Khoa Ngữ Văn
  
Trang chủ Giới Thiệu Sách
VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ PDF. In Email
Thứ sáu, 26 Tháng 7 2019 00:37

VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ

Bùi Mạnh Nhị

Biết Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ bị bệnh đã lâu ngày nhưng tin thầy qua đời vẫn làm những đồng nghiệp, học trò và bao người thân quen của thầy bàng hoàng thương tiếc. Thêm một nhà ngôn ngữ học, một nhà giáo tài hoa, đức độ, một tiếng hát ân tình, trong sáng của Bài ca Sư phạm ra đi.

Từng tốt nghiệp Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, Trường Sinh ngữ Trung Hoa năm 1950, từng làm Hiệu trưởng Trường cấp 1 Tân Minh (Tuyên Hóa), Hiệu trưởng Trường cấp 1 Hòa Ninh (Quảng Trạch, Quảng Bình), sau đó học và tốt nghiệp tại Khu học xá Trung ương và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1954 đến 1959, thầy Nguyễn Nguyên Trứ đã chuẩn bị cho mình một hành trang và thực tiễn văn hóa sâu rộng, để vào nghề. Thầy tiếp nối truyền thống của một gia đình Nho học đầy khí tiết. Thầy Nguyễn Nguyên Trứ rất khiêm tốn nên ít ai biết một trong những cụ tổ trực hệ của thầy, cụ Nguyễn Hiệu (1674 – 1735), từng là đại thần nhà Lê trung hưng.  Thân sinh của thầy, cụ Nguyễn Trinh Vực, cũng là giáo học, từng dịch nhiều thơ ngụ ngôn, những bài thơ “uốn nắn những phong tục, tật xấu bằng tiếng cười” của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 2017, Nhà xuất bản Nhã Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đã tái bản tác phẩm song ngữ Việt- Pháp Thơ ngụ ngôn La Fontaine của dịch giả Nguyễn Trinh Vực, họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa.

Thầy Nguyễn Nguyên Trứ thuộc lớp cán bộ đầu tiên được phân công về xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh) từ năm 1959 và đã 22 năm, từ năm 1959 đến 1981, nghiên cứu, giảng dạy tại ngôi trường giàu truyền thống này trong thời kì gian khó nhất. Sau đó, Thầy chuyển về nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1981 đến khi nghỉ hưu, năm 1997. Thầy đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai và Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984, và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994.

Từng dạy Văn học Trung Quốc, Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm Vinh nhưng công việc chính của thầy là nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ. Các công trình chủ yếu của thầy gồm Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại (Nxb Giáo dục, 1977), Thơ và thẩm bình thơ (Nxb Giáo dục, 1991), Học tập phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồng tác giả, Nxb Khoa học xã hội, 1979), Những vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam (viết chung, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (viết chung, Nxb Khoa học xã hội, 1981), Sách giáo khoa Tiếng Việt 11 ( viết chung, Nxb Giáo dục, 1991), Sách Bài tập Tiếng Việt ( viết chung, Nxb Giáo dục, 1991), Đề cương bài giảng về phong cách học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 1983); v.v…

Những đồng nghiệp, học trò từng làm việc hoặc được thầy giảng dạy, hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ khó có thể quên một con người   tài hoa nhưng khiêm tốn, dứt khoát nhưng hiền hậu, nhẫn nại, luôn quan tâm tới người khác, như thầy. Xin được kể ba mẩu chuyện làm tôi nhớ mãi về thầy.

  1. 1. Thương người như thể thương thân

Tôi có thói quen rất thích được trò chuyện với các nhà ngôn ngữ học. Bởi vì chuyên môn của tôi, ngành văn học dân gian, nói như nhà nghiên cứu V. Ia. Prop, rất gần với ngôn ngữ học. Trong một lần trò chuyện, thầy Nguyễn Nguyên Trứ hỏi tôi: Nhị ơi, trong câu tục ngữ Thương người như thể thương thân, vì sao dân gian đặt vế thương người lên trước thương thân? Không đợi tôi trả lời, thầy hỏi tiếp: Khi nào người ta mới nói thương thân nhỉ? Lúc sung sướng, hạnh phúc, có khi nào người ta nói thương thân không? Nếu có nói, thì để nhắc, để nhớ tới cái gì?

