Khoa Ngữ Văn
  
Trang chủ Nghiên cứu khoa học VĂN HỌC VIỆT NAM BÀN LẠI VẤN ĐỀ THỂ LOẠI CỦA TÁC PHẨM THẦY LAZARO PHIỀN CỦA NGUYỄN TRỌNG QUẢN
BÀN LẠI VẤN ĐỀ THỂ LOẠI CỦA TÁC PHẨM THẦY LAZARO PHIỀN CỦA NGUYỄN TRỌNG QUẢN PDF. In Email
Thứ hai, 19 Tháng 12 2011 16:29

ThS. Trần Văn Trọng

Tác phẩm Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất hiện lần đầu năm 1887 đánh dấu cho sự ra đời văn xuôi tự sự quốc ngữ Việt Nam. Có thể nói, tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi xem nó thuộc thể loại nào: tiểu thuyết, truyện ngắn hay truyện vừa(1). Đây cũng chính là điểm hấp dẫn và mới mẻ mà các tác phẩm trước nó không có được nhưng cũng vì thế mà trong một thời gian dài đã không được công chúng và văn giới đương thời đánh giá đúng vị trí và vai trò. Trong bài giảng Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương Truyện “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo) soạn cho năm cuối đại học và sau đại học trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh, GS. Nguyễn Văn Trung cho rằng: Bởi cái nhan đề của truyện và tên của tác giả - P.J.-B. Nguyễn Trọng Quản - đã khiến độc giả cho rằng đây là một truyện đạo và do một người theo đạo Thiên chúa nên không quan tâm đến. Đó là một lí do, cái chính là tác phẩm đã không đáp ứng được thị hiếu của độc giả lúc bấy giờ vốn chưa được chuẩn bị để tiếp nhận một tác phẩm mới lạ đối với họ đến như thế. Độc giả của Nam Bộ, vốn là những người bình dân, xưa nay chỉ quen thưởng thức truyện văn vần và văn biền ngẫu cho nên thời điểm đó khó có thể chấp nhận lối văn nôm na như “tiếng Annam ròng” của Nguyễn Trọng Quản, nhất là đôi khi nó còn mang dáng dấp của những câu văn dịch từ tiếng Pháp. Tâm lý của nhân vật cũng không phù hợp với công chúng bình dân Nam Bộ, chủ đề “phạm tội và sám hối” của đạo Thiên chúa lại càng xa lạ đối với họ. Và kết thúc câu chuyện bất hạnh cũng không hợp với truyền thống mà lâu nay họ vẫn biết: “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo, thiện giả thiện báo”… Trường hợp Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản không hiếm gặp trong lịch sử văn học Việt Nam cận - hiện đại(2) và đã trở thành một qui luật bất thành văn: “cái mới ra đời thường khó khăn, xuất hiện thường lặng lẽ và do đó đôi khi nó bị người cùng thời coi thường và quên lãng. Đặc biệt hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh kéo dài như Việt Nam, có thể có những cái mới trong văn học ra đời chưa được nhận biết đầy đủ, đã bị thất lạc, thậm chí bị tiêu hủy trong khói lửa” (Trần Đình Hượu)(3). Những năm trở lại đây, tác phẩm Thầy Larazo Phiền nói riêng và văn học quốc ngữ Nam Bộ nói chung đã và đang dần tìm được vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất về mặt thể loại truyện Thầy Larazo Phiền. Ở bài viết này, chúng tôi muốn góp thêm tiếng nói khẳng định lại thể loại của tác phẩm có tính khai sáng cho nền văn xuôi tự sự quốc ngữ Việt Nam dựa trên những phương diện sau:

1. Nhan đề của tác phẩm

Thiết tưởng, vấn đề tên của tác phẩm dường như không liên quan đến việc xác định thể loại của truyện Thầy Larazo Phiền nhưng ở bài viết này, chúng tôi muốn nhân cơ hội này thống nhất lại tên đúng của tác phẩm. Như đã biết, lâu nay nhiều nhà nghiên cứu đều dùng tên tác phẩm của Nguyễn Trong Quản là “Truyện thầy Larazo Phiền”. Tuy nhiên, theo chúng tôi cách dùng này có phần nhầm lẫn. Theo bản in lần đầu tiên năm 1887 của nhà in Rey et Curiot mà chúng tôi hiện có(4), chữ “truyện” và cụm danh từ “thầy Lazaro Phiền” không đi liền với nhau mà ở hai dòng khác nhau được ngăn cách bằng đường gạch ngang. Điều này chứng tỏ chữ “truyện” chỉ là định danh thể loại chứ không phải nằm trong tên của tác phẩm - như để phân biệt với chữ “kịch” hoặc chữ “tuồng”, “tuống hát” đang thịnh hành trong các vở kịch Thánh ở giai đoạn này. Hơn nữa, ở giai đoạn sau, các nhà văn ở Nam Bộ cũng thường thêm vào trước hoặc sau tên tiểu thuyết của mình những cụm từ như tâm lý tiểu thuyết, ái tình tiểu thuyết, thế sự tiểu thuyết, lịch sử tiểu thuyết... Chẳng hạn: Giọt máu chung tình được Tân Dân Tử ghi là “lịch sử tiểu thuyết”, Biển cả thuyền con được Trần Quang Nghiệp ghi dưới là “ái tình tiểu thuyết”, Nhà giàu kén rể được Ngọc Sơn ghi là “thế sự tiểu thuyết”... Vì vậy có thể khẳng định tên của tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản không phải là “Truyện thầy Lazaro Phiền” mà là Thầy Lazaro Phiền(5).

Có thể nói, điều này (tức việc trả lại tên đúng cho tác phẩm) cũng có ý nghĩa nhất định đối với việc nghiên cứu văn học quốc ngữ giai đoạn cận đại, nó góp phần hạn chế một thực trạng trong nghiên cứu văn học cận đại ở Việt Nam lâu nay là có một số nhà nghiên cứu thường bỏ qua văn bản gốc tác phẩm và chỉ dựa theo những tư liệu của người đi trước dẫn đến tình huống nếu người đi vì một lý do nào đó mà có sự nhầm lẫn thì sẽ thành hệ thống. Mặt khác, trả lại tên đúng cho tác phẩm giúp người nghiên cứu tránh được những vướng mắc bởi cách định danh áp đặt vào tác phẩm để từ đó có những cách đánh giá khách quan về đối tượng nghiên cứu. Chính vì vậy trong bài viết này, chúng tôi thống nhất sử dụng tên tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản là Thầy Larazo Phiền.

