Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM CẬN ĐẠI Tiếp cận một cách nhìn về triều Nguyễn
Tiếp cận một cách nhìn về triều Nguyễn PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 16:31

--- Quốc Anh ---

Triều Nguyễn tồn tại trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động và triều đại này phải gánh chịu trách nhiệm khi để đất nước rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Theo tác giả Quốc Anh, vấn đề đánh giá triều Nguyễn được nghiên cứu kỹ càng hơn với thái độ khách quan, biện chứng để từ đó nhìn rõ và bảo vệ những giá trị văn hóa mà triều đại này để lại.

Lịch sử thành văn của gần trọn một thiên niên kỷ sắp qua, giới sử học chúng ta đã quan tâm nhiều và chủ yếu đến một lịch sử giữ nước và mới bắt đầu quan tâm đến một lịch sử dựng nước, trong đó có lịch sử trị nước (quản lý đất nước) gắn liền với vai trò và đóng góp của các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Có thể cũng vì thế và qua cái lăng kính ấy, triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ có chủ quyền (1802 - 1884) và hơn 60 năm sau chỉ còn là cái bóng của chế độ thuộc địa (1884 - 1945) chỉ còn được nhìn thấy trong sắc mầu ảm đạm của một chế độ chính trị suy đồi. Điều này cũng làm cho những dấu tích vật chất (mà thực chất là một phần di sản văn hóa dân tộc) gắn liền với triều đại này đã bị hủy hoại hay để mai một khá lâu.

Nhưng chính sự nghiệp xây dựng đất nước và đặc biệt là tư duy của công cuộc đổi mới kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ này đã đòi hỏi và kích thích một cái nhìn thực hơn về quá khứ gần gũi là triều Nguyễn. Thực ra, đó là sự nhìn nhận lại toàn bộ thế kỷ kề cận với thế kỷ chúng ta đang sống. Và người ta càng nhận thấy rằng cái thế kỷ 19 ấy giống như cái bản lề, cái cầu nối giữa xã hội truyền thống và hiện đại trong những điều kiện đầy thử thách ác liệt của sự áp đặt chế độ thực dân đến từ bên ngoài.

Một vài ông vua cuối triều Nguyễn phải gánh chịu trách nhiệm để đất nước rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Mầm mống của nó có từ việc Nguyễn Ánh, nhằm giành được quyền lực trong việc chống chọi với nhà Tây Sơn đã không ngần ngại gửi con trai là Hoàng tử Cảnh cho giám mục Pigneau de Béhaine sang Pháp để ký Hiệp ước Versailles 1787. Từ sau Hiệp ước Patenotre (1884), triều Nguyễn chỉ còn là một triều đại bù nhìn gắn với chế độ thuộc địa của Pháp cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám quét đi tất cả... Dần vượt qua cái định kiến về triều đại ấy, trong vòng hơn một thập kỷ gần đây, giới sử học đã bước đầu nhìn nhận lại một số lĩnh vực bắt đầu bằng những câu hỏi:

1. Nhà Tây Sơn, đặc biệt với vai trò của Nguyễn Huệ - Quang Trung đã có công lớn xóa bỏ tình trạng Nam - Bắc phân tranh, đánh giặc ngoại xâm Xiêm - Thanh, tạo ra nền tảng quyết định cho nền thống nhất đất nước. Nhưng phải chăng triều Nguyễn cũng đã kế tục nhà Tây Sơn, góp một phần hoàn thành sự nghiệp thống nhất, hoàn chỉnh lãnh thổ và xây dựng một thiết chế quản lý thống nhất của một quốc gia thời cận đại? Các đề tài nghiên cứu đi sâu vào đánh giá những thiết chế Nhà nước, những chính sách cai trị đất nước, những thành tựu trên lĩnh vực pháp luật, quản lý hành chính, quản lý ruộng đất, quan hệ đối ngoại với các quốc gia lân bang (Trung Hoa, Cam-pu-chia, Lào, Xiêm...), chế độ thi cử, quan chức luật pháp... và các nhân vật, đặc biệt là Minh Mạng (trị vì từ 1820 đến 1841) đã góp phần nhìn nhận toàn diện hơn và công bằng hơn về đóng góp của triều Nguyễn trên lĩnh vực này.

2. Triều đại nhà Nguyễn cho đến khi mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp phải chăng chỉ là một chế độ phong kiến bị khủng hoảng và trên đà suy vong như nhiều nhận định đã từng có? Nếu vậy thì vì sao triều đình ấy có thể để lại nhiều di sản đáng ghi nhận, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả văn hóa nghệ thuật và văn hóa chính trị. Thí dụ, chỉ trên lĩnh vực sử học, triều Nguyễn đã để lại một di sản rất đồ sộ với những bộ sử và các công trình mang tính bách khoa lớn do Nhà nước tổ chức biên soạn như Đại Nam thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí và rất nhiều tác phẩm sử học của nhiều tác giả đương thời kỳ. Nhiều vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... cũng là những tác giả của nhiều áng văn chương... Mặc dù bị thất thoát rất nhiều do chiến tranh, khí hậu và những xáo động chính trị, các địa bạ, những văn bản châu phê, hệ thống các hương ước cũng như các công trình kiến trúc trong thiết chế văn hóa (kinh thành Huế, các chùa chiền mới xây hoặc được trùng tu vào thời Nguyễn...) cho thấy dưới triều Nguyễn, nước ta đã đạt tới một trình độ phát triển cao ở kiến trúc thượng tầng... Và không ít các nhà sử học nước ngoài đánh giá trình độ phát triển nước ta thời này cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực...

3. Trên lĩnh vực phát triển đất nước, phải chăng triều Nguyễn luôn luôn gắn liền với chính sách bế quan tỏa cảng, kìm hãm phát triển thương nghiệp, bảo thủ chống lại các xu thế duy tân đất nước? ở đây tư tưởng Nho giáo chính thống đã tạo nên một quan niệm truyền thống thời phong kiến là trọng nông, ức thương. Đúng là có nhiều tư tưởng đổi mới do các nhà canh tân như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ... không trở thành hiện thực, nhưng điều đó có hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nhà Nguyễn hay không, hay là trên thực tế do phải cảnh giác trước họa xâm lăng, triều đình có phần "đông cứng lại", chối từ mọi yếu tố ngoại lai kể cả kỹ xảo cơ khí của phương Tây. Nhưng trên nhiều lĩnh vực khác, triều Nguyễn không hoàn toàn khước từ sự du nhập những gì của phương Tây có lợi cho quyền lực của mình như sử dụng các chuyên gia người nước ngoài (Chaigneau, Vanier... được coi là các chuyên gia, cận thần gần gũi với nhà vua). Ngay các nhà canh tân dâng điều trần cho triều đình cũng đều do nhà nước cử đi tiếp xúc với nước ngoài như Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ,... Hơn thế nữa, chính cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống cũng tạo nên một kháng lực tự nhiên mà để thay đổi nó không chỉ nhờ ý chí của triều đình mà được. Những yếu tố đó đã tạo nên sự trì trệ nhất định đối với sự phát triển, hiện đại hóa và hòa nhập được với thế giới bên ngoài vào thời điểm đằng sau văn minh vật chất của phương Tây còn gặp cả một âm mưu thực dân.

4. Trên cái toàn cảnh ấy, sự đánh giá các nhân vật lịch sử phải chăng cũng nên được nhìn nhận lại một cách khách quan hơn và toàn diện hơn, mặc dù đây là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Từ những người đứng đầu nhà nước như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, rồi các vua có tinh thần chống Pháp như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đến một loạt các quan lại như Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Trọng Hợp... sự đánh giá tuy còn có những điều chưa được nhất trí, còn cần được nghiên cứu kỹ càng hơn, nhưng khuynh hướng rõ thấy là ngày càng khách quan hơn và biện chứng khi gắn các nhân vật ấy với thời đại của họ.

Triều Nguyễn bắt đầu từ đời Gia Long (1802) và về hình thức kết thúc với việc vua Bảo Đại thoái vị khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về triều Nguyễn, người ta cũng ngược dòng thời gian để nói về các Chúa Nguyễn tổng cộng chín đời, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Các Chúa Nguyễn xuất phát từ cuộc đối đầu với các Chúa Trịnh ở phía bắc nhưng danh nghĩa vẫn thuận theo triều Lê đã mở mang bờ cõi về phương nam, tạo dựng cả một cơ đồ đã làm nên lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại. Đây là một giai đoạn lịch sử kéo dài ba thế kỷ chứa đựng rất nhiều vấn đề lịch sử quan trọng và phong phú mà đến nay vẫn chưa được tìm hiểu và nghiên cứu đầy đủ, tương xứng với tầm vóc to lớn liên quan đến quá trình phát triển lãnh thổ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Hơn một thập kỷ qua các đề tài được giới sử học nêu lên qua các cuộc hội thảo do các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy sử học của cả nước đang làm rõ dần những câu trả lời cho các câu hỏi trên, nhiều kỷ yếu đã được xuất bản.

Các cuộc hội thảo có quy mô liên cơ quan hay quốc gia về văn hóa - xã hội triều Nguyễn, về các thời vua Nguyễn từ Gia Long, các hội thảo khoa học có liên quan đến Huế và việc trùng tu cố đô Huế trên quy mô ngày càng lớn, đặc biệt từ khi Huế trở thành di sản văn hóa của nhân loại; các cuộc hội thảo khác ở các tầm cỡ khác nhau về Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Trọng Hợp... việc dịch, xuất bản và tái bản các thư tịch thời Nguyễn như bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mạng chính yếu, Tự Đức văn tập, Châu phê... các công trình khảo cứu dựa trên các di sản của triều Nguyễn như địa bạ, hương ước... càng cho thấy việc nghiên cứu triều Nguyễn có ý nghĩa thực tiễn như thế nào đối với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện tại. Cũng vì việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử này có ý nghĩa thực tiễn và bao hàm những vấn đề nhạy cảm nên nó càng cần tiếp tục được đẩy mạnh trong tinh thần và ý thức ngày càng nghiêm túc và thận trọng hơn.

Có thể hy vọng vào năm 2002 giới sử học chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện về thế kỷ 19 của triều Nguyễn tương xứng với vị thế của nó trong toàn bộ tiến trình lâu dài của lịch sử dân tộc, cũng như đối với lịch sử những thế kỷ của chúng ta sắp qua và sẽ đến.


nguồn: Xưa & nay
http://www.suutap.com/default.asp?id=992&muc=3

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học