Chao ôi, đúng là câu hỏi của nhà tu từ học, phong cách học! Chính những câu hỏi ấy của thầy đã gợi cho tôi bao ý tưởng để phân tích, để viết về câu tục ngữ kiệm lời mà rộng lớn và thẳm sâu tình ý ấy. Sau này, mỗi khi giảng, hay hướng dẫn sinh viên thảo luận về câu tục ngữ, tôi lại nhớ tới lần trò chuyện đầy ấn tượng ấy của thầy.

Soi vào cuộc đời thầy, tôi nghiệm thấy, hình như thầy và vợ thầy, cô Nguyễn Thị Cam, nguyên Trưởng phòng Quản trị - Thiết bị, chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã sống với mọi người, nhất là những người trong hoàn cảnh khó khăn, đúng như triết lí, lời khuyên, lời nhắn gửi của cha ông cho con cháu muôn đời. Cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều biết, không có chuyện vui, buồn nào của những người trong trường mà thầy, cô không có mặt.

  1. 2. Ba thứ, nhất định phải đầy

Thầy Nguyễn Nguyên Trứ luôn chịu khó lắng nghe người khác. Những điều biết được, học được từ người khác, kể cả học trò, thầy không bao giờ quên. Trong một lần nói về phong tục quê hương ngày Tết, tôi kể với thầy: Ở quê em, ngày cúng Ông Táo (23 tháng Chạp), thiếu gì thì thiếu, nhưng các gia đình đều cố gắng để nhất định ba thứ phải đầy: hũ gạo trong nhà, hũ muối trong bếp và chum (lu) nước trước nhà. Ba thứ ấy phải đầy để nhờ ông Táo lên Trời tâu với Ngọc Hoàng nguyện ước trong năm mới của gia đình.

Tôi kể rồi cũng quên đi. Bất ngờ là chuyện ấy được thầy nhớ. Rồi thầy nhắc con cái trong nhà làm theo. Gặp tôi, thầy hay nhắc lại chuyện ấy. Có lần, thầy còn “tiết lộ” cho tôi biết thêm: từ khi làm như thế, kinh tế gia đình thầy no đủ, dư dật hơn.

Các con thầy, về sau, hình như đều biết chuyện này. Nghe thầy nhắc lại chuyện, tôi cứ phân vân. Điều đó là ngẫu nhiên? Hay có phải, một phong tục dân gian giản dị, khi được tin và trân trọng thực hiện, lại có ứng nghiệm diệu kì!

  1. 3. Ngàn vàng khó mua được cái gầy của tuổi già

Tôi biết câu danh ngôn vàng ngọc này từ thầy Nguyễn Nguyên Trứ. Thầy dùng nó để nói về GS. Lê Trí Viễn, người có vóc dáng nhỏ, thanh, luôn kiên trì tập luyện nên sức khỏe rất tốt, rất dẻo dai, trường thọ. Thầy nói về GS. Lê Trí Viễn để noi gương. Bản thân thầy, với nhiều người trong chúng tôi, cũng là tấm gương về sự rèn luyện, làm việc hết mình và luôn lạc quan, vui vẻ.