2. Quan niệm về thể loại của các nhà văn đương thời

Văn học Việt Nam nằm trong sự ảnh hưởng của nền văn học Trung Quốc hàng ngàn năm. Vì vậy ở thời đại nào dấu vết của văn học phương Bắc trong lý luận và thực tiễn văn học cũng rất rõ nét. Quan niệm về thể loại tiểu thuyết của những người cầm bút ở ta cũng không phải là một ngoại lệ. Ở giai đoạn văn học giao thời, cái mới mới hình thành chưa có vai trò quyết định chi phối đời sống văn học còn cái cũ chưa mất đi vẫn có những tác động nhất định đến hướng đi của nền văn học nói chung và quan niệm về văn học nói riêng. Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng tôi ngược về quá khứ tìm hiểu quan niệm về thể loại tiểu thuyết ở Trung Quốc. Trong công trình Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Phương Lựu đã khái quát hàm nghĩa “tiểu thuyết” qua các thời đại ở Trung Quốc như sau: “Chữ tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất trong “Ngoại thiên” sách Trang Tử, nhưng mang hàm nghĩa gần như học thuyết chứ không phải là sáng tác văn học. Đến đời Hán trong sách Hán Thư, thiên “Nghệ văn chí”, Ban Cố cho rằng các tiểu thuyết gia thuộc một trong mười loại nhà văn và nói tiếp: “Loại tiểu thuyết gia xuất thân từ hạng quan nhỏ, nghe các lời nói trong thôn cùng ngõ hẻm khắp các nẻo đường mà viết nên”. Khổng Tử có nói: “Tuy là con đường nhỏ, nhưng tất yếu cũng có cái có thể xem được… Cho nên người quân tử không làm ra nó, song cũng không tiêu diệt nó”. Cùng thời với Ban Cố có Hoàn Đàm cũng cho rằng: “Các nhà tiểu thuyết thu nhặt những lời nói vụn vặt, rồi dùng phép tỉ dụ viết nên những sách ngắn để sửa mình và sắp xếp việc nhà, có những ngôn từ có thể xem được” (Văn tuyển). Đến đời Minh, nhà tiểu thuyết Phùng Mộng Long có nói: “Ngoài lục kinh quốc sử ra, phàm những trước thuật khác, đều gọi là tiểu thuyết” (Tự Cảnh thế hằng ngôn). Tiêu Hoa chủ nhân thì cho rằng: “Tiểu thuyết là sách của bọn tài tử” (Cửu lưu chủ luận hạ)”…(6). Chính cách hiểu này đã tác động đến không chỉ nền văn học Việt Nam mà còn cả các nước khu vực Đông Á như ở Nhật Bản và Triều Tiên. Ở thời Trung cận đại, quan niệm về thể loại tiểu thuyết của họ cũng rất rộng và không có sự thống nhất. Ở Nhật Bản, monogatari (vật ngữ) là tên gọi mà “người dân Nhật dùng cho mọi thể loại văn kể chuyện (tự sự), từ cổ tích đến truyện lịch sử, xã hội, kể cả truyện ngắn và truyện dài, kể cả truyền kỳ và tiểu thuyết”(7). Còn ở Triều Tiên, tiểu thuyết hay truyện Triều Tiên được các nhà nghiên cứu thống nhất chia làm 10 loại: truyện cổ tích, mộng du truyện, truyện ngụ ngôn, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết nhân vật lịch sử, tiểu thuyết nhân vật anh hùng, truyện gia đình và truyện gia phả hỗn hợp, truyện đạo đức, truyện châm biếm và tiểu thuyết diễn xướng pansori(8). Những sáng tác thuộc nhiều thể tài văn học khác nhau đều có thể gọi bằng cái tên chung tiểu thuyết. Quan niệm này đã chi phối tư duy văn học thời kỳ Trung đại và ảnh hưởng đến cả những người viết tiểu thuyết thời Cận hiện đại.

Trong bài viết Quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX(9), TS. Hà Thanh Vân cho rằng: do ảnh hưởng của tư tưởng lý luận cổ điển Trung Hoa nên tư duy văn học giai đoạn này chưa hề có khái niệm truyện ngắn, tiểu thuyết rạch ròi như ngày nay. Chỉ có hai khái niệm được các nhà văn thừa nhận là “tiểu thuyết” và “đoản thiên tiểu thuyết”, chúng khác nhau ở độ dài ngắn chứ về mặt đặc trưng thể loại thì hầu như không có sự phân biệt như ở giai đoạn sau(10). Điều này thể hiện rất rõ qua các định danh thể loại tác phẩm của các nhà văn. Chẳng hạn một số cuốn được gọi là “tiểu thuyết” chỉ với độ dài trên dưới chục trang sách như Người đờn bà nguy hiểm (1925) của Nguyễn Văn Kiểm, Con là nợ (1931) của Nguyễn Văn Kiên, Năm 1935 (1932) của Khổng Lồ, Truyện chàng Lía (1933) của Quách Tấn, rồi Chuyện hai tay háo nghĩa (1932) của Mộng Xuân, Ngôi hàng cập sách (1924) của Lê Mai hay Bạch công tử gặp Hắc công tử (1926) của Mộng Xuân cũng chỉ dài 16 trang và Ai người hẹn ngọc (1931) của Ellen Anh Hoa dài 31 trang. Ngay những tác phẩm lâu này nhiều nhà nghiên cứu thống nhất cho là tiểu thuyết như Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Thiên Trung chỉ dài 45 trang, còn Phan Yên ngoại sử Tiết phụ gian truân (1910) của Trương Duy Toản cũng chỉ dài 46 trang… Trong khi đó Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai? (1931) của Hoàng Minh Tự độ dài 28 trang, các tác phẩm của Sơn Vương thường có độ dài từ 28 đến 32 trang, thậm chí cuốn Đứa mồ côi (1931) của Trần Thị Đông Huê dài tới 46 trang… vẫn chỉ được gọi là “đoản thiên tiểu thuyết”. Tất nhiên, vấn đề dung lượng một tiểu thuyết không phải chỉ thể hiện ở độ dài ngắn của trang sách mà còn ở dung lượng phản ánh nhưng qua đó chúng ta cũng thấy được không ít các tác giả ở giai đoạn này vẫn bị nhầm lẫn khái niệm hay nói cách khác, ranh giới giữa các thể loại (cụ thể là tiểu thuyết và truyện ngắn) đã bị xóa nhòa. Do đó, ta nên hiểu khái niệm “tiểu thuyết” ở đây nhằm chỉ chung loại hình văn xuôi tự sự hư cấu bằng chữ quốc ngữ.

