French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Đổi mới Giáo dục & Đào tạo Khi học sinh được thầy cô nhường bục giảng
Khi học sinh được thầy cô nhường bục giảng PDF. In Email
Thứ ba, 07 Tháng 3 2017 13:34

GD&TĐ - Nhằm cho học sinh (HS) có những trải nghiệm đáng quý với nghề giáo, để từ đó các em thêm trân quý hơn nghề giáo, đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS, mới đây Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã tổ chức chương trình “Một ngày làm giáo viên” với sự tham gia của 195 HS các khối lớp.

Khi học sinh được thầy cô nhường bục giảng

Các em sẽ trải qua những công việc của một giáo viên, như chuẩn bị giáo án, lên lớp trong 45 phút với bài học tự chọn ở các bộ môn (bài chưa được các thầy cô giảng dạy) với sự hướng dẫn của các cô giáo bộ môn và giáo sinh thực tập.

Đứng trên bục giảng để hiểu hơn về người thầy

Trước giờ lên lớp, nhiều bạn học sinh của Trường Nguyễn Du tỏ ra khá háo hức, thêm vào đó là có chút hồi hộp lo lắng khi lần đầu tiên được đứng trên bục giảng, lần đầu tiên được làm thầy, làm cô. Để chuẩn bị cho 45 phút giảng bài, theo các em phải tốn công sức, thời gian bỏ ra để soạn giáo án, để tập dượt.

Em Minh Đan, lớp 12A4 giảng tiết Tiếng Anh bài Women in Society cho lớp mình, tâm sự: “Em chuẩn bị mất mấy ngày, thử đi thử lại vẫn còn hồi hộp. Em nghĩ đứng trên bục giảng các thầy cô rất cần sự tôn trọng, cần học sinh chăm chú lắng nghe, nếu một bạn nào đó trong lớp không chăm chú, thầy cô sẽ buồn biết bao. Qua việc thử làm giáo viên, chúng em hiểu hơn, trân trọng hơn, yêu quý hơn, đồng cảm hơn với công việc trồng người của các thầy cô”.

Tiết học Địa lý do “thầy giáo” Dương Thái Cảnh lớp 10C1 phụ trách có tên Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp, được mở đầu bằng một trò chơi nhỏ. Thái Cảnh cho các bạn đoán từ bằng tiếng Anh liên quan đến bài học, mở đầu có phần hơi rụt rè, chút hồi hộp, tuy nhiên sau đó Thái Cảnh quen dần và đã hoàn thành bài giảng của mình.

Lúc “thầy giáo” trẻ đặt câu hỏi, không một cánh tay nào giơ lên, bạn đã phải cứng rắn với yêu cầu: Nếu bạn nào thầy chỉ định hỏi, trả lời sai trừ 1 điểm vào bài 15 phút. Nếu bạn nào xung phong trả lời đúng thầy sẽ cộng ưu tiên 1 điểm vào bài 1 tiết… khiến các bạn của lớp 10C1 ồ lên vì bất ngờ.

Với sự hỗ trợ của máy chiếu cũng như các bảng biểu sinh động, bài giảng được các bạn trong lớp đánh giá “khá tốt, khá dễ hiểu, tuy nhiên, bạn còn hơi ấp úng, chắc do run quá”.

Kết thúc bài giảng, Cảnh chia sẻ: Em vẫn còn run, vẫn hồi hộp. Giờ em mới hiểu được để có thể lên lớp giảng dạy cho tụi em những kiến thức hay với một tiết học bị bó buộc về thời gian, các thầy cô đã vất vả như thế nào. Đặc biệt là những tình huống như cô giáo hỏi không ai chịu xung phong phát biểu, hay ồn ào trong lớp. Trải nghiệm mới thấy không phải ai cũng có thể làm thầy giáo mà đó là cả quá trình đam mê, theo đuổi, học tập, rèn luyện về tri thức, đạo đức.

Tương tự, tiết học Ngữ văn của “cô giáo” Hoàng Nguyễn Gia Linh, HS lớp 12A4 giảng về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu được các bạn trong lớp cũng như thầy cô giáo bộ môn khen ngợi. Phong thái tự tin, giọng nói rõ ràng, dễ nghe và sự chuẩn bị bài giảng kĩ đã giúp Gia Linh hoàn thành tốt 45 phút lên lớp của mình.

Cô bé nói với vẻ hào hứng còn hiện rõ. “Em vẫn còn run lắm ạ, đây là lần đầu tiên em làm cô giáo, mọi thứ thật khác ngày thường. Em thấy để giảng bài, để truyền đạt kiến thức cho các bạn ngồi ở dưới hiểu đúng là không hề dễ dàng. Đặc biệt là xử lý các tình huống trong lớp học. Có câu hỏi các bạn hỏi em chỉ biết cười, không biết trả lời ra sao. Có đứng ở trên lớp mới thấy được, thầy cô càng được tôn trọng, kính trọng ra sao”.

Trò trưởng thành hơn

Dự tiết giảng của học sinh Gia Linh, lớp 12A4, cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên bộ môn Ngữ văn của trường đánh giá, với cách dạy của Gia Linh, về cơ bản bài học đã được truyền tải đầy đủ về mặt kiến thức cho cả lớp. Em Linh trông chững chạc, nói lưu loát, đồng thời biết vận dụng nhiều câu hỏi thực tiễn vào bài học như câu “nhân vật nhìn thấy người chồng đang đánh vợ, vậy nếu là bạn, bạn sẽ làm gì” hay hỏi một bạn đam mê chụp ảnh ở lớp chia sẻ về đam mê của mình… Nếu có bổ sung, tôi chỉ cần thêm một chút về các câu hỏi nâng cao để các em hiểu sâu hơn.

Khác với Gia Linh, không có giáo viên bộ môn dự tiết dạy, bạn Lương Thoại Quỳnh, lớp 12A3 đã khá vất vả để có thể hoàn thành 45 phút với bài Quần xã Sinh vật của môn Sinh học.

Khi đặt câu hỏi, các bạn trong lớp không tham gia vào bài học, khi Thoại Quỳnh thấy hai bạn trong lớp nói chuyện riêng, rồi ba bạn, em đã phải hét lên “cả lớp trật tự”. Có hai bạn dùng điện thoại, Thoại Quỳnh đã phải ngừng lời giảng của mình để nhắc nhở.

Kết thúc tiết dạy, em nói: “Nhìn chung các bạn cũng hỗ trợ em, nhưng khi thấy lớp ồn em đã không kiềm chế được, mà phải hét lên yêu cầu im lặng. Lúc thấy bạn dùng điện thoại, thực sự em rất muốn đuổi bạn ra khỏi lớp… Qua đó, em mới thấy, ở lớp nếu trò ồn ào, trò không chú ý nghe giảng, làm việc riêng thầy cô buồn và thất vọng như thế nào. Em thấy mình hiểu thêm rất nhiều về nghề, thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ, thấy có chút tự tin và em thực sự rất ngưỡng mộ thầy cô giáo của mình”.

Đồng quan điểm với các giáo viên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ngoài tổ chức chương trình để các em trải nghiệm, hiểu và trân quý với nghề hơn, đây cũng là dịp để tôn vinh nghề giáo, để truyền lửa cho những học sinh có đam mê theo đuổi nghề giáo.

Thầy nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng, qua chương trình này các em sẽ hiểu hơn về thầy cô, giúp các em trưởng thành hơn, lớn hơn trong suy nghĩ, từ đó lan tỏa đi thông điệp rằng học sinh đến trường chăm ngoan, lắng nghe giảng, tham gia vào bài học chính là sự thành công của tiết dạy, chính là trôn trọng giáo viên và tôn trọng chính bản thân mình”.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khi-hoc-sinh-duoc-thay-co-nhuong-buc-giang-3002532-b.html

 


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD