Khoa Ngữ Văn
  
VĂN HỌC VIỆT NAM: GIÁ TRỊ HIỆN THỰC CỦA YẾU TỐ TÂM LINH TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI (PGS.TS Lê Thu Yến) PDF. In Email
Thứ hai, 06 Tháng 10 2014 02:56

 

 

 

Mẫu Thượng Ngàn, tranh thờ.

 

Các yếu tố tâm linh trong văn học trung đại bao gồm: Trời phật, thần, tiên, cầu cúng, khấn vái, hồn ma, hóa kiếp, phép thuật, tướng số, bói toán, phong thủy, điềm báo, báo ứng, mộng… Đây là những yếu tố thuộc thế giới tâm linh hiện diện như một thế tất yếu trong văn học trung đại mà khi nghiên cứu chúng ta không thể bỏ qua, không thể không chú ý. Những biểu hiện văn hóa tâm linh đặc sắc và phong phú như vậy cho thấy văn học trung đại không chỉ có giá trị to lớn về mặt nội dung, về văn hóa tín ngưỡng mà còn có giá trị cao về mặt nghệ thuật trong việc thể hiện sâu sắc tư tưởng thời đại thông qua việc phản ánh hiện thực của đời sống muôn màu muôn vẻ. Một hiện thực đời sống tâm linh đa dạng và sắc nét có sức sống trường tồn không chỉ ở thời trung đại mà còn cho đến ngày nay. Hiện thực đời sống tâm linh có thể phân chia làm hai loại: hiện thực – thực, hiện thực –  ảo. Hai hình thức này cùng hiện diện trong đời sống tâm linh con người một cách gắn bó không tách rời. Tuy nhiên hiện thực – thực gắn với hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong trời đất, còn hiện thực –  ảo là những sự việc do con người nghĩ ra, con người cho là như vậy, và lâu dần nó tạo thành một niềm tin tuyệt đối.

1. Hiện thực thực

Đi sâu vào khai thác chiếm lĩnh đời sống tâm linh cùng những trạng thái tâm lý tinh thần đầy bí ẩn của con người là điều mà văn học mọi thời đều quan tâm thể hiện. Với văn học trung đại, đời sống tâm linh đã mang giá trị tự thân. Thông qua các tác phẩm truyện kể, truyện thơ, văn tế, phú…(có thể giai đoạn sơ kì nó còn mang tính chất ghi chép theo lối văn chép sử, hay sưu tầm từ truyện dân gian…), đời sống tâm linh xuất hiện một cách tự nhiên từ những hiện tượng kì lạ xảy ra trong thiên nhiên cho đến hình thức giấc chiêm bao mộng mị, phong thủy, cầu cúng, điềm báo, báo ứng, thần thánh, ma quỷ…Những hiện tượng này đôi khi chỉ là một chi tiết thoáng qua hoặc vô tình được nhắc đến chứ không phải là chi tiết trung tâm quan trọng cần làm nổi bật mặc dù nếu có chi tiết đó thì câu chuyện sẽ hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn, giá trị câu chuyện được nâng lên nhiều hơn.

 

Mang nhiều lớp áo: tùy bút, tiệp kí, ngẫu lục, truyện thơ…thực ra chính các tác phẩm này biểu hiện nhiều yếu tố khác nhau thuộc đời sống tâm linh đã giúp phản ánh một cách rõ nét những quan niệm, tư tưởng lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Những cách nghĩ, quan niệm, tư tưởng đơn thuần thường nhật nhưng không thiếu những yếu tố li kì hấp dẫn của con người thời trung đại đã làm cho các tác phẩm trở nên lung linh kì ảo hơn trong con mắt của người đọc. Đặc biệt những hiện tượng tự nhiên ứng với sự kiện xảy ra đối với con người, hoàn toàn không do bàn tay của con người sắp xếp. Có thể là sự kiện trọng đại đối với cơ đồ đất nước, có thể là sự kiện đặc biệt đối với vận mạng một cá nhân, có thể là sự kiện liên quan đến việc thắng thua của các lực lượng đối kháng… Những điềm báo mang điều lành đến với mọi người thường thông qua các đối tượng khác nhau trong tự nhiên như trời đất, núi sông, chim muông, cây cỏ … Những điềm báo mang điều dữ thường đi cùng những hiện tượng dữ dội trong thiên nhiên như sấm chớp, mưa gió, bão lũ, sụt lở đất, nước sông cạn, chim dữ xuất hiện nhiều…