Theo khảo sát của chúng tôi, gần như không có bài viết hay công trình nào của các nhà văn bàn luận về tiểu thuyết mà chỉ thông qua tác phẩm những người cầm bút định danh cho thể loại(11). Chẳng hạn như Cũng vì tiền của Khổng Lồ, tác giả gọi là “đoản thiên tiểu thuyết” còn Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu thì là “tiểu thuyết” hay Sĩ luỵ vì tình của Lê Quang Chính là “trường thiên tiểu thuyết”… Ngày nay, những thuật ngữ này với sự phát triển và hoàn thiện của lý luận về thể loại, không còn khó khăn để người nghiên cứu và giới sáng tác phân biệt nhưng có thể nói ở vào giai đoạn đang hình thành các thể văn xuôi quốc ngữ, việc phân biệt cho rạch ròi là rất khó. Tình trạng mập mờ về ranh giới các thể loại phải đến giai đoạn sau mới được các nhà văn khắc phục.

Đến cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Tản Đà với bút danh T.D nhân Bàn về đoản thiên tiểu thuyết trên mục “Phụ trương văn chương” của tờ Đông Pháp thời báo (số 752 - 4 Aoút 1928) do ông phụ trách có nhắc đến tiểu thuyết. Khi nói về sự khác nhau giữa đoản thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết, Tản Đà đã chỉ ra: “đoản thiên với trường thiên khác nhau bởi dài ngắn, ấy mới là phần hình thức thôi; còn khác nhau về tinh thần nữa, mà phần này lại trọng yếu hơn,... Cái tinh thần của tiểu thuyết đoản thiên, khi đem so với trường thiên thì mới thấy. Đại để: trường thiên tả cả “phần nguyên”, còn đoản thiên tiểu thuyết chỉ tả một “phần lẻ”. Tả phần nguyên nghĩa là chung cả, hoặc về sự biến động của một thời kỳ, như Tam quốc chí hoặc về phong tục của một xã hội, như Những người khốn nạn (Les misérables) hoặc về thân thế của một người, như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều. Tả phần lẻ nghĩa là chỉ chú ý vào một sự gì đó mà phô bày nó ra cho hết vẻ, như Nước đời lắm nỗi, tả sự ăn hiếp vợ của một anh chồng; Sống chết mặc bây, tả sự không biết thương dân của một ông quan”. Như vậy, phần nào Tản Đà đã chạm đến tư duy lý luận hiện đại về thể loại. Tuy nhiên, trong sáng tác Tản Đà cũng không thoát khỏi lối tư duy truyền thống như các nhà văn cùng thời với ông khi phân biệt không rạch ròi về thể loại. Cũng trong bài viết này, Tản Đà cũng đề cập đến hai lối viết đoản thiên thời bấy giờ. Lối cũ theo văn chương truyền thống, “kể một người kia sanh ra ở đâu, con ai, lúc nhỏ thế nào, đến lớn thế nào, trong đời người ấy có xảy ra những sự gì, cốt là điểm cho một cái tình tiết ly kỳ, rồi thúc kết”. Lối mới theo văn chương phương Tây, “bắt đầu nổi lên thiệt là đột ngột (...), rồi kiếm thế chuyển sang kể lịch sử nhân vật (...), rồi thúc kết”. Khảo sát trong các sáng tác của các nhà văn Nam Bộ thời kỳ này, chúng tôi thấy hầu hết vẫn sáng tác theo lối kể chuyện tuyến tính theo lịch trình cuộc đời nhân vật mà ít lối “chuyên tả một sự” như văn chương phương Tây. Như vậy, có thể thấy, khi xét một tác phẩm văn học quốc ngữ thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người nghiên cứu cần căn cứ vào lý luận cũng như thực trạng sáng tác của các nhà văn trong giai đoạn này để đưa ra nhận định, đánh giá cho khách quan.

Là một sản phẩm của “giai đoạn giao thời” (chữ dùng của GS. Trần Đình Hượu), nên Thầy Larazo Phiền mang trong mình những yếu tố đặc trưng của giai đoạn này. Dẫu mới về phương diện nội dung và hình thức nhưng Thầy Larazo Phiền lại được sinh ra trong một xã hội mà ảnh hưởng của tư tưởng và văn học Trung Quốc đã trải qua hàng ngàn năm cho nên những quan niệm, những lý thuyết của văn học phương Bắc hầu như đều có ở trong mỗi một người cầm bút không chỉ ở miền Bắc mà còn cả miền Nam. Dẫu Nguyễn Trọng Quản là một người Công giáo, ông được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong môi trường mới theo văn hóa phương Tây (cụ thể ở đây là Pháp, Nguyễn Trọng Quản đã từ du học ở Alger) nhưng ông vẫn chịu ảnh hương ít nhiều tư tưởng triết thuyết phương Đông. Nguyễn Trọng Quản cũng tự ý thức được phải viết “truyện đời nầy là sự thường có trước mắt ta luôn…” có nghĩa ông phần nào nhận thức được việc dùng thể loại nào để chuyển tải thông điệp trên. Mặt khác, Nguyễn Trọng Quản dùng chữ “truyện” để định danh thể loại cho tác phẩm cũng có nghĩa, ông ý thức được mình sẽ sáng tác một tác phẩm khác với các tác phẩm truyền thống về thể loại. Vấn đề là chỗ ông chưa xác quyết được tên của thể loại. Điều này đã làm ít nhiều nhà nghiên cứu lầm lẫn như trên chúng tôi đã trình bày. Và như vậy, xét theo quan niệm của các nhà văn trong giai đoạn này, tác phẩm Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản hoàn toàn có thể xem là tiểu thuyết.

3. Dung lượng tác phẩm

Trong bài giảng Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương Truyện “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo) của Nguyễn Văn Trung, tác giả có chụp lại bản in lần đầu năm 1887 của tác phẩm Thầy Lazaro Phiền với dung lượng 32 trang, trong đó: trang 1 và 2 là bìa, trang 3 là lời giới thiệu bằng Pháp văn của Diệp Văn Cương, trang 4 là “Tựa” của truyện, từ trang 5 đến trang 32 là nội dung truyện. Như vậy, truyện chỉ vỏn vẹn 28 trang in. Dung lượng của tác phẩm này chỉ tương đương với các đoản thiên của Trương Quang Tiền, Việt Đông, Cẩm Tâm, Tuấn Anh, Sơn Vương… Nếu xét theo quan điểm hiện đại, về dung lượng, Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản là một truyện ngắn như Chí Phèo của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp… còn nếu so sánh với truyện ngắn của các nhà văn bậc thầy thế giới về thể loại này như A. Tchekhov, Guy de Maupassant, Lỗ Tấn… thì Thầy Larazo Phiền có dung lượng còn khiêm tốn hơn: truyện ngắn Thảo nguyên của Tchekhov dài gần 100 trang, Viên mỡ bò của Maupassant dài hơn 80 trang, A.Q chính truyện của Lỗ Tấn cũng dài ngót 80 trang… Tuy nhiên, do đặc trưng của đối tượng nghiên cứu nên chúng tôi không lấy lý thuyết hiện đại áp đặt vào tác phẩm để từ đó qui chụp vào một khuôn khổ định sẵn. Dẫu biết nhìn từ góc độ dung lượng tác phẩm, từ lâu các nhà nghiên cứu đều cho rằng: “tiểu thuyết là một truyện tương đối dài”(12) hay “tiểu thuyết là một thể loại tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian”(13); còn truyện ngắn được quan niệm là “cái nào viết trong vài trang là đoản thiên tiểu thuyết (tức truyện ngắn - TVT)”(14) hay “truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ”(15)… nhưng như chúng tôi đã trình bày ở phần 2, do quan niệm về thể loại nói chung và dung lượng thể loại nói riêng của các nhà văn thời kỳ này là rất không rõ ràng nên chúng ta không thể lấy tiêu chí về dung lượng để minh định cho tác phẩm Thầy Larazo Phiền thuộc thể loại nào. Tác phẩm này có phải là tiểu thuyết hay không thì còn phải xem xét ở những phương diện khác.

4. Điểm nhìn

Theo các nhà lý luận, để cho tác phẩm văn học là một tiểu thuyết, nó phải có cách tiếp cận tự nhiên, suồng sã, đời sống được miêu tả trong tiêu thuyết thường hiện ra với những sắc thái đa dạng, nhiều chiều: có trắng - đen, có tốt - xấu, có thiện - ác, có tự sinh - hủy diệt… tức là tất cả những ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống đều có mặt trong tác phẩm và quan trọng là nó ở trong một thực thể đang sinh thành. Ở đây, điểm nhìn (point of view) hay cách tiếp cận đối tượng của nhà văn chi phối mọi phương diện của tác phẩm. Trước hết, ta thấy Thầy Larazo Phiền không phải là những truyện xưa tích cũ được nhà văn mang ra kể lại mà là một câu chuyện của thời hiện tại được nhân vật tôi kể lại cho độc giả bằng cái nhìn của hiện tại hay đúng hơn ở đây là cái nhìn của nhà văn - người đứng trên lập trường Thiên chúa giáo. Chính điểm nhìn này đã chi phối đến việc xây dựng cốt truyện cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm Thầy Larazo Phiền. Trong truyện, dù nhân vật chính - thầy Lazaro Phiền - đã chết song toàn bộ cuộc đời của thầy lại được nhân vật tôi kể lại hết sức sinh động và chân thật làm cho người đọc ngỡ như được chứng kiến tận mắt, cùng với các sự kiện và tên đất tên người rất cụ thể có phần khá chi tiết. Có thể nói, phần nào Nguyễn Trọng Quản đã dựng nên một bức tranh đời sống thành thị Việt Nam cuối thế kỷ XIX khá sinh động với nhiều tầng lớp, nhiều cảnh sống như: công chức nhà nước, những người dân đạo, cảnh buôn bán, cuộc sống các gia đình thành thị, cuộc sống của những người phụ nữ Annam lấy các ông quan Pháp... dù mới chỉ ở dạng phác thảo nhưng ta cũng thấy được số phận con người bị nó tác động, chi phối dữ dội, mà thầy Phiền là một ví dụ điển hình. Có thể nói, ở điểm này, Thầy Larazo Phiền đã chạm đến ngưỡng của tiểu thuyết hiện đại.

