng có người chết đuối. Bây giờ trơ ra đấy chỉ là bãi cát mênh mông./ Hà Nội mùa này bãi cát mênh mông/ Phố lớn người đông, em khô mông vì không nước lạnh.

[7, 342]

* Kiểu câu đơn đặc biệt là câu trên bề mặt hình thức chỉ có một từ hay cụm từ. Về tiểu nhóm, có thể chia ra ba nhóm câu đơn đặc biệt: câu đặc biệt tự thân, câu đặc biệt tỉnh lược và câu đặc biệt tách biệt [xem 3, 237]. Câu đặc biệt tỉnh lược tồn tại trong câu nhân vật là chủ yếu. Câu đặc biệt tự thân tồn tại một cách độc lập, không phụ thuộc những câu đứng cạnh.

Ví dụ:

(8) Mưa!

Gió!

Não nùng.

(Nguyễn Công Hoan)

Câu đặc biệt tách biệt là kiểu câu chỉ tồn tại trong văn bản. Nhờ ngữ cảnh, người viết tách một thành phần nào đó của câu đầy đủ thành phần (như: chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ, đề ngữ...) đứng độc lập thành câu đặc biệt, với mục đích nhấn mạnh.

Sau đây là một số ví dụ :

(9)- Tôi chẳng ăn. Ăn mãi rồi.--> tách vị ngữ

[Nguyễn Huy Thiệp, Những bài học nông thôn, tr.301]

Câu đặc biệt tách vị ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh thành phần vị ngữ: ăn mãi rồi.

(10)- Tôi biết người này, đấy là nhà thơ Văn Ngọc. Sau anh Ngọc là một cặp vợ chồng già. Quyên. –> tách vị ngữ: Quyên

[Nguyễn Huy Thiệp, Thương nhớ đồng quê, tr.447]

(11)- Không một người thường nào có được số phận lạ lùng như ông trong 500 năm nay. 500 năm, tức là năm thế kỷ. --> tách thành phần giải thích 500 năm, tức là năm thế kỷ.

[Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Lộ, tr3.71]

(12)- Ở Hua Tát, mọi người đều có gia đình nề nếp của mình. Thật chưa bao giờ có một gia đình quái gỡ như thế này. Vợ không chồng. Con không bố. Chín đứa con. Chín đưa con mà chẳng đứa nào giống đứa nào.--> tách định ngữ Vợ không chồng. Con không bố. Chín đứa con. Chín đưa con mà chẳng đứa nào giống đứa nào.

[Nguyễn Huy Thiệp, Những ngọn gió Hua Tát, tr.489]

Thành phần định ngữ đã được tách ra khỏi câu đi trước thành câu đặc biệt nhằm mục đích nhấn mạnh. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, kiểu gia đình truyền thống, nền nếp trước đây đã không còn ngữ nguyên mà đã thay đổi.

So sánh với những tác giả khác cũng sử dụng câu đơn đặc biệt tách biệt, chúng ta có thể thấy giữa Hồ Anh Thái và họ có những điểm khác biệt:

Trước hết, số lượng câu đặc biệt tách biệt được Hồ Anh Thái sử dụng với một số lượng lớn hơn hẳn, trở thành phổ biến, chứ không còn là "câu đặc biệt", gồm 1031 câu. Những tác giả khác cũng sử dụng câu tách biệt nhưng số lượng không nhiều. Trong truyện Như những ngọn gió của Nguyễn Huy Thiệp đã dùng 31 câu. Trong Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ dùng 25 câu.

 

Bảng 3: Bảng số lượng câu đơn đặc biệt tách biệt

 

Tổng số

đơn câu

Câu đơn đầy đủ C-V

Câu đơn

đặc biệt tách biệt

4720

3689 (78,15%)

1031 (21, 85%)

 

Trong 4720 câu đơn thì có tới 1031 câu đặc biệt tách biệt, chiếm 21,85% trên 343 trang, nghĩa là cứ trung bình mỗi trang thì có tới 3 câu tách biệt. Con số này là quá lớn so với những tác giả khác.

