Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Cải cách chính trị ở Trung Quốc
Cải cách chính trị ở Trung Quốc PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:20
Chỉ mục bài viết
Cải cách chính trị ở Trung Quốc
Trang 2
Tất cả các trang

12/09/2010 22:33


Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố cần bảo đảm quyền của người dân - Ảnh: AFP

Ngày càng có nhiều người tin rằng, sẽ sớm diễn ra cải cách chính trị tại Trung Quốc sau những phát biểu gần đây của các nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo đất nước này.
Tín hiệu quan trọng
Thực ra, lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thâm Quyến ngày 22.8 chỉ là sự nhấn mạnh và chính thức phát tín hiệu cải cách thể chế chính trị cho toàn dân nước này. Theo Tân Hoa xã ngày 5.3.2010, trong báo cáo công tác chính phủ tại Bắc Kinh, ông Ôn Gia Bảo từng nêu rõ: “Cải cách Trung Quốc là cải cách toàn diện, bao gồm thể chế kinh tế, thể chế chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không có cải cách chính trị thì việc cải cách thể chế kinh tế và hiện đại hóa không thể thành công”. Cải cách thể chế chính trị ít nhiều đã được đề cập trong báo cáo thường niên về công tác chính phủ, nhưng về cơ bản được diễn đạt thành “tích cực phát triển ổn định”. Theo phân tích của các chuyên gia nước này, báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2010 đã đưa ra một tín hiệu quan trọng nhằm thúc đẩy cải cách chính trị.
Trước khi có lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo, dư luận trong và ngoài nước đã rất chú ý đến bài viết của trung tướng Lưu Á Châu đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông (báo Sydney Morning Herald của Úc dẫn lại vào ngày 12.8). Trong bài viết, tướng Lưu kêu gọi nhanh chóng thay đổi mô hình thể chế tại Trung Quốc. “Một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, một hệ thống không lựa chọn những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong”, ông viết. Ông Lưu cũng cho rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế mà vươn lên được: “Một quốc gia chỉ chăm chăm vào sức mạnh đồng tiền thì chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt”. Cuối cùng, ông kết luận: “Trong 10 năm tới, sẽ không thể tránh khỏi một sự chuyển đổi từ chính trị quyền lực sang dân chủ”.
Những ý kiến của tướng Lưu khiến dư luận rất quan tâm vì vị thế của ông trong hệ thống chính trị ở Trung Quốc. Sinh năm 1952, ông từng là Phó chính ủy bộ đội không quân Trung Quốc và vừa được thăng lên Chính ủy Học viện Quốc phòng. Ông còn là con rể của cố Chủ tịch Lý Tiên Niệm, một trong “Bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặt khác, nền kinh tế phát triển quá nhanh của Trung Quốc đã dẫn tới nhiều hệ lụy như khoảng cách giàu nghèo chênh lệch khủng khiếp, xu hướng chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả dẫn tới nhiều vụ sữa bẩn, sập hầm mỏ, môi trường bị xâm hại, người dân bất mãn chính quyền... Vì thế việc tìm kiếm chiếc áo mới rộng hơn cùng chế độ quản lý phù hợp là một yêu cầu cấp bách của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nỗ lực may áo mới
Tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 khai mạc ngày 5.3.2010, ông Ôn Gia Bảo thừa nhận cơ chế quản lý còn tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm việc chính quyền can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế vi mô, quản lý xã hội và phục vụ cộng đồng còn yếu; ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ còn rất kém; một số lãnh đạo xa rời quần chúng, xa rời hiện thực, hình thức chủ nghĩa, quan liêu trầm trọng; nhiều tệ nạn hủ bại xảy ra trong một số lĩnh vực.
Để có được “chiếc áo mới” như ý muốn, ông Ôn Gia Bảo trước mắt đã đưa ra 5 phương pháp: thúc đẩy xây dựng chính quyền theo kiểu phục vụ, duy trì xã hội công bằng; coi trọng hơn việc phục vụ quần chúng và quản lý xã hội; thúc đẩy cải cách thể chế quản lý xã hội và sáng tạo cái mới, điều chỉnh hợp lý quan hệ lợi ích xã hội; nỗ lực nâng cao lòng tin của dân chúng; khoa học hóa, dân chủ hóa quyết sách và đẩy nhanh xây dựng hệ thống thực thi, giám sát lẫn nhau, cùng điều chỉnh cơ chế vận hành hành chính; phải coi trọng việc dẹp bỏ các tệ nạn hủ bại.
Ông Vu Phối - Giám đốc Phòng nghiên cứu Sử thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - nhận xét, việc đề ra 5 phương pháp trên khiến việc cải cách chính trị được cụ thể hóa, trực tiếp đối diện với vấn đề mà dân chúng quan tâm như thay đổi thể chế doanh nghiệp, thu hồi và đền bù đất đai, bảo vệ môi trường, tranh chấp về lao động, khiếu kiện của dân, an toàn sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm... Ông Vu kết luận: “Mục tiêu cải cách cần nhắm đúng vào những vấn đề thiết thực mà dân chúng quan tâm, mới có thể bảo đảm quan hệ hòa hợp giữa chính quyền và người dân”.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố cần đảm bảo quyền của người dân, đặc biệt là quyền bầu cử, quyền được biết thông tin, quyền tham gia, quyền diễn đạt, quyền giám sát. Đồng thời, báo cáo tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 cũng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo - đặc biệt là cán bộ cấp cao - cần thực hiện những quy định quan trọng như báo cáo tài sản và kinh tế cá nhân, bao gồm thu nhập, nhà ở, đầu tư cùng công việc của vợ con; tự giác phối hợp, chấp thuận sự kiểm soát của các ban thẩm tra. Ông Tôn Đoạn Nghiệp - Phó ban Giám sát tỉnh Sơn Đông cho rằng, từ nay về sau người dân Trung Quốc sẽ tích cực đẩy mạnh việc giám sát trên cơ sở lời hứa “tạo điều kiện” để dân phê bình, giám sát chính quyền. Điều này hứa hẹn nhiều hình thức mới mẻ về giám sát dân chủ sẽ xuất hiện tại đại lục.

Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 2: Kỳ vọng Thâm Quyến


Thâm Quyến được trông đợi là nơi thí điểm cải cách chính trị toàn diện - Ảnh: Wikipedia

Nhiều chuyên gia đang lao vào phân tích nguyên do Thâm Quyến có thể là nơi thí điểm thực hiện cải cách chính trị tại Trung Quốc.
Theo Nhật báo phương Nam, ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách chính trị trong chuyến thăm Thâm Quyến, một hội thảo nghiên cứu lý luận về “Đặc khu kinh tế với CNXH mang màu sắc Trung Quốc” đã được cấp tốc tổ chức vào ngày 23.8 tại thành phố này. Hơn 10 chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã được mời tới “bắt mạch tương lai” cho Thâm Quyến. Nhiều chuyên gia khác cũng hô hào Thâm Quyến nhất thiết phải lĩnh hội lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo và đề ra không ít phương án cải cách cho đặc khu này.
Chọn mặt gửi vàng
Tổng sản lượng kinh tế của Thâm Quyến so với Hồng Kông chỉ đạt 0,36% vào năm 1979 nhưng đã lên tới 1/8 vào năm 2000, và 57% vào năm 2009. Trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thâm Quyến đạt 25,8%, tạo nên danh hiệu “Thâm Quyến siêu tốc”. Ông Trương Ninh - Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu văn hiến trung ương(*), nhận định: “Thành công thực tiễn của đặc khu kinh tế này trên thực tế đã bước ra ngoài mô hình Trung Quốc, tạo ra con đường mới. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa mang tầm thế giới của kinh nghiệm từ Thâm Quyến”.

 

Trung tướng Lưu Á Châu - Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc, đã mượn mô hình của Mỹ để bàn về tầm quan trọng của sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và cải cách chính trị toàn diện. Trong bài viết kêu gọi Bắc Kinh cải cách chính trị đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông hồi tháng trước, ông Lưu viết: “Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall hay ở thung lũng Silicon mà ở hệ thống luật pháp lâu đời và hệ thống chính trị gắn liền với nó” .

 

Ông Lạc Chính - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thâm Quyến, cho rằng sau 30 năm, Thâm Quyến ngày nay không còn là Thâm Quyến của Trung Quốc nữa, mà đã trở thành “của thế giới”. Theo ông Lạc, với những chính sách ưu đãi đặc biệt, Thâm Quyến đã tạo nên một dạng mô hình phát triển kinh tế vượt bậc, có thể chế kinh tế hỗn hợp, kết cấu xã hội mở. Tuy nhiên, ông Lạc cũng cảnh báo sự phát triển và cải cách không cân bằng giữa kinh tế và chính trị của Thâm Quyến tuy đã thúc đẩy được phát triển vượt bậc trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng có thể tạo nên mâu thuẫn nội tại.
“Kê thuốc” cho Thâm Quyến
Sau khi các chuyên gia đồng loạt đánh giá, phân tích những ưu khuyết của Thâm Quyến trong hiện tại và tương lai, không ít người đề ra các phương án nhằm giúp thành phố này phát triển tốt hơn nếu được chọn làm nơi thí điểm tiến hành cải cách chính trị ở Trung Quốc.
Ông Lạc Chính hy vọng Thâm Quyến tiếp tục thúc đẩy xây dựng xã hội công dân hiện đại, xây dựng chính quyền theo mô hình phục vụ công cộng. Chuyên gia Trương Thần Căn thuộc Ban Nghiên cứu Đảng góp ý, tương lai phát triển của đặc khu kinh tế này cần phải coi trọng những vấn đề lớn như: tính sáng tạo mới, khuynh hướng nội địa hóa, việc phát triển mới thiếu động lực và tinh thần khai phá... Ông Trình Hiển Dục - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thành Đô, lại khẳng định tương lai của Thâm Quyến phải “xây dựng toàn diện, phát triển toàn diện”, phải là “thành phố tiên phong trong việc xây dựng chính trị dân chủ ở Trung Quốc”.

 

Trung Quốc lập website phản biện
Trong tuần qua, Trung Quốc đã lẳng lặng cho ra mắt một website để người dân bày tỏ quan điểm của mình tới các lãnh đạo cấp cao. Theo AFP hôm qua, hàng chục ngàn bình luận đã tới tấp được gửi đến webiste mang tên Trực tuyến Trung Nam Hải (nơi đặt trụ sở Đảng Cộng sản và Quốc Vụ viện Trung Quốc- NV), trong đó có nhiều lời than phiền về tự do ngôn luân, tình trạng tham nhũng, và chính sách nhà ở. Một cư dân mạng nhắn gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào: “Nếu ông quan tâm tới cuộc sống người dân thì lập tức tiêu diệt quan tham và cường hào ác bá địa phương”. Một người khác viết: “Chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát giá nhà, nhưng nó vẫn tăng chóng mặt”. Người này cho rằng giá nhà tăng là do sự thông đồng, tham nhũng và luật pháp không nghiêm. Văn Khoa

 

Theo ông Trình, Thâm Quyến cần phải tiến hành hàng loạt cải cách trong phạm vi thể chế chính trị cụ thể, tiến hành điều chỉnh quan hệ Đảng ủy - chính quyền, tăng cường phát huy tác dụng của Quốc hội và Chính hiệp, đồng thời nhất định phải có sáng tạo mới trong việc xây dựng sự liêm chính cho cán bộ. “Nếu Thâm Quyến không chịu thử thì ai sẽ thử?... Chuyện này không thể chờ đợi được nữa. Nhất định trong giai đoạn đầu của 30 năm sau phải bắt đầu công việc này”, ông Trình nêu ý kiến.
Trong khi đó ông Từ Đông Bình - Bí thư Đảng ủy Hội Liên hiệp khoa học xã hội tỉnh An Huy, đánh giá kinh nghiệm thành công của Thâm Quyến căn bản do chính sách dẫn dắt, trọng điểm là sáng tạo mới về thể chế. Trong tương lai, Thâm Quyến cần đi từ phát triển kinh tế sang phát triển văn hóa, chuyển từ điển hình về kinh tế thành điển hình tổng hợp về nhiều mặt. Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa quốc gia Đại học Vũ Hán - Bác Tài Vũ khẳng định: kết cấu phát triển sau này của Thâm Quyến cần theo chiến lược phát triển văn hóa đậm bản sắc. Theo ông Bác, Thâm Quyến cần phải chiếm ưu thế trong việc cải cách thể chế văn hóa tương xứng với tiến trình xây dựng văn minh chính trị của cả nước, phải quy hoạch chiến lược, tích lũy kinh nghiệm, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa tỉnh Quảng Đông nói riêng và văn hóa quốc gia nói chung. Ông này góp ý cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát triển “văn hóa Thâm Quyến” với độ dài ít nhất từ 20 - 30 năm.
Xem ra Thâm Quyến thực sự đang chịu nhiều áp lực bởi phải gánh những trách nhiệm quá nặng và được cả Trung Quốc trông ngóng như một mô hình thí điểm đầu tiên áp dụng cải cách chính trị toàn diện về nhiều mặt.


Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 3: Chấp nhận trong Đảng có nhiều phái


Trung Quốc khởi động cải cách đã 30 năm qua, từ dễ tới khó, từ kinh tế tới chính trị. Nhưng cải cách chính trị chỉ mới có những bước thăm dò.
Theo website Bầu cử Trung Quốc (Chinaelections.org) ngày 10.9, công cuộc cải cách chính trị ở nước này được đánh giá là còn hạn chế tuy cũng có những điểm sáng. Website này nhận định để đẩy mạnh cải cách, không có cách nào khác ngoài việc "ra tay" toàn diện trong nhiều lĩnh vực như cải cách thể chế, cải cách chế độ, dân chủ trong Đảng, kìm hãm hủ bại...
Bầu bí thư trực tiếp, công khai
Một trong những điểm sáng lớn nhất của tiến trình cải cách chính trị của Trung Quốc chính là gia tăng tiến trình dân chủ hóa trong Đảng Cộng sản, bao gồm 2 nội dung: chọn cán bộ lãnh đạo và mở rộng ngôn luận trong Đảng. Tại kỳ họp toàn thể lần thứ 4 khóa 17 của Ủy ban T.Ư Đảng, nội dung thảo luận trọng tâm là cải cách chế độ bầu cử trong Đảng, nghiên cứu mô hình phát triển dân chủ đậm màu sắc Trung Quốc. Sau kỳ họp này, T.Ư Đảng CSTQ đã lặng lẽ áp dụng hình thức "công khai ứng cử và trực tiếp chọn", trước mắt đã triển khai thí điểm tại các huyện thị. Chẳng hạn như cách đây không lâu, tỉnh Tứ Xuyên đã thông qua phương thức cạnh tranh bầu cử để chọn Bí thư Đảng ủy huyện. Tương tự, thành phố Nam Kinh cũng bầu chọn được Bí thư và Phó bí thư Đảng ủy cho một số cơ quan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSTQ áp dụng hình thức bầu cử này. "Công khai ứng cử và trực tiếp chọn" chính là thông qua những phương thức tự giới thiệu, đề cử, giới thiệu... để đưa ra những ứng viên, rồi lại căn cứ vào số phiếu bầu tín nhiệm của quần chúng ngoài Đảng và phiếu bầu chọn của đảng viên để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy cách thức này không hoàn toàn giống với phương thức bầu quan chức dân cử ở các nước phương Tây, nhưng dù sao cũng khác với mô hình truyền thống là cấp trên trực tiếp giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Một cơ chế cạnh tranh trong việc bầu chọn cán bộ đã bắt đầu được hình thành.
Mở rộng ngôn luận trong Đảng
Việc mở rộng ngôn luận trong Đảng cũng đồng thời được T.Ư Đảng CSTQ nhắc tới lịch trình thực hiện. Ngay trong kỳ họp toàn thể lần thứ 4 khóa 16, phần "Quyết định" đã ghi rõ: "Tạo môi trường thảo luận bình đẳng nhiều luồng ý kiến, khích lệ và bảo vệ các đảng viên nói thẳng, nói thật". Điều này rõ ràng khác biệt rất lớn so với cách thức và cách dùng ngôn từ thông thường vẫn áp dụng trước đây là "cho phép đảng viên phát biểu những ý kiến khác nhau".
Trong làn sóng mở rộng ngôn luận trong Đảng đã xuất hiện bầu không khí trước đây chưa từng có, mức độ mở rộng ngôn luận cũng thoáng hơn, khiến giới quan sát bên ngoài phải kinh ngạc. Trong đó có không ít những bài phát biểu có tính chất tiêu biểu như "Dân chủ là thứ tốt" của ông Dục Khả Bình - Cục phó Cục Biên soạn và dịch thuật Trung ương; "Những sai lầm trong tư tưởng dân chủ của Mao Trạch Đông" của Quách Đức Hồng - Chủ nhiệm Bộ môn nghiên cứu Lịch sử Đảng thuộc trường Đảng Trung ương; "Hy vọng Đảng Cộng sản hình thành 2 phái, hy vọng quân đội quốc gia hóa" của ông Hạ Vệ Phương - Giáo sư khoa Luật thuộc Đại học Bắc Kinh; "Giải phóng những suy nghĩ mà Đảng cấm" của học giả Tứ Ninh.
Thậm chí đã xuất hiện một tiêu chí dân chủ khác trong Đảng là "trong Đảng có nhiều phái" - điều từng bị coi là cấm kỵ trước đây. Chính cố Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nêu: "Trong Đảng không có phe phái là chuyện kỳ quái". Trên thực tế, điều này đã khẳng định rằng sự tồn tại nhiều phái trong Đảng là chuyện khách quan. Nay ngôn luận trong Đảng tiếp tục được giải phóng, việc xuất hiện những trường phái tư tưởng khác nhau hoàn toàn là điều bình thường, là có lợi chứ không hề có hại cho việc "xây dựng Đảng". Thực tế hiện nay trong Đảng CSTQ có 2 trường phái tư tưởng khác nhau là "phái tả" và "phái tả mới".
Theo các chuyên gia, thử thách lớn nhất của việc dân chủ hóa trong Đảng CSTQ thực ra đến từ thể chế lãnh đạo trung ương. Với tình hình trước mắt thì trụ cột của thể chế lãnh đạo trung ương gồm: cơ chế trao quyền và cơ chế báo cáo. Tai hại của cơ chế trao quyền này là quyền lực đến từ cấp trên (tức cơ chế mệnh lệnh) và quyền lực không có tính ổn định, độ giám sát, thừa nhận của quần chúng không cao. Cơ chế báo cáo cũng xuất hiện những sai sót, cấp dưới luôn gắng làm vừa ý cấp trên và trong quá trình báo cáo khó có thể tránh khỏi sai lệch thông tin. Tuy nhiên những đổi mới quan trọng trong quá trình "xây dựng Đảng" ở Trung Quốc đã thực sự hứa hẹn thêm nhiều cải tiến mới, góp phần quan trọng trong việc cải cách chính trị.

Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 4: Mâu thuẫn xã hội và lực cản chính trị

Trung Quốc đang giải quyết những mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc trong khi cải cách chính trị vẫn còn nhiều trở ngại.
Mâu thuẫn xã hội trầm trọng
Theo Tân Hoa xã, hàng loạt vụ tham nhũng lớn với các quan chức cấp cao trong đủ các lĩnh vực như thể thao, pháp luật, môi trường, công an... liên tục bị phanh phui trong 2 năm qua. Có nhiều vụ khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng như: Văn Cường - cựu Giám đốc Sở Tư pháp của Trùng Khánh - bị kết án tử hình với các tội danh: nhận hối lộ 1,77 triệu USD, bảo kê 5 băng đảng xã hội đen, tham gia nhiều vụ hiếp dâm. Diệp Thụ Dưỡng - nguyên Trưởng công an thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông - bị đưa ra xét xử vào tháng 1.2010 với tội danh nhận hối lộ hơn 34 triệu tệ, bảo kê các hoạt động mại dâm, đánh bạc, buôn bán ma túy, giúp đỡ một số tội phạm thoát lưới pháp luật, mua bán chức quyền trong ngành công an... trong suốt 19 năm đương chức. Ngoài ra, báo chí Trung Quốc cũng thống kê từ khi cải cách mở cửa tới nay, hơn 4.000 quan tham đã trốn sang nước khác, cuỗm theo 50 tỉ USD.
Ông Trì Cường - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bắc Kinh - xác nhận riêng tại thủ đô Trung Quốc, các vụ dân kiện quan trong năm 2009 lên tới 7.321 vụ, tăng 32,6% so với năm 2008. Nội dung các vụ kiện trên toàn quốc đều liên quan tới quyền lợi của người dân, đặc biệt nổi cộm các vấn đề: đền bù đất đai, di dời nhà dân, oan sai trong xử án... Chẳng hạn ngày 19.4.2010, 361 người dân thôn Sinh Lợi, huyện Ninh Hải, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang kiện chính quyền địa phương vì thu giữ của họ hơn 37 mẫu đất mà không hề đền bù sau khi làm giả những bằng chứng về việc nhất trí giao đất của người dân.