Thứ hai, trong Thầy Larazo Phiền, vì nhà văn tiếp cận từ khoảng cách gần gũi và rất chân thật nên người đọc liên tưởng đến đây là một câu chuyện có thật chứ không phải hư cấu. Theo Vương Trí Nhàn: “Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết phải gợi cho người ta có cái cảm tưởng là nó liên quan đến ngày hôm nay. Kể cả khi viết về quá khứ, thì cái định hướng chung về tâm lý tinh thần, cái đích của người viết hướng tới vẫn phải là thứ hiện tại mà cả người viết lẫn người đọc còn chưa biết mà đang muốn biết”(16). Bản thân Nguyễn Trọng Quản có lẽ cũng ý thức được điều này nên trong lời Tựa ông viết: “tôi mới giám bày đặt một truyện đời nầy là sự thường có trước mắt ta luôn” nên ông đã đưa những chi tiết dường như phi hư cấu vào truyện kể hư cấu. Thời gian trong tác phẩm có tính xác thực, cụ thể chi tiết. Tác giả cho biết thầy Phiền sinh năm 1847. Mẹ thầy mất lúc mới lên ba, đó là năm 1850, khi đó bố thầy đã hơn 46 tuổi. Năm 1862, thầy Phiền và bố thầy bị bỏ ngục vì là dân đạo. Cũng trong năm đó cha thầy mất trong trận hỏa hoạn ở nhà ngục Bà Rịa. Năm 1864, Phiền vào học trường Latinh. 6 tháng sau, thầy chuyền về học trường d’Adran. Năm 1870, thầy vào Sài Gòn thi đậu thông ngôn, rồi cưới vợ. Ngày 14 tháng 8 năm Tân Mùi (1871), thầy Phiền nhận được thư tố cáo vợ ngoại tình. Hơn một tuần sau Phiền tổ chức kế hoạch giết chết Liễu. 15 ngày sau đó, Phiền đầu độc vợ. Sau 11 tháng lâm bệnh đến giữa năm 1873, vợ thầy Phiền chết. Ngày 7-1-1884, thầy Phiền chết. Năm 1885, nhân vật “tôi” viếng mộ thầy Phiền… Hơn nữa, một số tình tiết ông đưa ra cũng là những sự kiện có thật như vụ đàn áp của triều đình đối với giáo dân vùng Bà Rịa năm 1861, thực dân Pháp đánh Gia Định (1860) và chiếm Lục tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa (1867)… Chúng tôi cho rằng sự liệt kê thời gian một cách cụ thể của Nguyễn Trọng Quản phải chăng là sự chứng tỏ mình tuân theo tôn chỉ của Trương Vĩnh Ký trước đó và của chính bản thân ông đã viết trong lời Tựa: “viết một chuyện đời nầy”. Tuy vậy, nếu xét về mặt nghệ thuật, những mốc thời gian cụ thể như sự kiện lịch sử ở trên đã làm cho câu chuyện trở nên quá chi tiết và phần nào vụn vặt. Nhưng nếu đứng từ quan điểm đồng đại thì đây rõ ràng là một điểm mới rất có ý nghĩa đối với sự hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ nói chung và tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng. Đó là một đóng góp đáng ghi nhận của Thầy Larazo Phiền.

5. Xây dựng nhân vật

Như đã biết, tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cớ lớn có thể ôm trọn nhiều số phận nhiều cuộc đời. Chính vì thế thế giới nhân vật trong tiểu thuyết thường đa dạng, nhiều chiều và phần nào đó đồ sộ, có tính phổ quát cao. Ở những tiểu thuyết hiện đại, số lượng nhân vật thường lên đến hàng chục hoặc hàng trăm nhân vật, thậm chí có những bộ tiểu thuyết lên đến hàng nghìn nhân vật. Chẳng hạn như Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi có tới hơn 570 nhân vật, bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của H. de Balzac số lượng nhân vật còn lên đến khoảng 2000 nhân vật… Theo khảo sát, tác phẩm Thầy Lazaro Phiền chỉ có khoảng hơn mười nhân vật - một con số khá khiêm tốn so với các tiểu thuyết hiện đại - gồm có nhân vật tôi (người kể chuyện thứ nhất), thầy Phiền (nhân vật chính - người kể chuyện thứ 2), vợ thầy Phiền, cha Liễu, ông quan Ba người Pháp, Cha xứ, bà vợ ông quan Ba Pháp, cha Phiền, mẹ Liễu, Liễu… Trong đó có quá nửa số nhân vật chỉ được nhà văn “điểm danh”. Mặt khác, trong truyện, nhà văn chưa chú trọng đến ngoại hình cũng như hành động của nhân vật mà chỉ tập trung khai thác diễn biến tâm lý làm cho nhân vật chưa thật có tính khái quát, điển hình cao. Tuy nhiên cái làm nên “chất tiểu thuyết” của Thầy Larazo Phiền là Nguyễn Trọng Quản đã xây dựng được nhân vật chính, phần nào đó có thể xem là nhân vật trung tâm, mang phẩm chất phải có của nhân vật tiểu thuyết, là thầy Lazaro Phiền. Thứ nhất, nhà văn đã xây dựng thầy Phiền với những nét tính cách rất phức tạp. Phiền mang trong mình cả những cái cao cả và cái thấp hèn, con người lương thiện lẫn tàn ác, con người điềm đạm lẫn quyết liệt, dứt khoát, con người giàu lòng yêu thương lẫn nhẫn tâm… Đó là những yếu tố mà nhân vật của tiểu thuyết truyền thống chưa đạt tới. Bản tính thầy là một người lương thiện dù được sinh ra trong hoàn cảnh éo le, khốn khó: mẹ chết khi lên ba, bố chết khi thầy được 14 tuổi, chưa có một sự khổ cực nào mà thầy chưa phải trải qua để tồn tại. Tuy nhiên những hành động của thầy Phiền như giết chết người bạn thân nhất của mình - thầy Liễu - vì cho rằng thầy ta có tư tình với vợ mình sau đó chuốc thuốc độc cho vợ chết dần… cho ta thấy ghen tuông đã làm cho phần con thắng thế phần người trong thầy - đây cũng là một đặc điểm rất đời của nhân vật thầy Phiền. Nhưng thật khó để người đọc xếp thầy Phiền vào loại người nào: tốt hay xấu. Bởi trong thầy chứa đựng cả hai thái cực đó: Thầy biết yêu thương vợ và quý trọng tình bạn nên khi bị/cảm thấy bị phản bội thì tình cảm ấy trở thành sự oán hận ngay. Thầy cũng là người biết quý trọng nhân nghĩa cho nên thầy cũng rất đau khổ và vô cùng ăn năn, hối hận khi biết mình đã phạm sai lầm. Tính cách của thầy Phiền có sự vận động đổi thay khá phức tạp và mang đặc trưng thẩm mỹ của thể loại. Từ chỗ lương thiện, giàu tình cảm trở nên độc ác một cách tàn nhẫn, rồi lại quay về với bản chất ban đầu, biết ăn năn, hối hận trước tội lỗi của mình. Như vậy, nhân vật thầy Phiền “cũng có sự pha trộn hợp lý của tất cả những yếu tố làm nên con người, chứ không phải (…) chỉ tượng trưng cho một sắc thái duy nhất. Và có thể nhìn nhân vật thầy Phiền được phản ánh như một cái gì không ổn định, anh ta luôn luôn phát hiện chính mình và nhận thức lại thế giới”(17).

