Khoa Giáo dục Tiểu học (old)
http://khoagdth.hcmup.edu.vn
  
Trang Chủ Tư liệu tham khảo Đề thi tham khảo Tiếng Việt cơ sở (Tiếng Việt): Đề số 0003
Tiếng Việt cơ sở (Tiếng Việt): Đề số 0003 PDF. In Email
Thứ tư, 11 Tháng 5 2011 18:01

                                           ĐỀ TIẾNG VIỆT CƠ SỞ
                                           Thời gian làm bài: 150 phút.
Câu 1 (2.5 điểm)
      a) Hãy trình bày về yếu tố “u” trong các âm tiết buồng, cúi, quý, sau.
      b) Phân tích  cấu tạo và phân loại các âm tiết sau theo thành phần kết thúc âm tiết : quách, oanh, nhảy, ủa, khuyên, bạnh, méo, ngoẻo.
      c) Cho các âm tiết sau: rạch, cuội, giấy, hãy : (1) miêu tả âm chính; (2) xác định các biến thể có thể có của từng trường hợp.
Câu 2 (2.5 điểm)
      a) Phân loại các trường hợp sau theo tiêu chí cấu tạo và giải nghĩa những trường hợp được gạch chân: có nếp có tẻ, bán anh em xa mua láng giềng gần, chập chờn, chùa chiền, đất đai, đền đài, bong bóng, cây cam, ngôi sao, sa lầy, lòng dạ.
      b) Phân loại những cứ liệu sau đây thành ẩn dụ và hoán dụ : đỗ đầu, gội đầu, đầu gối, đầu sông, ngọn núi, thúng thóc đầy có ngọn, hai quả trứng, quả đất, quả lựu đạn, bị bồ đá, dế đá nhau, tên trộm, mũi tên, lòng sông, lòng dạ.
       c) Những trường hợp nào là đồng âm, những trường hợp nào là đa nghĩa? dinh luỹ, dinh dưỡng, dinh thự, dinh tê, dinh điền, dinh luỹ, dinh dính, dinh cô.
Câu 3 (3.5 điểm)
     a) Phân tích tính mơ hồ về từ loại có trong kết cấu sau: “Con bò đi đâu rồi”.
     b) Phân định từ loại, chỉ rõ hiện tượng chuyển loại của các từ: 
       Trong những món quà rong rẻ tiền đến không ngờ kia, ai đang ăn nó mỗi ngày, ai đang nhớ nó mỗi chiều... xen vào những cao lương mỹ vị nơi lầu son gác tía... người ấy nghĩ gì, ta không biết. Nhưng hiển nhiên là quà rong vẫn còn ngay bên ta, nó có lời nói riêng và tâm hồn riêng chăng để ta không thể nào quên một điều gì trong sâu thẳm,... (Băng Sơn)
     c) Phân tích cấu tạo của các cụm từ chính phụ có trong các câu sau:
        Giữa mùa mưa, những bãi rơm đã ngả màu của đất, hoặc chúng hóa thân vào đất. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy sức sống của rơm rạ trong cái nách lúa đã trổ đòng đòng, trong giồng gừng, giồng bạc hà mướt lá,… Cái màu vàng ngày cũ đã tự cháy để tái sinh vào màu xanh rượi của cỏ cây. Tôi không mảy may tiếc, vì biết khi những ngọn gió ráo tạnh trở về cái xóm nhỏ này, lại một mùa rơm rạ mới. (Nguyễn Ngọc Tư)        
    d) Phân tích và phân loại câu theo cấu trúc cú pháp (cấu trúc chủ - vị).
       Tôi yêu Hà Nội có điện Diên Hồng, nơi vua Trần Thánh Tông hỏi muôn dân hòa hay là đánh. Việc thiên tử cúi xuống hỏi dân đen làm cảm động cả đất trời. Thế mới biết, một khi triều đình đã thực bụng coi dân làm gốc, thì không có việc khó nào trên đời lại không thể vượt qua. Rất nhiều lần đi trên đường Hoàng Diệu có những cây xà cừ cao vút, tán lá sum sê, tôi cứ có cảm tưởng hương hồn vị tổng đốc Hà Ninh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn còn trên những tàn cây kia, tỏa bóng mát xuống tâm hồn những người yêu Hà Nội. Khi triều đình vứt giáo quy hàng thì ông cũng vứt ngay hai chữ “trung vua” để đội lên đầu hai chữ “xã tắc”, đội đến chết không rời. Hà Nội đã có tượng Lý Thái Tổ, người anh hùng dựng nên đất Thăng Long, đã có hay chưa tượng Hoàng Diệu, người anh hùng đã chết vì Hà Nội ?  (Nguyễn Quang Lập)
Câu 4 (1.5 điểm)
        Phân tích giá trị của các biện pháp tu từ trong bài thơ sau:
                Bốn mùa ở đâu 
            Mùa hạ trong bếp than hồng
            Mùa đông núp trong tủ lạnh
            Mùa thu mát rượi giấu mình
            Trên chiếc quạt trần ba cánh
            Có một mùa xuân nắng ấm
            Trên gương mặt mẹ tươi cười
            Bốn mùa ở trong nhà cả
            Bé tìm là gặp ngay thôi.
                           (Cao Xuân Sơn)
_______________________
Ghi chú: Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

                                                 Người biên soạn: Nguyễn Thị Ly Kha

 

Tin hành chính

Tin Chính trị - Xã hội