Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM CẬN ĐẠI Nhà báo Nga và hành trình tìm tên cho những chiến sĩ Hồng quân người Việt - 2
Nhà báo Nga và hành trình tìm tên cho những chiến sĩ Hồng quân người Việt - 2 PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 07:32
Chỉ mục bài viết
Nhà báo Nga và hành trình tìm tên cho những chiến sĩ Hồng quân người Việt
2
Tất cả các trang
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có rất nhiều người khi nghe thông tin này đã đặt câu hỏi những người đó là ai? Họ đến Liên Xô đế làm gì và như thế nào, bằng con đường nào? Họ ở đâu? Trẻ hay già? Nam hay nữ? Và tôi mong rằng ông sẽ hé lộ bí mật bấy lâu nay nhiều người chưa biết tới.
http://www.tuanvietnam.net/assets/images/IMG1184.jpgNhà báo Aleksei Syunnenberg: Chúng tôi đã động viên các cán bộ lão thành của Quốc tế Cộng sản, nhân viên các viện bảo tàng, thư viện, các cựu chiến binh của cuộc chiến tranh bảo vệ Mátxcơva. Tất nhiên chúng tôi động viên cả những người là hội viên của Hội Xô - Việt hữu nghị và Việt - Xô hữu nghị liên kết với chúng tôi. Có hai nhà Việt Nam học ở Mátxcơva cũng quan tâm đến vấn đề này là Kôbêlếp - tác giả một cuốn sách về Hồ Chí Minh và Xác-ca-lô chuyên về những người Việt Nam tại trường Đại học dành cho những người lao động phương Đông tại Mátxcơva.
Kết quả là chúng tôi được biết là, năm 1926 Bác Hồ ở Quảng Đông, Trung Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản đã tổ chức một nhóm thiếu nhi Việt Nam tuổi từ 12 - 17. Năm ấy Bác đã gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đề nghị nhận nhóm thiếu nhi này đến học tập ở Mátxcơva. Mátxcơva đồng ý và Bác đã lên kế hoạch chuẩn bị gửi họ sang Mátxcơva.
Con đường của họ từ Quảng Đông đến Mátxcơva khá dài. Như chúng tôi biết những thiếu nhi Việt Nam ấy đến Mátxcơva vào đầu những năm 1930. Rất tiếc là đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa rõ trong nhóm có bao nhiêu người? Có những nguồn tin khác nhau: một nguồn tin bảo có 8 người, nguồn khác nói có 10 người, nguồn khác lại là 11 người, chưa xác định cụ thể. Nhưng chắc chắn là trong nhóm này không chỉ có thiếu nhi mà còn có một người lớn tuổi hơn để giúp các em trên con đường dài 5 năm từ Quảng Đông đến Mátxcơva. Từ khi Bác Hồ gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đến khi họ đến được Mátxcơva là 5 năm.
Sau khi nhóm này đến Mátxcơva, các cơ quan của Liên Xô tổ chức cho họ học tiếng Nga, học phổ thông sau đó làm việc ở Mátxcơva. Tôi đã gặp một số công nhân lão thành của một nhà máy ôtô vận tải và một nhà máy cơ khí ở Mátxcơva kết nghĩa với nhà máy cơ khí số 1 ở Hà Nội. Tại hai nhà máy này thời những năm 1930 đã có công nhân Việt Nam, đó là những người trong nhóm mà Bác Hồ đã gửi từ Quảng Đông qua Mátxcơva.
Trong những 1930 ở Mátxcơva, những thiếu nhi này không phải là những người Việt Nam duy nhất, vì hồi ấy Quốc tế Cộng sản có một hệ thống giáo dục trong đó có một trường Đại học dành cho những người lao động phương Đông, và một số trường Đại học, trung học quân sự. Đồng chí Lê Hồng Phong đã học phi công ở một trường đại học quân sự năm 1928. Cho nên tôi thường nói đồng chí Lê Hồng Phong là phi công đầu tiên của Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô. Sau đó đồng chí Lê Hồng Phong đi học tại trường đại học dành cho những người lao động Phương Đông. Những năm 1930 ở Mátxcơva còn có Bác Hồ, Nguyễn Thị Minh Khai và một số lãnh đạo sau này của Việt Nam đều là học trò của hệ thống giáo dục của Quốc tế Cộng sản. Họ cũng quan tâm tới nhóm thiếu nhi Việt Nam. Nhưng đến những năm 1940 hệ thống này đóng cửa. Hầu hết người Việt Nam lớn tuổi đều về nước, chỉ còn nhóm thanh niên đến từ Quảng Đông là ở lại.