Thứ hai, trong tác phẩm, nhà văn tập trung khai thác diễn biến tâm lý của nhân vật thầy Phiền. Theo các nhà lý luận: “miêu tả thế giới bên trong, phân tích tâm lý là một phương diện rất đặc trưng cho tiểu thuyết…”(18). Nhìn chung, Nguyễn Trọng Quản đã có những thành công nhất định khi phân tích tâm lý thầy Phiền, tâm lý một kẻ bị tổn thương (hay nghĩ mình bị tổn thương) vì ghen tuông. Ghen tuông là cảm giác “khó chịu, tức tối, thường để biểu lộ ra, vì biết hoặc ngờ sự thiếu chung thủy của vợ, chồng hay người yêu”(19). Ghen tuông thường khiến con người ta mù quáng và dễ dẫn đến những hành động sai trái. Thầy Phiền đã mất hết lý trí khi có người tố cáo vợ và bạn có tư tình riêng. Chính hai mối quan hệ thân thiết này càng làm cho sự ghen tuông của thầy trở nên khó kiểm soát hơn. Dù đôi lúc, lý trí cũng trỗi dậy ngăn thầy không có những hành động sai lầm nhưng cuối cùng sự tức giận vì bị tổn thương vẫn lấn áp. Thầy đã bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả để đạt được mục đích của mình nhưng đến lúc sự trả thù thực hiện xong, biết thầy Liễu đã bị trúng đạn, thì tình cảm bạn bè thân thiết cùng với tình người vốn có trong lòng thầy, trước đó bị cơn ghen lấn áp lập tức trỗi dậy thầy thấy mình có tội. Tuy vậy, đó chỉ là cảm xúc trong chốc lát. Phải đến khi vợ thầy vị bị thầy đầu độc mà mất mạng thầy mới rũ bỏ được hết những sự ghen tuông mù quáng và trở về với bản chất lương thiện của mình. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự thanh thản, giải thoát của thầy Phiền, một cuộc hành trình mà thầy đã phải trả giá bằng 10 năm sống trong sự dằn vặt và cuối cùng là cái chết bi thương. Dẫu biết mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nhân vật thầy Phiền dễ khiến người đọc liên tưởng đến nhân vật Julien Sorel trong Đỏ và đen của Standhal cũng có tính cách hai mặt và kết thúc cũng là cái chết đầy bi thương. Tất nhiên, tính cách thầy Phiền chưa đạt được đến mức độ điển hình hóa như nhân vật của Standhal và nghệ thuật miêu tả tâm lý của Nguyễn Trọng Quản chưa sâu sắc như cách phân tích diễn biến tâm lý cũng như cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng của Julien Sorel mà nhà văn Pháp thế kỷ XIX đã làm. Dẫu vậy, ta cũng thấy được Nguyễn Trọng Quản đã tỏ ra cao tay khi xây dựng được một nhân vật mang chiều kích của thời đại, của xã hội Việt Nam giai đoạn giao thời. Ở giai đoạn sau ta thấy xuất hiện rất nhiều kiểu nhân vật như thầy Phiền như Chí phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng,…

6. Kết cấu tự sự

Cùng với những phương diện trên, Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản còn có những dấu hiệu khiến cho chất tiểu thuyết bộc lộ càng rõ nét hơn. Chẳng hạn đọc những đoạn văn như: “Ba bữa sau tôi xuống tàu mà về Gia Định với ông quan ba. Tôi về đến Gia Định đặng sáu tháng, kế lấy ông quan ba mắc bệnh phải về Tây, thì để tôi lại cho Đức cha Lefebvre” hay “Tôi ra làm thông ngôn đặng sáu tháng, khi cha mẹ thầy Liễu thấy tôi ở nơi nhà ấy mà có lòng ngại chưa đặng thong thả, thì lại muốn giúp mà lo đôi bạn cho tôi, để tôi lập cơ nghiệp đặng ra ở riêng cho thong thả”. Hoặc đoạn mở đầu phần IX, tác giả viết: “Khi tôi còn nhỏ, thì thường có Mọi hay đến mà bán hàng nơi nhà tôi. Trong mấy người Mọi đó thì có một đứa hay ra ngoài vườn mà hái một thứ bông tim tím kia, ở dưới cỏ mà mọc lên; tôi thấy người ấy hái thì tôi cũng bắt chước hái chơi”, người đọc dễ có ấn tượng câu chuyện dường như mới được xảy ra không lâu và rất gần gũi - đó là lối kể khách quan rất đặc trưng của tiểu thuyết. Người đọc có cảm giác mình được tham gia vào câu chuyện và hồi hộp chờ diễn biến tiếp theo của truyện kể. Cũng từ đây, cốt truyện cũng như tình tiết truyện được tác giả sắp xếp gây sững sờ độc giả đương thời. Mở đầu và kết thúc truyện Thầy Larazo Phiền đều bằng hình ảnh ngôi mộ của thầy Phiền gây nên những ám ảnh day dứt. Nhân vật chết đi nhưng mở ra cho người đọc nhiều chiều suy nghĩ về cuộc đời, về số phận con người, về ranh giới giữa cái thiện và cái ác… Kiểu kết cấu vòng tròn (structure circle) này phải đến hơn nửa thế kỷ sau ta mới bắt gặp lại trong thể loại truyện ngắn của các nhà văn Thanh Tịnh, Nam Cao… nhất là hình ảnh “cái lò gạch cũ” xuất hiện đầu và cuối trong truyện ngắn Chí Phèo (1941) của Nam Cao. Cách kết thúc như vậy mang đặc trưng của thể loại tiểu thuyết bởi theo quan niệm của M. Bakhtin thì sự dang dở không hoàn thành là nguyên tắc chung chi phối cái nhìn của nhà tiểu thuyết đối với đời sống. Cả đến kết cấu của tiểu thuyết cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Đó sẽ là một kết cấu mở, mà không đóng kín. Tiểu thuyết thường xa lạ với lối kết thúc tất cả trọn vẹn hợp lý, thứ kết thúc gợi cho người đọc cảm giác yên tâm thư thái sau khi đọc sách. Có thể nói, Thầy Larazo Phiền đã làm rất tốt nguyên tắc đó.

