Kỉ niệm 35 năm ngày thành lập trường
  
Trung tâm tiếng Pháp Châu Á Thái Bình Dương

Vài nét về Trung tâm

Từ kết quả Hội nghị thượng đỉnh họp ở Chaillot năm 1991, Tổ chức Liên chính phủ Cộng đồng Pháp ngữ đã quyết định sẽ dành một ngân sách đặc biệt nhằm hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Pháp ở các nước thành viên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á-Thái Bình Dương (Centre régional Francophone dAsie-Pacifique), gọi tắt là CREFAP, đã được thành lập vào năm 1993 và trụ sở đặt tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc: TS. Trần Đình Nghĩa. Kể từ năm 2000, TS. Trần Thị Mai Yến được biệt phái làm Giám đốc Trung tâm.

Hoạt động của Trung tâm nhằm phục vụ cho bốn nước thành viên trong khu vực gồm Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam và Va-nu-a-tu. Ở những quốc gia này, nhu cầu về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ nói chung, và giáo viên dạy tiếng Pháp nói riêng, rất lớn, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của nền giáo dục và của xã hội. Kể từ khi các chương trình dạy Tiếng Pháp tăng cường ở bậc Phổ thông được đưa vào thực hiện, thì nhu cầu đào tạo giáo viên càng tăng nhanh, không chỉ đối với việc dạy tiếng Pháp mà còn đối với việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy một số môn khoa học bằng tiếng Pháp như môn Toán học, môn Vật lí và môn Sinh học.

Từ khi được thành lập, cùng với các đối tác song phương và đa phương, cũng như các tổ chức phi chính phủ khác, Trung tâm CREFAP đã góp phần tổ chức đào tạo một lực lượng đáng kể giáo viên phục vụ cho chương trình này của các bộ Giáo dục.

Vào tháng 9 năm 1999, nhằm phát huy một cách có hiệu quả tiềm năng của Trung tâm, cơ quan Pháp ngữ đã mời đại diện các nước thành viên liên quan cũng như các đối tác khác dự cuộc họp tái xác định nhiệm vụ và chức năng hoạt động của Trung tâm. Một văn bản áp dụng mới, liên quan đến Thỏa thuận về việc thành lập Trung tâm giảng dạy tiếng Pháp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương  và liên quan đến các thể thức tổ chức và hoạt động của Trung tâm đã ra đời và được ký kết vào tháng 5 năm 2000 tại Pa-ri, giữa Ông Roger DEHAYBE, Tổng giám đốc Tổ chức Liên chính phủ Cộng đồng Pháp ngữ, và Ông Vũ Ngọc Hải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lúc bấy giờ. Từ thời điểm này, định hướng cũng như thể thức hoạt động của Trung tâm chuyển sang một giai đoạn mới. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thông qua các hoạt động thiết kế, thực hiện, quản lí và đánh giá quy trình đào tạo.

Về cơ cấu tổ chức, CREFAP được điều hành với một cơ cấu nhân sự rất gọn nhẹ, gồm một giám đốc và năm nhân viên. Để tổ chức các hoạt động đào tạo, Trung tâm đã mời các chuyên gia và cán bộ đào tạo có kinh nghiệm hiện đang công tác tại các trường và trung tâm đào tạo giáo viên trong khu vực, cũng như các chuyên gia thuộc các tổ chức, các đối tác đa phương và song phương.

Định hướng – Mục tiêu – Hoạt động

Với văn bản mới, định hướng hoạt động của Trung tâm được xác định như sau:  CREFAP cần trở thành một Trung tâm nghiên cứu công nghệ đào tạo cao cấp có chức năng thực hiện các hoạt động thông tin và trao đổi kinh nghiệm, tham khảo và nghiên cứu, kiểm định và cố vấn, đồng thời có khả năng hỗ trợ cho các đối tác hoạt động tại khu vực trong các lĩnh vực này.

Định hướng trên cho phép Trung tâm theo đuổi các mục tiêu sau:

  • Tham gia nghiên cứu, cải thiện việc học tiếng Pháp và học bằng tiếng Pháp trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
  • Đóng góp vào việc soạn thảo phương pháp, xác định nội dung đào tạo giáo viên và đánh giá các chương trình đào tạo hiện hành;
  • Hỗ trợ việc thiết kế phương tiện giảng dạy phục vụ cho việc học tiếng Pháp và hoạt động đào tạo tập trung và đào tạo từ xa cho các giáo viên dạy tiếng Pháp;
  • Soạn thảo sách hướng dẫn học tiếng Pháp chuyên ngành;
  • Làm cầu nối thông tin và tạo điều kiện gặp gỡ để các đối tác song phương và đa phương hoạt động tại khu vực trong các lĩnh vực này tập trung được năng lực và tài lực vào những mục tiêu hoạt động chung, giúp tăng cường hiệu quả các chương trình đào tạo.

Với các mục tiêu được xác định như trên, từ năm 2000, CREFAP đã tiến hành các hoạt động sau đây

  1. Tổ chức các Hội thảo khu vực, nghiên cứu về tình hình giảng dạy tiếng Pháp, về các phương thức đào tạo giáo viên giảng dạy bộ môn này để nắm vững tình hình thực tế đang diễn ra, nhằm xác định và chọn phương án thiết kế các chương trình đào tạo của Trung tâm một cách hiệu quả nhất. Các Hội thảo khu vực nói trên đã quy tụ và tham khảo được ý kiến của các chuyên viên các bộ Giáo dục, các chuyên gia và giảng viên đang trực tiếp làm công tác đào tạo giáo viên tiếng Pháp tại nhiều trường sư phạm trong khu vực. Thông qua các cuộc gặp gỡ và làm việc tại Hội thảo, nhiều chương trình hành động được thảo luận và các chuyên gia cùng phân tích các nhu cầu thực tế về đào tạo bồi dưỡng giáo viên của từng địa bàn.
  2. Nhằm từng bước trang bị cho đội ngũ làm công tác quản lí giáo dục và đào tạo  cho giáo viên những kĩ năng thuộc lĩnh vực công nghệ thiết kế các quy trình đào tạo (Ingenierie de formation), trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức một số đợt bồi dưỡng ngắn hạn về đề tài này.
  3. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn về kiểm tra – đánh giá trong giảng dạy tiếng Pháp, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho nhiều lượt giáo viên đang tham gia chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp.

Hướng tới một phương thức đào tạo hiệu quả

Thông qua các hoạt động được tổ chức tại Trung tâm, ngoài việc nhắm tới các mục đích và nội dung đã được hoạch định rõ ràng, phương thức đào tạo cũng như các phương pháp và biện pháp tổ chức công việc được chọn còn nhắm tới việc chuyển giao cho các đối tượng tham gia những mô hình mang tính công nghệ cao.

Chúng ta đang ở một thiên niên kỉ với những tiến bộ khoa học vượt bậc, ngành Giáo dục đứng trước những thử thách to lớn, vì vậy việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên dạy ngoại ngữ, không thể chỉ dừng lại ở bước truyền bá những kiến thức mới về phương pháp giảng dạy để người thầy áp dụng nhằm thực thi trách nhiệm truyền bá kiến thức. Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đòi hỏi một kết cấu chương trình được thiết kế khoa học và có hệ thống, trong đó mỗi thành viên, người làm công tác đào tạo và người được đào tạo, đều là những chủ thể của quy trình. Mối quan hệ giao tiếp tương tác, sự năng động của từng thành viên trong quá trình đào tạo sẽ giúp đảm bảo và kiểm chứng hiệu quả cũng như chất lượng đào tạo.

Trong tương lai, để thực hiện đúng chức năng của một Trung tâm làm nhiệm vụ nghiên cứu tư vấn về công nghệ, thiết kế quy trình và chương trình đào tạo  cao cấp, Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia thuộc lĩnh vực này trong khối Pháp ngữ và thường xuyên tổ chức các Hội thảo khu vực các lớp bồi dưỡng theo yêu cầu của các nước thành viên trong khu vực.

 


 Các sự kiện chính 

Không có sự kiện nào

 Đang trực tuyến 

Hiện có 1290 khách Trực tuyến