Tuổi trẻ của thầy Nguyễn Nguyên Trứ gắn liền với giai đoạn gian khổ nhất của đất nước. Ít ai biết rằng thầy đã phải cắt ¾ bao tử sau những tháng năm vào sinh ra tử ở vùng đất lửa khu bốn trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ. Có lẽ vì thế, thầy luôn gầy.  Gặp thầy, bao giờ chúng tôi cũng gặp nụ cười hiền hậu và nhiệt huyết với nghề. Thầy đã giảng dạy tại nhiều trường đại học: Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học thành phố Hồ Chí Minh. Những giờ lên lớp của Thầy luôn để lại ấn tượng khó phai mờ trong sinh viên, học viên. Thầy hay kể với tôi về việc phải bản lĩnh, chủ động thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi không ngừng. Cũng từ những câu chuyện về chủ đề này, thầy và tôi trong một lần trò chuyện đã tìm ra những hoàn cảnh sử dụng rất thú vị của câu tục ngữ Chuối sau, cau trước. Rằng, câu tục ngữ ấy nói về cách trồng các loại cây và cảnh vật quen thuộc ở những gia đình vùng nông thôn Bắc bộ: chuối thì trồng sau nhà, cau thì trồng trước cửa. Rằng, câu tục ngữ ấy nhắc người ta buồng chuối, quả chuối, buông cau, quả cau chỗ nào là ngon nhất. Rằng, câu tục ngữ ấy cũng nhắc người ta cách cắt buồng chuối, buồng cau: cắt chuối thì cắt buồng sau trước, cắt cau thì ngược lại, cắt từ buồng trước. Câu tục ngữ còn dặn người ta về cách bài trí, đặt đồ lễ trên ban thờ: đĩa cau phải luôn đặt trước nải chuối; v.v… Chúng ta vẫn nói, học ở mọi nơi, mọi lúc. Thầy Nguyễn Nguyên Trứ và tôi đã nhiều lần có những trải nghiệm thú vị như vậy.

Mấy năm gần đây, sức khỏe thầy Nguyên Nguyên Trứ giảm hẳn nhưng thầy vẫn luôn lạc quan và kiên cường vượt qua bệnh tật. Thầy vẫn hay nói vui: cái gầy tự nhiên của mình là cái ngàn vàng cũng khó mua được của tuổi già. Điều đó có thể ai đó nghi ngờ, tôi thì cũng có niềm tin như thầy! Tôi càng tin rằng những người đức độ như thầy đã và sẽ để lại cho con cháu nếp nhà an yên và hạnh phúc!

 

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ đã ra đi ở tuổi 88.  Thầy thuộc thế hệ những người xưa nay hiếm, sự ra đi của thầy để lại nhiều thương tiếc của chúng tôi. Vĩnh biệt thầy, xin được ghi lại một số dấu ấn sâu đậm của thầy và về thầy đối với chúng tôi.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 - 7 – 2019

B.M.N

 
Thông cáo báo chí Hội thảo khoa học “ĐÔNG Á: NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÁO DỤC NGỮ VĂN” PDF. In Email
Thứ năm, 01 Tháng 8 2019 08:13

Thông cáo báo chí Hội thảo khoa học ĐÔNG Á: NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÁO DỤC NGỮ VĂN(Eastern Asia: Issues on Literary Research and Education)

Trong thời đại toàn cầu hóa, không ai có thể phủ nhận những lợi ích trước mắt và lâu dài của hoạt động giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục, nghiên cứu khoa học. Nhìn bạn bè để thấu suốt bản thân; vươn ra thế giới để gắn bó, trân quý hơn đất nước mình; trải nghiệm văn hóa nhân loại để càng thêm tự hào, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc,… đó chính là chủ trương và đường lối của nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội thảo Quốc tế “Đông Á: những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” được tiến hành cũng với mục đích và kì vọng như thế.

Hội thảo đã nhận được hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh... ở trong nước và nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Á. Đây có thể xem như là một nhịp cầu kết nối tâm huyết, trí tuệ của nhiều cá nhân, đơn vị cho vận hội mới của nền giáo dục nước nhà. Sự gặp gỡ, liên kết trong nỗ lực đổi mới, hiện đại, sánh vai với khu vực và quốc tế đã tạo được dư vang, sự cộng hưởng, sức lan tỏa lớn của Hội thảo.

