Lựa Chọn Ngôn Ngữ

Vietnamese-VNEnglish (United Kingdom)

Lựa Chọn Site


Phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường - Tạp chí Khoa học
  
Khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng để phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm PDF. In Email
Thứ ba, 13 Tháng 10 2015 09:00

Đó là hiệu quả rõ nét của Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng năng lực cho giảng viên các trường sư phạm” quy mô toàn quốc, với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo đến từ hơn 30 cơ sở giáo dục và đào tạo cùng các Vụ, Viện thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng vào ngày 10/9/2015.

Hội thảo đúng nghĩa của “đổi mới”

Hầu hết các đại biểu tham dự đại hội đều đánh giá cao việc chuẩn bị công phu và bài bản, khoa học ở khâu tổ chức của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. 170 báo cáo tham luận khoa học của các nhà khoa học, nhà giáo trong cả nước đã được đóng thành tập hơn 900 trang, mà theo mong muốn của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không chỉ có trên tay các đại biểu tham dự hội thảo mà phải đến được với tất cả các giảng viên, các giáo viên phổ thông.

PGS.TS. Nguyễn Bảo Hoàng Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, giảng viên các Trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước.

 

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chủ yếu: Nâng cao năng lực cho giảng viên các môn chuyên ngành Tiếng Anh; Bồi dưỡng giảng viên về đánh giá năng lực người học và năng lực giảng dạy về khoa học đánh giá; Bồi dưỡng giảng viên về dạy học tích hợp trong các trường sư phạm; Giảng viên các trường sư phạm với chương trình phổ thông mới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

 

Với những nội dung nêu trên, cho thấy tầm quan trọng rõ nét của Hội thảo lần này, là tập trung hoàn thiện chủ đề nâng cao năng lực của giảng viên các trường sư phạm, sau khi các trường sư phạm đã cùng nhau bàn bạc về đổi mới chương trình, đổi mới cách thức đào tạo lại và bồi dưỡng, bàn về chuẩn đầu ra ở những hội nghị, hội thảo hơn một năm qua, kể từ khi triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và Đề án đổi mới CTSGK giáo dục phổ thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Chủ tịch CLB các trường ĐHSP phát biểu: “Những thay đổi của giáo dục tiến bộ trên thế giới đang đặt ra nhiều thách thức với chúng ta. Trong đó, người thực thi trực tiếp là đội ngũ GV mà các trường sư phạm đào tạo ra. Trong đội ngũ này, nếu không thường xuyên  bồi dưỡng, tự bồi dưỡng thì tư tưởng bảo thủ sẽ lớn dần. Nghiên cứu hàn lâm tạo nền tảng cơ bản cho chuyên môn, nhưng thuần túy nghiên cứu hàn lâm trong thời gian dài không tìm ra cái mới và không gắn với thực tiễn thì sẽ dẫn tới chủ nghĩa kinh nghiệm và dễ trở thành bảo thủ”. Đây cũng là sáng kiến của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường ĐHSP mà theo báo cáo đề dẫn Hội thảo của Trường ĐHSP Đà Nẵng, “đáp ứng nhu cầu công bố, trao đổi, phản biện và phổ biến những thành quả nghiên cứu và sáng tạo cá nhân của các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý trong toàn quốc”.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Chủ tịch CLB các trường ĐHSP phát biểu tại Hội thảo.

 

