Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Trần Hoàng (Hoàng Trần)
XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN QUÝ VỊ ĐÃ ĐẾN VỚI WEBSITE...
 

 

 

Hiển thị tin focus

CHỢT NHỚ CÀ MAU  

(NHÂN FACEBOOK NHẮC NHỞ) Có lẽ không người Việt nào không ao ước được một lần đến mũi Cà Mau, địa đầu Tổ...
 

VCD ca khúc

Trực tuyến

Hiện có 1527 khách Trực tuyến

webmail

Truy cập

WebLinks

Tìm kiếm

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
29 30 1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 1 2

album_hinh

"Vầng trăng từ độ..." PDF. In Email
Chủ nhật, 19 Tháng 2 2012 17:10

Nhân mùa trăng trở lại, xin post một bài viết cũ (nhưng nếu chưa đọc thì vẫn mới), để các bạn vừa đọc vừa nhâm nhi trà bánh trung thu:

“VẦNG TRĂNG TỪ ĐỘ…”

* TRẦN HOÀNG

1. Để biểu đạt về cái khối sáng cao cao kia, không rõ ngày xưa ông cha ta đã dùng từ ngữ như thế nào? Bèn giở Quốc âm thi tập của cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) ra xem: “Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng”, “Nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt”, “Đêm thanh hớp nguyệt, nghiêng chén”… và: “Thưởng mai về đạp bóng trăng”,”Hiên mai cầm chén hỏi trăng”…

Vậy là đã rõ. Hồi thế kỷ XIV (do điều kiện tư liệu chưa thể truy lui hơn nữa), cũng giống như ta bây giờ, các cụ đã dùng cả nguyệt lẫn trăng, chưa kể cũng có khi dùng điển cố: “Nhà giao giãi bóng thiềm cung” (Tương truyền, Hằng Nga sau khi trộm thuốc tiên của chồng là Hậu Nghệ uống vào, thành tiên lên ở cung trăng và hoá ra con cóc, vì vậy thiềm cung dùng để chỉ cái bóng đen ở mặt trăng). Tuy nhiên, thời cụ Nguyễn Trãi, nguyệt (từ Hán Việt) có số lần xuất hiện cao hơn trăng (từ Việt) rất nhiều: 63/11 (kể cả hai chữ trăng dùng ở tên bài, có thể chỉ là của người sau đưa vào), và nguyệt thường hoạt động độc lập trong câu giống như bây giờ ta dùng từ trăng vậy… Điều này cũng dễ hiểu. Đây là thời kỳ mà chữ Hán được dùng làm văn tự chính thức của nhà nước phong kiến và trong thi cử. Ngoài sự hoạt động độc lập, nguyệt còn thấy xuất hiện trong những tổ hợp như minh nguyệt, nhật nguyệt, vừng nguyệt, phong nguyệt, bóng nguyệt, cối nguyệt (“Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt”), ngòi nguyệt (“Ngòi nguyệt ngàn mai phụ lệ nhà”…) và trăng thì có bóng trăng, thuở trăng, bạn trăng, mặt trăng… Trong số này, có những tổ hợp ngày nay đọc lên vẫn còn gợi cho ta được nhiều mĩ cảm.

Đến đầu thế kỷ XIX thì tình hình đã khác.

Trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1766 – 1820), nguyệt chỉ còn xuất hiện 12 lần, kể cả khi hoạt động một mình lẫn trong tổ hợp. Trong khi đó, trăng có đến 38 lần xuất hiện. Như vậy là đến giai đoạn này, sự hoạt động của từ Hán Việt nguyệt đã bị thu hẹp lại trong một số ngữ cảnh nhất định, còn từ Việt trăng thì được tha hồ vùng vẫy, với những sáng tạo vô cùng phong phú, thú vị: “Vả trong thềm quế cung trăng”, “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, “Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao”,”Vẻ non xa tấm trăng gần”,”Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”, “Vừng trăng ai xẻ làm đôi”…

Sự phân hoá về chức năng giữa trăngnguyệt cho đến nay có thể xem là đã ổn định. Giờ đây, nguyệt chỉ còn xuất hiện hạn chế trong một số tổ hợp kiểu nhật nguyệt, nguyệt thực, bán nguyệt…, dùng làm yếu tố chỉ tháng trong các từ Hán Việt kiểu nguyệt san hoặc chỉ được dùng trong văn chương, như” Mây nước mê li cầm dưới nguyệt” (Bích Khê), “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm” (Hàn Mặc Tử), hay “Từ khi trăng là nguyệt” (Trịnh Công Sơn)… Còn trăng thì có phạm vi sử dụng tuyệt đối, được dùng trong mọi trường hợp.

2. Như một sự tất yếu, trăng tự bao giờ đã là nguồn gợi hứng cho thơ.

Cũng là vầng trăng ấy thôi mà thi sĩ tha hồ liên tưởng. Sự liên tưởng càng độc đáo càng giàu tính sáng tạo, càng gây được nhiều rung động thẩm mĩ ở người đọc. Trong thơ Việt Nam hiện đại, có không ít câu thơ như vậy.

Với Hàn Mặc Tử “Không gian dày đặc toàn trăng cả. Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng” thì trăng cũng chính là nàng – cô gái đang xuân thì “lơi lả”: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu. Đợi gió đông về để lả lơi” (Bẽn lẽn), “Mới lớn lên trăng đã thẹn thò” (Huyền ảo)…

Với Lưu Trọng Lư, trăng lại gắn liền với hoài niệm, với cuộc đời thiếu phụ: “Vầng trăng từ độ lên ngôi. Năm năm bến cũ em ngôi quay tơ” (Vầng trăng), “Em không nghe mùa thu. Dưới trăng mờ thổn thức?” (Tiếng thu), “Còn đâu ánh trăng vàng. Mơ trên làn tóc rối?” (Còn chi nữa). Lưu Trọng Lư đã có một liên tưởng khá đẹp về trăng: “Đủng đỉnh chiếc thuyền con. Trăng lên đầy ngọn núi” (Trăng lên). Chiếc thuyền con hay mảnh trăng non, hay ấy là tâm hồn đang “đủng đỉnh”?

Trăng trong thơ Xuân Diệu thì “Ánh trăng tuôn đầy các lối đi” và cũng mang đầy dục cảm: “Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ… Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây. Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng!”… (Ca tụng).

Qua cái liên tưởng ấy, ta hiểu được tâm hồn, cá tính nhà thơ. Và cả tuổi tác nữa: “Trăng ơi… Từ đâu đến ? Hay từ một sân chơi. Trăng bay như quả bóng. Đứa nào đá lên trời” (Trần Đăng Khoa - Trăng ơi.. từ đâu đến ). Rõ ràng, phải là một cậu bé, và là một cậu bé hiếu động, thì mới có thể nghĩ được như thế về trăng.

Trăng qua sáng tạo của các nhà thơ – những bậc thầy về ngôn từ – là vậy, thoát ra khỏi cái ý nghĩa cũ càng để tạo nên nghĩa mới, bình diện nghĩa thứ hai của ngôn ngữ nghệ thuật.

(Bài đã in trên tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống

của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, số 9(59) năm 2000, tr. 3-4)

 



bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học