Kỉ niệm 35 năm ngày thành lập trường
  
Hoạt động Hợp tác Quốc tế

Công tác Hợp tác Quốc tếĐường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đã tạo ra cơ hội và thách thức cho các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong việc mở rộng hợp tác giao lưu với các nước trên thế giới.

Năm 1991, Ban đối ngoại của Trường được thành lập. Tháng 9 năm 1999, Ban được đổi thành Phòng Quan hệ Quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn phát triển mới của Nhà trường, ngày 17/ 3/ 2006 Phòng Quan hệ Quốc tế được đổi tên thành Phòng Hợp tác Quốc tế.

Hợp tác quốc tế là một công tác quan trọng, cùng các hoạt động khác góp phần triển khai và thúc đẩy sự nghiệp đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lí, tạo thêm cơ sở vật chất, tăng thêm tư liệu thông tin về khoa học kĩ thuật, giáo dục đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học và các tổ chức quốc tế, góp phần xây dựng vị thế của Trường Đại học Sư phạm trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh  được thực hiện với nhiều hình thức.

  • Trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên.
  • Hợp tác đào tạo giảng viên ở trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.
  • Tổ chức các khóa thực tập trong nước và ngoài nước cho các giảng viên để nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy.
  • Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về các chuyên ngành khoa học và nghiệp vụ sư phạm.
  • Trao đổi tài liệu, giúp đỡ về trang thiết bị phục vụ cho dạy và học của giảng viên, sinh viên.

Đến nay, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã kí kết hợp tác với 53 trường đại học và các tổ chức thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ: Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Cộng hoà Séc, Anh, Ai-len, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Ấn Độ, Úc, Niu-Di-lân, Hoa Kỳ, Ca-na-đa… Trường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: VVOB (Bỉ), AVI, (Úc) Fulbright (Mỹ). Trường còn là thành viên của tổ chức AUF (khối Đại học Pháp ngữ), RIFEFF (Tổ chức các Đại học Sư phạm thuộc Cộng đồng Pháp ngữ).

Quản lí đoàn vào

Hàng năm, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đón tiếp hơn 30 đoàn khách quốc tế đến từ  17 quốc gia và vùng lãnh thổ của 4 châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương. Tính từ năm 1994 đến năm 2005, tổng số đoàn vào như sau:

Năm    1994    1995    1996    1997    1998    1999    2000    2001    2002    2003    2004    2005    Cộng    
Tổng số    18    10    12    14    16    18    23    17    17    41    44    37    371

Đây là những đoàn của các trường đại học, các tổ chức quốc tế đến thăm, tìm hiểu những khả năng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Đến nay, đã có 53 trường, viện trên thế giới kí thoả thuận hợp tác với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện những thoả thuận hợp tác này đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Số lượng chuyên gia nước ngoài tham gia các hoạt động chuyên môn của Trường ngày càng tăng, không chỉ tham ở các khoa ngoại ngữ mà còn tại các Khoa Toán - Tin, Vật lí, Hoá học.

Tổng số chuyên gia nước ngoài đến Trường công tác từ 1994 đến 2005 như sau:

Năm    1994    1995    1996    1997    1998    1999    2000    2001    2002    2003    2004    2005    Cộng    
Tổng số    7    9    5    5    9    12    12    8    16    15    15    23    136

Các chuyên gia được cử sang công tác tại Trường đều được cơ quan chủ quản tuyển chọn, có đủ khả năng chuyên môn và nghiệp vụ. Làm việc với các chuyên gia nước ngoài, giảng viên và cán bộ của Trường học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích, góp phần đổi mới tư duy khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy và quản lí.

Quản lí đoàn ra

Hàng năm, nhiều giảng viên, cán bộ, sinh viên của Trường được cử ra nước ngoài học tập, công tác, tham dự các hội nghị, hội thảo. Chỉ tính từ 1994 đến 2005, tổng số lượt cán bộ công chức đi nước ngoài như sau:

Năm    1994    1995    1996    1997    1998    1999    2000    2001    2002    2003    2004    2005    cộng    
Tổng số    9    13    10    11    33    25    32    51    52    56    81    35    408

Số lượng cán bộ của Trường đi nước ngoài ngày càng tăng. Đây là kết quả của mở rộng hợp tác quốc tế  của Trường, đồng thời cũng phản ánh kết quả của đường lối đối ngoại “mở cửa”, “hội nhập” của Đảng và Nhà nước ta.

Những chương trình hợp tác quốc tế

  • Nâng cấp trình độ đội ngũ giảng viên. Trong hoạt động đào tạo Sau đại học, Trường có quan hệ với Đại học Rouen, Đại học Tours, Đại học Maine, Đại học Paul Sabatier, Đại học Toulon & Var, Đại học Rennes, Đại học Paris VI, Đại học Joseph Fourier, Đại học Stendhal- Grenoble, Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, Đại học Canberra...

Trong số những trường đại học nói trên, Đại học Rouen, Cộng hòa Pháp, đã đào tạo 12 tiến sĩ, 13 DEA về tiếng Pháp. Đại học Joseph Fourier đã đào tạo 3 tiến sĩ, 4 DEA về Didactique Toán học, tạo điều kiện cho 2 thực tập sinh dài hạn một năm và 6 lượt người dự các khóa bồi dưỡng hè tại Pháp. Ở Đại học Cambridge - Anh, Trường đã gửi 4 giảng viên dự các khoá học hè. Đại học Simon Fraser Ca-na-đa giúp Trường đào tạo Thạc sĩ. Với tổ chức AUF, Trường phối hợp chương trình đào tạo song ngữ Pháp cho 13 giảng viên và 67 sinh viên. Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh đã đào tạo hầu hết các thạc sĩ và tiến sĩ cho Khoa Tiếng Trung. Với Đại học Canberra, Trường đã kết hợp mở các lớp đào tạo thạc sĩ về Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và đã đào tạo 9 khoá cho 239 thạc sĩ, riêng  khoa Tiếng Anh của Trường là 22 thạc sĩ. Với Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Đại học An Huy, Đại học Sư phạm An Huy, Đại học Sư phạm Vân Nam-Trung Quốc, Trường đã kí các hiệp định trao đổi sinh viên và giáo viên, nghiên cứu khoa học. Hiện có 192 sinh viên của Trường đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc. Với các trường Đại học tổng hợp Ostrava, Đại học Kĩ thuật Ostrava, Đại học Tomas Bata, Cộng hòa Séc, Trường đang liên kết đào tạo cho 43 sinh viên ở nhiều chuyên ngành kĩ thuật. Các trường Đại học Séc sẵn sàng nhận bồi dưỡng ngắn hạn cho những giảng viên của Trường đã học ở Tiệp Khắc trước đây. Viện Pu-skin Nga, hàng năm, cử 1 chuyên gia giảng dạy tiếng Nga cho sinh viên và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giảng viên Khoa Tiếng Nga. Viện cấp từ 2 đến 3 suất học bổng ngắn hạn cho giảng viên Khoa Tiếng Nga đi bồi dưỡng.

  • Trao đổi giảng viên. Đại học Caen, Đại học Paris XII, các tổ chức VVOB (Bỉ), AVI (Úc), Fulbright (Mĩ), thường xuyên gửi giảng viên sang giảng dạy tại Khoa Tiếng Anh, Khoa Tiếng Pháp và giới thiệu các chuyên đề khoa học với Viện Nghiên cứu Giáo dục, các Khoa Toán-Tin học, Vật lí, Hóa học. Theo hiệp định, từ năm 2003, Trường đã cử 6 giảng viên báo cáo các đề tài khoa học ở Trường Đại học Jonkoping, Thụy Điển; đồng thời trường bạn cũng cử 6 giảng viên đến công tác tại Khoa Vật lí và Khoa Giáo dục Đăc biệt của Trường.
  • Mở rộng dạy tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Trường đã giao cho Khoa Ngữ Văn và Viện Nghiên cứu Giáo dục nhiệm vụ chiêu sinh và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Hàng năm, hai đơn vị trên giảng dạy tiếng Việt cho gần 100 người với nhiều trình độ khác nhau. Từ năm 2002 đến nay, Trường đã thực hiện 3 khoá đào tạo tiếng Việt cho 72 sinh viên và học sinh Lào. Theo hiệp định, Trường đã cử 4 giảng viên đến Trường Rajabhat Chiangmai, Thái Lan, để dạy tiếng Việt. Từ năm 2005, Trường đã cử 4 giảng viên Khoa Ngữ Văn dạy tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Trường Bình Đông, Đài Loan. Khoa Ngữ Văn đang cùng với Khoa Ngữ Văn  Đại học Bình Đông biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt mọi trình độ bằng 3 thứ tiếng Việt-Hoa-Anh.
  • Tăng cường cơ sở vật chất cho Trường: Nhà nước Lúc-xăm-bua trang bị một phòng thí nghiệm nghe nhìn cho Khoa Tiếng Pháp, một phòng tư liệu cho Khoa Tiếng Anh. Đài Thiên văn Nhật Bản đã cung cấp cho Trường một kính thiên văn hiện đại. Đại sứ quán Trung Quốc tài trợ xây dựng và lắp đặt phòng Trung Quốc học cho Khoa Tiếng Trung...

Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Trường

Năm 1995, Trường đã tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về phương pháp giảng dạy các bộ môn với gần 100 đại biểu quốc tế và gần 200 đại biểu Việt Nam, đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới, và hội nghị đã thành công tốt đẹp, gây tiếng vang lớn trong toàn ngành. Ngoài ra, Trường còn tổ chức các hội thảo như: Hội thảo về đề tài “Sống hòa hợp cùng thiên nhiên và cộng đồng” do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Assumption (Thái Lan) và văn phòng UNESCO tại Băng Cốc cùng tổ chức (năm 2002); Hội nghị quốc tế toán học “Lí thuyết tối ưu và Ứng dụng” với sự tham gia của các nhà toán học, các giảng viên toán học của Việt Nam, Pháp và Hàn Quốc (năm 2004); một trường hè Toán học Quốc tế do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của các giáo sư đến từ Đại học Toulouse-Pháp (năm 2004); cuộc thi với chủ đề “Gieo trồng hạt giống hoà bình ở lưu vực sông Mekong” (có 26 đơn vị trong cả nước tham dự gồm các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, các trường trung học dạy nghề, Nhạc viện, các Nhà Văn hoá Thiếu nhi cùng 52 bài thơ văn, 81 tranh vẽ và 6 ca khúc tiêu biểu dự thi) do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với sự bảo trợ của văn phòng UNESCO Băng Cốc, Trường Quốc tế Ruamrudee, Đại học Assumption - Thái Lan (năm 2005) được dư luận và Tổ chức UNESCO đánh giá rất cao.

Trong 30 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự phát triển chung của Nhà trường, công tác hợp tác quốc tế đã tiến được một bước vững chắc. Các mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng, củng cố, mở ra những khả năng phát triển lâu dài. Công tác hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm của cả nước.

 


 Các sự kiện chính 

Không có sự kiện nào

 Đang trực tuyến 

Hiện có 1539 khách Trực tuyến