Một điểm đáng ghi nhận trong Thầy Larazo Phiền, Nguyễn Trọng Quản đã sử dụng kết cấu lồng ghép “truyện trong truyện” (story in story) rất hiện đại mà có lẽ phải đến 40 năm sau mới thấy xuất hiện lại trong các truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Trần Quang Nghiệp, Nguyễn Công Hoan… Tuy nhiên có thể vì nó quá mới mẻ nên nằm ngoài phạm vi tiếp nhận của công chúng văn học đương thời chỉ quen với tiếp nhận kết cấu truyền thống với thời gian tuyến tính một chiều. Trong truyện Thầy Lazarô Phiền, Nguyễn Trọng Quản đã lồng ghép 2 câu chuyện: Chuyện thứ nhất là của nhân vật “tôi” kể cho bạn đọc nghe về việc mình đã gặp thầy Phiền như thế nào, thầy Phiền đã kể lại chuyện đời mình cho nhân vật “tôi” nghe ra sao, nhân vật “tôi” đã biết được kết cục cuộc đời thầy thế nào…; Chuyện thứ hai là của thầy Phiền kể cho nhân vật “tôi” nghe về những tháng ngày cơ cực khi còn nhỏ thế nào, thầy đã lấy được một người vợ đáng yêu ra sao, thầy đã nghi ngờ và tìm cách giết vợ, để rồi giờ đây đớn đau và hối hận thế nào… Ở đây, hai câu chuyện được tác giả sắp xếp khéo léo dường như không tách rời mà luôn được chêm xen vào nhau một cách linh hoạt tạo ra ấn tượng chân thực về số phận của thầy Phiền, kéo độc giả lại gần hơn với thế giới nghệ thuật của tác phẩm, cũng như làm cho câu chuyện sinh động hơn. Kết cấu truyện như thế hoàn toàn mới mẻ đối với truyện truyền thống Việt Nam. Nguyễn Trọng Quản đã bỏ lối kết cấu chương hồi truyền thống: hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên và sử dụng thành thục lối kết cấu của phương Tây đảo lộn trình tự thời gian của sự kiện.

Thầy Larazo Phiền đã có những phẩm chất của một tiểu thuyết phải có như trên chúng tôi đã phân tích. Tuy nhiên, không nên xem Thầy Larazo Phiền là tiểu thuyết hiện đại vì chúng tôi rất tán đồng với quan điểm của một số nhà nghiên cứu là phải từ khi xuất hiện các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn thì văn học Việt Nam mới có những tiểu thuyết hiện đại đích thực, nghĩa là nó đã trưởng thành và là một thể loại độc lập (chúng tôi nhấn mạnh)(20). Và đúng như M. Bakhtin đã nhận định trong chuyên luận nổi tiếng Tiểu thuyết như một thể loại văn học: Trong bất cứ thời kỳ nào, “tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và chưa định hình. Những lực cấu thành thể loại còn đang hoạt động trước mắt chúng ta: tiểu thuyết ra đời và trưởng thành dưới ánh sáng thanh thiên bạch nhật của lịch sử. Nòng cốt thể loại của tiểu thuyết chưa hề rắn lại và chúng ta chưa thể dự đoán được hết những khả năng uyển chuyển của nó”(21). Như vậy, có thể khẳng định Thầy Larazo Phiền là một tiểu thuyết bởi nó mang trong mình những đặc trưng của thể loại như Bakhtin nói “đang biến chuyển và chưa định hình”. Sự ra đời của tác phẩm không chỉ là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình hình thành tiểu thuyết hiện đại mà còn cho sự hình thành và phát triển của văn xuôi tự sự quốc ngữ trong tiến trình văn học dân tộc.

Dù vì những yếu tố này khác mà Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản không có được vị trí xứng đáng vốn có nhưng nó đã có những ảnh hưởng nhất định đến các nhà văn thế hệ sau như Hồ Biểu Chánh, Trần Thiên Trung (tức Gilbert Trần Chánh Chiếu), Trương Duy Toản... Hồ Biểu Chánh từng thừa nhận trong hồi kí Đời của tôi về văn nghệ: một trong ba tác phẩm ảnh hưởng đến sự chuyển hướng sáng tác của mình từ sáng tác tiểu thuyết bằng văn vần sang văn xuôi là Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản(22). Còn trong lời tựa cuốn Hoàng Tố Anh hàm oan, Trần Thiên Trung cũng cho thấy mình chịu ảnh hưởng của Nguyễn Trọng Quản trong việc “lấy tiếng thường” để nói “chuyện đời nầy”: “Nay tôi ngụ ý soạn một bổn nói về chuyện trong xứ mình, dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng”(23). Đối với Trương Duy Toản, trong lời tựa cuốn Phan Yên ngoại sử Tiết phụ gian truân, ông cũng viết: “Vậy theo trí mọn tôi, thì nay phải bỏ những là Lê Huê pháp thuật, Kim Đính thần thông, Khương Thượng phong thần, Thế Hùng tróc quỉ, Chung Ly lập trận, Bồ Tát cứu binh, Đại Thánh loạn thiên cung, Anh Đảng về tiên cảnh… mà sắp bày những truyện chi mới, bây giờ mặc dầu miễn là cho lánh khỏi cái nẻo dị đoạn mà báo ứng phân minh thì đủ rồi”(24). Ở đây Trương Duy Toản cũng diễn đạt cụ thể hơn hàm ý của Nguyễn Trọng Quản ở trong lời Tựa của Thầy Larazo Phiền mà thôi.

Như vậy, qua những phương diện mà chúng tôi đã phân tích, nếu xem Thầy Larazo Phiền là một tiểu thuyết hiện đại cũng không thật thỏa đáng vì dung lượng và hàm lượng phản ánh của tác phẩm cũng chưa đạt đến qui mô thể loại này. Nhưng nếu xem nó là một truyện ngắn hiện đại cũng có những điểm khiến nhiều người băn khoăn bởi tác phẩm mang nhiều nét đặc trưng của thể loại tiểu thuyết như trên đã nói. Vì vậy ta chỉ có thể xem Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản là một tiểu thuyết theo quan niệm của các nhà văn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hay “tiểu thuyết theo lối phương Tây đầu tiên” với những đặc trưng mang tính thời đại - tính chất của nền văn học Việt Nam buổi giao thời “đang hình thành và chưa hoàn thiện” - và không nên xem nó là một tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn theo quan niệm hiện đại ngày nay.

 

--------------------------

(1) Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất khi xác định thể loại tác phẩm Thầy Lazarô Phiền nhưng tựu trung lại có 4 quan điểm:

- Xem là truyện ngắn: Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng (trong Văn học Việt Nam 1900-1945, Nxb. Giáo dục, H, 1998), Nguyễn Văn Trung (trong Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương Truyện “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo), trường Đại học sư phạm tp. Hồ Chí Minh, 1987), Bùi Việt Thắng (trong Truyện ngắn - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2000)...

- Xem là truyện vừa: Huỳnh Thị Lan Phương và Nguyễn Văn Nở (trong Vấn đề xác định thể loại “Truyện thầy Larazo Phiền” của Nguyễn Trọng Quản, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4-2011).

- Xem là tiểu thuyết: Nguyễn Q.Thắng (Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb. An Giang, 1990), Tôn Thất Dụng (trong Luận án tiến sĩ ngữ văn, Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến 1932, trường ĐHSP Hà Nội, 1993), John C.Schaffer và Thế Uyên (trong Tiểu thuyết xuất hiện tại Nam Kỳ, Tạp chí Văn học, số 8-1994), Cao Xuân Mỹ (trong Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1998), Bằng Giang (trong Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1998), Nguyễn Thị Thanh Xuân (trong Văn học hiện đại Việt Nam, bước khởi đầu quan trọng ở Sài Gòn - Nam Bộ, Tạp chí Văn học, số 3-2000), Trần Hữu Tá (trong Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ, Tạp chí Văn học, số 10-2000), Nguyễn Huệ Chi (trong Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu, Tạp chí Văn học, số 5-2002), Bùi Đức Tịnh (trong Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và Thơ mới, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh (Tái bản lần thứ 2 - có sửa chữa và bổ sung), 2002), Hà Thanh Vân (trong Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb. ĐHQG tp. Hồ Chí Minh, 2004), Vương Trí Nhàn (trong Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới 1945, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2005)…

- Một ý kiến nữa là chưa thống nhất xếp vào thể loại nào và gọi đây là “truyện”: tác giả của Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh (Tập 2 - Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998), Hoàng Dũng (trong Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản và những đóng góp vào kĩ thuật hư cấu trong văn học Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 10-2000), Phan Cự Đệ (trong Văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004)…

(2) Chẳng hạn như bài thơ Tình già - đánh dấu cho sự ra đời của Thơ mới - của Phan Khôi khi trình làng cũng có nhiều ý kiến công kích. Rồi lối thơ không vần của Nguyễn Đình Thi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mới đầu cũng bị nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu phê phán. Hay những vở kịch táo bạo của Lưu Quang Vũ những năm đầu thập niêm 80 của thế kỷ trước cũng bị nhiều nhà nghiên cứu công kích dữ dội, v.v… Tuy nhiên sau đó, tất cả họ đều được đánh giá đúng và ghi nhận những đóng góp vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

(3) Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995. Dẫn theo Nguyễn Thị Thanh Xuân, Văn học hiện đại Việt Nam, bước khởi đầu quan trọng ở Sài Gòn - Nam Bộ, Tlđd, tr.33.

(4) Bản in lần đầu Thầy Larazo Phiền năm 1887 được GS. Nguyễn Văn Trung chụp lại trong tập bài giảng Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương “Truyện thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo), Tlđd

(5) Đây cũng là tên gọi được các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung (trong bài giảng Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương “Truyện thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo), Tlđd), Trần Hữu Tá (trong bài viết Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ, Tlđd), Hà Thanh Vân (trong công trình Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Sđd) sử dụng.

(6) Phương Lựu, Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1989, tr.122-123.

(7) Nhật Chiêu, Nhật Bản trong chiếc gương soi, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1995. Dẫn theo Hà Thanh Vân, Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Sđd, tr.58.

(8) (9) Xem thêm Hà Thanh Vân, Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Sđd, tr.58-59, 64-65.

(10) Về thuật ngữ “truyện ngắn”: Theo khảo sát của chúng tôi, phải đến năm 1934 trên tạp chí Nam phong (số 195 - tháng 5/1934) mới xuất hiện danh xưng “truyện ngắn” của tác giả Lê Đức Nhượng ở tác phẩm Bức ảnh phóng đại (tất cả các truyện của tác giả này đều được ông định danh là truyện ngắn). Phải từ đây, thuật ngữ “truyện ngắn” mới được sử dụng rộng rãi và dần thay thế cho thuật ngữ “đoản thiên tiểu thuyết” vẫn dùng trước đó.

(11) Năm 1921, trên tạp chí Nam phong, ông chủ bút Phạm Quỳnh có bài Bàn về tiểu thuyết (số 43 - 1/1921) rất sắc sảo. Tuy nhiên, vì đây là bài viết của một nhà nghiên cứu chứ không phải người sáng tác nên trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi không tiện bàn đến. Vấn đề này chúng tôi sẽ nói đến trong một dịp khác.

(12) Thanh Lãng, Bảng lược đồ Văn học Việt Nam, Nxb.Trình bày, Sài Gòn, 1967. Dẫn theo Huỳnh Thị Lan Phương và Nguyễn Văn Nở, Vấn đề xác định thể loại “Truyện thầy Larazo Phiền” của Nguyễn Trọng Quản, Tlđd, tr.64.

(13) (15) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1992, tr.268, 303.

(14) Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1971, tr.279.

(16) (17) (20) Vương Trí Nhàn, Đặng Trần Phất và những đột phá trong một thể loại mới: tiểu thuyết, Tạp chí Văn học, số 5-1994, tr.19, 19, 18.

(18) Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.392.

(19) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2001, tr.379.

(21) M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn (In lần thứ hai), Hà Nội, 2003, tr.23.

(22) Dẫn theo Võ Văn Nhơn, Con đường đến với tiểu thuyết hiện đại của hai nhà văn tiên phong Nam Bộ, Tạp chí Văn học, số 3-2000, tr.39.

(23) Xem thêm Lê Tú Anh, Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học giai đoạn 1900-1930, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9-2007, tr.86-87.

(24) Xem thêm Tôn Thất Dụng, Thể loại tiểu thuyết trong quan niệm của các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, Tlđd, tr.37.

 

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT