Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Sự diệt vong của chế độ Sài Gòn - Thất bại toàn diện của CIA
Sự diệt vong của chế độ Sài Gòn - Thất bại toàn diện của CIA PDF. In Email
Chủ nhật, 20 Tháng 5 2012 02:42

2:30, 13/05/2009


Đại sứ Ellsworth Bunker trả lời báo chí ngay sau trận Tết Mậu Thân ngày 31/1/1968.

Cũng như Ngô Đình Diệm, sự lên ngôi của Nguyễn Văn Thiệu có vai trò rất lớn của CIA. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968, con đường diệt vong của chế độ Sài Gòn đã được định sẵn. Đó cũng là con đường dẫn đến thất bại nặng nề nhất mà CIA từng nếm trải trong lịch sử can thiệp ở nước ngoài.

CIA và cuộc bầu cử tổng thống Sài Gòn năm 1967

Cuối tháng 2/1965, Nguyễn Khánh bị phế truất và lưu đày ở hải ngoại. Một chính phủ thử nghiệm với Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, Phan Huy Quát làm Thủ tướng được dựng lên thay; Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Hội đồng Quân lực (Armed Forces Council). Nhưng chính phủ Sửu - Quát hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu thời cuộc, cho nên ngày 18/6/1965, chính phủ lại phải thay đổi một lần nữa; lần này Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng, còn Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng.

Khoảng cuối năm 1965, quân Mỹ tại Việt Nam đã tăng lên khoảng 180.000, CIA bắt đầu tăng tốc chương trình bình định nhằm hỗ trợ Thiệu - Kỳ phục hồi kiểm soát ở vùng nông thôn. Mặc dù trên danh nghĩa vai trò của CIA bị hạn chế trong phạm vi cố vấn và hỗ trợ, nhưng trên thực tế CIA đã xé rào làm luôn cả khâu tổ chức, trang bị các thứ và trực tiếp kiểm soát cả những chương trình triển khai ở cấp tỉnh.

Phải đến khi Cabot Lodge mãn nhiệm Đại sứ (lần thứ 2), Ellsworth Bunker đến thay thế đầu tháng 5/1967, trước thềm cuộc bầu cử đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa, CIA mới lại có cơ hội mở rộng ảnh hưởng lên chính trường miền Nam Việt Nam. Đến thời điểm này, Trạm CIA cũng đã trải qua nhiều thay đổi và Trưởng trạm hiện tại là John Hart - một chuyên gia kỳ cựu từng nhiều năm làm Trưởng trạm CIA ở châu Á - Thái Bình Dương.

Với việc Hiến pháp mới của Việt Nam Cộng hòa được thông qua ngày 1/4, Sài Gòn cần phải bầu bộ máy lãnh đạo mới. CIA lại bắt tay vào xây dựng một triều đại cầm quyền mới ở Sài Gòn, tương tự như đã từng làm thời Ngô Đình Diệm mới lên làm Thủ tướng.

Thời điểm này, cả tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng Nguyễn Văn Thiệu đều đang là những nhà lãnh đạo của chế độ Sài Gòn và cả 2 đều đang được Washington để mắt nhờ phong độ đang lên của họ. Kỳ có nhiều điểm khiến CIA ưa chuộng hơn Thiệu.

Cựu Tư lệnh Không quân đầy quyền uy Nguyễn Cao Kỳ là người đóng vai trò quyết định trong mọi chiến dịch quân sự, kể cả các cuộc đảo chính. Tầm ảnh hưởng lớn cộng với tính cách hoạt bát của một viên tướng trẻ tạo cho Kỳ nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các chính sách bình định, chống Cộng ở miền Nam mà Mỹ mong muốn.

Bởi thế, CIA đã làm mọi cách để quảng bá, khuếch trương hình ảnh Nguyễn Cao Kỳ, từ việc xuất bản sách viết về ông ta cho đến các hoạt động nhân đạo mang tính hình thức để đăng báo. Mục đích của CIA là tạo dựng cho Kỳ một nền tảng ủng hộ trong cử tri.