Chủ đề của Hội thảo đã được tiếp cận, mô tả, phân tích và trao đổi theo nhiều góc độ. Về cơ bản, các báo cáo trong Hội thảo có thể chia làm hai nhóm chuyên đề sau:

1. Nghiên cứu Ngữ văn: Ngôn ngữ và văn học Đông Á trong tiến trình lịch sử; Ngôn ngữ và văn học Đông Á tại những điểm giao thoa; Bản sắc văn học Đông Á; Văn học Phật giáo trong khu vực Đông Á; Những nghiên cứu mới về văn học Việt Nam tại các nước Đông Á; Một số xu hướng nghiên cứu Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á;…

2. Giáo dục Ngữ văn ở nhà trường: Dạy học Ngữ văn ở Việt Nam; Dạy học Ngữ văn ở các nước Đông Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Kinh nghiệm xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa Ngữ văn ở Việt Nam và  các nước Đông Á; Kiểm tra đánh giá trong dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á;…

Những điều cần suy nghĩ, trao đổi tiếp sau Hội thảo liên quan đến hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học Đông Á còn rất nhiều. Trong những hội thảo tới, chúng tôi mong nhận được nhiều bài viết hơn nữa về những vấn đề chưa được đề cập thấu đạt tại Hội thảo lần này.

Hội thảo khoa học “Đông Á: những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” là một hội thảo khoa học, hẳn không chỉ trang trọng, đông vui về phần “hội” mà còn hứa hẹn sôi nổi, thiết thực về phần “thảo”. Hội thảo sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ 30, ngày 03 tháng 8 năm 2019, tại Hội trường B (dãy nhà B, lầu 5), 280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức trân trọng đón tiếp các giáo sư chuyên ngành, các nhà nghiên cứu văn học, giảng viên, giáo viên Ngữ văn ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, các nhà quản lí tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước và quốc tế,… đến tham dự Hội thảo.

BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO

 
Báo cáo đề dẫn Hội thảo Quốc tế Đông Á 2019 PDF. In Email
Chủ nhật, 04 Tháng 8 2019 15:21

BÁO CÁO ĐỀ DẪN

ĐÔNG Á - MỘT THỰC THỂ VĂN HÓA

KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN VÀ KIẾN TẠO

“Khu vực văn hóa đồng văn”,  “Khu vực văn hóa chữ Hán” (Hán tự văn hóa quyển) được hình thành từ sự tiếp thu, vay mượn chữ Hán của một số nước lân cận Trung Quốc thời cổ trung đại. Từ tiếp thu tư tưởng, văn tự, các vấn đề văn hóa khác, như thể chế, phong tục tập quán, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... của Trung Quốc từng bước thâm nhập vào các vùng đất ngoài biên giới. Tuy mỗi dân tộc tiếp nhận văn hóa Trung Quốc theo cách khác nhau, trong tâm thế khác nhau, nhìn chung, do nhiều nguyên nhân lịch sử, các sản phẩm văn hóa Trung Quốc đã có cơ hội truyền bá đến nhiều quốc gia, tạo nên mối liên hệ, gắn kết đặc thù. Khu vực văn hóa đồng văn ra đời, đã góp phần hình thành hệ giá trị châu Á và nhân loại. Vai trò của văn hóa Đông Á với châu Á, có thể ví như vai trò của văn hóa Hy La đối với châu Âu.

“ Đông Á” là một khái niệm hiện đại, có thể định nghĩa theo những cách khác nhau, về địa lí và về văn hóa. Hai cách định nghĩa này thống nhất nhưng không trùng nhau. Về văn hóa, khái niệm này chỉ khu vực văn hóa đồng văn trước kia, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singgapore và Đài Loan. Theo Nguyễn Nam, coi Đông Á là một thực thể (Đông Á châu) được đặt ra từ đầu thế kỷ XX bởi một mỹ thuật gia người Mỹ - E.F.Fenollosa (1853 - 1908). Từ 1930, giới chính trị Nhật Bản sử dụng với mục đích xác định tâm điểm của khu vực Hán hóa không còn là Trung Quốc mà là Nhật Bản, nhằm tạo đối trọng mới với châu Âu, phản biện thuyết “dĩ Âu vi trung”, đồng thời muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực. “Hai chữ Đông Á khi mới xuất hiện, ở một mức độ nào đó là nghĩa phái sinh của sự tưởng tượng quyền lực đế quốc. Cho đến thời kỳ đầu hậu chiến, ý nghĩa hai chữ “Đông Á” đều là do Nhật Bản quy định” (Trần Phương Minh, Đài Loan). Như vậy khái niệm Đông Á tuy vẫn chỉ khu vực văn hóa đồng văn - vùng văn hóa chữ Hán, văn hóa Nho giáo hay khu vực dùng đũa..., nhưng đã có tính chất mới, hàm chứa những ý nghĩa mới.