Thứ hai, khi sử dụng câu đơn tách biệt, những tác giả khác đều sử dụng chỉ một bậc (vì vậy, chúng còn được gọi là câu dưới bậc). Tính tầng bậc này luôn đúng với quy tắc chuẩn. Với những câu được tách thành câu tách biệt, ta có thể khôi phục lại đúng vị trí-chức vụ của chúng.

Ví dụ:

(13) Thật khó diễn tả hết những tình cảm trái ngược trong lòng Thăng lúc ấy. Căm giận. Khinh bỉ. Thương cảm.

(Nguyễn Minh Châu, Cơn giông, 46)

--> Câu tách biệt được khôi phục lại vốn là thành phần định ngữ của danh từ tình cảm (trái ngược).

(14) Thăng đã đọc thấy trong các cuốn sách, người ta mô tả lòng dũng cảm nhưng anh chưa thấy ai vẽ lên tấm chân dung những người lính dũng cảm như vậy, những người lính của trung đội ấy-cái trung đội mà Thăng được điều sang để nắm lấy, sau khi thằng Quang chạy sang hàng ngũ địch. Một trung đội chiến đấu mà quân số chỉ bằng một tiểu đội. Những cái mặt tái mét vì sốt ret. Những con mắt lờ đờ. Những câu nói dấm dẳng. Nhưng đó là những người lính kiên định, thực sự kiên định.

(Nguyễn Minh Châu, Cơn giông, 46)

--> câu tách biệt được khôi phục lại vốn là thành phần giải thích cho danh từ đứng trước cái trung đội.

Trong khi đó, câu tách biệt trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái có đặc trưng khác với những tác giả khác, đó là: a) câu tách biệt có vị trí phong phú, c) có nhiều bậc (xét trong chỉnh thể cấu tạo đoạn văn), c) khá nhiều câu khó qui về vị trí ổn định trong cấu trúc nguyên dạng.

a) Biểu hiện có vị trí phong phú

Câu tách biệt có thể đứng đầu đoạn văn, đứng giữa đoạn và cuối đoạn; vừa đứng đầu vừa đứng giữa đoạn; và vừa đứng giữa vừa đứng cuối đoạn.

Đứng đầu đoạn:

(15) Vậy. Tác giả thấy cần phải xin phép các tác giả (nhà thơ Bùi Thanh Tuấn và nhạc sỹ Trương Quý Hải) chắc chắn thế) để chép lại đây.

[7, 7]

Đứng giữa đoạn

(16) Chỗ nào thơm thì được dăm bảy triệu. Chỗ nào bèo cũng được một triệu. Lấy ngắn nuôi dài. Tha lâu đầy tổ. Thân lươn bao quản lấm đầu. [15]

[7, 15]

Đứng cuối đoạn:

(17) Cô vẫn đưa tay lên quò quò con dao. Miệng phều phào. Cắt cắt.

[7, 115]

Đứng cuối đoạn, gồm một chuỗi câu:

(18) Nhưng chàng cảm thấy hình như ở nàng vẫn có một cái gì đó. Khang khác. Một thứ cảm giác. Mơ hồ. Linh cảm. Bàng bạc. Một thứ gì đó cứ quẩn quanh trong từ trường của Nàng. Là lạ.

[7, 41]

Vừa đứng đầu vừa đứng giữa đoạn:

(19) Khi Đại gia đến, giải tỏa bãi rác, san lấp bãi lầy, xây nhà lên, lãnh thổ của chuột bị xâm phạm. Nhà sàn dựng lên qua một đêm thì bị sập. Cái nhà biểu diến nghệ thuật hễ xây tường hôm trước hôm sau lại đổ. Sập. Đổ. Đám kiến trúc đám xây dựng đua đầu. Đại gia phải viện đến một ông thầy cúng từ Sài Gòn ra.