Ngày 12/5/1967, Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố tranh cử tổng thống. Khác với Cabot Lodge, Đại sứ Bunker không ngần ngại tận dụng các kênh liên hệ chính trị của CIA để phục vụ cho việc tiếp cận và điều tiết chính quyền Sài Gòn.

Theo cách này, Bunker muốn CIA giúp đỡ thực hiện chỉ thị của Washington là phải đảm bảo một cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ, tránh gây chia rẽ trong hàng ngũ các tướng tá và tránh gây nghi ngờ về sự thiên vị đối với Thiệu và Kỳ. Bunker được lệnh của Bộ Ngoại giao nên sử dụng "công cụ cố vấn" của CIA để tác động lên Thiệu - Kỳ.

Hơn nữa, Đại sứ Bunker không muốn dư luận chú ý đến sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kỳ nên phải hạn chế các cuộc tiếp xúc giữa các cố vấn, chuyên gia phái bộ Mỹ với Kỳ mà chỉ dựa vào kênh bí mật của CIA.

Nhưng, ngày 30/6/1967, tại cuộc họp kéo dài 2 ngày với khoảng 50 tướng lĩnh cao cấp của Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ đã "bẻ chĩa", lùi xuống vị trí thứ 2, nhường vị trí ứng cử viên tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu. Không cần phải nói cũng biết Tổng hành dinh CIA thất vọng thế nào khi đang liên lạc và kiểm soát "đối tác" rất chặt chẽ mà CIA vẫn bị các tướng Sài Gòn "qua mặt cái vù". Sơ hở của CIA trong vụ này là đã không để ý đến khả năng liệu Kỳ có thật sự đủ mạnh để khống chế và điều khiển Thiệu "như con rối" như ông ta giải thích hay không. Thực tế đã chứng minh là không!

"Ngộ biến tùng quyền", CIA quay sang lo hỗ trợ liên danh Thiệu - Kỳ đang đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt của ứng cử viên dân sự. Mỹ không muốn phe dân sự lên nắm quyền vì lo ngại những bất ổn mới khó kiểm soát, nhưng cũng không muốn Thiệu - Kỳ giở trò "ma giáo" trong bầu cử sẽ làm mất uy tín cuộc chơi mình rắp tâm dàn dựng.

 

Hai Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Richard Nixon tại San Clamente, California tháng 4/1973.

Được “chính quốc bật đèn xanh” cho Trạm CIA được phép tham gia hỗ trợ Thiệu - Kỳ vận động tranh cử, ngày 14/7/1967, CIA bắt đầu triển khai kế hoạch tác động vào chiến dịch tranh cử. Bunker và Trạm CIA dự định tài trợ cho các tổ chức bình phong như các giáo phái hoặc nhóm chính trị ủng hộ Thiệu - Kỳ nhằm tạo đòn bẩy ủng hộ mạnh hơn trong cử tri, nhưng Washington không đồng ý.

Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đánh điện yêu cầu Bunker bám sát Thiệu hơn nữa trong khi CIA vẫn tiếp tục cố vấn cho Kỳ. Thông qua đầu mối liên lạc chính là Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Nguyễn Xuân Phong, CIA đã cố vấn cho Thiệu - Kỳ một danh mục các gợi ý chính sách để vận động tranh cử; đồng thời Bộ trưởng Phong lãnh nhiệm vụ ngầm đẩy mạnh quảng bá cho Thiệu - Kỳ.

Để thủ chắc phần thắng, CIA cũng yêu cầu Thủ tướng Kỳ duyệt chi 5 triệu đồng bạc lấy từ "quỹ đen" để vận động tôn giáo - chính trị. CIA còn không ngần ngại chấp nhận đề xuất của Phong là sử dụng công cụ sức mạnh của tướng Nguyễn Ngọc Loan ở những khu vực trọng yếu, những vùng cử tri không biết và không muốn theo ai để dồn lá phiếu cho Thiệu - Kỳ. Rồi thì những phàn nàn về gian lận và "chơi xấu" trong vận động tranh cử cũng rộ lên.

