Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Cả thế giới ủng hộ Cuba PDF. In Email
Thứ sáu, 14 Tháng 1 2011 05:25

29/11/2010

Phiên họp thảo luận và thông qua Nghị quyết kêu gọi Mỹ bãi bỏ cấm vận Cuba hôm 26/10/2010 thật sự là màn đấu trí gay cấn giữa 2 phái đoàn Cuba và Mỹ, trong đó phái đoàn Cuba do Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez làm trưởng đoàn đã có những phát biểu đanh thép, vạch trần tính chất dã man, tàn bạo của chính sách cấm vận chống Cuba kéo dài đã hơn 50 năm.

 

Hàng chục phái đoàn các nước, trong đó có Việt Nam đã đứng lên ủng hộ Cuba bằng những bài phát biểu trước diễn đàn.

Sau khi trưng ra bằng chứng về dã tâm đáng kinh tởm của chính quyền Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez tiếp tục bài phát biểu của mình như sau: "Mặc dù sự khủng bố kinh tế này đã gây trở ngại chính cho sự phát triển của đất nước chúng tôi và ngăn cản việc cải thiện đời sống nhân dân chúng tôi, nhưng Cuba đã đạt được những kết quả không thể chối cãi trong việc xóa đói nghèo, trong lĩnh vực y tế và giáo dục... Cách đây vài tuần, Cuba đã có thể tuyên bố tại LHQ rằng, mình đã đạt được phần lớn các mục tiêu và phát triển của thiên niên kỷ. Cuba đạt được những kết quả này trong khi đối với phần lớn dân số trên hành tinh thì chúng vẫn còn khá xa vời".

"Cuba sẽ chẳng bao giờ ngừng phê phán chính sách bao vây cấm vận; sẽ chẳng bao giờ ngừng đòi cho được những quyền hợp pháp cho nhân dân mình và phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội trong những điều kiện bình đẳng, trong sự hợp tác với các nước khác, không sợ bao vây kinh tế hay áp lực nào từ bên ngoài. Cuba cám ơn cộng đồng quốc tế vì tình đoàn kết vững chắc với nhân dân Cuba, tin rằng một ngày nào đó công lý sẽ được thực thi và sẽ chẳng bao giờ cần đến Nghị quyết như thế này nữa".

Phiên thảo luận tại Đại hội đồng LHQ hôm 26/10/2010 bắt đầu vào lúc 10h sáng, giờ địa phương. Trước Bộ trưởng Bruno đã có 19 đoàn các nước phát biểu ủng hộ việc bãi bỏ cấm vận Cuba. Đầu tiên là 5 nước đại diện cho nhóm G-77, Phong trào Không liên kết (NAM), Liên minh châu Phi (AU), CARICOM và MERCOSUR. Tất cả đều ủng hộ Nghị quyết bãi bỏ cấm vận Cuba.

Sau đó, thêm 14 nước phát biểu, trong đó có 2 nước có dân số đông nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ - mỗi nước có trên 1 tỉ dân, cộng lại gần 2,5 tỉ người; một số nước có số dân hơn 100 triệu người, như Liên bang Nga, Indonesia và Mexico; thêm 9 nước có vai trò đáng kể trên trường quốc tế, như Venezuela, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Algeria, Nam Phi, Quần đảo Solomon, Zambia, Ghana...

Khi Bộ trưởng Rodriguez kết thúc bài phát biểu đầu tiên vào khoảng gần 12h trưa ngày 26/10, như thường lệ đó là lúc các phái đoàn lên phát biểu quan điểm, lý do bỏ phiếu của mình trước khi dự thảo Nghị quyết được trình lên để Đại hội đồng biểu quyết. Phái đoàn Mỹ giành quyền phát biểu trước tiên. Bước lên diễn đàn là Trưởng phái đoàn Mỹ, Đại sứ Ronald D. Godard.

Ông Godard đã dùng ngôn ngữ rất dài dòng nhưng vẫn không thể phủ nhận những gì mà Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez tố cáo là hoàn toàn đúng. Đó là một chính sách tàn nhẫn, đáng kinh tởm. Godard bắt đầu bài phát biểu: "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ... cam kết ủng hộ nguyện vọng của nhân dân Cuba được tự do định đoạt tương lai đất nước của mình".

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Godard lại cũng khẳng định "quyền chủ quyền" của nước Mỹ khi tiến hành các hành động kinh tế chống Cuba. Phát biểu của ông Godard một lần nữa cho thấy Mỹ đã áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong việc thực thi những hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền của một nước khác khi áp đặt chính sách cấm vận Cuba: xem đây là vấn đề song phương giữa 2 nước Mỹ - Cuba, không muốn thế giới can thiệp, nhưng lại ngăn cản thế giới có quan hệ buôn bán, làm ăn với Cuba!? Hơn thế, Mỹ cũng lạm dụng "quyền chủ quyền" khi cố áp đặt các tiêu chuẩn của mình để can thiệp vào nội bộ của Cuba, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ngoại giao "không can thiệp vào nội bộ lẫn nhau".

Đại sứ Mỹ cũng lớn giọng cho rằng cuộc thảo luận tại Đại hội đồng LHQ là "không thể giúp gì được cho nhân dân Cuba", và biện hộ chống lại lời tố cáo của Cuba rằng, hành động bao vây cấm vận của Mỹ là "một hành động diệt chủng" bằng cách cho rằng "Mỹ không hạn chế việc cứu trợ nhân đạo cho Cuba".

"Năm 2009, Mỹ đã cho phép các hỗ trợ nhân đạo tư nhân trị giá 237 triệu USD các kiện hàng quà tặng bao gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, các sản phẩm phi nông nghiệp và thuốc men. Tháng 4/2009, Tổng thống Obama đã nói: “Mỹ tìm kiếm một sự khởi đầu mới với Cuba”, nhưng “vẫn còn một hành trình dài phải đi qua để khắc phục sự mất niềm tin kéo dài hàng chục năm”. Chúng tôi đã đề xuất các cuộc thảo luận để nối lại dịch vụ thư tín trực tiếp giữa Mỹ và Cuba, và chúng tôi đã tăng cường giao lưu nghệ thuật và văn hóa...

Tổng thống Obama đã phát biểu rộng rãi rằng việc thả các tù nhân chính trị và tự do kinh tế là điều tích cực đối với nhân dân Cuba. Mỹ hy vọng sẽ sớm nhìn thấy những lời hứa này được thực hiện cũng như việc Chính phủ Cuba cởi mở hơn... Quan điểm của Mỹ là một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Cuba chưa thể thành hiện thực chừng nào nhân dân Cuba chưa được hưởng các quyền tự do chính trị và kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế...". Đại sứ Godard tuyên bố phái đoàn Mỹ sẽ bỏ phiếu chống Nghị quyết.

Ngay sau phát biểu của đoàn Mỹ là phát biểu ủng hộ Cuba của đoàn Nicaragua. Bài phát biểu đanh thép và đầy tính thuyết phục của trưởng đoàn Nicaragua đã khiến bầu không khí cả Đại hội đồng như sôi động hẳn lên.

Thế là cuộc bỏ phiếu cho Nghị quyết đã được diễn ra đúng giờ, không kéo dài quá lâu để có thể làm nản lòng những người ủng hộ Cuba. Kết quả cho thấy 187/192 nước dự phiên họp đã ủng hộ thông qua Nghị quyết, 2 nước bỏ phiếu chống là Mỹ và đồng minh Israel, và 3 nước bỏ phiếu trắng gồm Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu, một đại biểu người Bỉ đại diện cho Liên minh châu Âu (EU), đồng minh của Mỹ, mở đầu cuộc thảo luận tiếp theo để cho các phái đoàn khác có cơ hội nêu ý kiến của mình. Sau Bỉ, 16 nước có vai trò nổi bật trên trường quốc tế đã lên diễn đàn để phát biểu giải thích vì sao mình bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết, trong đó có các quốc gia đáng chú ý như Uruguay, Bolivia, Angola, Myanmar, Belarus, Lào, Tanzania, Libya, Syria, Sudan, Việt Nam, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên...

Tổng cộng, trước và sau khi Nghị quyết được thông qua, có 37 phái đoàn các nước phát biểu nêu quan điểm rõ ràng để ủng hộ Nghị quyết kêu gọi bãi bỏ cấm vận Cuba. Những quốc gia còn lại không lên phát biểu là do thể theo yêu cầu của đoàn Cuba là để rút ngắn thời gian bỏ phiếu nhằm đảm bảo việc thảo luận được cô đọng và tập trung.

Tâm điểm của cuộc thảo luận vẫn là các phát biểu sắc bén của Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez. Sau khi Nghị quyết được thông qua, Bộ trưởng Rodriguez đã có bài phát biểu thứ 2 vào lúc 4h17' chiều ngày 26/10 như một lời "đáp từ" nhằm cảm ơn sự ủng hộ của các quốc gia dành cho Cuba, đồng thời đáp trả bài phát biểu của đại sứ Mỹ Godard, và một lần nữa phơi bày thêm những hành động đáng kinh tởm của Mỹ nhằm chống lại nhân dân Cuba, tiếp tục lên án hành động "chiến tranh kinh tế" của Mỹ chống Cuba là một "tội ác diệt chủng". Ông Rodriguez cũng cho rằng cuộc bao vây cấm vận là một "tảng băng còn sót lại của Chiến tranh lạnh" mà Mỹ đã cố tình duy trì, kéo dài. "Đấy không phải là vấn đề luận điệu nữa, mà đích thực là một hành động hung hãn chống Cuba.

"Mục tiêu của Mỹ không phải là để giúp đỡ hay ủng hộ nhân dân Cuba. Ai cũng biết rằng cuộc bao vây cấm vận đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại. Nó không thể gây ra chết chóc vì Cách mạng Cuba không cho phép điều đó xảy ra. Nhưng sự trừng phạt nhắm vào trẻ em Cuba sẽ phải được biện hộ thế nào đây? Nếu nước Mỹ muốn giúp đỡ hay ủng hộ nhân dân Cuba, điều duy nhất họ phải làm là dỡ bỏ lệnh cấm vận ngay lập tức".

Tại sao họ ngăn cản công dân Mỹ thăm viếng Cuba để nắm bắt thông tin chính xác nhất? Tại sao họ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa "người với người?

 

Những người nông dân Cuba cần cù đang phải chịu đựng cuộc sống khó khăn do chính sách bao vây cấm vận tàn bạo của Mỹ gây ra.

Tiền đề cho cấm vận luôn thay đổi theo từng thời kỳ. Đầu tiên, đó là vì Cuba theo trục Xô - Trung; sau đó thì cáo buộc cái gọi là "xuất khẩu cách mạng ra châu Mỹ Latinh"; rồi sự hiện diện của quân đội Cuba ở châu Phi để giúp đánh bại chế độ Apartheid, giúp bảo vệ nền độc lập của Angola và Namibia. Về sau nữa là cáo buộc "vi phạm nhân quyền".

Nhưng chính lệnh cấm vận là một sự vi phạm thô bạo các quyền con người của nhân dân Cuba. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về các vi phạm nhân quyền. Chúng ta có thể bắt đầu với trại tù tập trung ở Guantanamo, nơi có tình trạng tra tấn và lệnh đưa ra tòa xét xử không được thực thi. Nó là một vương quốc của các "Ủy ban quân sự" nằm ngoài vòng cương tỏa của pháp luật. Liệu phái đoàn Mỹ có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra ở các nhà tù Abu Ghraib, Bagram và Nama hay không?

Những người chịu trách nhiệm đó có bị buộc tội không? Các chính phủ ở châu Âu cho phép CIA mở các nhà tù bí mật trên đất châu Âu và thực hiện các chuyến bay bí mật vận chuyển những người bị CIA bắt cóc có bị quy trách nhiệm gì hay không? Đại diện của EU có thể giải thích rõ ràng vấn đề đó hay không?".

"Những thay đổi ở Cuba là do nhân dân Cuba quyết định. Chúng tôi sẽ thay đổi mọi cái cần phải thay đổi, vì lợi ích của nhân dân Cuba, nhưng chúng tôi sẽ không hỏi ý kiến của chính quyền Mỹ. Chúng tôi có quyền tự do định đoạt số phận của mình. Vì lẽ đó mà chúng tôi làm cách mạng... Chúng tôi biết rõ điều duy nhất làm hài lòng nước Mỹ là dựng lên một chính quyền thân Mỹ ở Cuba. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra”...

"Một quan chức cao cấp của tổ chức USAID khẳng định với nhà báo Tracey Eaton hôm 25/10 rằng, trong giai đoạn gần đây nhất, 15,6 triệu USD đã được trao cho “các cá nhân trên đất Cuba”. Còn các đài phát thanh và truyền hình bất hợp pháp thì vẫn tiếp tục phát sóng. 5 chiến sĩ Cuba chống khủng bố hiện vẫn đang bị giam giữ một cách bất công. Gần đây, Gerardo Hernández Nordelo đã bị biệt giam và bị từ chối chăm sóc y tế mà không rõ lý do. Các tên khủng bố quốc tế như Orlando Bosch và Posada Carriles thì lại được đi lại tự do ở Miami và thậm chí còn được tham gia vào các hoạt động chính trị tại đây".

"Cuộc bao vây cấm vận không phải là vấn đề song phương, mà là vấn đề xuyên biên giới, ảnh hưởng đến tất cả mọi người có mặt tại đây".

Bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez kết thúc với phần phản bác luận điểm của phái đoàn EU. Điều đáng ngạc nhiên lần này là sau bài phát biểu đanh thép của Bộ trưởng Rodriguez, các phái đoàn Mỹ và EU đã không phản ứng bằng cách bỏ ra ngoài như mọi khi.

Hơn 50 năm bao vây cấm vận, "siêu cường" Mỹ đã không thể và sẽ không bao giờ có thể, đánh bại được Cách mạng Cuba. Không ai nói chuyện bỏ phiếu "thuận" hay "chống" đối với cuộc Cách mạng của Cuba mà chỉ có những phát biểu chống lại biện pháp trừng phạt bất công và tàn bạo này. Sẽ là một điều sai trái nếu để cho lệnh cấm vận này tồn tại mãi. Liên Hiệp Quốc sẽ không tồn tại được nếu không có những dân tộc đang đòi hỏi chấm dứt lệnh cấm vận này. Nếu không có chúng ta, tổ chức này tồn tại có ích gì? Chúng ta còn có quyền hạn gì nếu thậm chí không thể đòi hỏi chấm dứt lệnh bao vây cấm vận đối với một quốc gia nhỏ bé...

Nhiều nước Thế giới thứ ba đang thấy mình có bổn phận tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề của phần còn lại của thế giới. Điều đó giống như chuyện leo lên một ngọn núi cao. Điều cần thiết là phải có một LHQ dân chủ thật sự chứ không phải một địa hạt để cho đế quốc thao túng tuyệt đối... Chúng ta không thể để cho tình trạng "đánh trống bỏ dùi" cứ tái diễn sau 12 tháng

Trương Hùng - Tiểu Khang (lược dịch

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2010/11/73902.cand

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học