Khu vực văn hóa “đồng văn” thời cổ trung đại đã trở thành khu vực “dị văn” thời cận hiện đại. Sự “đứt gãy” lại là tạo tiền đề cho những thay đổi và cách mạng. Kinh tế, xã hội, tư tưởng đã tác động tới văn hóa, ngôn ngữ và ngược lại văn hóa, ngôn ngữ mới đã tác động đến tư duy và hình thành những hệ hình nghiên cứu mới. Vượt qua thời kỳ “tưởng tượng quyền lực” của một nước Nhật đế quốc nửa đầu thế kỷ XX, Đông Á không còn một trung tâm ngự trị, đã có những biến chuyển và những ngã rẽ mới. Đông Á được nghiên cứu như một chỉnh thể, vừa thống nhất vừa đa dạng. Các quan hệ nội vùng không chỉ là Trung Quốc hay Nhật Bản với các nước còn lại của Đông Á, mà mở ra phong phú và toàn diện hơn. Các quốc gia Đông Á, một mặt vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mặt khác đã không ngừng tìm kiếm, phát huy nội lực của văn hóa bản địa và không ngừng giao lưu với những nền văn hóa khác trên thế giới.

Thời kỳ của toàn cầu hóa, “thế giới phẳng”, Đông Á lại tiếp tục đứng trước những thử thách mới. Dường như khi bước vào thời kì “dị văn”, nửa đầu thế kỷ XX, văn hóa phương Tây đã chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình lên khu vực văn hóa Nho gia. Một Đông Á hiện đại hóa, ở nhiều phương diện,  được đồng nghĩa với “Tây hóa”. Tại Nhật Bản, quá trình này diễn ra sớm hơn, từ thời Minh Trị và để lại nhiều dấu ấn hơn, nhất là trong văn hóa vật chất. Ở Việt Nam, quá trình này diễn ra rõ rệt vào đầu thế kỉ XX. “Sự gặp gỡ  phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam). Nửa cuối thế kỷ XX, với những chính sách “xa Âu gần Á”, “tái Á hóa”, “ Á hóa châu Á” của các nước Nhật Bản, Singapore... là thức nhận của Đông Á về bản thân mình. Sự thịnh vượng của kinh tế Đông Á được cho là kết quả của văn hóa, giáo dục theo kiểu Á Đông. Ông Lý Quang Diệu khẳng định thành công của Singapore là kết quả của nền giáo dục theo tinh thần Khổng giáo.

Những biến chuyển của khu vực cho thấy Đông Á là một đối tượng luôn được “phát hiện” và không ngừng mở ra những định hướng nghiên cứu mới.

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á sớm bước vào thế giới Đông Á, trở thành mắt xích quan trọng của khu vực Đông Á. Việc hội nhập Đông Á của Việt Nam không giống Hàn Quốc và Nhật Bản.  Quá trình văn hóa, văn học Việt Nam đến với phương Tây trong những năm đầu thế kỉ XX và đến với văn hóa Nga, văn hóa Mĩ trong những sau này, cũng rất đặc biệt. Do vậy, sự vận động của văn học Việt Nam cũng như việc định vị nền văn học Việt Nam trong bề rộng không gian và chiều sâu thời gian của thực thể Đông Á cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu.

Được triển khai từ đầu năm 2019, Hội thảo đã nhận được hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều cơ sở giáo dục đại học: Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Phú Yên, Đại học Khánh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng vui mừng nhận được tham luận của các học giả quốc tế từ Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc..., việc trao đổi học thuật càng rộng mở, đa chiều và khách quan hơn. Các tham luận tập trung ở hai mảng chính:

