Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM CẬN ĐẠI Trần Văn Giàu “không phải là người buông giáo”
Trần Văn Giàu “không phải là người buông giáo” PDF. In Email
Thứ bảy, 23 Tháng 4 2011 15:12

 

TRẦN HỮU PHƯỚC (ghi)

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả toàn văn bản tốc ký ghi lại cuộc nói chuyện của đồng chí Trần Văn Giàu - nguyên Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ với đồng chí Trần Hữu Phước - nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, tại nhà cũ của đồng chí Trần Văn Giàu số 70 đường Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM ngày 8/8/2000.

Anh Sáu Trần Văn Giàu nói: Chú làm nghề nghiên cứu sử, hiện nay lại đang phụ trách công việc tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, anh Sáu muốn lưu ý với chú một số việc. Chắc chú biết rõ ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà trước kia là nơi đóng trụ sở cơ quan thường trực của Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ và Sài Gòn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Có người cho rằng, ngôi nhà này gợi nhớ tới Smô-nưi ở thành phố Petrograd, nơi đóng đại bản doanh của Ủy ban Quân sự trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Thế nhưng cho đến nay, nơi được ví như là “Smô-nưi” đó, hãy còn quá ít người biết tới. Bấy lâu nay, dường như chưa có cuộc hội thảo khoa học nào nói đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Điều này là vô tình hay cố ý? Đó là cái di tích thứ nhất. Di tích này ở số 6 Colombert (nay là số 6 Alexandre de Rhodes, cơ quan Sở Ngoại vụ - T.H.P.).

Còn cái di tích thứ hai, cái nhà mà buổi sáng ngày 23/9/1945 - ngày Nam bộ kháng chiến đầu tiên, có một cuộc họp liên tịch khẩn cấp gồm 8 người dự đại diện cho Tổng bộ Việt minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Tại cuộc họp này, anh Sáu chủ trương: “Phải đánh trả ngay”. Còn Hoàng Quốc Việt, đại diện toàn quyền của Trung ương thì chủ trương: “Tích cực chuẩn bị, chờ lệnh của Trung ương”.

Cãi nhau từ 6 giờ đến 7 giờ mới có Lời kêu gọi của anh Sáu. Lời kêu gọi này, hiện anh Sáu vẫn còn đang giữ. Hoàng Quốc Việt cũng có một bài tuyên cáo lấy danh nghĩa Ủy ban Nhân dân. Tuyên cáo ấy nay cũng vẫn còn, anh Sáu đã cắt trên báo để dành tới bây giờ. Cái nhà này ở 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Nhân dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (9/1945 - 12/1946) là ở chính nơi đây. Hai di tích lịch sử mà anh Sáu vừa nói, cần phải nhớ và phải được bảo tồn tôn tạo. Đây là tình cảm cách mạng, chứ không phải là sự biểu hiện tình cảm địa phương chủ nghĩa.

Bốn ngày sau 23/9/1945, Cụ Hồ có đánh điện vô Nam tán thành chủ trương của anh Sáu trong cuộc họp ở đường Cây Mai, nhưng Hoàng Quốc Việt không cho anh Sáu xem. Sau khi cách mạng thành công, nghĩa là sau 30 năm, anh Sáu mới thấy bức điện đó trong viện bảo tàng. Có một lần, bác Hồ để tay lên vai anh Sáu nói rằng: “Ngày 23/9/1945 chú đúng! Ngày ấy thái độ của chú đúng!”.

Có một điều anh Sáu lấy làm lạ là tại sao khi Bác Hồ mất, một hôm ban tổ chức tang lễ gọi anh Sáu lên đứng gác bên linh cữu bác để ở Hội trường Ba Đình, lúc nào cũng có bốn người đứng túc trực xung quanh. Anh Sáu bằng lòng lắm, nhưng không hiểu vì sao trong nhiều năm anh Sáu không được gặp lại Bác Hồ. Anh Sáu mới đưa chuyện này hỏi một người thân cận, người thư ký của Bác Hồ là anh Vũ Kỳ: Vì sao mấy anh nhớ đến tôi, mời tôi đứng gác bên linh cữu Bác? Anh Sáu được trả lời rằng, trong thời gian lâm bệnh nặng, có lần khi tỉnh lại, Bác đã hỏi anh Vũ Kỳ: “Chú Giàu đang ở đâu, làm gì?” (nói đến đây không nén được cơn xúc động, anh Sáu Giàu bật khóc).

Anh Sáu nói tiếp: Trong tuyển tập sách của anh sắp in dày hơn 1.500 trang, có một phần tuyển những bài viết về Bác Hồ. Kể ra cũng còn phải ghi nhớ thêm một nơi nữa ở Chợ Đệm, nay thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, giữa đường từ Chợ Lớn đi Bến Lức.


GS Trần Văn Giàu và vợ chụp ngày 5/9/1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tháng 8/1945, Xứ ủy ba lần họp tại đây - tại nhà hoặc gần nhà anh Bảy Trấn (Nguyễn Văn Trấn), như hội nghị Xứ ủy mở rộng trong hai ngày 17 và 18/8/1945 để bàn việc tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa, chỉ định Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ. Nhưng có điều đáng tiếc là, vì ông Bảy Trấn đã làm những điều không nên làm, do đó không được người ta đồng tình.

Nhắc lại sự việc đúng vào ngày 2/9/1945, định vào lúc 14 giờ chiều sẽ nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập qua làn sóng điện của Đài Phát thanh bạch Mai (Hà Nội). Loa đã được sẵn sàng bắt ở khắp các nơi, nhưng đến 14 giờ chiều lại không bắt được. Sau đó mới biết rằng do ở Hà Nội đài phát quá cũ kỹ nên việc tiếp sóng không thể thực hiện được. Vì vậy, Tuyên ngôn Độc lập chỉ có dân Hà Nội nghe thôi.

Người phụ trách việc này là Nguyễn Dực, con của Nguyễn Văn Vĩnh, bây giờ vẫn còn sống ở Hà Nội. Bữa đó không nghe được, tụi tôi đang đứng trên lễ đài, đồng bào chờ quá lâu, quần chúng kêu ghê quá: “Nó phá rồi! Nó phá rồi!”.

Cả Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng... đều hết sức bồn chồn. Tạo nói: “Giàu ơi, thôi mày nói đi! Nếu mày không nói là loạn đấy”. Cho nên anh Sáu phải nói, trong lúc nhân dân chờ nghe Hồ Chủ tịch không được. Anh Sáu khom lưng xuống để giấy lên đầu gối ghi mấy ý gạch đầu dòng. Anh Sáu nói được. Anh Sáu nói nhân dân mới yên, nói chừng 15-20 phút, không phải nói thay Hồ Chủ tịch, mà là nói trong khi quần chúng chờ đợi nhưng không nghe được tiếng nói Hồ Chủ tịch. Lúc ấy, dưới lễ đài những nhà báo của Sài Gòn đang có mặt, trong đó có mấy nhà báo quen thân với Trần Bạch Đằng và ghi tốc ký rất giỏi. Họ ghi bài nói của anh Sáu và đọ lại đều giống nhau. Thế là được đăng toàn văn lên báo.

*

Ngày 23/3/1947, Ấn Độ có tổ chức cuộc hội nghị quốc tế gọi là Hội nghị Liên Á, gồm các nước châu Á để trình làng là Ấn Độ đã được độc lập rồi. Hội nghị do ông Nehru - Thủ tướng và bộ trưởng bộ Ngoại giao nước Ấn Độ tổ chức. Anh Sáu là đại biểu của Việt Nam đi dự cuộc hội nghị đó. Nhờ có sự giao thiệp rộng ở hội nghị, anh Sáu đã vận động thành công để thành lập cái Liên minh Đông Nam Á, gồm có Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và Mã Lai - tức là Liên minh vì độc lập dân tộc của 6 nước. Chủ tịch Liên minh là ông Tiang Sirikhan, một trong những thủ lĩnh Phong trào Thái tự do. Còn Phó chủ tịch liên minh là anh Sáu. Có làm tuyên bố công khai đàng hoàng. Tụi Mỹ, tụi Úc cũng đã đi lại để tìm hiểu về liên minh này. Nhưng sau khi thành lập được ít lâu, trong khi đang hoạt động thì anh Sáu được rút về chiến khu Việt Bắc vào cuối năm 1948.

*


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu.

Trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 1/1946, anh Sáu đã từ chối việc ra ứng cử để làm đại biểu của tỉnh Hà Đông. Anh Sáu xin cho phép được trở về chiến trường Nam Bộ để tiếp tục kháng chiến. Nhưng xin không được. Đòi bao nhiêu lần cũng không cho. Khi ấy, anh Sáu mới nói với Trường Chinh, với nhiều người, đặc biệt là với Võ Nguyên Giáp. Anh Sáu nói: “Hãy cho tôi về Nam Bộ, nếu không về Nam Bộ thì đồng bào trong đó sẽ cho tôi là “gà rót” (2), vì trong khi đang kháng chiến lại bỏ chiến trường để ra miền Bắc”.

Anh Sáu nói thêm với Võ Nguyên Giáp rằng: Nam Bộ ở sát nách Cao Miên, người Pháp có thể lấy lính ở Cao Miên để đánh Nam Bộ. Cho nên, nếu không cho tôi về Nam Bộ thì cho tôi sang Cao Miên. Làm cách mạng ở Cao Miên thì nhân dân Cao Miên làm. Nhưng anh Sáu có đầy đủ khả năng để quấy rối ở Cao Miên, gây chiến tranh du kích ở Cao Miên. Làm như vậy, sẽ ngăn cản Pháp sử dụng lãnh thổ Cao Miên để đánh Nam Bộ.

Ở Cao Miên, anh Sáu sẽ gửi súng ống đạn dược mua ở Thái Lan, gửi người mộ ở Thái, Lào và Cao Miên về Nam Bộ để tham gia chiến đấu. Thế là ông Giáp đồng ý, Cụ Hồ chấp thuận ý kiến của anh Sáu. Tháng 2/1946, anh Sáu lên đường sang Cao Miên, trong túi chỉ có mấy ngàn đồng bạc. Anh Sáu nói: “Chỉ cần cho tôi đi, bằng sự nỗ lực của mình tôi sẽ tạo ra tất cả”.

Cuối năm 1948, khi trở về chiến khu Việt Bắc, Võ Nguyên Giáp siết chặt tay anh Sáu nói: “Anh đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà anh hứa với Trung ương”.

Anh Sáu đã gây dựng chiến tranh du kích ở Cao Miên, đã tham gia mộ Việt kiều ở Thái Lan, Lào, Cao Miên thành lập bộ đội hải ngoại và tổ chức đưa bốn đơn vị từ đất Thái Lan xuyên qua rừng núi Cao Miên mở đường về chiến trường Nam Bộ để tham gia đánh giặc.

Năm 1946, anh Sáu đã cùng với anh Năm Đông (Dương Quang Đông) thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Cao Miên ở Battambang. Chủ tịch ủy ban là ông Acha Đươn - một vị đại lão hòa thượng quê ở thành phố Nam Vang, bị tù ở Côn Đảo về, có uy tín rất cao. Còn phó chủ tịch là bà Mai Mun và Sơn Ngọc Minh. Trong thành phần của Ủy ban dân tộc giải phóng Cao Miên được tổ chức ở Battambang, còn có một người Miên nữa ở Trà Vinh. Anh này kêu anh bằng thằng. Trước nó học với anh, rồi đi theo anh, về sau bị xe đụng.

*

Nhớ lại buổi sáng ngày 23/9/1945, khi đưa ra Lời kêu gọi kháng chiến của anh Sáu cho Huỳnh Văn Tiểng để đưa đi in khẩn cấp, anh Sáu có nói với Hoàng Quốc Việt rằng: “Anh Việt ơi, tôi là Trần Văn Giàu chớ không phải Phó tướng Giàu đâu nhé!”.

Và khi Lời kêu gọi kháng chiến của anh Sáu in xong, được đưa đi phát ngay cho những chiếc xe đò tức tốc mang về khắp các địa phương, anh Sáu tự nghĩ: “Thế là đời chính trị của Trần Văn Giàu từ nay đã hết!”.

Phải! Anh Sáu là tướng giữ biên cương. Khi kẻ địch xâm phạm vào biên cương thì tướng ở biên cương phải quyết định không chờ lệnh vua. Quyết định, nhưng phải báo cáo với vua. Nếu vua đồng ý thì khen. Còn nếu làm trái với lệnh vua thì bị xử trảm. Anh Sáu không phải là người buông giáo.


(1)   Bản tốc ký này do đồng chí Trần Hữu Phước ghi và đặt đầu đề.

(2)   “Gà rót” là con gà đá bị thua, khi thấy đối thủ thì bỏ chạy.

http://honvietquochoc.com.vn/Tu-lieu/Tu-lieu-lich-su/Tran-Van-Giau-khong-phai-la-nguoi-buong-giao.aspx

 

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học