Những trò tung tiền tài trợ của CIA để mua lá phiếu... đã được thừa nhận và cũng chẳng có ai xử lý, trong khi Nguyễn Cao Kỳ không chịu từ chức Thủ tướng.

Gần đến ngày bầu cử, liên danh dân sự do Trần Văn Hương đứng đầu dần dần suy yếu do không đủ phương tiện và tài chính để đấu với liên danh Thiệu - Kỳ, từ đó tạo thuận lợi cho liên danh Thiệu - Kỳ giành chiến thắng áp đảo trong ngày bầu cử 3/9.

Sau đó, được Hội đồng lập pháp lâm thời (trước bầu cử Hạ viện tháng 12/1967) phê chuẩn kết quả bầu cử, Thiệu - Kỳ đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 31/10/1967.

Đòn đau Tết Mậu Thân 1968 và thất bại toàn diện của CIA

Đầu năm 1968, tức khoảng 3 tháng sau khi Thiệu - Kỳ nhậm chức, giữa Trạm CIA tại Sài Gòn và Tổng hành dinh ở Mỹ xảy ra tranh cãi về năng lực lãnh đạo của Thiệu. Tổng hành dinh CIA chất vấn Trạm CIA về việc Thiệu có biểu hiện kém cỏi về năng lực lãnh đạo chính trị lẫn trong các quyết định quân sự.

Trạm CIA thừa nhận một số vấn đề đang nảy sinh trong chính thể Thiệu, như cuộc đấu đá giữa Tổng thống Thiệu và Phó tổng thống Kỳ, sự khác biệt trong quan điểm giữa người Mỹ và Sài Gòn về cách xử lý cuộc chiến đang tiếp diễn. Sự lộn xộn này khiến cho Nhà Trắng nổi giận, thể hiện qua bức điện ngày 16/1/1968 của Cố vấn an ninh Quốc gia Walt Rostow gửi cho Giám đốc CIA Richard Helms.

Cho đến thời điểm trước Tết Mậu Thân, tức cuối tháng 1/1968, lực lượng quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam do tướng William Westmoreland chỉ huy (thay tướng Paul Harkins) đã lên đến con số 495.000 quân, và theo yêu cầu của tướng Westmoreland thì sau Tết Mậu Thân đã tăng lên mức đỉnh là 535.000 quân.

Thế nhưng tất cả chẳng thể làm gì để ngăn được cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân bắt đầu trên phạm vi toàn miền Nam, vào sáng sớm ngày 31/1/1968. Tất cả các mục tiêu của chính quyền Sài Gòn và các cơ sở của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đều bị tấn công một cách bất ngờ. Tòa đại sứ Mỹ đã trở thành điểm yếu nhất, bị chiếm trong vài tiếng đồng hồ; trạm tiền tiêu của CIA ở tỉnh Quảng Trị bị tấn công thiệt hại nặng nề nhất, kế đến là căn cứ ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trạm CIA, Tòa đại sứ, Dinh Độc Lập, Tổng nha Cảnh sát, Nha An ninh... tất cả đều bị thiệt hại và rối tung lên vì không thể lường trước quy mô cũng như sức mạnh tiến công của quân cách mạng. Trưởng trạm CIA Lewis Lapham trốn ở nhà riêng cho đến 9 giờ sáng hôm sau mới được lính hộ tống đến Tòa đại sứ ẩn náu sau khi Quân Giải phóng đã rút đi hết.

CIA và Tòa đại sứ Mỹ đã hoàn toàn bị bất ngờ trước khả năng tổ chức tổng tiến công quy mô lớn như thế mà thông tin vẫn được giữ kín như bưng. Thực ra, ngay từ tháng 12/1967, tin tức tình báo từ các địa phương truyền về đã dự báo nguy cơ “Cộng sản” sẽ mở đợt tấn công quy mô lớn vào dịp Tết Nguyên đán.

Một báo cáo tình báo từ tỉnh Long An nêu nội dung tuyên bố của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam là sẽ thành lập một chính phủ liên hiệp do Mặt trận lãnh đạo; còn một báo cáo từ căn cứ CIA ở Nha Trang ngày 20/1 thì nêu rõ "mục tiêu của chiến dịch ở Vùng II là giải phóng 2 tỉnh Kontum và Pleiku...".

Thời điểm này, cả MACV và NSA cũng nhận được tin báo về việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. 2 ngày trước trận đánh, Trạm CIA cũng có một báo cáo về việc chuẩn bị thành lập 6 tiểu khu an ninh trong nội ô và xung quanh Sài Gòn trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.

Từ những thông tin báo cáo này, Trạm CIA và Tòa đại sứ đã có sự cảnh giác đề phòng rồi, và tướng Westmoreland đã cho điều động một số đơn vị quân Mỹ di chuyển về bảo vệ Sài Gòn. Cái thua của người Mỹ là ở chỗ không ai dự đoán được thời điểm diễn ra cuộc tấn công. Cho đến giờ chót, ngày 29/1/1968, tình báo Quân lực Việt Nam Cộng hòa có báo cáo về trận đánh dịp tết nhưng tất cả đã quá muộn.

Sau trận đánh tết Mậu Thân, đàm phán sơ bộ giữa Mỹ với miền Bắc Việt Nam bắt đầu tại Paris vào tháng 5/1968 và các cuộc đàm phán chính thức được bắt đầu vào tháng 1-1969, ngay trước khi Richard Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, liên tiếp 3 năm mà các cuộc đàm phán vẫn giẫm chân tại chỗ, trong khi Nixon triển khai chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đồng thời Quân Giải phóng tiếp tục giáng những trận đánh lớn vào các vùng ven đô Sài Gòn, trong đó trận đánh vào An Lộc tháng 3/1972 được mô tả là trận lớn nhất sau Tết Mậu Thân. Ở trận đánh này, CIA một lần nữa bị bất ngờ vì không thể dự báo được chính xác ngày giờ tiến công của quân Giải phóng...

Ngày cuối cùng ở Sài Gòn

Trong hành trang sang Sài Gòn nhận nhiệm vụ vào tháng 1-1972, Trưởng trạm CIA Thomas Polgar mang theo lời dặn của Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Melvin Laird rằng "người Mỹ sẽ ở đó khoảng 40 năm". Thế nhưng chỉ 3 năm sau, tình hình đã thay đổi một cách không ngờ. Polgar vừa báo cáo về Tổng hành dinh CIA việc Dương Văn Minh lên nhậm chức Tổng thống thay cho Trần Văn Hương vừa từ chức.

Đêm 28/4/1975 được xem là đêm cuối cùng của Polgar ở Sài Gòn. Đêm đó, Polgar không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, Polgar lo tất bật với việc di tản nhân viên, trao phong bì cho mỗi người khoảng hơn 1.000 đôla làm phí di tản, đồng thời chạy ngược chạy xuôi xin máy bay vận tải C-130 để vận chuyển nhân viên sang Nam Phong và Đài Bắc (Đài Loan).

Trong khi đó, nhân sự Tòa đại sứ và Tùy viên quân sự cũng ráo riết tháo chạy trong tiếng gầm rú của pháo binh. Quân Giải phóng đang tiến rất gần. Polgar có thể nhìn thấy cảnh máy bay, xe tăng bị bắn cháy khắp nơi trên đường di tản nhân viên ra chiến hạm USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 đậu ngoài khơi biển Đông.

Chính quyền Dương Văn Minh quá yếu, uể oải và buông súng. Nhìn tướng Đặng Văn Quang hình hài nhếch nhác, len lỏi qua cánh cổng rào Trạm CIA để chạy trốn, Polgar chua chát thừa nhận: "Kết thúc đến nơi rồi... Chúng tôi đã nỗ lực cho đến giây phút cuối nhưng đành chịu thua"...

4h sáng ngày 30/4/1975, Polgar cùng với Đại sứ Graham Martin, Phó trạm CIA Conrad LaGueux và điều phối viên di tản George Jacobson, lên trực thăng rời khỏi Sài Gòn, đóng lại trang cuối cùng của chương đen tối nhất trong lịch sử can thiệp ở nước ngoài


Trương Hùng (lược dịch)
http://antg.cand.com.vn

 

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học