1. Nghiên cứu văn học, văn hóa  Đông Á:

Mảng nghiên cứu này đã đạt tới cái nhìn xuyên suốt tiến trình lịch sử, từ những vấn đề của khu vực văn hóa đồng văn thời cổ trung đại đến những biến chuyển ở thời cận hiện đại. Nhiều tham luận đã bao quát tổng thể sự sinh thành và phát triển của những nền văn học trong vòng văn hóa chữ Hán. Việc vay mượn văn tự và đa số các thể loại văn chương cho thấy sự tỏa sáng của văn hóa Hán, đồng thời cũng nhận rõ nỗ lực tìm kiếm, xây dựng một nền văn hóa độc lập, bản địa của những nước trong khu vực. Nghiên cứu về văn học trung đại, nhất là văn học cận hiện đại chiếm số lượng đa số. Cận đại là thời kỳ Đông Á bước vào ngã rẽ, văn hóa Hán không còn giữ vai trò độc sáng, nhiều vấn đề mới được đặt ra, không hoàn toàn theo truyền thống “Sách thánh hiền xưa đã nhạt màu”. Các tham luận đã chú trọng nghiên cứu mối quan hệ rộng mở hơn, giữa văn học: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan... Những giao lưu tương tác thời cận hiện đại phong phú, đa sắc màu; góc quan sát của các nhà nghiên cứu cũng năng động và linh hoạt.

Giai đoạn hiện đại, hồn cốt của văn học khu vực Đông Á được làm nên từ sự phối màu, phối thanh của tất cả các nước trong khu vực. Văn học Đông Á được tiếp cận từ tư tưởng truyền thống: Nho, Phật, Lão đến những vấn đề tư tưởng mới của thế giới hiện đại: chủ nghĩa nữ quyền, phê bình sinh thái, triết học hiện sinh và từ những lí thuyết mới như liên văn bản, kí hiệu học, mĩ học tiếp nhận,v.v… Văn học tinh hoa và văn học đại chúng của các nền văn học đều được nhìn nhận và đánh giá trong những chiều kích mới. Cùng với các thể loại quen thuộc như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyền kì, các thể loại văn học dân gian, thể loại truyện tranh cũng được quan tâm chú ý. Một số tham luận đi sâu vào lịc sử nghiên cứu một thể loại, hoặc một thời kì văn học cũng như một tác gia cụ thể. Có những tham luận tìm hiểu cái tôi cá nhân hay sự phản tư trong các tác phẩm văn học. Văn học dịch khiến cầu nối văn hóa Đông Á càng thêm gắn bó, mật thiết, cũng là mảng thu hút nghiên cứu của các học giả. Các tham luận cho thấy vào những năm cuối thế kỉ XX, nhất là trong những năm đầu của thế kỉ XXI, việc dịch, giới thiệu văn học Nhật Bản, văn học Triều Tiên, văn học Đài Loan vượt trội hẳn so với những giai đoạn trước. Nghiên cứu trường hợp chiếm ưu thế . Đặc biệt là đối với các tác giả, tác phẩm giá trị, các tác giả Đông Á và gốc Đông Á nhận giải Nobel văn học.