[7, 91]

Có khá nhiều câu 1 từ đứng ở giữa đoạn. Đây là hiện tượng đặc biệt không giống bất cứ tác giả nào khác.

(20) Không có việc đứng đắn nữa hay sao mà đàn đúm với bọn nạ dòng. Ghê. Không còn vợ chồng nữa vẫn ghen tức hậm hực.

[7, 14];

(21) Chàng thì sợ tính sở hữu của đàn bà. Chạy. Chàng chủ trương cái để ăn thì không cúng, cái để cúng thì không ăn.

[7, 35]

b) Biểu hiện có nhiều bậc

Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, ta gặp nhiều câu đặc biệt tách biệt làm thành những bậc khác nhau.

Bậc 1:

(22) Cá nuốt trứng. Cá lớn nuốt cá bé. Như người. Như xã hội người.--> tách bổ ngữ

[ 7, 135]

Bậc 2:

Trong ví dụ sau, trước hết là tách vị ngữ. Đến lượt vị ngữ có bổ ngữ của chính nó lại bị tách thành câu biệt lập.

(23 ) Hai người đi xuống tầng bốn, siêu thị và đồ chơi. Tìm kiếm. Những chậu to những bồn tắm có thể dùng làm thuyền. Những vợt cầu lông ten nít gậy bi a. Đã bị mua sạch.

[7, 29]

- Hoặc có thể tách thành phần phụ bổ ngữ cách thức hành động. Đến lượt nó lại có thành phần phụ bổ ngữ. Từ bổ ngữ lại tách ra câu đặc biệt tách biệt mới.

(24) Hàng ngày, chàng vẫn để ý thấy Nàng thỉnh thoảng vốc một nắm thuốc ấy bỏ vào miệng nhai. Rau ráu như nhai cốm. Như nhai hạt đồ khô ăn chơi.

[7, 36]

c) Nhiều câu khó quy về vị trí chuẩn

Có thể nói trong SCB của Hồ Anh Thái có khá nhiều câu vượt ra khỏi quy tắc chuẩn mực về câu. Điều này gây nên hai thái độ trái ngược đối với người đọc: Một số thì xem ông sử dụng câu tùy tiện; một số khác thì xem đó là sự cách tân.

(25) Trước đó, họ chưa có chàng nào để so sánh. Không so sánh được cho nên tưởng không ai có thể đem đến cho Nàng như cảm giác Chàng mới đem đến. Nhớ quay nhớ quắt. Nghiện cay nghiện quắt. Người ta gọi đấy là bùa mê thuốc lú.

[7, 35]

Hai câu đặc biệt tách biệt Nhớ quay nhớ quắt. Nghiện cay nghiện quắt không thể qui về vị trí chuẩn.

(26) Nàng không a lô ngày mai anh phải đi với em. Nàng bao giờ cũng ướm trước, chiều mai anh có thời gian không? Rạp có phim mới, xem vào giờ ấy vắng người, đỡ ồn ào. Nghe nói phía Bắc Ninh hoa cải đã nở vàng, bạt ngàn cánh đồng, nếu anh có thời gian thì ta đi. Nếu. Không ra lệnh, không áp đặt, không giận dỗi sụt sịt nước mắt vòng quanh. Ban đầu như hai người bạn trai dần dà như thế mà lại lạt mềm buộc chặt.

[7, 40]

Một từ nếu lơ lửng, đứng giữa câu, không hiểu chúng liên kết với yếu tố nào trong trong câu đi trước.

Và hàng loạt câu khác...

(27). Hiểu. Lũ chuột của Chàng lúc này không có mặt trên phố này, nhưng chúng hiện diện khắp nơi. Onniprsent, chúng nó có thể nghe. Thật. Hay chỉ là mê tín.

