Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Cải cách chính trị ở Trung Quốc
Cải cách chính trị ở Trung Quốc PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:20
Chỉ mục bài viết
Cải cách chính trị ở Trung Quốc
Trang 2
Tất cả các trang

12/09/2010 22:33


Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố cần bảo đảm quyền của người dân - Ảnh: AFP

Ngày càng có nhiều người tin rằng, sẽ sớm diễn ra cải cách chính trị tại Trung Quốc sau những phát biểu gần đây của các nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo đất nước này.
Tín hiệu quan trọng
Thực ra, lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thâm Quyến ngày 22.8 chỉ là sự nhấn mạnh và chính thức phát tín hiệu cải cách thể chế chính trị cho toàn dân nước này. Theo Tân Hoa xã ngày 5.3.2010, trong báo cáo công tác chính phủ tại Bắc Kinh, ông Ôn Gia Bảo từng nêu rõ: “Cải cách Trung Quốc là cải cách toàn diện, bao gồm thể chế kinh tế, thể chế chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không có cải cách chính trị thì việc cải cách thể chế kinh tế và hiện đại hóa không thể thành công”. Cải cách thể chế chính trị ít nhiều đã được đề cập trong báo cáo thường niên về công tác chính phủ, nhưng về cơ bản được diễn đạt thành “tích cực phát triển ổn định”. Theo phân tích của các chuyên gia nước này, báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2010 đã đưa ra một tín hiệu quan trọng nhằm thúc đẩy cải cách chính trị.
Trước khi có lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo, dư luận trong và ngoài nước đã rất chú ý đến bài viết của trung tướng Lưu Á Châu đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông (báo Sydney Morning Herald của Úc dẫn lại vào ngày 12.8). Trong bài viết, tướng Lưu kêu gọi nhanh chóng thay đổi mô hình thể chế tại Trung Quốc. “Một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, một hệ thống không lựa chọn những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong”, ông viết. Ông Lưu cũng cho rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế mà vươn lên được: “Một quốc gia chỉ chăm chăm vào sức mạnh đồng tiền thì chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt”. Cuối cùng, ông kết luận: “Trong 10 năm tới, sẽ không thể tránh khỏi một sự chuyển đổi từ chính trị quyền lực sang dân chủ”.
Những ý kiến của tướng Lưu khiến dư luận rất quan tâm vì vị thế của ông trong hệ thống chính trị ở Trung Quốc. Sinh năm 1952, ông từng là Phó chính ủy bộ đội không quân Trung Quốc và vừa được thăng lên Chính ủy Học viện Quốc phòng. Ông còn là con rể của cố Chủ tịch Lý Tiên Niệm, một trong “Bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặt khác, nền kinh tế phát triển quá nhanh của Trung Quốc đã dẫn tới nhiều hệ lụy như khoảng cách giàu nghèo chênh lệch khủng khiếp, xu hướng chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả dẫn tới nhiều vụ sữa bẩn, sập hầm mỏ, môi trường bị xâm hại, người dân bất mãn chính quyền... Vì thế việc tìm kiếm chiếc áo mới rộng hơn cùng chế độ quản lý phù hợp là một yêu cầu cấp bách của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nỗ lực may áo mới
Tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 khai mạc ngày 5.3.2010, ông Ôn Gia Bảo thừa nhận cơ chế quản lý còn tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm việc chính quyền can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế vi mô, quản lý xã hội và phục vụ cộng đồng còn yếu; ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ còn rất kém; một số lãnh đạo xa rời quần chúng, xa rời hiện thực, hình thức chủ nghĩa, quan liêu trầm trọng; nhiều tệ nạn hủ bại xảy ra trong một số lĩnh vực.
Để có được “chiếc áo mới” như ý muốn, ông Ôn Gia Bảo trước mắt đã đưa ra 5 phương pháp: thúc đẩy xây dựng chính quyền theo kiểu phục vụ, duy trì xã hội công bằng; coi trọng hơn việc phục vụ quần chúng và quản lý xã hội; thúc đẩy cải cách thể chế quản lý xã hội và sáng tạo cái mới, điều chỉnh hợp lý quan hệ lợi ích xã hội; nỗ lực nâng cao lòng tin của dân chúng; khoa học hóa, dân chủ hóa quyết sách và đẩy nhanh xây dựng hệ thống thực thi, giám sát lẫn nhau, cùng điều chỉnh cơ chế vận hành hành chính; phải coi trọng việc dẹp bỏ các tệ nạn hủ bại.
Ông Vu Phối - Giám đốc Phòng nghiên cứu Sử thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - nhận xét, việc đề ra 5 phương pháp trên khiến việc cải cách chính trị được cụ thể hóa, trực tiếp đối diện với vấn đề mà dân chúng quan tâm như thay đổi thể chế doanh nghiệp, thu hồi và đền bù đất đai, bảo vệ môi trường, tranh chấp về lao động, khiếu kiện của dân, an toàn sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm... Ông Vu kết luận: “Mục tiêu cải cách cần nhắm đúng vào những vấn đề thiết thực mà dân chúng quan tâm, mới có thể bảo đảm quan hệ hòa hợp giữa chính quyền và người dân”.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố cần đảm bảo quyền của người dân, đặc biệt là quyền bầu cử, quyền được biết thông tin, quyền tham gia, quyền diễn đạt, quyền giám sát. Đồng thời, báo cáo tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 cũng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo - đặc biệt là cán bộ cấp cao - cần thực hiện những quy định quan trọng như báo cáo tài sản và kinh tế cá nhân, bao gồm thu nhập, nhà ở, đầu tư cùng công việc của vợ con; tự giác phối hợp, chấp thuận sự kiểm soát của các ban thẩm tra. Ông Tôn Đoạn Nghiệp - Phó ban Giám sát tỉnh Sơn Đông cho rằng, từ nay về sau người dân Trung Quốc sẽ tích cực đẩy mạnh việc giám sát trên cơ sở lời hứa “tạo điều kiện” để dân phê bình, giám sát chính quyền. Điều này hứa hẹn nhiều hình thức mới mẻ về giám sát dân chủ sẽ xuất hiện tại đại lục.

Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 2: Kỳ vọng Thâm Quyến


Thâm Quyến được trông đợi là nơi thí điểm cải cách chính trị toàn diện - Ảnh: Wikipedia

Nhiều chuyên gia đang lao vào phân tích nguyên do Thâm Quyến có thể là nơi thí điểm thực hiện cải cách chính trị tại Trung Quốc.
Theo Nhật báo phương Nam, ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách chính trị trong chuyến thăm Thâm Quyến, một hội thảo nghiên cứu lý luận về “Đặc khu kinh tế với CNXH mang màu sắc Trung Quốc” đã được cấp tốc tổ chức vào ngày 23.8 tại thành phố này. Hơn 10 chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã được mời tới “bắt mạch tương lai” cho Thâm Quyến. Nhiều chuyên gia khác cũng hô hào Thâm Quyến nhất thiết phải lĩnh hội lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo và đề ra không ít phương án cải cách cho đặc khu này.
Chọn mặt gửi vàng
Tổng sản lượng kinh tế của Thâm Quyến so với Hồng Kông chỉ đạt 0,36% vào năm 1979 nhưng đã lên tới 1/8 vào năm 2000, và 57% vào năm 2009. Trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thâm Quyến đạt 25,8%, tạo nên danh hiệu “Thâm Quyến siêu tốc”. Ông Trương Ninh - Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu văn hiến trung ương(*), nhận định: “Thành công thực tiễn của đặc khu kinh tế này trên thực tế đã bước ra ngoài mô hình Trung Quốc, tạo ra con đường mới. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa mang tầm thế giới của kinh nghiệm từ Thâm Quyến”.

 

Trung tướng Lưu Á Châu - Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc, đã mượn mô hình của Mỹ để bàn về tầm quan trọng của sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và cải cách chính trị toàn diện. Trong bài viết kêu gọi Bắc Kinh cải cách chính trị đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông hồi tháng trước, ông Lưu viết: “Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall hay ở thung lũng Silicon mà ở hệ thống luật pháp lâu đời và hệ thống chính trị gắn liền với nó” .

