Kỉ niệm 35 năm ngày thành lập trường
  
Phòng Đào tạo

Phòng Đào Tạo - Trường ĐHSP TP.HCMPhòng Đào tạo được thành lập vào năm 1976, lúc đầu với tên gọi là Phòng Giáo vụ. Phòng có chức năng và nhiệm vụ:

Chức năng: Tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác đào tạo ở bậc Đại học.

Nhiệm vụ: Giúp Hiệu trưởng xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo của Trường (liên quan đến quy mô, phương thức và chất lượng đào tạo). Nghiên cứu và triển khai thực hiện Quy chế đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đảm bảo yêu cầu vừa chính xác vừa năng động nhằm khai thác một cách có hiệu quả những quy định của Quy chế. Quản lí toàn diện (học tập, rèn luyện…) sinh viên các hệ đào tạo của Trường.

Đội ngũ cán bộ, công chức
Trưởng, Phó Trưởng  phòng qua các thời kì

  • Giai đoạn 1976-1987    : Ông Hoàng Hạnh (đã nghỉ hưu)
  • Giai đoạn 1987-2004    : Ông Lê Hữu Lương (đã nghỉ hưu)
  • Giai đoạn 9/2004 đến nay    : TS. Đoàn Hữu Hải

Nguyên là các Phó Trưởng phòng

  • Ông Cao Nghĩa Lợi     (đã nghỉ hưu)
  • TS. Phạm Duyến     (đã nghỉ hưu)
  • Ông Mai Thế Phú     (đã nghỉ hưu)
  • Ông Lê Văn Sơn     (đã nghỉ hưu)
  • TS. Nguyễn Mạnh Cường     (đã chuyển công tác)

Các Phó Trưởng phòng đương nhiệm

  • ThS. Tạ Quang Lâm
  • ThS. Nguyễn Duy Tuấn
  • TS. Lê Văn Tiến

Cán bộ-công chức của đơn vị hiện nay: 13 cán bộ và chuyên viên; trong đó có 2 tiến sĩ-giảng viên chính; 1 thạc sĩ-giảng viên chính; 2 thạc sĩ-chuyên viên chính; 1 thạc sĩ-chuyên viên (đang làm nghiên cứu sinh); 6 cử nhân-chuyên viên; 1 nhân viên. Ngoài ra còn có 5 cử nhân đang làm việc theo chế độ hợp đồng khoán công việc tại đơn vị. Hiện nay, Phòng đang tiếp tục hoàn thiện về mặt nhân sự, nhằm tạo ra khả năng đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị trong giai đoạn mới.

Hoạt động của đơn vị

30 năm qua, Phòng Đào tạo đã trưởng thành và gắn bó mật thiết với những bước thăng trầm, cùng sự phát triển của Nhà trường. Tiền thân là Phòng Giáo vụ (1976-1994), sau này cùng với bước chuyển mình của Giáo dục Đại học cả nước, chức năng và nhiệm vụ của đơn vị cũng thay đổi nhằm đáp ứng những nhu cầu mới ngày càng cao của đất nước trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, vì thế từ tháng 02 năm 1994, đơn vị chính thức mang tên mới là Phòng Đào tạo.

Giờ đây, nhiệm vụ của Phòng không chỉ thuần túy là công tác giáo vụ mà thực sự giữ vai trò tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong việc xây dựng các định hướng cho công tác đào tạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đào tạo trong phạm vi toàn Trường.

Trong giai đoạn hiện nay, Phòng Đào tạo đảm nhận đồng thời 3 chức năng hết sức quan trọng, đó là tổ chức và quản lí hoạt động đào tạo bậc Đại học hệ chính quy (bao gồm chính quy tập trung có ngân sách Nhà nước và chính quy theo địa chỉ); tổ chức và quản lí hoạt động đào tạo các hệ không chính quy (bao gồm chuyên tu, tại chức, hoàn chỉnh kiến thức, từ xa…) và công tác quản lí học sinh, sinh viên. Các chức năng này, theo truyền thống, thuộc về 3 đơn vị khác nhau: Phòng Đào tạo, Khoa Tại chức và Phòng Công tác Học sinh, Sinh viên. Có thể thấy với đội ngũ cán bộ, công chức hiện có thì đây thực sự là Phòng có khối lượng công việc khá lớn, khá nặng đòi hỏi ở đơn vị có một quyết tâm cao, một tập thể có năng lực và đoàn kết, một phong cách làm việc khoa học và có trách nhiệm.

Giai đoạn cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990, quy mô đào tạo của Trường còn nhỏ, nhiệm vụ chủ yếu của Phòng là công tác giáo vụ phục vụ cho công tác đào tạo của 8 khoa (mỗi khoa chỉ đào tạo 01 ngành) và các tổ trực thuộc: Khoa Toán học, Khoa Vật lí, Khoa Hóa học, Khoa Sinh học, Khoa Ngữ Văn, Khoa Lịch sử, Khoa Địa lí, Khoa Ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp, Trung) và các Tổ Tâm lí –Giáo dục, Mác-Lênin, Ngoại ngữ không chuyên (dạy ngoại ngữ cho sinh viên các khoa không chuyên ngữ), Nữ công.

Quá trình phát triển cho đến thời điểm này,  quy mô đã tăng gần gấp 4 lần: 17 khoa đào tạo với 31 ngành khác nhau.  Đó là các khoa: Toán -Tin học (3 ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Tin học, Khoa học máy tính); Vật lí (2 ngành: Sư phạm Vật lí, Cử nhân Vật lí); Hóa học (2 ngành: Sư phạm Hóa học, Cử nhân Hóa học); Sinh học; Ngữ văn (4 ngành: Sư phạm Ngữ Văn, Cử nhân Ngữ Văn, Việt Nam học và Tiếng Việt cho người nước ngoài); Lịch sử (2 ngành: Sư phạm Lịch sử và Quốc tế học); Địa lí; Tiếng Anh (2 ngành: Sư phạm Tiếng Anh và Cử nhân Tiếng Anh); Tiếng Pháp (2 ngành: Sư phạm Tiếng Pháp và Cử nhân Tiếng Pháp); Tiếng Nga (2 ngành: Sư phạm Tiếng Nga và Cử nhân Tiếng Nga); Tiếng Trung (2 ngành: Sư phạm Tiếng Trung và Cử nhân Tiếng Trung), Tâm lí – Giáo dục (2 ngành: Sư phạm Tâm lí – Giáo dục và Quản lí Giáo dục); Giáo dục Chính trị; Giáo dục Thể chất; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục Mầm non; Giáo dục Quốc phòng; Bộ môn Giáo dục Đặc biệt và 2 tổ trực thuộc Trường là Tổ Ngoại ngữ không chuyên và Tổ Nữ công.

Với quy mô đào tạo hiện nay, số lượng sinh viên chính quy hàng năm có gần 9000 và khoảng hơn 11.000 sinh viên các hệ không chính quy. Địa bàn tổ chức hoạt động đào tạo các hệ không chính quy cũng trải rộng khắp các tỉnh từ Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, ĐắkLăk đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói hoạt động của Phòng Đào tạo thường xuyên, nhộn nhịp với một kế hoạch dày đặc cho nhiều loại công việc khác nhau và diễn ra suốt năm, đặc biệt căng thẳng vào những tháng hè.

Trong chương trình đào tạo, công tác thực tập sư phạm là một nhiệm vụ có tính đặc thù. Do đó, những năm qua, Phòng Đào tạo đã thường xuyên cải tiến công tác này, từ việc hoàn chỉnh Quy chế thực tập sư phạm đến việc thay đổi các hình thức tổ chức, cách đánh giá kết quả thực tập sư phạm.

Mảng công tác lớn khác mà Phòng đảm nhận là tổ chức hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên các cấp, đặc biệt là giáo viên Trung học phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hoạt động này đã bước sang giai đoạn cuối của chu kì III (2004-2007). Kết quả bồi dưỡng các chu kì I (1993-1997) và chu kì II (1998-2003) được các địa phương đánh giá rất tốt, đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giảng dạy bậc phổ thông tại 11 sở Giáo dục và Đào tạo và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho các cán bộ đã trực tiếp chỉ đạo công tác này. Trong những đợt bồi dưỡng giáo viên thay sách giáo khoa Trung học phổ thông theo chương trình cải cách giáo dục năm 1990, triển khai sách giáo khoa hợp nhất năm 2000 và đặc biệt, bồi dưỡng giáo viên thay sách giáo khoa phân ban năm 2006, Phòng Đào tạo đã khẳng định được năng lực tổ chức, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao của một đơn vị chủ chốt trong Trường. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ và điều đó đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Trường trong khu vực và trên phạm vi cả nước.

Trong quá trình phục vụ công tác đào tạo, cán bộ và nhân viên của Phòng luôn bám sát chức năng và nhiệm vụ đã được quy định. Từng bước cải tiến công tác tổ chức và quản lí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Những năm gần đây và những năm tiếp theo, các hướng ưu tiên của đơn vị là:

  • Tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Bộ Chương trình đào tạo chi tiết cho tất cả các ngành đào tạo thuộc Trường (tháng 8/2006 Hiệu trưởng đã có quyết định ban hành Bộ Chương trình đào tạo các ngành thuộc khối ngành Sư phạm);
  • Cải tiến công tác quản lí kết quả học tập của sinh viên trên cơ sở áp dụng công nghệ quản lí mới nhằm đáp ứng yêu cầu chính xác, an toàn và giúp sinh viên khai thác thuận lợi;
  • Nghiên cứu và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc áp dụng triệt để và ổn định học chế Tín chỉ vào năm 2009;
  • Nghiên cứu và hình thành các phương thức mới cho công tác bồi dưỡng giáo viên các cấp từ Giáo dục Mầm non đến Trung học phổ thông với tiêu chí hiệu quả, thiết thực.

Mặc dù phải đảm nhận khối lượng công việc khá lớn, thực hiện chủ trương phát triển quy mô đào tạo của Trường cả về số lượng và chất lượng, cán bộ và nhân viên của Phòng vẫn luôn chủ động học tập, nghiên cứu để tự nâng cao trình độ. Điều này thể hiện rất rõ quyết tâm của đơn vị trong việc kiện toàn đội ngũ, hướng tới hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn mới ngày càng nặng nề và khó khăn phức tạp hơn. Với những thành tích mà đơn vị đã đạt được trong mấy chục năm qua, với một quyết tâm mới và một đội ngũ cán bộ nhân viên thạo việc, thường xuyên được bồi dưỡng và bổ sung, chúng tôi có thể hoàn thành bất kì nhiệm vụ nào và có khả năng thích ứng tốt với những yêu cầu mới của công tác đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

 


 Các sự kiện chính 

Không có sự kiện nào

 Đang trực tuyến 

Hiện có 1909 khách Trực tuyến