[7, 40]

(28) Nhà thơ lửa. Biệt danh. Giữa chàng và cậu cũng có vướng mắc.

[7, 98]

(29) Không chịu sướng một mình, lại còn muốn cho nhiều người cùng được đọc, được sướng. Viết bài. Thế là ôi thôi.

[7, 99]

- Câu tách biệt nêu lên chuỗi hành động kế tiếp vị ngữ đứng ở câu đi trước:

Nàng đứng vụt dậy tươi cười lịch thiệp xin lỗi về sự cố sức khỏe. Vỗ tay. Nàng xin phép tiếp tục điều hành. Vỗ tay. Nàng khái quát tình hình và triển vọng hợp tác. Vỗ tay. Nàng lập luận sắc sảo về vấn đề luật pháp và đạo đức kinh doanh. Vỗ tay. Vỗ tay. Vỗ tay.

[ 7, tr.36]

Có những câu phải đặt trong đoạn văn, nhờ sự liên kết ngữ nghĩa thông qua câu đứng trước cách quãng, mới khôi phục lại được kết cấu chính.

( 30) Bên trong là những hạt nâu sẫm có mùi giống như món thịt dơi băm nhỏ trộn sả ớt chiên giòn mà chàng được ăn trong những nhà hàng ở Cần Thơ Sóc Trăng (1). Chàng nhấm mấy hạt (2). Rất giống (3). Thuốc mà như thế này thì đám ăn nhậu rất thích thuốc (4).

[7, 36]

Rõ ràng, câu đặc biệt Rất giống (3) là câu hệ quả kéo theo của câu (2). Nhưng nếu không có câu (1) thì câu (3) sẽ trở nên vô lí.

3.2. Về cách sử dụng, chúng tôi thấy có những biểu hiện đáng chú ý:

a. Trong câu, nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng nguyên dạng, nhưng cũng có hiện tượng biến đổi thêm bớt thành tố.

(31) Tại sao chỉ có bốn người bị mất trọng lượng vì nhòm mặt đại gia qua tấm kính quan tài. Chỉ có bốn. Bởi vì chính là bốn người trước đây hai ngày đã tụ tập trong bệnh viện chờ moi lấy mấy câu. Cùng hội cùng thuyền. Chung mưu chung kế chung quyền lợi.--> sử dụng thành ngữ nguyên dạng.

[7, 150]

(32) Vùng quê ông vừa núi vừa biển. Đầu những năm 1980 rộ lên phong trào vượt biển đến vùng đất hứa. Phần nhiều gặp sóng to gió cả, tàu đắm làm mồi cho cá.-- > cải biến từ sóng to gió lớn.

[7, 126

(33) Bây giờ bà bút đàm như nói vóng sang tận Châu Âu châu Mĩ. Lời nói gió tạt.-- > cải biến từ lời nói gió bay.

[7, 56]

b.  Một số kết cấu mới nhại theo lối mô phỏng kết cấu của thành ngữ, tục ngữ.

Có thể liệt kê các kết hợp như: chia loan rẽ phượng, chia uyên rẽ thuý, chia sim rẽ dế; Chàng đã nuôi ong trong tay áo, nuôi cáo trong nhà, nuôi ma trong máy tính; Cưa đứt đục suốt, bước chân đi cấm kì trở lại... Sau đây là một số ví dụ:

(34) Anh nào anh nấy mắt vằn lên nhổ bọt toèn toẹt trong thang máy xịn, gãi chim gãi mông công khai trên bể bơi.

[7, 134]

(35) Nàng thì không phải thế. Không phải cưa sừng làm nghé, tròn mắt nai tơ. Không cần phải nhí nhảnh vô tư... gìn vàng giữ ngọc mãi đến bây giờ.

[7, 41]

(36) Chị gã sau khi được tha về, ngựa quen đường cũ, đường đi nước bước rành rẽ như lòng bàn tay. Lãi mẹ đẻ lãi con. Siêu lợi nhuận.

[7, 121]

c. Một số lối nói vần vè, sáng chế nhại theo lời thơ, lời bài hát cũng được triệt để vận dụng. Đó là những câu thiên về diễu nhại với hàm ý chê.

(37) Cô chủ trương thân này ví xẻ làm trăm được, sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu. Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm. Ở vậy và chơi xuân kẻo hết xuân đi. Bướm lượn rồi bướm ối a nó bay.

[7, 21]

(38) Hai chị em bán cà phê gái tuyên. Chè Thái gái Tuyên. Chắc là chè đã nhạt và gái Tuyên đã nhạt. Không có gì sắc nước hương trời như đồn đại.

[7, 84]

d. Một số tổ hợp từ hoạt động tự do nhưng được phối hợp theo một quy tắc nhất định để tạo ra từ mới:

(39) Người đi viếng thì vô tư hồn nhiên gọi tắt là vô hồn.

[7, 65]

(39) Ngày đầu tiên mưa to nước ngập, dân Hà Nội vẫn còn vô tư hồn nhiên, gọi là vô hồn.

[7, 11]

(40) Một ông chú thiếu sáng suốt, thậm chí dốt nát, lại vô tư duyên dáng, gọi tắt là vô duyên.

[7, 158]

 

4. Từ sự phân tích trên, chúng tôi rút ra một số kết luận:

- Câu văn trong SCB gồm 7427 câu đều là câu trần thuật, thuộc nhóm câu tác giả, không có câu nhân vật. Các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán không xuất hiện.

- Độ dài câu văn ngắn gọn, câu ghép xuất hiện với số lượng không  nhiều và cũng ngắn gọn nhằm mô tả cái hỗn loạn, xô bồ của xã hội.

- Câu đơn đặc biệt tách biệt (chỉ xuất hiện trong văn bản) có số lượng lớn, tạo nên hiện tượng bất thường. Có những câu quy được về mô hình câu dưới bậc theo chuân nhưng có nhiều câu không thể quy về mô hình chuẩn. Việc liên kết giữa các câu trong đoạn có khi thông qua câu gián cách. Câu đơn tách biệt trong SCB có thể có hai bậc, khác với những tác giả khác chỉ một bậc.

- Tác giả sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ (nguyên dạng và cải biến); chế tác các ngữ tự do theo kết cấu của thành ngữ, tục ngữ; cấu tạo lối nói mới theo kết cấu thành ngữ, nhại lời bài hát với hàm nghĩa diễu nhại.

- So sánh những sự khác biệt giữa câu văn trong SCB của Hồ Anh Thái và những tác giả khác, chúng ta nhận ra một số đặc trưng riêng giữa tiểu thuyết của Hồ Anh Thái và những tác giả khác. Sự phân biệt này góp thêm những ý kiến xung quanh vấn đề xác định làn ranh giữa tiểu thuyết trước và sau 1945.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.
  3. Đỗ Thị Kim Liên, Bài tập ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, tr.273

Hồ Lê, "Tìm hiểu nội dung câu hỏi và cách thức thể hiện câu hỏi trong tiếng Việt h[7, 11]

  1. iện đại", TC Ngôn ngữ, 1976, số 2
  2. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2000.
  3. E. Sapir, Ngôn ngữ dẫn luận vào việc nghiên cứu tiếng nói, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 2000

 

Tài liệu trích dẫn làm ví dụ

  1. Hồ Anh Thái, SBC là săn bắt chuột, Nxb Trẻ, 2011.
  2. Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió, Nxb Văn học, 2001

 


[1] SCB là săn bắt chuột được chúng tôi kí hiệu là SCB

[2] Nguyễn Minh Châu, Truyện ngắn, Nxb Văn học, 2003

Chu Lai, Truyện ngắn, Nxb Văn học, 2003

Lê Lựu, Truyện ngắn, Nxb  Hội nhà văn, 2002