Những quan tham như Văn Cường khiến người dân Trung Quốc mất lòng tin - Ảnh: Sina.com

Đáng chú ý hơn cả là vụ nông dân Dương Hữu Đức - 56 tuổi, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - đã tự chế một hệ thống đạn pháo và xây chòi canh đất nhằm chống trả chính quyền địa phương thu giữ đất của gia đình ông mà theo ông là không bồi thường thỏa đáng. Từ tháng 2 đến tháng 5.2010, ông liên tục dùng vũ khí tự tạo để xua đuổi các đội cưỡng chế của chính quyền địa phương trong những cuộc bao vây có khi lên tới cả trăm người. Ông Dương ghi rõ quyết tâm lên vách tường nhà: “Không có lựa chọn. Chỉ có cách ứng chiến”. Tới cuối tháng 6, liên tục có người rình rập bên ngoài nhà ông Dương và anh trai ông là Dương Nghĩa Đức bị 4 người lạ mặt đột ngột chặn đánh, phải nhập viện. Theo tờ China Daily, chính quyền địa phương hồi tháng 7 năm nay đã phải nhượng bộ và ông Dương được nhận số tiền bồi thường kỷ lục 750.000 nhân dân tệ cho 1,75 ha đất.  Ngoài ra, còn có vụ hai cha con tự thiêu hồi tháng 3 tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô nhằm phản đối chính quyền địa phương phá chuồng heo của gia đình để giải tỏa mặt bằng. Theo China Daily, rốt cuộc chuồng heo vẫn bị giật sập, người con trai 68 tuổi thiệt mạng, còn người cha 92 tuổi bị phỏng nặng. 
“Bình hoa chính trị” và lực cản cải cách
Website Bầu cử Trung Quốc (Chinaelections.org) ngày 10.9 có bài phân tích những hạn chế trong quá trình cải cách chính trị, đặc biệt nổi bật vấn đề “hiệp thương dân chủ”. Theo đó, mặc dù tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện ý niệm “hiệp thương dân chủ” thay cho “hiệp thương chính trị” nhưng về căn bản, hiệp thương vẫn chỉ là một “bình hoa chính trị”. Các ủy viên hiệp thương chưa phải là đại biểu đúng ý dân, về cơ bản không có cơ sở quần chúng; không nằm trong thể chế pháp luật, còn tồn tại rất nhiều thứ mang tính tùy tiện, khó có thể thực sự đạt được dân chủ đầy đủ và hiệp thương đầy đủ. Quá trình thực thi hiệp thương còn mang tính chủ quan của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và chính quyền.
Việc cải cách thể chế, đặc biệt quá trình chuyển sang mô hình “thể chế lớn tập trung” (*) vẫn gặp nhiều lực cản lớn do bộ máy hành chính cồng kềnh, người nhiều hơn việc, chính phủ quản lý không sâu sát, hiệu quả tinh giản cơ cấu chưa cao. Cải cách thể chế còn đụng hàng loạt vấn đề như sự cọ xát quyền lực, phân chia nhân lực... Trong đó, chỉ cần một mắt xích nào bị đứt cũng khiến cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Hiện Trung Quốc đang nghiên cứu một số mô hình cải cách thể chế như mô hình Thành Đô, mô hình Trấn Giang hay mô hình Tùy Châu.
Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã giải tán Sở Nông canh và gia súc cùng Sở Nông cơ để thành lập Ủy ban Nông nghiệp, lấy điểm nổi bật của đơn vị để cải cách thể chế chức năng đan xen và chia quyền. Ở thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, cách làm chủ yếu là sáp nhập những cơ cấu có chức năng tương đối giống nhau, nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có nơi chỉ treo biển, không làm việc. Chẳng hạn hợp nhất Sở Văn hóa, Sở Di sản văn hóa, Sở Thể dục thể thao và Sở Xuất bản thông tin thành Sở Văn thể. Nếu thành công, mỗi mô hình sẽ thúc đẩy năng suất hành chính rất mạnh.
Có thể nhận thấy vấn đề của Trung Quốc hiện nay là cần giúp “hiệp thương dân chủ” không còn là “bình hoa chính trị” và phá bỏ những lực cản trong quá trình thực thi “thể chế lớn tập trung”.
Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 5: Tính tất yếu của dân chủ

