Đánh thức những miền đất lạ (Minh Khanh) PDF. In Email
Thứ bảy, 07 Tháng 3 2015 09:01

Đánh thức những miền đất lạ

MINH KHANH

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/danh-thuc-nhung-mien-dat-la-20150302213142133.htm

Thế giới bắt đầu quan tâm đến du lịch khám phá những hiện tượng kỳ lạ trong tự nhiên. Trong khi đó, Việt Nam có những hiện tượng đặc thù hoặc thế giới cũng có nhưng rất hiếm

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế, kỹ thuật biển TP HCM - đã tổng hợp một số khu vực có hiện tượng độc đáo trong lĩnh vực tự nhiên biển và tìm cách lý giải điều đó. Tuy nhiên, rất ít người biết về những vùng đất này, có chăng chỉ là giới nghiên cứu. Vì thế, ông Dũng cho rằng những hiện tượng hiếm hoi trên sẽ hấp dẫn du khách, đặc biệt là với thanh thiếu niên đang học tập tại các trường trung học và đại học ở các nước.

Chỉ có tại Việt Nam

Sông Ô Lâu và sông Bồ ở Thừa Thiên - Huế chảy từ dãy Trường Sơn xuống đồng bằng ven biển nhưng khi chúng sắp gặp nhau thì không hòa chung để đổ ra biển như bao dòng sông khác mà đổi hướng đối ngược nhau: sông Ô Lâu quay ngược lên hướng Bắc còn sông Bồ chảy về Nam.

Theo kỹ sư Dũng, đây là một hiện tượng khoa học hiếm trên thế giới bởi tại điểm 2 dòng sông sắp gặp nhau, bờ biển có hiện tượng thủy triều bằng 0. Biên độ triều tăng dần về phía Bắc và phía Nam nên cả con sông phải chọn nơi có biên độ thủy triều cao để ra biển.

“Điểm có thủy triều bằng 0 đó nằm về phía Nam cửa biển Hòa Duân, tỉnh Quảng Nam. Nơi đó, thủy triều gần như không lên và không xuống. Đây là nơi duy nhất ở nước ta có hiện tượng này và cũng rất hiếm trên thế giới. Vậy tại sao chúng ta không dựng một cột mốc đánh dấu để giới thiệu cho người dân địa phương và quảng bá cho du khách?” - ông Dũng nêu ý tưởng.

Bờ biển miền Trung cũng tồn tại một điểm độc đáo mà ông Dũng khẳng định không nước nào trên thế giới có. Đó là 2 đê biển bằng cát ở Khánh Hòa dài 17-18 km nối từ đất liền với hòn đảo ngoài biển tạo nên vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh. Cả 2 con đê có cùng một góc khoảng 30 độ so với đường kinh tuyến. Hai con đê này hình thành hoàn toàn tự nhiên, không có bàn tay can thiệp của con người. Thế giới dường như chưa ghi nhận trường hợp thứ hai.

Theo kỹ sư Dũng, có 3 nguyên nhân tạo ra 2 con đê độc đáo này là sự chênh lệch nhiệt giữa xích đạo và Bắc cực, chiều quay của trái đất từ Tây sang Đông và địa hình đặc biệt từ bờ biển Nhật Bản, Trung Quốc đến miền Trung Việt Nam. “Chúng ta đang làm đê cát tại cảng Trần Đề là học tập kinh nghiệm từ hiện tượng tự nhiên này” - ông Dũng nói.

Xuôi xuống ĐBSCL, dòng Mê Kông khi đến Long Xuyên, Đồng Tháp chỉ cách vịnh Thái Lan 60 km (phía Tây) nhưng không đổ ra vịnh Thái Lan mà phải chạy lòng vòng thêm 100 km về hướng ngược lại để đổ ra biển Đông. Rất nhiều người ngạc nhiên về hiện tượng này nhưng không phải ai cũng biết biên độ thủy triều bờ biển Đông đạt 4,5-5 m trong khi bờ biển Tây chỉ trên 1 m. Dòng sông phải chọn nơi có biên độ triều cao mới đổ ra biển được.

Du lịch khoa học

Khi tham gia các hội thảo quốc tế, ông Dũng có lấy một số ví dụ về những hiện tượng tự nhiên tại Việt Nam thì thấy các nhà nghiên cứu rất quan tâm và đánh giá cao.

“Nhiều năm trước, tôi hướng dẫn cho nhóm sinh viên Hà Lan nghiên cứu một số vấn đề về bờ biển. Họ rất ngạc nhiên khi biết biển Việt Nam đón được nhiều năng lượng hơn các nước châu Âu. Những sinh viên này khẳng định sẽ còn trở lại và sẵn sàng trả tiền để mời các chuyên gia Việt Nam giới thiệu những nơi có hiện tượng thiên nhiên đặc biệt. Vậy tại sao chúng ta không quảng bá những địa điểm này, đưa chúng vào danh mục du lịch khoa học?” - ông Dũng nêu vấn đề.

Việt Nam trải qua nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập nên các điểm du lịch chủ yếu khai thác yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội mà chưa chú trọng đến khai thác yếu tố tự nhiên, địa hình, địa lý. Do vậy, có thể kết hợp giới thiệu với du khách những điểm tham quan gắn văn hóa truyền thống với các điểm thiên nhiên độc đáo để làm phong phú hơn các tour du lịch.

Bên cạnh đó, cũng có thể mở riêng các tour du lịch về khoa học. Loại hình này kết hợp tham quan với nghiên cứu chuyên sâu về các hiện tượng tự nhiên nên có thể mời chuyên gia cùng tham gia hướng dẫn. “Không chỉ mang lại lợi nhuận cho ngành du lịch mà những khám phá, nghiên cứu sẽ mang đến nhiều kiến thức, phát hiện mới cho nhân loại. Đây cũng là một lời giải cho bài toán cân bằng giữa phát triển và bảo vệ tự nhiên” - ông Dũng nhận định.

__________________________________________________________________________

Ý tưởng cần được phát triển

TS Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng đây là ý tưởng rất hay vì đã đề cập một dạng tài nguyên mới là tài nguyên địa lý, địa danh kỳ thú. Những địa điểm mà kỹ sư Doãn Mạnh Dũng nêu ra rất thú vị và Bộ Khoa học - Công nghệ nên lập danh mục nghiên cứu. Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và phát triển ý tưởng này để khai thác những lợi thế về du lịch, dịch vụ.