Những điều này thường xảy ra trong cuộc sống, như một điều trong mọi điều, các nhà văn, nhà thơ trung đại chỉ cần đưa nó vào trong tác phẩm của mình như vô vàn những sự kiện khác. Đây cũng là cách phản ánh gần như trực tiếp, có khi là bê nguyên xi hiện thực đưa vào tác phẩm, là cách phản ánh đơn giản bởi bản thân hiện thực đã đa dạng và phong phú rồi. Chẳng thế mà những hiện tượng tự nhiên như trong làng có cây gạo nở hoa thì năm đó trong làng có người đỗ đại khoa hoặc cây đa mọc rễ nhỏ quấn quanh thân cây như đeo đai, chuyện xảy ra vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng ứng với việc Võ Công Tôn Hương thi đỗ (Điềm cây đa – VTTB). Hay hiện tượng có loài sen đỏ nở trên mặt hồ được cho là điềm vinh hiển, ứng với việc người trong làng là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Trịnh Sâm gọi lên kinh để chữa bệnh cho con chúa. Hoặc mấy hôm trước ngày nào bầu trời cũng u ám, hôm ấy bỗng nhiên tươi sáng, mọi người cho là điềm thái bình, thánh chúa và dĩ nhiên là Trịnh Tông lên ngôi chúa trong ngày hôm đó…

Hoa gạo nở, rễ mọc quanh thân cây đa như đeo đai, hoa sen đỏ nở lan trên mặt hồ, bầu trời trong sáng là những điều lạ và là biểu tượng của sự cao quý. Những sự kiện này là sự thực hiển hiện, sự thực xuất phát từ tự nhiên trời đất cây cỏ, còn ứng với việc này, việc khác là do dân gian tương truyền, đó cũng là nếp nghĩ của người xưa mỗi khi có một hiện tượng lạ xuất hiện.

Cũng như cơn gió nam thổi mạnh và đám mây đen chạy suốt từ tây nam, lại thêm bầy ong ở đâu tự dưng bâu lại đốt vào cổ Nguyễn Hữu Chỉnh và quả nhiên trận đánh ấy Nguyễn Hữu Chỉnh thua to. Hay hiện tượng có con quạ khoang bay xuống trước sân nhìn Trịnh Tông hai ba lần như muốn mổ phải xua giáo mấy lần mới chịu bay đi ứng với việc Trịnh Tông bị hạ bệ; Những việc lạ trong phủ chúa qua lời kể của người em rể Nguyễn Hữu Chỉnh như: ngày rằm tháng giêng năm Nhâm Dần (1782) ở trong cung bỗng dội ra một tiếng rất to rền vang đến hơn một khắc, làm rung chuyển cả trời đất, năm Qúy Mão (1783), núi vua Hùng tự nhiên sập xuống hơn hai chục thước. Tháng sáu năm ấy, con sông Thiên Đức cạn hẳn một ngày một đêm. Năm Giáp Thìn (1784), giữa đêm mùng một tháng mười, trong hồ Thủy Quân thình lình có tiếng phát ra như sấm, nước hồ sủi lên sùng sục, sớm mai bao nhiêu tôm cá đều chết sạch. Trên các cây cối trong phủ chúa, thường có hàng vạn con quạ ở đâu kéo đến bay lượn lao xao, ngày đêm kêu gào quang quác. Rồi ở quãng bờ thành phiá ngoài cửa cái của phủ đường, bỗng dưng cũng sụt xuống hơn mười trượng…(HLNTC). Những sự kiện này ứng với những việc tranh chấp chém giết nhau trong phủ chúa. Mùa hạ năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1786), đương nửa đêm, giữa hồ Hoàn Kiếm, bỗng có những vật đỏ ối hiện ra trên đảo, tia sáng nhoáng tỏa ra bốn phía, bay về bờ phía nam rồi biến mất (TTNL) ứng với việc nhà Lê mất nước. Hoặc có sự kiện như trong tẩm điện Thịnh phúc các đồ vật thờ cúng bằng gỗ hoặc bằng vàng tự nhiên mủn nát ra… ứng với những việc làm tác oai tác quái của Trịnh Tông sau khi lên ngôi chúa (cướp ngôi của Trịnh Cán, hành hạ Đặng Thị Huệ). Chi tiết lầu rồng ba tầng ở Nghệ An tự nhiên sụp đổ ứng với việc Nguyễn Quang Toản hoàn toàn thua trận, mất thành Thăng Long trước sức mạnh của Nguyễn Ánh (HLNTC). Chi tiết thái tử Lê Duy Vĩ bị Trịnh Sâm hại chết cũng có sự tham gia của tự nhiên như: Trước đó, trong giếng Tam Sơn ở mé sau điện bỗng có tiếng nổ như sấm, và Thái tử bị ghép vào tội thắt cổ. Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa (HLNTC)…

Như vậy cơn gió nam, đám mây đen, con quạ khoang, tiếng nổ trong cung, núi vua Hùng đổ sụp, nước sông Thiên Đức cạn một ngày một đêm, bờ thành sụt lở, đồ vật thờ bằng gỗ bằng vàng bỗng dưng mủn nát, lầu rồng ba tầng sụp đổ, bầu trời tối tăm… chính là sự tham gia của thiên nhiên trời đất vào những sự việc toan tính, bày đặt của con người. Đây đều là những biểu tượng xấu, những lực lượng hắc ám, hung dữ gây tai họa cho con người. Hiện thực đen tối dự báo trước việc bị hại, bị giết chết, bị sụp đổ, bị thất bại…Rõ ràng là “thiên nhân tương cảm”, các nhà thơ nhà văn đã lợi dụng con đường này để đưa vào tác phẩm của mình những yếu tố góp phần làm nên tính sôi động của sự kiện, tính hấp dẫn của câu chuyện. Người đọc sẽ tiếp thu từ tác phẩm những quan niệm, những chính kiến của người dân. Quan niệm “trời cao có mắt”, trời cao luôn dõi theo, báo hiệu những sự việc sắp xảy ra, xuất phát từ sự thấu hiểu cuộc vận động của cơ trời, sự sắp xếp của qui luật vận hành trong vũ trụ. Như là một thế lực, mang đến một sự phán quyết buộc con người phải chấp nhận. Trời cao quyết định như vậy hoặc là đồng tình như vậy. Tin vào điềm triệu là một loại tín ngưỡng có thực và khá phổ biến trong đời sống người Việt. Đó không chỉ là sự chiêm đoán mà còn là sự chiêm nghiệm từ thực tế. Không gì khác hơn là sự cảm ứng kỳ lạ giữa cơ trời và con người trong mối quan hệ “thiên nhân tương dữ”. Hàng loạt hiện tượng điềm báo trong các tác phẩm đã chứng tỏ lẽ huyền bí của thiên cơ. Ngoài Lĩnh Nam chích quái – tác phẩm lượm lặt những chuyện lạ của nước Nam, các tác phẩm xuất hiện nhiều điềm báo chủ yếu thuộc thế kỷ XVIII – XIX. Điều này chứng tỏ bối cảnh xã hội đương thời đối với các nhà nho có quá nhiều bí ẩn cũng như sự bất khả giải mà con người chỉ có cách duy nhất là tin vào sự huyền bí nhiệm màu của đất trời vạn vật mà thôi.

Ngay như những sự việc nhỏ nhặt trong đời sống một cá nhân cũng vậy, những tai họa chịu đày đọa hay may mắn phú quý đều có sự quan sát hay điều khiển từ lực lượng siêu hình nào đó. Mà lực lượng siêu hình ấy lại có những tác động đến hiện thực cuộc sống chứ không phải hoàn toàn do con người nghĩ ra. Điều này thể hiện qua những giấc mơ. Giấc mơ cũng là một hiện thực của cuộc sống. Người ta ăn uống, ngủ nghỉ, đêm tối người ta có thể chiêm bao. Chiêm bao là thực. Những gì hiện ra trong giấc chiêm bao có thể là ảo, có thể là không thực nhưng bản thân giấc chiêm bao là thực. Văn học trung đại đã mang vào tác phẩm của mình những giấc chiêm bao, có chiêm bao thấy điều dữ nhưng cũng có chiêm bao thấy điều lành và quan trọng là những điều lành điều dữ ấy đều ứng vào cuộc đời thật của những nhân vật. Dương Ngọc Hoan nằm mơ thấy vị thần cho tấm đoạn có vẽ hình đầu rồng, có người cho rằng đó là điềm sinh thánh. Quả nhiên con của Dương Ngọc Hoan là Trịnh Tông sau này được lên ngôi chúa (HLNTC). Lý Thánh Tông được sinh ra là do bà mẹ nằm mơ thấy mặt trăng đi vào bụng sau đó có mang. Mơ thấy rắn là sinh con gái, thấy gấu là sinh con trai. Hoặc mơ thấy rồng, ngọc, mặt trời đều là điềm sinh con quí (TS, Hương Lãm Mai đế ký – VĐUL, Tổ gia thực lục). Hoàng hậu nước Nam Việt chiêm bao thấy sao sa, quả nhiên sau đó sinh được công chúa vô cùng xinh đẹp (HTr). Thúy Kiều hai lần tìm đến cái chết, hai lần được cứu, trong cơn mê đều gặp gỡ Đạm Tiên và những điều báo trước của Đạm Tiên đều thành sự thật trong cuộc đời Kiều (Truyện Kiều). Ngay như chuyện tình yêu trong mơ, khi tỉnh giấc rồi men rượu vẫn nồng nàn, mùi hương vẫn còn phảng phất trên tà áo (Duyên lạ Hoa quốc – TTDT, Tiên quận chúa – TTNL). Hay Ngô Tử Văn sau khi đốt đền xong liền bị sốt và mơ thấy có người đến mắng chửi, dọa nạt, đòi trả đền (Tản Viên từ phán sự lục – TKML)…Như vậy chiêm bao từ trong giấc ngủ của con người là thực. Cả những điều từ trong giấc chiêm bao ấy cũng trở thành hiện thực ứng vào cuộc đời, sự nghiệp, tương lai hậu vận của một ai đó thì cách nghĩ của người xưa quả là có chủ kiến, chứ không phải chỉ là chuyện lạ, chuyện đột ngột xuất hiện. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta cầu mộng và mong muốn được ứng mộng. Đối với những bế tắc, thất bại quan trọng không có đường giải quyết thì người ta cầu cứu đến thần linh, mong muốn thần linh báo mộng cho biết.

Hệ thống chùa, đình, đền, miếu cũng là một sự thật hiển nhiên minh chứng cho niềm tin tâm linh. Hằng ngày người dân lui tới những nơi này để làm công việc thông linh với phật trời, thần thánh, với những vị thần linh mà mình tôn thờ để mong cầu, phát nguyện, thề thốt…cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vì thế mà những hệ thống này ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Đất nước ta có hàng nghìn ngôi chùa, đền trải rộng khắp mọi miền đất nước. Còn những ngôi miếu nhỏ thờ những vị thần linh thiêng hoặc những người chết oan nhưng rất thiêng thì chúng ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trên đường phố hoặc trong thôn xóm. Đây là một hiện thực rõ nhất tồn tại trước mắt mọi người suốt năm dài tháng rộng, khắp trên mọi nẻo đường.