Để thúc đẩy cải cách chính trị tại Trung Quốc, giới truyền thông nước này đã đi sâu phân tích những nguyên tắc và phương hướng của nó.
Chính quyền toàn năng sang chính quyền hữu hạn
Thực ra không phải tới tận bây giờ Trung Quốc mới tập trung phân tích nguyên tắc và tính chất của cải cách chính trị ở nước này. Theo mạng Nhân Dân tháng 5.2007, chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc là Vương Nhất Trình cho rằng tính chất cải cách thể chế nước này là tự hoàn thiện và phát triển chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Điều này được quyết định bởi nội dung và mục tiêu của cải cách thể chế chính trị cùng tính chất xã hội của Trung Quốc. Ông Vương nhận định việc cải cách nhất định phải kết hợp dân chủ và tập trung, dân chủ và pháp chế, dân chủ và kỷ cương, dân chủ và lãnh đạo Đảng.
Báo Tân Dân hồi tháng trước cho rằng dân chủ chính là sự biểu đạt đầy đủ và cùng thỏa hiệp đi tới thống nhất các ý kiến của lãnh đạo, của chuyên gia và của quần chúng. Bài báo nhắc lại lời của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân: “Dân chủ và tự do ở bất kỳ quốc gia nào cũng có tính giai cấp, nhưng đều có tính tương đối, không hề tuyệt đối. Ở mỗi quốc gia, chúng đều có nội dung cụ thể riêng. Thực hiện chế độ Đại hội đại biểu nhân dân và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc là hình thức biểu hiện chủ yếu của dân chủ Trung Quốc”.
Theo báo này, những điểm quan trọng của cải cách chính trị gồm: sự chuyển dịch quyền lợi chính trị, từ một chính quyền toàn năng quản lý tất cả chuyển sang một chính quyền hữu hạn, chuyên tâm cung cấp dịch vụ cộng đồng. Quyết tâm xây dựng hệ thống giám sát nghiêm khắc và chặt chẽ. Trong đó, không ngừng tăng cường độ giám sát trong thể chế, hoàn thiện thể chế chất vấn, thể chế công khai thu nhập quan chức đồng thời phải tăng cường giám sát có sức mạnh nhân dân. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống pháp luật, thông qua lập pháp hoàn chỉnh, chấp pháp nghiêm khắc để thực hiện công khai giữa mọi chủ thể và quyền lợi, quy phạm hành vi của chính phủ, bảo vệ quyền lợi cơ bản của công dân. Bài báo cũng cho rằng một khi làm được điều này, xã hội sẽ có trật tự, một đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa tăng cường sự hài hòa dân chủ văn minh cũng có cơ sở vững chắc. Ngoài ra còn phải kiên trì kết hợp cải cách chính trị với cải cách kinh tế, kết hợp  phát triển dân chủ với kiện toàn pháp chế, nhấn mạnh dân chủ cần chế độ hóa, pháp luật hóa, trị quốc theo pháp luật.
Quan chức phải công khai tài sản
Báo Tân Dân đưa ra các phương hướng cải cách chính trị cụ thể sau: Đẩy mạnh lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền. Đảng cần không ngừng học tập, thích ứng với hoàn cảnh mới, giải quyết vấn đề mới. Đảng cần tin tưởng vào dân, thúc đẩy dân chủ trong Đảng. Tại mỗi hội nghị Đảng, các đảng viên cần phát biểu ý kiến đầy đủ, không bỏ phiếu nặc danh. Quan chức mới lên cần phải công khai tài sản với xã hội, chấp nhận sự giám sát của xã hội.
Chính phủ điều hành đúng pháp luật. Nhất thiết phải xây dựng nên một chính phủ dạng phục vụ nhân dân với những biện pháp quản lý có tính quyền lực cao, chịu hạn chế và quy chế pháp luật. Những thủ pháp quản lý mới phải có tính mềm dẻo, cần sử dụng nhiều ứng dụng trong quản lý hành chính như: chỉ đạo hành chính, hợp đồng hành chính, hòa giải hành chính...
Ngoài ra, còn phải đẩy mạnh chức năng của Quốc hội, của Chính hiệp. Đẩy mạnh chức năng của hiệp thương chính trị, thúc đẩy cải cách bộ máy tư pháp và thúc đẩy dân chủ từ cơ sở. Dân chủ và chính trị không được chia tách.
Nguyễn Lệ Chi
(*): là dạng mô hình quản lý chính phủ được sử dụng phổ biến ở những nước có trình tự thị trường hóa tương đối cao. Đặc trưng rõ nét nhất của thể chế này là “chức năng rộng nhưng cơ cấu ít”, nhằm thúc đẩy việc quản lý tổng hợp và nhịp nhàng công việc của chính quyền.
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201038/20100915225143.aspx

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học