2. Giáo dục Ngữ văn

Thay đổi chương trình, Sách giáo khoa đang là vấn đề trọng tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Với vai trò của trường Đại học Sư phạm trọng điểm phía Nam, Hội thảo coi đây là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa cấp thiết. Tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giảng viên, giáo viên... đánh giá cao tư tưởng, định hướng, bước đột phá của giáo dục Việt Nam, từ giáo dục mang nặng tính từ chương, chương trình mang tính hàn lâm nặng về truyền thụ kiến thức, chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực; từ chương trình nặng về khép kín chuyển sang chương trình được thiết kế theo hướng mở, từ chương trình nặng về diễn giảng sang chương trình chú trọng sự kiến tạo, giao tiếp giữa thầy và trò; từ chương trình nặng về ứng thí, khoa cử chuyển sang chương trình thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời.  Môn học Ngữ văn là môn học công cụ, sẽ chú trọng rèn luyện các kỹ năng: nghe, nói, đọc viết; Môn ngữ văn còn có những đặc trưng khác về thẩm mĩ và cảm xúc. Nhưng dạy văn không chỉ và không phải chỉ là giảng văn, bình văn... Những định hướng, tư tưởng, bước đột phá, đổi mới đó phải được thể hiện từ việc xây dựng chương trình ( bao gồm xây dựng mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp đánh giá môn học) đến việc cụ thể hóa trong giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch lên lớp của từng cơ sở giáo dục và từng nhà giáo. Phần lớn các tham luận đều trên cơ sở đối sánh với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực Đông Á và trên thế giới, thấy được những học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, nhằm cập nhật, bắt kịp thế giới nhưng vẫn luôn trên cơ sở truyền thống, xuất phát từ truyền thống. Nếu như tham luận của các chuyên gia nước ngoài khẳng định sự thành công của Đông Á từ kết quả những mặt tích cực của giáo dục truyền thống, truyền thống không phải lực cản xu hướng hiện hiện đại hóa, thì đó cũng không có gì mâu thuẫn với tinh thần đổi mới của giáo dục Việt Nam hiện nay. Tiếng nói đa chiều của các chuyên gia trong và ngoài nước đã mang tới cho chúng ta một cái nhìn cân bằng hơn trong giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục Ngữ văn. Cũng trong mảng đề tài này, còn có những phân tích, so sánh các tác phẩm của văn học Trung Quốc với văn học Việt nam, những tác phẩm đã được đưa vào chương trình ngữ văn phổ thông nhiều năm qua và những đề xuất trong lựa chọn nguồn ngữ liệu đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tham luận của các nhà khoa học, nhà giáo đã được Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh chọn lựa, trân trọng công bố trên hai ấn phẩm: Tạp chí Khoa học số chuyên san bằng tiếng Anh và Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế dày gần 700 trang.

Không hẹn mà gặp, Hội thảo này của Trường ĐHSP TP HCM, một mặt là sự tiếp tục, mở rộng, đào sâu thêm các vấn đề của những Hội thảo của các đơn vị, cơ quan khác trước đây; mặt khác đặt ra thêm những vấn đề của văn hóa, văn học Đông Á và giảng dạy ngữ văn trong nhà trường. Qua Hội thảo này, chúng ta cũng thấy rõ những nỗ lực hiện đại hóa, quốc tế hóa trong nghiên cứu Đông Á, từ tư liệu, mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu đến ngôn ngữ trình bày trong Hội thảo và được viết tại các bản tham luận.

Từ Hội thảo, chúng tôi cũng thể hiện sự mong mỏi được phối hợp với các đơn vị, các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện những công trình mà chúng tôi cho rằng rất có ý nghĩa đối với nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Á cũng như đối với văn hóa, văn học của các nước trong khu vực. Chẳng hạn, xây dựng Từ điển văn hóa, văn học Việt – Hàn, Từ điển văn hóa, văn học Việt – Nhật, v.v…

Chúng tôi coi thành công của một Hội thảo chính là có những trao đổi trên tinh thần khoa học và khách quan. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy Đông Á là một thực thể văn hóa động, đa diện, luôn được phát hiện và kiến tạo. Đông Á sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xác quyết đầy đủ hơn về bản sắc trong hành trình hội nhập thế giới.

Một lần nữa, Ban Tổ chức Hội thảo Quốc tế “Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” xin cám ơn các nhà khoa học trong và ngoài trường, các nhà khoa học quốc tế đã nhiệt tình gửi bài và tham dự Hội thảo. Xin cám ơn Lãnh đạo Trường ĐHSP Tp HCM, các phòng, ban của trường đã tích cực giúp đỡ cho Hội thảo.

Xin trân trọng cám ơn các nhà khoa học, các nhà giáo và toàn thể quí vị!

PGS.TS Đinh Phan Cẩm Vân

 
TẬP HUẤN THIẾT LẬP LỚP HỌC ONLINE CHO GIẢNG VIÊN KHOA NGỮ VĂN, ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TPHCM. PDF. In Email
Thứ bảy, 15 Tháng 2 2020 08:10

 

Nhằm nâng cao hiệu quả cũng tìm kiếm các giải pháp mới cho quá trình dạy học, đặc biệt trong những điều kiện không thuận lợi cho hình thức lớp học truyền thống, được sự đồng ý của Ban chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, công đoàn khoa Ngữ Văn tổ chức buổi tập huấn “Thiết lập lớp học Online cơ bản” vào sáng thứ 7 ngày 15/02/2020, từ 7h30-11h30 tại B405, 280 An Dương Vương, phường 4 quận 5, TPHCM.

Trong gần 04 tiếng, với sự hướng dẫn của thầy Phan Duy Khôi – giảng viên tổ Lý luận và Phương pháp dạy học, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, gần 30 giảng viên khoa Ngữ Văn trường đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt trao đổi, thực hành các nội dung cơ bản nhằm thiết lập một lớp học online bao gồm: Xây dựng kênh liên lạc tập trung với sinh viên, tạo lập bài kiểm tra trắc nghiệm và tự luận với nhiều thiết lập khác nhau về dạng câu hỏi, số điểm, thời gian, v.v., xây dựng kho tài nguyên tập trung (ngân hàng đề thi, hình ảnh, tài liệu, v.v.), sử dụng app trên điện thoại (android và iOS, miễn phí) để giảng viên quản lí lớp học tập trên smartphone, thiết kế một kịch bản sư phạm online, v.v.

Kết thúc buổi tập huấn, nhận định về nội dung và hiệu quả, các giảng viên tham gia lớp đều đánh giá đây là một buổi tập huấn bổ ích, mang đến nhiều gợi mở cho công tác tổ chức, chuyên môn của bản thân và có kế hoạch áp dụng hình thức lớp học online này trong tương lai gần. TS. Phan Thu Vân, Phó trưởng khoa Ngữ Văn nhận xét: “Buổi tập huấn rất bổ ích vì đã giới thiệu được một nền tảng thiết lập lớp học online đơn giản, hiệu quả, đặc biệt là có phần tương tác của không chỉ học sinh, giáo viên mà còn cả phụ huynh học sinh. Đây sẽ là một mô hình rất phù hợp ở cấp phổ thông. Tuy nhiên, vì là phần mềm miễn phí nên vẫn còn một số bất cập. Từ góc độ tổ chức, giảng dạy ở bậc đại học, đặc biệt là tại một trường đại học Sư Phạm trọng điểm phía Nam, trường đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh nên có một phần mềm, nền tảng riêng để hỗ trợ nhiều hơn cho công tác quản lý và giảng dạy tại trường, đây chính là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thành sứ mệnh nhà trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung, đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa và hiệu quả của Công đoàn khoa Ngữ Văn khi trong một buổi có thể hướng dẫn toàn thể học viên xây dựng thành công lớp học online.”

Được biết, mô hình thiết lập lớp học online này là nền tảng đào tạo sinh viên ngành Sư Phạm Ngữ Văn trong vài năm trở lại đây. Mô hình này đang và sẽ dần được chuyển giao, tập huấn đến giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

NTT., 15/02/2020

 
THƯ MỜI DỰ LỄ TỐT NGHIỆP VÀ TRAO BẰNG TÂN CỬ NHÂN NĂM 2020 PDF. In Email
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 14:53

TRƯỜNG ĐHSP TP.HỒ CHÍ MINH

KHOA NGỮ VĂN

- * -

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 8 năm2020

THƯ MỜI DỰ LỄ TỐT NGHIỆP VÀ TRAO BẰNG TÂN CỬ NHÂN NĂM 2020

Được sự cho phép của Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ văn sẽ tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cho các tân cử nhân năm 2020. Đây là dịp để Trường và Khoa ghi nhận, vinh danh những nỗ lực, phấn đấu trong học tập, rèn luyện của các bạn sinh viên.

Chúng tôi trân trọng kính mời quý Thầy Cô giáo, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các bạn sinh viên đến tham dự, chúc mừng. Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự và thành công của buổi lễ.

(Lưu ý: Khi tham dự lễ, quý vị vui lòng mang khẩu trang.)

- Thời gian: 7 giờ 30, Thứ 3, ngày 25 tháng 8 năm 2020.

- Địa điểm: Hội trường A509, Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trưởng khoa

PGS.TS. Bùi Thanh Truyền

 
«Bắt đầuLùi1112131415161718Tiếp theoCuối»

Trang 15 trong tổng số 18

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT