Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM CẬN ĐẠI 100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc"
100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc" PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 16:33
Chỉ mục bài viết
100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc"
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang

Tôi đi tìm lại các nơi đã từng in dấu chân của những người từng tham gia vụ "Hà thành đầu độc" năm xưa. Trên mảnh đất ngày nào nhuộm máu anh hùng, phố thị đã đông vui dưới những hàng cây xanh xum xuê bóng mát. Nhiều bậc cao tuổi tóc bạc phơ vẫn nhớ mãi lời cha ông kể ngày xưa từng có bao người yêu nước ngẩng cao đầu ra đi tại chốn này. Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng ông đã từng nhiều lần thắp hương cho các cụ, và chỉ mong sao thế hệ mai sau không bao giờ được quên những bậc anh hùng đã bỏ mình vì nước.
"Cứu lấy Tổ quốc chúng ta"
Những người tham gia vụ đầu độc bị bắtTrong trí nhớ được lưu truyền của các bậc cao niên và cả trong tài liệu sưu tầm của các nhà sử học, "Hà thành đầu độc" nổ ra vào đêm 27-6-1908 ngay trong doanh trại quân đội Pháp ở thành Hà Nội. Trước đó, một số cai đội, binh lính Việt trong cơ công binh pháo thủ số 9 của Pháp như Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình, Dương Bê, Nguyễn Văn Nga... đã ngấm ngầm phẫn uất thực dân Pháp. Họ bất mãn sự phân biệt đối xử giữa lính Pháp và lính Việt, đặc biệt là không đồng tình việc dùng lính Việt đi đánh nghĩa quân người Việt.
Cùng thời điểm này, các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám phát triển rất mạnh. Ngoài công khai chống Pháp, nhiều người còn hoạt động bí mật. Tại quán cơm số 20 phố Cửa Nam của bà Nhiêu Sáu, họ và các cai đội, binh lính, đầu bếp Việt đã gặp gỡ, giác ngộ nhau và tập hợp thêm đông người đồng chí hướng. Trong đó có ông đồ Đỗ Văn Đàm, thầy lang Nguyễn Văn Phúc, đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên), Vũ Văn Xuân, Nguyễn Văn Chúc...
Trong tập 3 bộ sách Phan Bội Châu toàn tập, các trang 146 - 155 kể lại sự kiện bi hùng này. Một tối ở chùa Bạch Mã, phố Hàng Buồm, đội Bình, tức Nguyễn Trị Bình, đã mời rượu gần 200 anh em đồng chí hướng. Ông nghiêm trang nói: "Hôm nay, chúng ta bàn với nhau một việc đặc biệt hệ trọng. Đó là việc lấy lại đất nước VN, khôi phục mọi quyền lợi của chúng ta. Nếu mưu đồ không thành công, chúng ta phải đeo đuổi nhiệm vụ này tới chết. Quyết không lùi bước trước sự hi sinh nào để cứu lấy Tổ quốc chúng ta. Các đồng bào có đồng ý với tôi về vấn đề này không? Có tán thành kế hoạch của tôi không?".
Mọi người nhiệt liệt tán thành. Một kế hoạch đánh chiếm đầu não bộ máy cai trị thực dân đã được mọi người bàn bạc là sử dụng cà độc dược để các đầu bếp người Việt bỏ vào thức ăn quân Pháp. Sau đó, các nhóm cai đội, binh lính yêu nước sẽ chiếm kho vũ khí, rồi bắn pháo hiệu cho các toán quân ngoài thành ập vào cùng đánh chiếm đầu não thực dân Pháp. Đội Nhân (Đặng Đình Nhân) chỉ huy nhóm đánh vào phủ toàn quyền Đông Dương, đội Bình dẫn nhóm đánh bộ tham mưu Pháp và đội Cốc (Dương Bê hay còn gọi là Nguyễn Văn Cốc) sẽ cầm đầu đánh tòa thống sứ Bắc Kỳ...
Chí lớn không thành
Căn nhà số 20 phố Cửa Nam và ngôi nhà ở phố Hàng Buồm xưa là nơi từng là điểm hẹn của những người yêu nước. Bây giờ phố xưa vẫn còn tên cũ. Từ những điểm hẹn này, kế hoạch đánh Pháp lẽ ra đã được xác định thực hiện vào năm 1907, nhưng phải hoãn lại vì thời cơ không thuận lợi. Trong đó có lần họ đã định thực hiện vào 20g ngày 14-11-1907 nhân dịp binh lính Việt được phát súng đạn đi bắn tập ở Sơn Tây.
Tuy nhiên, kế hoạch tiếp tục tạm hoãn vì súng ống không đến đủ binh lính yêu nước. Chính vì phải trì hoãn dài mà mật thám Pháp phần nào "đánh hơi" được. Trong cuốn Vụ chính trị ở Đông Dương của tiến sĩ Patrice Morlat viết từ tài liệu khai thác nguồn tàng thư Bộ thuộc địa Pháp kể rõ từ cuối tháng 5-1908, công sứ Jules Bosc ở Hà Đông đã nghi ngờ. Ông ta được mật báo nhà số 20 phố Cửa Nam có thể đã diễn ra những cuộc gặp gỡ, chiêu nạp nghĩa quân.
Sau đó, mật thám khám xét nhiều nơi. Dù không có kết quả rõ ràng nhưng quân Pháp vẫn nghi ngờ, đề phòng. Tối 27-6-1908, những người yêu nước bắt đầu thực hiện kế hoạch. Nhóm đầu bếp Hai Hiên đã bỏ cà độc vào thức ăn. Khoảng 200 binh lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh số 9 và trung đoàn pháo binh số 4 trúng độc bất tỉnh nhưng không chết vì lượng chất độc yếu. Vụ việc đang tiến hành dở dang thì một người lính tên Trương trong cơ công binh pháo thủ số 9 đã vội xưng tội với linh mục. Tin đến quan Pháp. Chúng lập tức cho bắt ngay binh lính và các đầu bếp Việt trước khi họ kịp cướp kho súng, nổ pháo hiệu báo nghĩa quân ngoài thành tiến vào.
Đồng thời tất cả lính Việt trong các phiên đội khác cũng bị tước vũ khí và thiết quân luật toàn Hà Nội. Trong khi đó, dân quân cùng nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ngoài thành chờ mãi không thấy pháo hiệu, biết đã bại lộ nên đành gạt nước mắt rút đi. Mặc dù chưa hoàn tất việc bắt bớ, nhưng để thị uy, ngày 6-7-1908, viên công sứ Hà Đông Jules Bosc đã ngồi ghế chủ tọa hội đồng đề hình Bắc kỳ, tuyên án xử chém ba anh hùng chí lớn không thành là Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình và Dương Bê.
Lần theo sử liệu và trí nhớ được lưu truyền của những người cao tuổi Hà Nội, tôi được biết pháp trường xử những người anh hùng đã được dựng lên ngay bãi Gáo, cột cờ Hà Nội sáng 8-7-1908. Để trấn áp tinh thần yêu nước, chúng chém ba người rồi bỏ thủ cấp của họ vào rọ tre đem bêu. Nhưng trong đêm, thủ cấp các anh hùng được nhân dân cướp lại.
Xử chém người anh hùng
Một thế kỷ đã trôi qua, xương máu và khí phách những người ái quốc ngày nào đã hòa cùng hồn thiêng sông núi. Khi nghe tôi gọi điện thoại ngỏ ý muốn tìm lại con cháu các anh hùng đã hi sinh trong sự kiện "Hà thành đầu độc", giọng nhà sử học Dương Trung Quốc ngậm ngùi: "Tôi cũng rất muốn đi tìm họ, nhưng mới chỉ biết vài người. Anh thử cố xem sao".
Ông Quốc đã chỉ cho tôi đầu mối để đi tìm ông Đặng An Ninh, người cháu gọi vị cai đội anh hùng Đặng Đình Nhân là bác ruột.
Những người anh hùng bị bêu đầuPhố Trần Hưng Đạo, ông Đặng An Ninh đón tôi, rồi cứ lặng lẽ chảy nước mắt khi đưa cho tôi xem tấm ảnh thủ cấp ba anh hùng bị bêu trong sọt tre. Mãi sau ông Ninh mới nghẹn ngào: "Đầu của bác Đặng Đình Nhân nhà tôi cũng ngậm hờn nằm trong đó. Cả đời tôi cứ đau đáu không nguôi chuyện này. Nghe nhắc lại tôi không cầm được xúc động!".
Trên gác nhỏ 10m2 trong căn nhà tập thể cũ kỹ số 31 phố Trần Hưng Đạo, ông Ninh bùi ngùi tâm sự những chuyện chưa ai biết về bác mình. Ông Ninh năm nay đã 76 tuổi, là con trai của ông Đặng Đình Giao, người em út trong gia đình có ba anh em, mà anh hùng Đặng Đình Nhân là anh cả, còn anh kế là ông Đặng Đình Mẫn. Quê hương của họ ở Bạch Mai, nội thành Hà Nội. Trong dòng họ có người chú Đỗ Đình Tiềm tham gia phong trào Đông Du và đã từng ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Nhờ nguồn thu nhập khá từ nghề thuốc của cha mẹ nên anh em ông Nhân từ nhỏ được cho sang Pháp du học. Sau đó, ông Nhân gia nhập quân đội Pháp, lên đến chức đội trong cơ pháo thủ. Nhưng càng ngày ông càng bất mãn những kẻ cai trị mình.
Mặc quân phục khố đỏ nhưng ông Đặng Đình Nhân lại bí mật kết giao với những người đồng chí hướng như ông đồ Đỗ Văn Đàm, đầu bếp Nguyễn Văn Hiên và các bạn lính là đội Bình, đội Cốc... Đặc biệt, quán cơm nhà số 20 phố Cửa Nam chính là nơi họ đã gặp gỡ, trao đổi chí hướng và bàn bạc kế hoạch táo bạo dùng cà độc dược để đánh đổ bộ máy cai trị thực dân. Chí lớn không thành, ông Nhân là một trong những người đầu bị quân Pháp bắt. Và ông cũng là người đầu tiên cùng với đội Bình, đội Cốc hiên ngang trước giờ bị xử chém, mà ngày nay vẫn còn lưu truyền tấm ảnh ba thủ cấp ngậm hờn vì nợ nước chưa kịp đền.
Khi anh hùng Đặng Đình Nhân bị xử tử, người cháu ruột Đặng An Ninh chưa ra đời. Nhưng sau này cha ông Ninh đêm đêm kể lại cho con nghe câu chuyện của ông Nhân. Cha ông Ninh kể khi ông Đặng Đình Nhân bị bắt, quân Pháp truy sát luôn hai em trai của ông khiến họ phải chạy lánh nạn qua Campuchia, Lào, rồi sang Anh. Ông bà thân sinh họ thì bị quân Pháp đày lên vùng Đoan Hùng (Phú Thọ) và âm thầm qua đời. Con cháu ngày nay nặng lòng vì không thể biết ngày giỗ, mồ mả ở đâu. Riêng vợ ông Nhân khi ấy đang mang thai con gái đầu lòng kịp lánh nạn về quê, rồi cũng sớm mất vì buồn đau, để lại con gái Đặng Đình Đức là hậu duệ duy nhất của người anh hùng Đặng Đình Nhân. Sau này, bà Đức làm nghề bốc thuốc nổi tiếng ở ngõ 105 Bạch Mai, nhưng không lập gia đình cho đến khi qua đời...
Image
Ông Đặng An Ninh cứ đau đáu không nguôi về người bác - anh hùng Đặng Đình Nhân - Ảnh: Q.Việt
Theo thống kê từ tài liệu do tiến sĩ Patrice Morlat sưu tầm, sau sự kiện "Hà thành đầu độc" có 13 người bị kết án tử hình (chém, bêu đầu), năm người bị án tử hình vắng mặt (không rõ về sau có bị bắt không), bốn người chịu khổ sai chung thân, năm người án tù khổ sai 20 năm, ba người án tù 15 năm, và còn nhiều án tù khác nhẹ hơn… Nguồn sử liệu của VN thì ghi có 16 người đã bị xử chém trong mấy đợt, sáu người bị xử tử vắng mặt, và bốn án chung thân. Quân Pháp cũng nhân cớ này thẳng tay đàn áp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tăng cường tiến đánh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Sau đó nhiều người bị bắt, bị xử chém và lưu đày ra nước ngoài…
Thầy đồ và người đầu bếp dũng cảm
Câu chuyện thầy đồ Đỗ Văn Đàm (còn có tên là Đỗ Khắc Nhạ) và đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên) dũng cảm lúc bị chém được nhiều người nhắc nhớ. Các nguồn sử liệu VN và cả quyển Vụ chính trị ở Đông Dương của tiến sĩ Patrice Morlat đều cho thấy ông đồ Đàm và bếp Hai Hiên không phải là binh lính nhưng cũng thuộc nhóm cầm đầu, có trách nhiệm lớn trong sự kiện "Hà thành đầu độc". Vì vậy, tòa đề hình Pháp xử họ tội nặng nhất là chém đầu, sau khi đã chém nhóm ba người của cai đội Nhân. 
Ông Đặng An Ninh đã cho tôi địa chỉ người cháu gái Đỗ Thanh Hằng đời thứ tư của ông đồ anh hùng Đỗ Văn Đàm hiện đang sống ở Gia Lâm, Hà Nội. Cô Hằng (45 tuổi) kể từ nhỏ đã được cha mẹ kể nhiều về người ông. Cô cho biết ông đồ Đàm quê ở làng Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Tây.
Ông nổi tiếng là người thông minh, nhưng không thi đậu vì bài viết hay lồng ý thâm sâu phê phán chế độ thực dân. Ông ở quê, làm nghề dạy học và thường giao du với những người yêu nước. Chính từ đây ông đã gia nhập nhóm binh lính, đầu bếp Việt ở Hà Nội cùng chí nguyện đánh đổ đầu não thực dân. Trong sự kiện "Hà thành đầu độc", ông phụ trách nhóm hạ cờ quân Pháp trong thành Hà Nội để kéo cờ khởi nghĩa. Trách nhiệm ông đã thực hiện xong nhưng đại sự lại không thành. Sau đó, ông cùng các đồng đội bị giặc Pháp xử chém. Thủ cấp của họ bị bêu một nơi, thi hài bị vùi lấp một nơi, rồi trở thành nấm mộ tập thể không đầu của những người yêu nước.
Từ hậu duệ của ông đồ Đàm và đội Nhân, tôi tìm được các cháu nội, ngoại đời thứ ba của người đầu bếp Nguyễn Văn Hiên. Suốt buổi chiều trong căn hộ tập thể nhỏ ở phố Ngọc Khánh, ông Lê Đình Phúc, 67 tuổi, cứ miên man mãi những ký ức về chuyện bi hùng của ông ngoại mình. Theo ông Phúc, bếp Hai Hiên quê ở thôn Cao Chung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Ông Hiên (còn có tên Nguyễn Văn Truyền) là người giỏi võ và làm đầu bếp cho binh lính Pháp.
Sách của tiến sĩ Patrice Morlat kể thêm ông Hiên còn là chủ tịch "công đoàn nhân viên dân sự trong thành Hà Nội". Chính làng quê ông là một trong những nơi đã thử nghiệm cà độc dược, đồng thời rèn vũ khí cho nghĩa quân. Ông cũng là người tập hợp các đầu bếp yêu nước khác và bỏ cà độc dược vào thức ăn của Pháp trong đêm 27-6-1908. Đại sự không thành, bếp Hai Hiên bị Pháp xử chém. Ngậm ngùi hơn, vợ ông cũng bị bắt và chịu tra tấn đến chết trong ngục Hỏa Lò.
Sau những người tham gia vụ "Hà thành đầu độc", nhiều cụ già tóc bạc phơ nay đã đến đời thứ hai, thứ ba vẫn ghi trong lòng lời kể của cha ông. Họ thắp nén nhang lên bàn thờ người xưa, và không kìm được nước mắt khi tâm sự rằng: "Các bậc anh hùng tuy chưa thành đại nghiệp, nhưng đã dũng cảm xả thân cứu họ tộc, làng xóm mình!"


 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học