 

Ông Lạc Chính - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thâm Quyến, cho rằng sau 30 năm, Thâm Quyến ngày nay không còn là Thâm Quyến của Trung Quốc nữa, mà đã trở thành “của thế giới”. Theo ông Lạc, với những chính sách ưu đãi đặc biệt, Thâm Quyến đã tạo nên một dạng mô hình phát triển kinh tế vượt bậc, có thể chế kinh tế hỗn hợp, kết cấu xã hội mở. Tuy nhiên, ông Lạc cũng cảnh báo sự phát triển và cải cách không cân bằng giữa kinh tế và chính trị của Thâm Quyến tuy đã thúc đẩy được phát triển vượt bậc trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng có thể tạo nên mâu thuẫn nội tại.
“Kê thuốc” cho Thâm Quyến
Sau khi các chuyên gia đồng loạt đánh giá, phân tích những ưu khuyết của Thâm Quyến trong hiện tại và tương lai, không ít người đề ra các phương án nhằm giúp thành phố này phát triển tốt hơn nếu được chọn làm nơi thí điểm tiến hành cải cách chính trị ở Trung Quốc.
Ông Lạc Chính hy vọng Thâm Quyến tiếp tục thúc đẩy xây dựng xã hội công dân hiện đại, xây dựng chính quyền theo mô hình phục vụ công cộng. Chuyên gia Trương Thần Căn thuộc Ban Nghiên cứu Đảng góp ý, tương lai phát triển của đặc khu kinh tế này cần phải coi trọng những vấn đề lớn như: tính sáng tạo mới, khuynh hướng nội địa hóa, việc phát triển mới thiếu động lực và tinh thần khai phá... Ông Trình Hiển Dục - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thành Đô, lại khẳng định tương lai của Thâm Quyến phải “xây dựng toàn diện, phát triển toàn diện”, phải là “thành phố tiên phong trong việc xây dựng chính trị dân chủ ở Trung Quốc”.

 

Trung Quốc lập website phản biện
Trong tuần qua, Trung Quốc đã lẳng lặng cho ra mắt một website để người dân bày tỏ quan điểm của mình tới các lãnh đạo cấp cao. Theo AFP hôm qua, hàng chục ngàn bình luận đã tới tấp được gửi đến webiste mang tên Trực tuyến Trung Nam Hải (nơi đặt trụ sở Đảng Cộng sản và Quốc Vụ viện Trung Quốc- NV), trong đó có nhiều lời than phiền về tự do ngôn luân, tình trạng tham nhũng, và chính sách nhà ở. Một cư dân mạng nhắn gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào: “Nếu ông quan tâm tới cuộc sống người dân thì lập tức tiêu diệt quan tham và cường hào ác bá địa phương”. Một người khác viết: “Chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát giá nhà, nhưng nó vẫn tăng chóng mặt”. Người này cho rằng giá nhà tăng là do sự thông đồng, tham nhũng và luật pháp không nghiêm. Văn Khoa

 

Theo ông Trình, Thâm Quyến cần phải tiến hành hàng loạt cải cách trong phạm vi thể chế chính trị cụ thể, tiến hành điều chỉnh quan hệ Đảng ủy - chính quyền, tăng cường phát huy tác dụng của Quốc hội và Chính hiệp, đồng thời nhất định phải có sáng tạo mới trong việc xây dựng sự liêm chính cho cán bộ. “Nếu Thâm Quyến không chịu thử thì ai sẽ thử?... Chuyện này không thể chờ đợi được nữa. Nhất định trong giai đoạn đầu của 30 năm sau phải bắt đầu công việc này”, ông Trình nêu ý kiến.
Trong khi đó ông Từ Đông Bình - Bí thư Đảng ủy Hội Liên hiệp khoa học xã hội tỉnh An Huy, đánh giá kinh nghiệm thành công của Thâm Quyến căn bản do chính sách dẫn dắt, trọng điểm là sáng tạo mới về thể chế. Trong tương lai, Thâm Quyến cần đi từ phát triển kinh tế sang phát triển văn hóa, chuyển từ điển hình về kinh tế thành điển hình tổng hợp về nhiều mặt. Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa quốc gia Đại học Vũ Hán - Bác Tài Vũ khẳng định: kết cấu phát triển sau này của Thâm Quyến cần theo chiến lược phát triển văn hóa đậm bản sắc. Theo ông Bác, Thâm Quyến cần phải chiếm ưu thế trong việc cải cách thể chế văn hóa tương xứng với tiến trình xây dựng văn minh chính trị của cả nước, phải quy hoạch chiến lược, tích lũy kinh nghiệm, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa tỉnh Quảng Đông nói riêng và văn hóa quốc gia nói chung. Ông này góp ý cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát triển “văn hóa Thâm Quyến” với độ dài ít nhất từ 20 - 30 năm.
Xem ra Thâm Quyến thực sự đang chịu nhiều áp lực bởi phải gánh những trách nhiệm quá nặng và được cả Trung Quốc trông ngóng như một mô hình thí điểm đầu tiên áp dụng cải cách chính trị toàn diện về nhiều mặt.



 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học