Văn học trung đại đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phản ánh hiện thực khách quan trên lập trường tư duy của đời sống tâm linh thời ấy, thông qua đó tác phẩm cung cấp cho người đọc những quan niệm sống, nếp nghĩ, thói quen của con người trung đại. Văn hóa tâm linh là một nét đẹp truyền thống không thể xóa bỏ dù đôi khi con người đặt ra những dấu hỏi nghi ngờ nhưng những nếp nghĩ ấy tồn tại lâu đời nên không thể không quan tâm. Hơn nữa giá trị hiện thực của nó vẫn nguyên vẹn truyền từ đời này sang đời khác bởi giữa ranh giới của cái thực và không thực còn có một niềm tin hết sức vững chắc lâu bền của con người qua các thế hệ.

2. Hiện thực – ảo

Chúng tôi gọi là hiện thực – ảo bởi vì đây hoàn toàn không xác tín có sự tham gia của lực lượng tự nhiên mà con người trông thấy được. Tức là không có những hiện tượng như sụt lở đất, không có sông nước cạn, không có trời u ám hay trong sáng… mà chỉ có niềm tin của con người vào những sự việc mà  không ai có thể xác quyết rằng đó là sự thực. Văn học trung đại đã trung thành đưa hết vào tác phẩm của mình những quan điểm cách nhìn của nhân dân thời đó. Họ nghĩ như thế nào, tâm thức của họ ra làm sao đều được phản ánh một cách hết sức chân thực mặc dù những hiện tượng này không ai biết được hư thực.

Hồn ma là một minh chứng. Có ai sờ nắm được hình thù của con ma như thế nào, nhưng người ta vẫn tin là có ma. Trong cuộc sống hiện thực, người ta tin rằng khi người ta chết đi chỉ chết phần xác, còn phần hồn vẫn tồn tại đâu đó trên thế gian và vẫn có thể thông linh với người sống qua con đường cầu khấn hoặc giấc chiêm bao. Con người với những mẫn cảm về mặt tâm linh cho nên họ có thể tưởng tượng về ma và thế giới khác ngoài thế giới đang sống một cách sinh động đa dạng. Thế giới khác đó có thể là thiên đình, âm phủ, thủy phủ…và hồn ma sống dật dờ nơi đầu cây ngọn cỏ, lang thang đây đó. Ma có loại ma hiền giúp đỡ phò trợ người sống, có loại ma dữ chuyên phá hoại cuộc sống của người trần thế…Cũng có thể là hồn cây, hồn hoa, tinh linh cây cỏ… hiện hình cặp đôi yêu đương với người trần thế rồi bỏ đi để lại những ân tình tiếc nuối sâu nặng cho người ở lại (TKML, TTDT) hoặc phá hoại hạnh phúc êm đẹp của gia đình người ta (TKML, TTNL, TKTP). Và con người cũng tin rằng có sự chuyển kiếp, hóa kiếp từ kiếp này sang kiếp khác để trả thù hoặc để thực hiện một lời thề hay một lời dặn dò của người nào đó.

Cũng chính từ những niềm tin, cách nghĩ này mà chuyện cầu cúng khấn vái trở thành một hoạt động thường xuyên trong đời sống mọi người dân. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” người dân dẫu còn chút nghi ngại thì họ vẫn cầu vẫn mong với tấm lòng thành của mình, đấng linh thiêng sẽ hiển linh phù hộ độ trì. Niềm mong mỏi trong dân gian thì luôn dồi dào, đầy ắp bởi đời sống con người luôn có nhiều bất trắc, con người phải đối diện với biết bao khó khăn nguy hiểm nên người ta cần có một chỗ dựa về mặt tinh thần (TS, PH, MPXH). Người ta cầu trời, khấn Phật, xin thần thánh, kính ông bà, vái lạy cả những người khuất mặt khuất mày, cả những cô hồn, những đấng, những bậc, những ai linh thiêng có thể chứng giám cho lòng thành, cho lời kêu cứu, cầu xin… thì người ta không nề hà bất cứ quy tắc nào (vái lạy, tụng niệm, cúng kiến...). Điều mong cầu không nằm ngoài những điều thường nhật trong cuộc sống: cầu tự, cầu phúc, cầu an, cầu duyên, cầu tài, cầu lộc… hoặc những bế tắc, rủi ro trong cuộc sống cần được giúp đỡ để được tai qua nạn khỏi (KVTL, VTTB, CDTK, TKCT, PCCH, HT, LVT…). Con người thời xưa tin rằng có một lực lượng siêu nhiên ở trên cao thấu hết, hiểu hết những lời nguyện cầu, khấn vái của thiện nhân, bá tánh vì vậy mà họ đặt hết lòng tin vào đấng linh thiêng ấy. Không chỉ những người dân đen gặp cảnh khốn cùng mới cần tới đấng linh thiêng mà ngay cả vua chúa, quân tướng cũng có lúc cần đến lực lượng siêu nhiên này. Đó là khi vua cầu cho đất nước mạnh giàu, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; là khi tướng cầu cho thuận buồm xuôi gió, chiến đấu thắng lợi, thành công mỹ mãn (LNCQ, TUTA, VSDA)… Và Trời, Phật, thần thánh là đối tượng mà họ hướng đến, mong cầu cũng như tuyệt đối tin tưởng. Điều mong cầu ấy có khi được Trời, Phật, thần thánh chấp nhận và được thực hiện dần dần nhưng cũng có khi được đáp ứng ngay thông qua các hình thức điềm báo hay một hiện tượng có tính chất thông báo nào đó.

Văn học trung đại cũng không ngại đưa vào tác phẩm của mình yếu tố phép thuật vốn là nét đặc trưng riêng của văn học dân gian. Phép thuật đi cùng với các nhân vật thần linh cũng như những người bình thường nhưng có được sự trợ giúp của đấng quyền năng nên họ cũng có khả năng hô phong hoán vũ. Tất cả họ đều có khả năng di chuyển cũng như vượt qua ranh giới ngăn cách của các không gian. Họ có thể đi lại trên không trung, có thể đi từ trần gian xuống âm phủ, thủy phủ, đi xuống nước, bước vào lửa… Họ có thể hô mưa gọi gió, làm nên sấm sét, có thể lập đàn tràng yểm bùa, trừ yêu quái, chữa bệnh trừ tà, có thể làm vật hóa thành người, người hóa thành vật…(LNCQ, NÔML, TUTA, TKML…). Lãnh địa này vốn thuộc về các loại truyện dân gian như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… nhưng văn học trung đại cũng không ngại kế thừa, mặc khác còn kéo nó về gần với hiện thực làm cho câu chuyện tự nhiên hơn như vốn nó là thực. Người ta vẫn nghĩ có trời cao, có âm ty, có những chuyện lạ trên đời… nhưng có ai biết rõ trên trời cao tồn tại những gì, ai ở trên đó, có thực có người có quyền năng tồn tại trên đó không? Liệu những quyền năng ấy là thực không? Khi thi triển những quyền năng ấy liệu nó có mang đến những kết quả mong muốn đích thực của con người. Dĩ nhiên phép thuật của hai đạo sĩ đưa người lạc đường về đúng chỗ của mình (Ông Sấm – TTNL) hoặc đưa người đến bước đường cùng thoát về thủy phủ (An Dương Vương –  NÔML). Hay nàng Liễu, nàng Đào (Tây viên kỳ ngộ ký – TKML) xinh đẹp mê hoặc lòng người thoáng chốc thác hóa cùng trận gió dông. Hay nàng Ngọa Vân (Truyện lạ nhà thuyền chài – TTDT) chung sống cùng chồng bấy nhiêu năm vì để lộ hình dáng mà phải vĩnh biệt chồng bay đi mất. Phép thuật ấy có thể tham gia giúp ích cho con người, cũng có thể làm cho con người vĩnh viễn chia lìa, đau khổ, hối tiếc…Vậy chuyện phép thuật bản thân nó là như vậy, có thật hay là con người nghĩ ra những điều ấy và cho phép thuật có thể làm được điều này hay điều nọ? Ai có thể xác quyết được khi niềm tin tâm linh đã làm một cái nền hết sức vững chãi che khuất hết mọi phân minh khoa học?

Bói toán, xem tướng số cũng vậy. Người ta tin tưởng vào một cánh cửa hé mở để được biết về quá khứ vị lai dẫu rằng “thiên cơ bất khả lậu”. Người ta tin tưởng vào bói toán bởi biết đó là chuyện đã qua và chuyện chưa đến mà chuyện đã qua thì bói toán dễ chạm đến còn chuyện chưa đến thì ai cũng háo hức để biết như thế nào, đôi khi không phải biết trước là để quyết định điều gì đó cho tương lai mà chỉ là để thỏa mãn tính hiếu kỳ ngay lúc đó mà thôi. Cũng như trước khi làm chuyện gì trọng đại người ta đều phải chọn ngày tốt: làm nhà, cưới gả, đi xa, đến những nơi quan trọng…Điều này vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Những ngày kiêng kỵ người ta thường tránh. Ngày lành phải nhờ những bậc danh sư xem thì mới đúng. Việc thi cử – con đường công danh trong tương lai càng cần đến bói toán. Các tác phẩm thời trung đại nói nhiều đến chuyện này (TKTP, LVT, MPXH, PTNH). Bói toán cũng có nhiều hình thức: gieo đồng xu, sắp cỏ thi, xem mai rùa, bấm độn, xin xăm, bói thơ, bói chữ… Những hình thức này thường diễn ra trong các chùa, đình vào những ngày lễ hội, nó như sinh hoạt bình thường của người dân. Kết quả xem bói có thể đúng có thể sai, nhưng ở giữa cái đúng cái sai này, niềm tin tâm linh luôn có mặt để nghiêng về phía đúng. Thầy bói thường xuất hiện ở chợ hoặc những nơi đông người. Người xem bói và việc xem bói không có gì xa lạ, nó như những hoạt động khác trong đời sống của người dân. Các tác giả văn học trung đại phản ánh cuộc sống thì dĩ nhiên không thể thiếu nhân vật thầy bói và việc xem bói.

Phong thủy cũng là vấn đề quan trọng trong đời sống người dân. Bởi vì theo dương trạch thì là địa thế nhà cửa, nơi sinh sống có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của từng cá nhân, còn theo âm trạch là cuộc đất của người chết có liên quan đến sự hưng thịnh hay diệt vong của cả gia tộc. Người chết nằm trên cuộc đất tốt thì con cháu đời sau sẽ được giàu có, phúc đức, vinh hiển, còn vô tình chôn người chết trên cuộc đất xấu thì có thể dẫn đến suy sụp nhà cửa, con cháu không có đường tiến thân, có khi còn tuyệt tự… và chuyện sắp đặt cuộc đất tốt không phải hoàn toàn do con người mà còn là do ý trời. Có thầy địa lý giỏi biết phát hiện mạch đất tốt nhưng có làm được hay không còn do ông trời định đoạt (CDTK, BTHKL, HVLHC, TTNL). Vì vậy mà ngày xưa có người đi tìm chọn những cuộc đất tốt, cũng có người vì oán nặng thù sâu mà dùng bùa yểm phá cuộc đất tốt của người khác. Đây là một thực tế mà các tác phẩm đã phản ánh một cách rõ nét.

Nhìn chung văn học trung đại đã làm nhiệm vụ trọng đại là đưa quan điểm, suy nghĩ, nếp sống sinh hoạt của người xưa vào trong tác phẩm của mình. Qua đấy có thể thấy không chỉ cảm quan, hành động mà còn ẩn sâu một niềm tin tâm linh làm bệ đỡ cho cuộc sống còn quá nhiều điều bất trắc, bất như ý… Đưa những chi tiết mang yếu tố tâm linh vào các tác phẩm cũng chính là nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, thỏa mãn trí tưởng tượng của con người thời ấy. Giá trị hiện thực của các yếu tố tâm linh ở đây dù là thực, dù là có xảy ra để người ta nhìn thấy hay là ảo, do con người hình dung, tưởng tượng ra thì nó vẫn là niềm tin chưa bao giờ thay đổi qua năm tháng. Nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

 

Bài đã đăng tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4, 2014.

 

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT