Kỉ niệm 35 năm ngày thành lập trường
  
Khoa Lịch sử

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với sự ra đời của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Sử –Địa của Trường cũng được thành lập. Đến năm học 1982 – 1983, Khoa Lịch sử được chính thức tách ra thành một Khoa độc lập. Ba mươi năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc Khoa Lịch sử đã từng bước vươn lên tự khẳng định và thu được nhiều thành tích trong xây dựng đội ngũ, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ

Khoa Sử – Địa do PGS. Lê Văn Sáu, Trưởng khoa đầu tiên cùng với hai Phó Trưởng khoa là Nguyễn Văn Đức và Đoàn Ngọc Nam bắt tay xây dựng Khoa Sử – Địa với 15 cán bộ giảng dạy và một thư kí giáo vụ trong đó có 7 thầy cô tăng cường từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và 6 thầy cô tại chỗ.

Trong các năm từ 1977 – 1979, một lực lượng hùng hậu các thầy cô giảng dạy và tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, đã được tăng cường cho đội ngũ giảng dạy của Khoa.

Từ những năm 1980, cùng với việc tiếp nhận giảng viên từ miền Bắc và các nguồn khác, Khoa Sử – Địa cũng đã giữ lại các sinh viên tốt nghiệp để tăng cường cho đội ngũ.

Qua các giai đoạn, nhiều thầy cô đã về hưu hoặc chuyển công tác khác nhưng hầu hết các thầy cô vẫn bám trụ với Trường, với Khoa, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp đào tạo.

Qua 30 năm xây dựng đội ngũ, Khoa đã có 4 phó giáo sư, tiến sĩ, 7 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và hiện có 5 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh và cao học trong và ngoài nước.

 

Về cơ cấu tổ chức

Trong thời kì còn Khoa Sử – Địa, phân Khoa Sử có 4 bộ môn: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới cổ - trung đại, Lịch sử thế giới cận hiện đại và Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử. Đến năm học 1982 – 1983, Khoa Lịch sử được tách ra từ Khoa Sử – Địa do thầy Nguyễn Văn Đức làm Trưởng khoa và thầy Lê Vinh Quốc làm Phó Trưởng khoa. Lúc này, Khoa có 3 tổ bộ môn: Tổ Lịch sử Việt Nam, Tổ Lịch sử thế giới và Tổ Phương pháp dạy học lịch sử, và cơ cấu đó vẫn duy trì cho đến nay. Hiện Khoa đang chuẩn bị lực lượng để thành lập thêm một tổ mới: Tổ Quốc tế học.

Trưởng, Phó Trưởng khoa qua các thời kì

Từ năm 1976 - 1981 Trưởng khoa
PGS. Lê Văn Sáu
Phó Trưởng khoa Thầy Nguyễn Văn Đức
TS. Đoàn Ngọc Nam
Từ năm 1981 - 1984 Trưởng khoa
Thầy Nguyễn Văn Đức
Phó Trưởng khoa GVC. Lê Vinh Quốc
Từ năm 1984 - 1988 Q. Trưởng khoa GVC. Lê Vinh Quốc
Phó Trưởng khoa ThS. Bùi Trân Phượng
Từ năm 1988 - 1992 Trưởng khoa
GVC. Lê Vinh Quốc
Phó Trưởng khoa ThS. Nguyễn Duy Tuấn
TS. Huỳnh Văn Tòng
Từ năm 1992 - 1997 Trưởng khoa
GVC. Lê Vinh Quốc
Phó Trưởng khoa ThS. Nguyễn Duy Tuấn
Từ năm 1997 - 2001 Trưởng khoa
Cô Nguyễn Thị Thư
Phó Trưởng khoa ThS. Nguyễn Duy Tuấn
(từ năm 1997 đến cuối năm 1998 chuyển sang Phòng Đào tạo)
ThS. Dương Văn Huề (1999 - 2001)
Từ năm 2001 - 2005 Trưởng khoa
ThS. Dương Văn Huề
Phó Trưởng khoa PGS.TS. Ngô Minh Oanh
ThS. Nguyễn Văn Sơn
Từ năm 2005 đến 2006
Trưởng khoa
PGS.TS. Ngô Minh Oanh
Phó Trưởng khoa ThS. Nguyễn Văn Sơn

Công tác đào tạo

Ba mươi năm qua, Khoa đã làm tốt nhiệm vụ đào tạo giáo viên lịch sử Trung học phổ thông cho khu vực phía Nam. Kể từ khoá học đầu tiên đến nay, Khoa đã đào tạo được 31 khoá, trong đó  7 khoá đầu tiên đào tạo giáo viên 2 môn Sử – Địa, sau đó đào tạo giáo viên chuyên ngành Lịch sử.

