Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld
Cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld PDF. In Email
Chủ nhật, 27 Tháng 2 2011 02:23

Trong cuốn hồi ký “Known and Unknown” (tạm dịch: “Biết và chưa biết”) dày 815 trang của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld công khai thừa nhận ông đã sai lầm khi tuyên bố Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) - ông nói: “Tôi đã tuyên bố sai”.

Không giống như cựu Ngoại trưởng Colin Powell, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld không xuất hiện trong những chương trình phỏng vấn ngày Chủ nhật trên truyền hình Mỹ hay đi khắp đất nước để đọc diễn văn ở những quảng trường đông nghịt người. Donald Rumsfeld không thành lập một trung tâm cố vấn như cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, Cố vấn An ninh quốc gia Stephen Hadley hay Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff.

Khi trở về vị trí của một công dân Mỹ bình thường, Rumsfeld rút lui về căn nhà trên vùng Bờ Đông ở Maryland và nông trại của ông ở Taos, bang New Mexico, chỉ đi ăn trưa với những đồng nghiệp và bạn bè cũ. Và, ở tuổi 78, Rumsfeld cũng mắc phải những bệnh thông thường của tuổi già như bao người bình thường khác, đồng thời cũng trải qua vài lần phẫu thuật chữa bệnh liên quan đến khớp. Nhưng cuối cùng rồi Rumsfeld cũng chịu bước ra khỏi bóng tối. Ông có một trang trên Facebook, xuất hiện đều đặn trên Twitter và nổi đình nổi đám nhất là cuốn hồi ký "Biết và chưa biết".

Trong hồi ký, Rumsfeld duyệt lại lịch sử của chính quyền Bush về mọi vấn đề từ Iraq đến nhà tù nổi tiếng Guantanamo. Rumsfeld được coi là một trong những nhân vật được bàn đến nhiều nhất trong kỷ nguyên của George W. Bush và chắc hẳn mọi người từ lâu đã mong ngóng sự xuất hiện cuốn hồi ký của ông.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng thừa nhận: “Tin tưởng một nỗ lực ngoại giao hung hăng đi kèm với sự đe dọa sử dụng vũ lực có thể thuyết phục Saddam Hussein cùng với những người thân cận của ông ta tìm kiếm con đường sống lưu vong".

Nhưng thay vào đó, lịch sử đã cho thấy Rumsfeld trở thành một nhân vật chủ chốt trong ý đồ xâm lược Iraq của chính quyền Bush dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein và cái chết của ông cùng với hơn 4.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Rumsfeld không ngần ngại kể lại chuyện ông đã yêu cầu chương trình thông tin về WMD như thế nào trong cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003. Ông nói ông hết sức cố gắng để có được thông tin tình báo chính xác nhưng rồi ông vẫn mắc sai lầm. Rumsfeld viết ông rất tức giận khi bị chính quyền Bush đã lừa dối ông về WMD ở Iraq, song cho dù biết Saddam không sở hữu WMD ông cũng ủng hộ chiến tranh chống Iraq.

Rumsfeld tiết lộ rằng, ông đã thúc giục Mỹ tấn công quân sự xuống một địa điểm tình nghi có vũ khí hóa học ở miền Bắc Iraq vào năm 2003, và ông muốn cuộc tấn công nói trên được bố trí thời gian trùng hợp với việc ông Colin Powell lôi kéo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ kế hoạch chiến tranh này. Địa điểm tình nghi này chứa một cơ sở đặt ngầm dưới lòng đất để thử nghiệm vũ khí hóa học. Ông gọi nó là một "hoạt động khủng bố khá lớn".

Vụ tấn công trước chiến tranh không hề diễn ra, nhưng địa điểm ấy cũng đã bị tấn công trong những ngày đầu cuộc chiến tranh mà Tổng thống George W. Bush phát động hồi tháng 3/2003, khoảng 6 tuần sau cuộc nói chuyện của Powell trước Liên Hiệp Quốc. Mỹ không bao giờ tìm thấy bằng chứng đáng kể của một chương trình hoạt động sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, nhưng đến nay Rumsfeld vẫn ảo tưởng rằng địa điểm gần biên giới Iran đó từng tồn tại trước khi cuộc chiến bắt đầu.

"Dù với bất cứ lý do gì, chính quyền không bao giờ được công bố những sự thật về một cơ sở đang sản xuất thứ "vũ khí giết người hàng loạt - WMD" do bọn khủng bố ở Iraq điều hành", Rumsfeld viết.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 3/2/2003, trong đó Powell giới thiệu sơ lược phần trình bày sắp tới của ông tại Liên Hiệp Quốc ngày 5/2/2003, ông Rumsfeld đề nghị Tổng thống Bush nên tấn công Khurmal trong thời gian Powell diễn thuyết, nhưng Powell cực lực phản đối.  Khurmal là tên ngôi làng gần địa điểm bị tình nghi.

Trong bài giải trình trước Liên Hiệp Quốc, ông Powell mô tả địa điểm tình nghi như một "Nhà máy sản xuất bom và chất độc khủng bố", tên gọi là Khurmal. Ông Rumsfeld nói Khurmal được vận hành thông qua Ansar al-Islam, một nhóm phiến quân Sunni có quan hệ với Abu Musab al-Zarqawi, một kẻ cực đoan người Jordan về sau lãnh đạo chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại Iraq.

Theo Rumsfeld, ông muốn tấn công địa điểm tình nghi này trước khi ông Powell kết thúc bài giải trình tại New York, bởi nếu không địa điểm này sẽ bị quên lãng. Powell không đồng tình với quan điểm của Rumsfeld, nếu tấn công trước, chính quyền Bush có thể đã thu được bằng chứng kết luận rằng Iraq có một địa điểm chế tạo vũ khí giết người hàng loạt đang hoạt động.

Quả đúng như dự kiến, ngay sau khi bài phát biểu của Powell được trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhiều tên khủng bố bỏ chạy khỏi Khurmal. Một phóng viên AP từng đến thăm địa điểm này vài ngày sau bài phát biểu của Powell đã tìm thấy một xưởng xây dựng dở dang bằng bê tông giả có nhiều đàn ông người Kurd vũ trang tận răng, thiết bị video  - nhưng không còn dấu hiệu sản xuất vũ khí hóa học nào nữa. Nhiều nơi trong khu vực trên đã bị hủy hoại do tên lửa Mỹ tấn công vào lúc mở màn cuộc tấn công vào Iraq.

 

"Biết và chưa biết" cũng kể lại chuyến đi đến Baghdad năm 1983 của ông trong vai trò đại diện ngoại giao của Tổng thống Ronald Reagan. Saddam đã nói với Rumsfeld trong cuộc gặp mặt kéo dài 2 giờ: "Thật là lẽ bất thường khi mà cả một thế hệ người Iraq lớn lên mà không biết bao nhiêu về nước Mỹ và cả một thế hệ người Mỹ lớn lên mà biết không nhiều về Iraq".

Nhưng trước tiên là Afghanistan, nơi Osama bin Laden ẩn náu. Rumsfeld đã thúc giục Tommy Franks, tư lệnh của CENTCOM (Bộ Chỉ huy Trung tâm quân lực Hoa Kỳ), nhanh chóng có kế hoạch chiến tranh, gạt sang một bên điều kiện cần có thời gian 2 tháng để đặt ra kế hoạch. Rumsfeld viết trong hồi ký rằng, có lẽ những người chỉ trích chiến tranh thắc mắc tại sao Mỹ không triển khai tức thì 150.000 quân đến Afghanistan. Nhưng, ông viết: "Chúng ta cần nhiều tháng để xây dựng một đội quân chiếm đóng hùng hậu".

Tuy nhiên, Rumsfeld cũng thừa nhận sự chậm trễ này đã giúp cho Taliban có thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến và Al-Qaeda có cơ hội di chuyển nơi ẩn náu. Rumsfeld dành ít không gian cho sự thất bại ở Tora Bora, ông nói đã thông báo với CIA trong một tài liệu rằng, "chúng ta có lẽ đã bỏ lỡ cơ hội" ở đó và do đó phải cần thêm nhiều lực lượng Mỹ nữa. Mãi về sau, Rumsfeld mới biết chuyện chiến dịch CIA ở Afghanistan cần được tiếp viện thêm nhiều máy bay Ranger nữa, nhưng "tôi chưa bao giờ nhận được yêu cầu như thế từ phía Franks (tư lệnh CENTCOM) lẫn Tenet (Giám đốc CIA)".

Trong nhiều tháng trước sự kiện ngày 11/9/2001, Rumsfeld nói ông gặp phải vấn đề rối trí - đó là chuyện con trai ông, Nick, từng chống chọi với ma túy, lại tái nghiện và biến mất một thời gian. Sau ngày 11/9, Rumsfeld bị ngộp trong những cuộc hội đàm với Tổng thống Bush nhưng trong lòng vẫn cứ canh cánh nỗi lo về con trai mình.

Ngày 21/11/2001, Bush kéo Rumsfeld đến một căn phòng nhỏ gần Phòng Tình huống và hai người quyết định phát động chiến tranh - hay ít nhất là một kế hoạch chiến tranh quy mô - bất chấp việc có hay không có sự liên quan nào giữa Saddam Hussein và cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9.

Năm 2002, tình báo Mỹ đánh giá Saddam Hussein có vũ khí hóa học và sinh học, từ đó Rumsfeld lập luận rằng những vũ khí bất hợp pháp "là một trong những lý do chính" cho cuộc xâm lược Iraq, bao gồm cả sự vi phạm những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nhưng chắc chắn WMD mới là lý do chính của chiến tranh chống Iraq.

Trong cuốn hồi ký, Rumsfeld kể lại chi tiết những sự xung đột giữa ông với những quan chức cao cấp khác trong chính phủ Bush như là Ngoại trưởng Colin Powell, Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage, Condoleezza Rice và cả hai vị tướng James Jones và Eric Shinseki v.v... Nhưng cuộc chiến ở Iraq không hề suôn sẻ khi Rumsfeld nhìn thấy những bức ảnh chụp cảnh binh sĩ Mỹ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib.

Lúc đó Rumsfeld cho biết, ông đã có ý định từ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng Bush không hề muốn Rumsfeld ra đi như thế. Rumsfeld nói những kỹ thuật tra tấn hung bạo là cần thiết để thu thập những thông tin nhạy cảm nhằm cứu mạng người dân Mỹ, nhưng ông không cho phép sử dụng kỹ thuật dội nước (waterboarding) cũng như một vài kỹ thuật tàn bạo khác. Những kỹ thuật tra tấn mà Rumsfeld cho phép chỉ để dành riêng cho cá nhân duy nhất là Mohammed al-Qahtani - người Arập Xêút bị đưa đến Guantanamo năm 2002 vì là nghi can trong vụ khủng bố ngày 11/9.

Rumsfeld viết trong hồi ký: "Qahtani đã cung cấp những thông tin hữu ích về kế hoạch tấn công ngày 11/9 của Al-Qaeda, những mánh khóe vượt biên của chúng và thông tin về những vệ sĩ của Bin Laden". Rumsfeld nói, có lẽ Qahtani đã bị dội nước lạnh, bị lột hết quần áo và bị làm nhục. Ông viết: "Tôi rất ngạc nhiên và bối rối. Một số kỹ thuật... đã vượt qua khỏi những gì mà tôi cho phép".

Trong hồi ký, Rumsfeld cũng phê phán Tổng thống Obama đã thúc giục chính quyền Bush đóng cửa Guantanamo trong khi bản thân tân tổng thống cũng không làm được điều đó. Đồng thời Obama vẫn còn vận dụng nhiều chính sách của chính quyền Bush. Rumsfeld cũng đề cập đến sự gia tăng những chiến dịch máy bay không người lái ở Afghanistan và Pakistan của Obama.

Rumsfeld cho biết, ông chọn các tài liệu có sự "thú vị đặc biệt về lịch sử" hoặc có liên quan đến các sự kiện đề cập trong hồi ký. Các tài liệu mật bổ sung lấy từ những năm ông làm việc tại Lầu Năm Góc sẽ được giải mật và xem xét cho phát hành công khai, ông nói.

Trên trang web của mình, ông khẳng định rất khó khi đưa ra quyết định công bố một số tài liệu mật: "Những tài liệu này không nhằm soi mói lịch sử, mà chỉ là hồ sơ lưu trữ của một viên chức có thẩm quyền". Ông muốn phát hành các tư liệu này cho độc giả để tự mỗi người rút ra kết luận riêng. Một số người gọi hồi ký của Rumsfeld là cuốn hồi ký trả thù, nhưng ông phê phán lại rằng họ là "những người chưa đọc nó". Tâm điểm chú ý của cuốn sách không chỉ tập trung vào những tranh cãi về cuộc chiến Iraq, mà ông còn viết về giai đoạn rơi vào bế tắc của cuộc chiến Afghanistan

Diên San - Phương Nguyên (tổng hợp

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/hosomat/2011/2/74526.cand

Ngày đăng đầu tiên 11:45 PM, 25/02/2011

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học