Khi Đức tấn công vào Liên Xô, quân đội phát-xít rất mạnh với khoảng 2 triệu người, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay. Máy bay Đức một ngày bay mấy vòng oanh tạc  Mátxcơva. 4 ngày sau đó, Mátxcơva tổ chức một lữ đoàn cơ động đặc nhiệm. Trong lữ đoàn này có hai trung đoàn, một là trung đoàn của những người thể thao, hai là trung đoàn quốc tế. Trung đoàn quốc tế gồm 2.000 người, là những người Cộng sản của Bulgary, Séc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp... và có 6 người Việt Nam tình nguyện tham gia.
Đầu mùa thu năm 1941, các chiến sĩ của lữ đoàn OMSBON này đã chiến đấu với phát-xít để ngăn chúng vào thủ đô Mátxcơva. Ngày 7/11/1941, lữ đoàn này đã đi qua Hồng trường nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 10 rồi ra mặt trận chiến đấu chống phát-xít.
Tôi đã may mắn gặp được đồng chí Aleksandr Kazitshki, cũng là chiến sĩ của lữ đoàn này. Ông kể là đã làm quen với chiến sĩ Việt Nam trên mặt trận ngoại ô Mátxcơva. Ông nhấn mạnh: đã mấy lần nói chuyện với họ, họ nói tiếng Nga rất thạo và đã cùng nhau hát bài tiếng Nga, họ bắn vào kẻ thù rất giỏi và tiêu diệt rất nhiều quân phát-xít. Mùng 5 tháng Chạp năm 1941, Hồng quân tấn công vào quân đội phát-xít ở ngoại ô Mátxcơva. Trận đánh rất ác liệt, có khoảng nửa triệu quân phát-xít bị tiêu diệt nhưng Hồng quân cũng tổn thất lớn. Ông Kazitshki cho biết có 3 chiến sĩ người Việt Nam đã hi sinh.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Và ông đã tìm được tên tuổi của 3 người hi sinh đó?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Chúng tôi đã tìm thấy một số tài liệu về những người Việt Nam tham gia lữ đoàn đó bảo vệ Mátxcơva. Tôi xin nhấn mạnh rằng, tham gia lữ đoàn này có 6 người Việt Nam, 3 người đã hi sinh ở ngoại ô Mátxcơva. Chúng tôi đã xác định tên của họ: một là đồng chí Lý Nam Thanh, tên do chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, thật là Nguyễn Sinh Khang, sinh năm 1908 tại Làng Sen - tổng Kim Liên; hai là Lý Anh Tạo, tên thật là Hoàng Anh Tô, sinh năm 1912 cũng ở tổng Kim Liên; ba là Lý Thúc Chất, tên thật là Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên.
Trong chuyến đi Mátxcơva có một người lớn tuổi là Vương Thúc Tình sinh ở tổng Kim Liên. Năm 1925 ông gia nhập Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sỹ. Về cái chết của Vương Thúc Tình, tôi giả thiết rằng cũng giống như hàng loạt các nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng. Theo qui định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân địch ở ngoại ô Mátxcơva, Vương Thúc Tình được gửi về nước. Nhiệm vụ được giao là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng trong nước để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Về 3 người đã hi sinh đã được xác định tên tuổi, phần mộ của họ thì sao? Ông có tìm thấy nơi họ được chôn cất không?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Không, vì cuộc chiến ở ngoại ô Mátxcơva rất ác liệt, có hàng trăm nghìn chiến sĩ Hồng quân đã hi sinh, có rất nhiều ngôi mộ vô danh. Có lẽ mộ các chiến sĩ Việt Nam nằm trong số mộ các chiến sĩ vô danh.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trong nghiên cứu của mình ông có bao giờ đi tìm thân nhân của 3 chiến sĩ hi sinh ở ngoại ô Mátxcơva chưa? Chắc chắn họ có người thân ở Việt Nam, ở tổng Kim Liên? Đó là những người được Chủ tịch HCM dẫn dắt, đào tạo và gửi sang Liên Xô để học tập. Ông có tư liệu gì, thông tin gì về gia đình của họ không?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Như tôi đã nói, Ban tiếng Việt chúng tôi không phải là cơ quan duy nhất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi có liên kết với đại diện của một số cơ quan khác nữa. Căn cứ vào những tư liệu chúng tôi đã sưu tập, vào cuối năm 1985 Hội đồng Xô Viết tối cao Liên Xô đã truy tặng huân chương chiến tranh Vệ quốc hạng nhất cho 4 người Việt Nam này. Hồi đấy, Đại hội ĐCS Việt Nam cũng có đoàn đại biểu của TƯ ĐCS Liên Xô đến dự, đoàn này đã trao những huân chương cho gia đình của 4 người Việt Nam hi sinh (tức là 3 đồng chí hi sinh ở ngoại ô Mátxcơva và đồng chí bị bắn chết ở Trung Quốc).
Nhưng trong lữ đoàn có 6 người Việt Nam, chúng tôi mới xác định tên của 4 người, còn hai người kia vẫn còn vô danh. Theo tôi, dứt khoát phải xác định tất cả những người Việt Nam đã chiến đấu chống phát-xít trên mảnh đất Liên Xô.
Đi tìm tên cho những chiến sĩ vô danh
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trong tất cả các tài liệu, nghiên cứu của ông, hai người đó là như thế nào?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Có lẽ hai người đó cũng thuộc nhóm thiếu nhi Việt Nam từ Quảng Đông được Hồ Chí Minh gửi sang Mátxcơva. Nếu vậy thì đó là đồng chí Lý Văn Minh và Lý Chí Trọng. Nhưng cũng có thể đó là hai người hoàn toàn khác vì có một số người Việt Nam sang Mátxcơva và học tại trường Đại học của Quốc tế Cộng sản nhưng vì lý do sức khỏe nên không được gia nhập quân đội.
Có một đồng chí tên Shanvo, đây không phải là tên thật và tên tiếng Việt mà là bí danh; và một người khác là Soloviev, người thứ ba là Linkor. Đến giờ chúng tôi vẫn chưa tìm được tên thật của ba người đó nhưng chắc chắn đó là người Việt Nam. Những người ấy ở Mátxcơva khi phát-xít xâm lược Liên Xô, họ có thể đã gia nhập lữ đoàn OMSBON.
Đồng thời có hai người Việt Nam nữa, sau khi đóng cửa hệ thống giáo dục của Quốc tế Cộng sản, là hai sinh viên cuối cùng được chuyển vào làm tại Uỷ ban giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng thế giới. Họ có tên là Claud Jean và Shan Pe-ton. Tên thật của Claud Jean là Trần Phương Đôn sinh năm 1902 tại Hải Phòng. Người thứ hai tên thật là Nguyễn Văn Nêm, sinh năm 1913 tại Bắc Bộ. Chúng tôi đã sưu tầm các chi tiết về tiểu sử hai người này, hy vọng phía Việt Nam sẽ giúp đỡ tìm kiếm.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Năm nay ông đã 65 tuổi, ông có định tiếp tục cuộc hành trình đi tìm sự thật về hai Hồng quân người Việt còn lại trong trung đoàn quốc tế ấy? Ông đã thông báo, liên lạc hay làm việc với cơ quan chức năng nào ở Việt Nam về vấn đề này chưa?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Tất nhiên tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc tìm kiếm này vì mục đích của chúng ta là biết rõ tên của mỗi một con người đã chiến đấu chống lại phát-xít. Đặc biệt là trong năm nay, năm kỉ niệm chiến thắng của Liên Xô, chiến thắng của những người yêu nước Việt Nam và kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Và con trai của ông, người đã kế tục ông nghiên cứu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, anh ấy có nghĩ rằng nếu trong cuộc đời ông, ông chưa tìm được câu trả lời về hai Hồng quân người Việt đó thì anh ấy có thể tiếp tục không?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Vâng, tôi rất hy vọng là Makxim sẽ tiếp tục con đường này.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi sẽ cố gắng thông qua báo của chúng tôi tìm thêm thông tin liên quan đến hai Hồng quân người Việt này. Ông đã bao giờ tiếp xúc với thân nhân của ba người đã hi sinh ở Mátxcơva?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Không, mỗi lần sang Việt Nam của tôi đều là ngắn hạn nên nhiệm vụ này giao cho các đồng nghiệp của tôi.
http://www.tuanvietnam.net/assets/images/P5070770.JPG


Ngày chiến thắng phát-xít năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (tóc bạc) cùng chị Lý Thị Phương - con gái ông Lý Phú San (ngoài cùng bên phải), con trai chị - cháu ruột ông San, và một số người bạn đến nghĩa trang ngoại ô Mátxcơva viếng mộ ông San. Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng gửi

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đã có ai trong số những thân nhân đó sang Mátxcơva và đến vùng ngoại ô, nơi người nhân của họ đã cùng Hồng quân Liên Xô chống lại phát-xít Đức chưa?
Nhà báo Aleksei Syunnenberg: Theo tôi biết, có một người tham gia bảo vệ Mátxcơva nhưng không phải là Hồng quân và con gái của người đó đã đến Mátxcơva. Ông tên là Lý Phú San, tên thật là Lê Tư Lạc hoặc là Lê Phan Chấn. Vì lý do sức khỏe nên không được nhận vào Hồng quân, ông ấy phục vụ các chiến sỹ bị thương tại một bệnh viện quân sự. Sau khi phát-xít Đức bị đập tan, ông Lý Phú San chuyển về cũng Urao để tham gia xây dựng nhà máy, vì đa số nhà máy của Liên Xô ở phía Tây đều bị phát-xít tàn phá. Đất nước chúng tôi xây dựng nền công nghiệp mới ở Urao. Ông Lý Phú San làm việc tại một số nhà máy, sau đó làm giám đốc. Năm 1945, ông được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng huy chương vì lao động quên mình trong thời kì chiến tranh chống phát-xít Đức. Năm 1956, ông trở về Việt Nam.
Ông có một người con gái học tập tại Liên Xô, tại Mátxcơva. Năm 1980, ông Lý Phú San qua đời. Mấy năm trước, con gái ông hiện sống ở Mátxcơva đã cải táng và mang di cốt của ông về chôn cất tại thủ đô Nga.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa bạn đọc, tôi tin rằng tất cả những chiến sĩ Hồng quân người Việt trong cuộc chiến tranh hồi đó đã đi vào lịch sử của Hồng quân Liên Xô, lịch sử của nhân dân Việt Nam và lịch sử của nhân dân thế giới trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát-xít. Hành trình đi tìm những người còn lại sẽ còn rất dài và vất vả, nhưng tâm huyết của ông Aleksei, ý thức của Ban tiếng Việt Đài tiếng nói nước Nga, sự nhớ ơn của nhân dân Liên Xô đối với những người hi sinh sẽ có thể cho chúng ta một niềm vui, nguồn động viên, nguồn lực để tiếp tục hành trình này. Nếu người cha Aleksei chưa tìm được sự thật về những chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại thì con ông là tiến sĩ Makxim sẽ tiếp tục, những người khác sẽ tiếp tục đi tìm những giá trị thực của con người, của dân tộc, của lịch sử. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh của tất cả các thế hệ. Chúng ta phải đi đến cùng của sự thật.
Câu chuyện của chúng ta còn rất dài nhưng ông Alex còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi muốn mời ông đến đây để bày tỏ tình cảm của người Việt Nam đối với công việc ông đã và đang làm. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta ý thức được rằng chúng ta làm điều đó với một sự trong sáng, khát vọng, tình yêu, sự biết ơn. Một lần nữa xin cám ơn ông Aleksei và những người thân của ông, Ban tiếng Việt Đài tiếng nói nước Nga. Chúc ông sẽ có những ngày tuyệt đẹp ở đây và hi vọng ông sẽ còn quay trở lại Việt Nam.

http://www.tuanvietnam.net



 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học