Khoa đã đào tạo được 31 khoá chính quy với 2914 sinh viên đã tốt nghiệp, số đang đào tạo 317 là sinh viên.

Từ năm học 1979 – 1980, Khoa tiến hành đào tạo tại chức tại các tỉnh Bến Tre, Long An, Sông Bé, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh với trên 400 sinh viên đã tốt nghiệp.

Từ năm học 1998 – 1999, Khoa đào tạo hệ chính quy tại địa phương cho các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau … với 354 sinh viên đã tốt nghiệp, hiện Khoa đang đào tạo 44 sinh viên cho tỉnh Bình Dương.

Để gắn công tác đào tạo với thực tế, Khoa đã tổ chức các chuyến đi thực tế hàng năm cho sinh viên đến các địa danh lịch sử từ Nam ra Bắc, Tây Nguyên và sang đến tận Nam Lào.

Công tác thực tập sư phạm cũng được Khoa chú trọng, ngoài đợt thực tập cho sinh viên năm thứ 4, có thời gian, Khoa đã chủ động liên hệ cho sinh viên năm thứ 3 đi thực tế ở trường phổ thông và hiện nay cùng với Nhà trường chuẩn bị tốt cho năm thứ 3 và năm thứ 4 đi thực tập sư phạm kỳ I và kỳ II.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, ngoài những giáo trình, tài liệu tham khảo trong và ngoài nước, các thầy cô ở Khoa đã biên soạn giáo trình phục vụ công tác giảng dạy. Trong 30 năm qua, các thầy cô đã biên soạn được 44 giáo trình về Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới và Phương pháp dạy học lịch sử. Khoa còn in một số giáo trình của các tác giả nước ngoài phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của sinh viên.
Từ năm học 2006 – 2007, Khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở thêm một ngành học mới là ngành Quốc tế học, đào tạo cán bộ phục vụ công tác đối ngoại trong các cơ quan kinh tế, văn hoá- xã hội.

Công tác đào tạo Sau Đại học

Từ năm học 1981 – 1982, Khoa đã mở khoá đầu tiên, bồi dưỡng Sau Đại học. Có 2 khoá được mở (1981 – 1984 và 1985 – 1988), đã đào tạo được 30 cán bộ giảng dạy của Khoa và của các địa phương.

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bậc Tiến sĩ Lịch sử Việt Nam với 2 ngành hẹp là Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. Đến năm 1999, Khoa bắt đầu đào tạo bậc Cao học Lịch sử Việt Nam và Cao học Lịch sử thế giới. Khoa đã chuẩn bị đủ lực lượng để xin mở mã ngành đào tạo Tiến sĩ Lịch sử thế giới và Cao học Lịch sử Đảng.

Trong 5 năm gần đây, Khoa đã đào tạo được 5 tiến sĩ, 14 thạc sĩ. Hiện nay có  4 nghiên cứu sinh và hàng chục học viên  cao học đang học tập tại Khoa.

Hoạt động nghiên cứu khoa học

Mặc dù phải bận rộn với công tác giảng dạy, nhưng các giảng viên trong Khoa vẫn coi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một hoạt động trung tâm của mình.

Do đặc thù của nghề nghiệp, trong các dịp lễ lớn, hoặc trước những vấn đề cần nhận thức mới về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc, Khoa đã thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học cấp Khoa, cấp Trường và cấp Khu vực để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Ngoài việc tham gia tốt các Hội nghị khoa học do Trường tổ chức vào các năm 1978, 1980, 1987, Khoa còn đăng cai hoặc làm nòng cốt cho

Trường tổ chức các Hội thảo lớn, tiêu biểu:

  • Hội nghị khoa học Kỉ niệm 40 năm Chiến thắng Chủ nghĩa phát xít (1945 – 1985). (1985)
  • Hội nghị khoa học về cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. (1987)
  • Hội nghị khoa học Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (1991).
  • Hội thảo 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (2004)
  • Hội thảo Kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam. (2005)

Ngoài các hội thảo, các công trình nghiên cứu tập thể cũng đã được triển khai:
Đề tài “Tình hình dạy và học môn Lịch sử ở các trường Trung học phổ thông (Cấp II và cấp III) tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” do Lê Vinh Quốc làm chủ nhiệm với sự tham gia của Phan Thế Kim, Nguyễn Duy Tuấn, Nguyễn Thị Thư (thuộc nhóm đề tài “Tình hình dạy và học các môn khoa học xã hội ở các trường Trung học phổ thông (cấp II và cấp III) tại Thành phố Hồ Chí Minh của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và Liên hiệp các Hội Khoa học và kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh do GS. Hoàng Như Mai làm chủ nhiệm) đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt trong năm 1995.

Đề tài “Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP.HCM 1976 – 1996” do Phan Thế Kim làm Chủ nhiệm với sự tham gia của Dương Văn Huề, Trần Thị Thanh Thanh, Võ Xuân Đàn, Nguyễn Trần Trác đã được hoàn thành đúng dịp kỉ niệm 20 năm xây dựng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Các thầy Trần Hương Văn, Dương Văn Huề, Nguyễn Văn Sơn với sự trợ giúp của GS. Diệp Đình Hoa (Viện Khảo cổ Việt Nam) đã phát hiện di chỉ khảo cổ Bãi Xàu thuộc huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng vào tháng 11/1994. Đây là một di chỉ có ý nghĩa rất lớn, góp phần soi sáng lịch sử vùng đất Nam Bộ, cũng như lịch sử Việt Nam và cả lịch sử Đông Nam Á.

Đề tài "Thực trạng đội ngũ giáo viên dạy Sử khu vực miền Đông Nam Bộ" do TS. Ngô Minh Oanh làm chủ nhiệm cùng các thành viên Võ Xuân Đàn, Nguyễn Thị Thư, Dương Văn Huề, Nguyễn Văn Sơn cũng đã được hoàn thành và được hội đồng nghiệm thu đánh giá loại tốt.
Bên cạnh đó, một số đề tài cấp Bộ và cấp Thành phố do Khoa chủ trì đang được tích cực xúc tiến.

Các thầy cô của Khoa đã tham gia các Hội thảo khoa học quốc tế và trong nước, viết bài cho các tạp chí trong, ngoài nước, tổng cộng có 520 bài báo khoa học được đăng, 11 đề tài nghiên cứu các cấp, 14 luận văn, luận án.

Hợp tác giao lưu với các cơ quan trong và ngoài nước

Khoa đã hợp tác chặt chẽ với Khoa Lịch sử các Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Viện Sử học, Viện nghiên cứu châu Âu, Viện nghiên cứu Đông Nam Á trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đối với các khoa thuộc khối xã hội - nhân văn của các trường, viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, các bảo tàng, ban quản lí các di tích lịch sử, Khoa có sự phối hợp chặt chẽ trong đào tạo cán bộ, giảng dạy và phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học … rất có hiệu quả.

Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên

Chi bộ của Khoa các thời kì luôn đoàn kết gắn bó, thực sự đầu tàu để đưa Khoa vượt qua những giai đoạn khó khăn, luôn đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh. Từ năm 2004 – 2005, Chi bộ được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh 3 năm liên tục.
Công đoàn luôn chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư tình cảm của công đoàn viên. Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên của Khoa có phong trào mạnh, đóng góp cho phong trào của Đoàn Trường.

Thành tích đạt được trong 30 năm qua

  • 1 Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng PGS. Lê Văn Sáu.
  • 26 Huy chương và Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng; 1 Huy chương Vì thế hệ trẻ do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng thầy Lê Vinh Quốc.
  • Danh hiệu Nhà giáo ưu tú được trao tặng PGS.TS. Nguyễn Phan Quang, thầy Lê Vinh Quốc.
  • Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xây dựng và phát triển Nhà trường (1996); Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học năm 2001. Khoa đã nhiều lần được Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khen thưởng là Khoa tiên tiến. Trong năm học 1995 – 1996 được đề nghị khen thưởng là Khoa Tiến tiến xuất sắc.
  • Tổ bộ môn Lịch sử Việt Nam được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa năm học 1984 – 1985”, nhiều lần được Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khen là Tổ tiên tiến; trong năm học 1995 – 1996 được đề nghị khen thưởng là Tổ tiến tiến xuất sắc.
  • Tổ bộ môn Phương pháp dạy học Lịch sử nhiều lần được khen là Tổ tiên tiến; trong năm học 1995 – 1996 được đề nghị khen thưởng là Tổ tiên tiến xuất sắc.
  • Tổ bộ môn Lịch sử Thế giới nhiều lần được Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh  khen thưởng là Tổ tiến tiến.

Trong dịp chuẩn bị kỉ niệm 30 năm thành lập, Khoa Lịch sử được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Ban Giám hiệu Nhà trường, với sự đoàn kết nhất trí của tập thể Chi bộ, Ban Chủ nhiệm khoa, Công đoàn và của tất cả các giảng viên, cán bộ công nhân viên trong Khoa, tập thể Khoa Lịch sử đang phát huy truyền thống 30 năm qua, vượt qua những trở lực để xây dựng Khoa thành một tập thể lớn mạnh, có vị trí xứng đáng trong Nhà trường,  trong khu vực và trong cả nước.

 


 Các sự kiện chính 

Không có sự kiện nào

 Đang trực tuyến 

Hiện có 1433 khách Trực tuyến