Theo đó, Hội thảo được tổ chức với Phiên toàn thể và Phiên chuyên đề (ứng với 4 nội dung nêu trên) tại 4 tiểu ban. Bằng sự tận dụng tối đa ưu thế của Công nghệ thông tin, đa số các báo cáo tham luận đều được trình bày cô đọng, dễ thẩm thấu, đặc biệt là sau mỗi báo cáo, đều có phản biện tại chỗ để làm sáng rõ hơn vấn đề. Chẳng hạn, với báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Thám, có đại biểu đề nghị làm rõ hơn “làm thế nào để giảng viên vừa gỏi chuyên môn vừa giỏi nghiệp vụ”;  sau sự diễn giải vấn đề bằng sơ đồ tư duy khá logic và sinh động của PGS.TS. Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên, một số đại biểu đã tranh luận để làm rõ mối liên quan giữa hình thức dạy học và phương pháp dạy học, mà theo PGS.TS. Phạm Hồng Quang thì bản thân hình thức dạy học cũng đã chứa đứng phương pháp. Hay, Chủ tịch CLB các trường ĐHSP đặt vấn đề sau báo cáo của GS.TS. Nguyễn Đức Chính-vì sao chỉ là “định hướng” mà không nêu lên giải pháp để thực hiện. Báo cáo poster tại các tiểu ban cũng diễn ra dưới dạng bàn tròn trao đổi hay là đối thoại trên các sơ đồ, mô hình, bảng biểu để làm rõ nét từng chuyên đề xung quanh nâng cao năng lực và bồi dưỡng giảng viên.

PGS.TS. Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế mở đầu phần báo cáo ở phiên toàn thể với tham luận: "Một số chính sách về chính sách quản lí bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên sư phạm."

 

Trao đổi và tìm kiếm những cách thức, con đường, biện pháp mới

Đặt vấn đề về chính sách quản lý bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên sư phạm, PGS.TS. Nguyễn Thám cho rằng, việc tạo giải pháp thực hiện tốt sẽ tạo ra được một môi trường bồi dưỡng tốt với các điều kiện và cơ hội thuận lợi, từ đó tạo động lực cho GV sư phạm trong bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn nhiệm vụ giáo dục và đào tạo ngoài nâng cao nhận thức và xây dựng quy hoạch chiến lược, kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm, còn ban hành các chuẩn về phẩm chất và năng lực của GV sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Báo cáo của Trường ĐHSP Huế  khá tiểu tiết khi diễn giải xung quanh các phẩm chất cần đạt được của GV sư phạm, đó là, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; và các năng lực cần đạt được: năng lực chuyên môn, năng lực nghiệp vụ sư phạm.

PGS.TS. Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Nguyên bằng cách trình bày khúc chiết, sinh động trên một hệ thống sơ đồ tư duy, đã làm rõ 2 nhiệm vụ chính của trường sư phạm là nâng cao năng lực giảng viên và đổi mới chương trình đào tạo. Một số vấn đề đặt ra được các đại biểu chú tâm: trình độ của GV có học vị TS còn phải thể hiện rõ ở năng lực xây dựng và phát triển chương trình đào tạo thuộc chuyên ngành đang công tác, coi năng lực là tiêu chuẩn mới của giảng viên. Yếu tố cốt tử để thực hiện thành công đổi mới GDPT là người GV phải có đủ các năng lực mới. Với mục tiêu mà UNESCO đặt ra là “Đào tạo giảng viên trở thành chuyên gia giáo dục hơn là chuyên gia truyền đạt kiến thức”, cần xây dựng các giải pháp chiến lược nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giảng viên cùng với việc nâng cao năng lực ngoại ngữ và tin học đạt chuẩn quốc tế. Để đổi mới chương trình đào tạo GV đáp ứng yêu cầu của CT GD phổ thông mới, giảng viên SP cần có những năng lực sau: năng lực phát triển chương trình giáo dục, năng lực tổ chức dạy học và đánh giá, năng lực tự bồi dưỡng về học vấn GD đại học, năng lực hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu.  PGS.TS. Phạm Hồng Quang cho rằng, quá trinh triển khai xây dựng mới chương trình đào tạo là một công việc khó, cản trở từ nội lực do thói quen cũ, ý thức đổi mới chậm và xây dựng lợi ích không rõ ràng; nên coi việc chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực là một cuộc cách mạng trong nhà trường. Khâu nhận thức phải được xem là khâu then chốt và phải được tháo gỡ đầu tiên trong quá trình xây dựng lại chương trình mới. Phải chỉ đạo mạnh mẽ việc GV lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp, trọng tâm là xác định được việc sử dụng kiến thức để hình thành năng lực gì cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp, cần tăng cường các hoạt dộng GD nào để phát triển năng lực người học…

“Giảng dạy tích hợp theo năng lực thực hiện tại các trường ĐHSP kỹ thuật” là một nội dung có tính đặc thù, được TS. Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật báo cáo tại Hội thảo, với cách đặt vấn đề: Ở người GV trong các trường ĐHSP không chỉ phải có kiến thức vững về chuyên môn, đầu tiên là kỹ năng thực hành nghề giỏi, mà còn phải có kỹ năng sư phạm, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý. Theo đó, giảng dạy tích hợp được xem là một trong những hướng dạy học phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Tại mỗi tiểu ban, các báo cáo đều nhận được sự quan tâm và tranh luận rất sôi nổi.

 

Vấn đề dạy tích hợp được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đặt ra như một vấn đề cần phải được luận bàn, giải quyết thấu đáo tại Hội thảo này: Dạy học tích hợp rất quan trọng nhưng cho tới thời điểm này, vẫn còn những giảng viên sư phạm và kể cả giáo viên phổ thông vẫn chưa có sự hiểu thấu đáo về dạy học tích hợp, đó là nguyên tắc, là giải pháp, là phương châm hay là mục tiêu…Nếu muốn phát triển phẩm chất và năng lực thì nhất định con người đó phải có năng lực tích hợp, phải dùng cả kiến thức, kỹ năng, dùng cả những giá trị của mình để rèn luyện, phát triển lên để giải quyết vấn đề thì mới gọi là phát triển phẩm chất và năng lực”. Sau phiên toàn thể, Thứ trưởng đã có mặt tại tiểu ban 3 để theo dõi phần thảo luận của CBQL, giảng viên đại học xung quanh chuyên đề “Nâng cao năng lực cho giảng viên các trường sư phạm giảng dạy tích hợp”. Tại đây, một số khúc mắc về dạy học tích hợp được đặt ra qua thực tiễn dạy học, giáo dục đã được Thứ trưởng giải đáp một cách cởi mở, thỏa đáng.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải đáp một số thắc mắc của các giảng viên tại tiểu ban 3.

Ngoài việc lưu ý một số điểm khác như về nâng cao năng lực cho giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng ngoại ngữ, nâng cao năng lực đánh giá cho sinh viên và năng lực giảng dạy về khoa học đánh giá cho giảng viên, Thứ trưởng cũng yêu cầu Hội thảo cần đi sâu hơn chuyên đề “Giảng viên các trường sư phạm với chương trình phổ thông mới” vì chuyên đề thứ 4 này rất quan trọng nhưng còn mờ nhạt. Thứ trưởng nhấn mạnh: Giáo viên ở phổ thông có năng lực gì thì giảng viên sư phạm phải có năng lực ấy thì khi sinh viên ra trường mới đáp ứng được yêu cầu của trường phổ thông được. Giảng viên các trường SP có năng lực rồi vẫ phải bồi dưỡng nâng cao thêm năng lực của mình từ môi trường tự học, “học thầy không tày học bạn”…

Hội thảo lần này đã thành công tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đại biểu tham dự.

Tin: Uyên Phương, ảnh: Quốc Vũ - Theo newthoidai.vn

Nguồn: http://ued.udn.vn/tin-tuc/chi-tiet/khai-tha%CC%81c-to%CC%81i-da-nhu%CC%83ng-co-ho%CC%A3i-va%CC%80-tie%CC%80m-nang-de%CC%89-pha%CC%81t-trie%CC%89n-do%CC%A3i-ngu%CC%83-gia%CC%89ng-vien-su-pha%CC%A3m-1805.html
 


Dịch vụ cung cấp thông tin của Sở KH và CN TP.HCM

 Tìm Kiếm 

 Truy Cập 

 Trực tuyến 

Hiện có 2087 khách Trực tuyến

 Vụ KHCN 

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
29 30 1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 1 2

 DƯ LUẬN 

Nâng cao chất lượng dạy học toán

TS. Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo KHPTO - Trong hai ngày 19 và 20/4, Trường đại học sư phạm TP.HCM phối hợp với Trường đại học Grenoble Alpes (Pháp) tổ...